Mất nguồn cung cấp chip bán dẫn, con đường bành trướng của Huawei buộc phải kết thúc
Ngày 15/9 là ngày đầu tiên Huawei bị cắt đứt nguồn cung cấp chip bán dẫn. Chính phủ Hoa Kỳ cấm các nhà sản xuất toàn cầu bán chip sử dụng thiết bị của Hoa Kỳ sản xuất hoặc phần mềm và công nghệ của Hoa Kỳ cho Huawei của Trung Quốc. Nếu các nhà sản xuất muốn cung cấp cho Huawei, thì trước tiên họ cần phải có giấy phép của Hoa Kỳ. Ngay sau khi lệnh cấm được ban hành, ngay cả SMIC của Trung Quốc cũng nói rằng họ không thể giúp gì được. BBC cho rằng, theo nhiều nhà phân tích thì lệnh cấm này mạnh đến mức tuy không tuyên án Huawei tội tử hình, nhưng cũng tương đương với khai tử từ từ.
Huawei thuộc về ai?
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 15/1/2019, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cho biết, ông nắm giữ 1.14% tổng số cổ phần tại Huawei, do đó, quyền sở hữu Huawei thuộc sở hữu của hơn 96,000 nhân viên trong công ty. Báo cáo thường niên cũng khẳng định: Huawei là công ty tư nhân do nhân viên sở hữu 100%, nhưng Huawei có thực sự là công ty tư nhân do nhân viên làm chủ?
Đầu tiên, chúng ta phải giải thích hai sự thật cơ bản về Huawei: Thứ nhất, Huawei không phải là công ty niêm yết, và các thông tin quan trọng bao gồm nguồn vốn và cơ cấu cổ phần chưa bao giờ được tiết lộ.
Thứ hai, trong thông tin kinh doanh công khai của Huawei, chỉ có hai cổ đông, một là cổ đông cá nhân độc lập Nhậm Chính Phi, và cổ đông còn lại là pháp nhân – Công đoàn Huawei.
Vốn chủ sở hữu do nhân viên Huawei nắm giữ sau đó được gọi là “quyền” để nhận lợi tức, và không liên quan đến quyền sở hữu. Huawei có quyền thu hồi cổ phiếu của nhân viên bất kỳ lúc nào. Do đó cách nói “Huawei là một doanh nghiệp tư nhân do tất cả nhân viên nắm giữ cổ phần” trên thực tế là chiêu bài đánh lừa cộng đồng quốc tế để dễ dàng bành trướng ra nước ngoài.
Huawei nổi lên như thế nào?
Năm 1992, những công ty nước ngoài khổng lồ như Alcatel, Lucent, và Nortel đã kiểm soát thị trường nội địa, Nhậm Chính Phi đã chọn chiến lược bán hàng mà sau này được gọi là “nông thôn bao vây thành phố” – Huawei trước tiên chiếm lĩnh thị trường nông thôn rộng lớn, nơi các công ty viễn thông quốc tế khổng lồ không thể thâm nhập. Do ngành sản xuất thiết bị viễn thông có yêu cầu cao về dịch vụ sau bán hàng nên rất cần nhiều nhân lực và vật lực. Vào thời điểm đó, các công ty viễn thông quốc tế không đáp ứng được nhu cầu này của thị trường. Bên cạnh đó, do sức mua của thị trường nông thôn còn hạn chế, nên giá sản phẩm ngoại dù có giảm mạnh thì vẫn khó cạnh tranh; do đó các ông lớn viễn thông quốc tế về cơ bản đã từ bỏ thị trường nông thôn. Tận dụng cơ hội này, Huawei đạt được sự phát triển nhanh chóng.
Năm 1996, Huawei tiếp tục theo cách như trên để “len lỏi” trên phạm vi toàn cầu, từng bước xâm chiếm thị trường của các công ty viễn thông ở châu u và châu Mỹ. Huawei liên tiếp giành được lượng lớn các hợp đồng viễn thông ở Pháp, Đức, và Đông u. Huawei đại chiến với Lucent tại Trung Á, rồi lần lượt quét sạch thị trường của các quốc gia có tên tận cùng bằng “istan” (như Uzbekistan, Tajikistan, …). Hiện tại, đội quân bán hàng của họ đã thâm nhập sâu vào khu rừng rậm Nam Mỹ và sa mạc châu Phi, từng bước chiếm lĩnh các thị trường. Tờ Financial Times của Anh đã thốt lên rằng Huawei của Trung Quốc đang viết lại các quy tắc sống còn của ngành viễn thông toàn cầu.
Sau năm 2000, Trung Quốc gia nhập WTO. Tại thời điểm này, Huawei đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú, có khả năng đặc biệt trong việc tiết kiệm tiền và xây dựng mạng lưới truyền thông “hiệu quả về chi phí”. Kinh nghiệm của Huawei là thiết bị được sản xuất trong nước càng nhiều càng tốt. Đối với các thành phần cốt lõi không cách nào sản xuất được trong nước như chip, thì có thể mua từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia khác thông qua phương thức mua sắm tập trung, đây cũng là một cách tốt để giảm tối đa chi phí.
