Màu sắc rực rỡ trong tranh thêu 3D của nghệ sĩ mắc chứng tự kỷ
Lấy cảm hứng từ những quang cảnh nhìn từ trên cao, một nghệ sĩ thêu thủ công đã sáng tạo nên những bức tranh thêu 3D đầy màu sắc vùng nông thôn Anh quốc tuyệt đẹp nơi cô cư ngụ. Các tác phẩm tỉ mỉ của cô mô tả những cánh đồng xanh mướt được bao phủ bởi những dòng nước xanh, một số bức tranh có những ngôi nhà bé nhỏ điểm xuyết bóng hình cư dân, những tác phẩm khác có cây cối và núi đồi được khắc họa sống động.
Cô Victoria Rose Richards, 23 tuổi, ngụ ở vùng Tây Nam Devon, Anh quốc, là nghệ sĩ sáng tạo những bức tranh thêu này. Cô được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ năm 14 tuổi, sau đó cô lại tiếp tục được chẩn đoán mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, nhưng cô Victoria đã tìm thấy niềm an ủi và niềm hạnh phúc với nghề nghiệp của mình.
Lần đầu tiên cô Victoria bén duyên với tranh thêu là vào mùa thu năm 2018, và mùa hè năm sau, cô đã phát triển nghề nghiệp với tranh thêu 3D phong cảnh nhìn từ trên không. Màu xanh lá cây nhanh chóng trở thành màu yêu thích của cô.
Cô Victoria chia sẻ với The Epoch Times rằng, “Tôi đang tạo ra một ‘dải màu,’ trong đó tôi vẽ phong cảnh với từng sắc độ của bảng màu và lấy màu xanh lá cây làm chủ đạo. Khi tôi đến cửa sổ, ngắm nhìn những cánh đồng và rừng cây ở phía đối diện, tôi nhận ra rằng từ trên cao nhìn xuống, chúng sẽ có màu xanh lá cây, và tôi đã phác thảo được bức tranh đầu tiên của mình. Tôi rất yêu thích khung cảnh này.”
Theo thời gian, cô Victoria – người có bằng về sinh thái và sinh học biển – đã tự sáng tác nhiều mũi thêu để thể hiện những họa tiết giống như thật. Giải thích chi tiết về quá trình sáng tạo của mình, cô cho biết sau khi phác thảo căn bản trên một tấm vải nỉ, cô sẽ thêu các cụm nút thắt kiểu Pháp cho cây cối và bụi rậm, trong khi những mũi thêu thẳng, dài tượng trưng cho đồng ruộng và hồ nước.
Trong các tác phẩm gần đây, cô Victoria thậm chí đã thêu cả những chiếc xe hơi nhỏ, gia súc, những người đi bộ đường dài, những loài hoa dại, những ngôi nhà nông thôn, và những người bơi lội ngoài khơi vùng biển Devon bằng những mũi thêu móc đơn.
Cô giải thích: “Tôi sống giữa những dòng sông, cánh đồng, rừng cây, và đồng hoang, và tôi thích ngắm nhìn thiên nhiên xung quanh mình để tìm kiếm những ý tưởng sáng tác.”
Khung cảnh truyền cảm hứng cho cô Victoria cũng thu hút nhiều người mua tác phẩm của cô. Cô kể rằng nhiều khách hàng chia sẻ về cảm giác “hoài cổ” và “mộc mạc” khi chứng kiến công việc của cô. Một số người nói rằng họ “đã nhớ về trang trại của ông bà mình” hoặc về một “nơi nào đó họ từng đi cắm trại với bạn bè hoặc gia đình,” và điều đó khiến họ rất hạnh phúc khi ngắm nhìn những bức tranh của cô Victoria.
Thêu tranh đã trở thành lối thoát cho Victoria bởi cô đã phải chật vật để hòa nhập với cuộc sống sau khi được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ ở tuổi 14.
Cô Victoria nghi ngờ mình có thể mắc chứng tự kỷ sau khi nhận thấy những điểm tương đồng giữa mình và anh chị em của một người bạn mắc chứng bệnh này. Tuy vậy, cô đã phải xoay sở với sự thiếu tự tin và xấu hổ khi nhận thấy những hoạt động “bình thường” đối với một trẻ em ở độ tuổi thanh thiếu niên lại khó khăn đối với cô, chẳng hạn như giao tiếp xã hội, những âm thanh ồn ã, các cuộc trò chuyện và giao tiếp với bạn bè trong lớp học.
Cô Victoria học giỏi tất cả các môn học và cô đã theo học tại Đại học Exeter, nơi cô sống độc lập trong khuôn viên trường trong ba năm tiếp theo. Tận hưởng sự độc lập này, cô vượt qua những trở ngại và bắt tay thực hiện những việc mà cô từng cho rằng mình không thể làm được.
“Tôi ngày càng cảm thấy thoải mái hơn, và không còn coi căn bệnh tự kỷ là một trở ngại như tôi đã học ở trường,” cô giải thích. “Tôi nghĩ rằng sự hoài nghi và thất vọng với bản thân không phải lúc nào cũng do tình trạng bệnh, mà có thể là do ảnh hưởng của môi trường.”
“Chứng tự kỷ của tôi không biến mất hoặc không thay đổi,” cô cho hay. “Độ nhạy cảm của tôi không hề giảm. Tôi chỉ đang ở trong một môi trường khác biệt, tôi không có mục đích kiểm tra ranh giới của mình và tôi cảm thấy mình có thể chủ động nhiều hơn mà không cần ai phán xét. Hoặc ít ra là tôi không cần quan tâm đến những lời phán xét!”
Cô Victoria tự nhận mình là một nghệ sĩ toàn thời gian, nhưng cô cũng nuôi hy vọng sớm bắt tay vào sự nghiệp trong ngành sinh học biển. Hiện tại, cô đang chú tâm hoàn thiện nghề của mình; cô nói rằng việc nhận thấy những “sai lầm nhỏ” trong quá khứ chỉ đơn giản là một dấu hiệu tốt cho thấy bản thân cô đã học hỏi và tiến bộ hơn.
“Đừng để lỗ hổng kiến thức ngăn cản bạn!” cô Victoria bộc bạch. “Khi tôi mới bắt đầu, tôi không biết gì về thêu thùa may vá, nhưng trải qua quá trình liên tục làm thử và liên tục mắc sai lầm, tôi đã học được nhiều điều một cách tự nhiên.”
Cô nói: “Nghề mỹ nghệ khiến tôi thực sự hạnh phúc, và nếu trước đây tôi quyết định không dấn thân chỉ vì không biết gì về thêu thùa, thì có lẽ tôi đã bỏ lỡ trải nghiệm này. Và tôi tin chắc rằng cuộc sống của mình sẽ vơi bớt sắc màu nếu tôi quyết định như thế.”
Cô Victoria chia sẻ công việc chế tác, và bán các tác phẩm nghệ thuật của mình thông qua Instagram, Etsy, và trang web của cô.
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại địa chỉ [email protected] và tiếp tục đón nhận nguồn cảm hứng hàng ngày bằng cách ghi danh nhận bản tin tại TheEpochTimes.com/newsletter