Tuy nhiên, Huawei sau đó bị nghi ngờ rằng từ cuối những năm 1990: Huawei bắt đầu ăn cắp kỹ thuật nòng cốt và bí mật thương mại của Northern Telecom Limited – một công ty rất lớn của Canada. Theo tin của tờ Bưu điện Quốc gia Canada, Northern Telecom đã bị tin tặc Trung Quốc tấn công; hàng trăm tài liệu nội bộ nhạy cảm bị đánh cắp. Một số chuyên gia an ninh mạng và cựu nhân viên Northern Telecom cũng tiết lộ trên các mạng xã hội rằng họ luôn nghi ngờ về sự sụp đổ của Northern Telecom; ít nhất một phần là do tài sản trí tuệ của công ty bị ăn trộm. Cùng thời điểm đó, Huawei nhanh chóng nổi lên trong ngành viễn thông. Hành vi ăn cắp công nghệ của người khác để tiết kiệm chi phí nghiên cứu và phát triển, làm giảm giá cả thị trường là một hành vi bất hợp pháp vô cùng bất chính và phi đạo đức.
Vũ khí để mở rộng trên toàn cầu – xuất khẩu tín dụng
Trong hơn một thập kỷ qua, trong các tuyên truyền dư luận ở Trung Quốc đại lục, Huawei được miêu tả là “sản phẩm tốt và giá rẻ”. Tuy nhiên, sau khi Hoa Kỳ ban hành lệnh cấm, thì danh hiệu “sản phẩm tốt” không còn ý nghĩa.
Việc mở rộng ra nước ngoài của Huawei là dựa vào ưu thế chi phí và giá cả. Bên cạnh đó, cám dỗ lớn nhất khác đối với khách hàng ở nước ngoài là Huawei có thể cung cấp dịch vụ “xuất khẩu tín dụng”.
Phương thức Huawei thu hút khách hàng nước ngoài mua sản phẩm là không yêu cầu trả tiền rồi mới nhận hàng; Huawei có thể thay mặt Trung Cộng, cho khách hàng vay món lớn, lãi suất thấp và dài hạn. Điều đó có nghĩa là, Huawei sẽ chi trả cho việc xây dựng toàn bộ mạng lưới thông tin, và thậm chí cả công nhân có thể là do Huawei tuyển dụng từ Trung Quốc. Đối với quốc gia có dự án, thì họ không phải bỏ vốn, không bị chiếm dụng tài nguyên, thậm chí không cần tuyển dụng nhân lực làm được việc. Việc mở rộng nhanh chóng của Huawei là một điều tất yếu.
Tháng 1/2014, trang Caixin.com đưa tin, Huawei chiếm được thị trường viễn thông châu Phi dựa vào giá rẻ, và điều quan trọng nhất là các ngân hàng Trung Quốc có thể cung cấp tài chính. Trong quá trình mở rộng toàn cầu của họ, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đóng vai trò quan trọng. Huawei ký hợp đồng mua bán với khách hàng ở nước ngoài; khách hàng ở nước ngoài sử dụng khoản vay của “Ngân hàng Phát triển Trung Quốc” để thanh toán trực tiếp cho các đơn đặt hàng – nghĩa là vay tiền Trung Quốc để mua hàng hóa Trung Quốc. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc chịu mọi rủi ro, bao gồm cả việc trong tương lai có thu hồi được vốn không.
Cái giá để đánh đổi việc khuếch trương với chi phí thấp của Huawei là các ngân hàng chính sách của Trung Cộng mất đi nhiều khoản cho vay khổng lồ. Nói cách khác, toàn thể người dân Trung Quốc đang gồng mình chi trả cho dã tâm của Trung Cộng và để Huawei có lợi nhuận.
Huawei là tổ chức của Trung Cộng dưới tên gọi doanh nghiệp tư nhân
Năm 2004, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho Huawei vay 10 tỷ USD. Đây quả thực là một kỳ tích. Vào thời điểm đó, Huawei là “doanh nghiệp tư nhân” duy nhất có thể nhận được tiền từ các ngân hàng chính sách như ngân hàng này. Thậm chí đến năm 2016, số tiền ngân hàng này cho Huawei vay đã lên tới 30 tỷ USD.
Luôn có một câu nói trong nội bộ Huawei rằng “tả Phi hữu Phương” – điều này ám chỉ hai người ra quyết định của Huawei – chủ tịch đương nhiệm Nhậm Chính Phi và nữ chủ tịch mới nghỉ hưu Tôn Á Phương. Theo báo cáo điều tra của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đối với Quốc hội năm 2008, hai người này có lai lịch rất đặc biệt.
Sau 14 năm làm việc tại bộ phận kỹ thuật quân đội của Trung Cộng, ông Nhậm nghỉ hưu với tư cách là cán bộ cấp trung đoàn và thành lập Huawei ở tuổi 43 vào năm 1987. Dựa vào thế lực của cha vợ là Mạnh Đông Ba, phó chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên, ông Nhậm đã giành được một thị trường khổng lồ cho các thiết bị chuyển mạch điện tử ở quân khu Tây Nam của Trung Cộng, đặt nền móng cho công ty trở thành một “đế quốc viễn thông”. Theo bản tin ngày 9/12/2018 của tờ Sankei Shimbun (Tokyo Daily), trước kia khi còn trong quân đội của Trung Cộng, ông Nhậm được đào tạo thu thập thông tin tình báo, từng là kỹ sư thông tin trong quân đội.
Còn bà Tôn Á Phương, sau khi tốt nghiệp đại học, từng làm việc nhiều năm trong lĩnh vực truyền thông của Bộ An ninh Quốc gia Trung Cộng. Dưới sự sắp xếp của Bộ Công an, Tôn Á Phương gia nhập Huawei năm 1992, thực tế chịu trách nhiệm về nghiệp vụ kinh doanh với chính phủ và quân đội các nước. Các nhân viên từng làm việc ở công ty này tiết lộ, nội bộ của công ty này vận hành giống như cơ cấu của đặc vụ. Hoạt động kinh doanh, điều động nhân sự đều nghe theo lệnh của chính phủ Trung Cộng, và cung cấp cho quân đội Trung Cộng một đội quân chiến tranh mạng tinh nhuệ.
Tháng 10/2011, một báo cáo điều tra công khai của CIA cho thấy, trong 3 năm qua Huawei nhận được 228 triệu USD tiền tài trợ từ chính quyền Trung Cộng, để cung cấp đội ngũ tình báo giống như KGB (Cơ quan đặc vụ của Liên Xô cũ) cho Trung Cộng.
Lý do chủ yếu khiến Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và CIA điều tra chi tiết về công ty này là vì Huawei đã 5 lần cố gắng thâu tóm các công ty viễn thông quy mô lớn như 3 Leaf và bộ phận mạng của Motorola… nhưng bị phát hiện là đã hợp tác cực kỳ thân thiết với quân đội và bộ phận an ninh quốc gia Trung Cộng; ngay cả tất cả các hợp đồng thời đầu khởi nghiệp của Huawei đều đến từ các công ty có vốn Trung Quốc đặt ở Hồng Kông do quân đội kiểm soát; quân đội Trung Cộng đã cung cấp miễn phí cho công ty này các công nghệ quan trọng trong một thời gian dài, và họ đã ký một số dự án hợp tác dài hạn với quân đội.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã bác bỏ các thương vụ thâu tóm sáp nhập này của Huawei.
Theo một báo cáo của Hội đồng Liên bang Hoa Kỳ năm 2012, Huawei có thể đã liên quan đến các hoạt động gián điệp đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Trong báo cáo, phần liên quan tới ông Nhậm dài tới 52 trang.
Những khách hàng đầu tiên của Huawei chủ yếu là các chính phủ, dựa vào việc giám sát người dân để phát triển
Cuối những năm 1990, thông tin tự do nổi lên trên Internet là mối đe dọa đối với sự cai trị của Trung Cộng. Đặc biệt sau khi Giang Trạch Dân bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công năm 1999, phong tỏa thông tin sự thật về Pháp Luân Công đã trở thành nhu cầu hàng đầu của chính quyền Giang Trạch Dân. Do đó, Trung Cộng nhanh chóng phát triển xây dựng “Phòng hỏa Trường Thành” (Great Firewall) đầu những năm 2000, sau đó là “Công trình Kim Thuẫn” (lá chắn vàng) do Bộ Công an chủ trì.
Chức năng chính của Bức Tường Lửa và Kim Thuẫn là giám sát và ngăn chặn thông tin trong và ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, dù là việc bố trí Tường Lửa hay Kim Thuẫn, Huawei – với tư cách là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn do Trung Cộng kiểm soát – đã cung cấp hỗ trợ cho họ những thiết bị chính.
Có thể nói, công ty viễn thông phát triển thần tốc đứng thứ hai thế giới Huawei đã “trưởng thành”cùng với sự phát triển của Bức Tường Lửa và Dự án Lá chắn Vàng.
Ngày 18/12/2018, một bài báo trên tờ Financial Times tiết lộ, ông Nhậm có sự ủng hộ của Giang Trạch Dân. Năm 1994, ông ta có báo cáo với Giang Trạch Dân khi đó là lãnh đạo Trung Cộng và chủ tịch nước. Khi Huawei đang phát triển nhanh chóng, quân đội và an ninh quốc gia Trung Cộng đều do thế lực của Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng kiểm soát.
Huawei thực sự là một cơ cấu chính thức của Trung Cộng dưới lớp vỏ doanh nghiệp tư nhân, tham gia vào dự án giám sát toàn quốc của Bộ Công an Trung Cộng, đánh cắp thông tin tình báo hải ngoại, xuất khẩu giám sát mạng ra thế giới.
Do đó, không phải vô cớ mà ngày nay, con đường bành trướng của Huawei đang phải đối mặt với sự sụp đổ.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.