Mấy bài thi ca Tàu dịch nôm của một văn-nhân vô-danh
Nhân soạn một tập sách cổ tên đề là Thi văn tạp lục, thấy có mấy dòng chữ nôm. Giở đi giở lại, giấy tờ tuy đã bở mục nhưng dòng chữ còn nguyên lành mà nét chữ lại có vẻ xưa xưa; tôi bèn để ý xem kỹ, thấy có hai bài văn nôm viết thể song thất lục bát, là một thể văn nôm đặc. Xem kỹ ra, một bài là bài dịch bài ca chính khí của văn Thiên Tường cuối đời Tống ; một bài dịch bốn bài Tứ thời độc thư lạc ca Chu Hi cũng đời Tống. Tiếc rằng bài chữ Hán thì đọc lên biết rõ ngay tên tác giả, như thế mà bản dịch thì không hiểu của cụ tiền bối Việt Nam nào. Lời văn tuy không khanh tương điêu luyện cho lắm, nhưng cũng nhẹ nhàng chải chuốt. Còn đến đoán định hẳn lời văn cổ nhân, hay dở, cổ nhân dịch nghĩa đúng hay sai xin nhường công luận cùng các bậc cao minh khảo sát, việt, hán, âu, á kiêm thông. Chúng tôi chỉ nghĩ đến cái kho văn Nôm của mình đã lấy gì làm phong phú mà lại vì hoàn cảnh, thất lạc mất nhiều, dám đem hai bài ấy sao lục sau đây, thêm diễn âm nguyễn văn và chú thích qua loa, để gọi là góp phần công việc với Việt văn một chút. Bảo rằng, khuân thêm một vài viên đá để xây đắp lấy công trình vĩ đại cái lâu đài văn học, sử học Việt Nam thì thật không dám sa vọng vậy.
Tác giả văn nôm đã không biết là ai xin nói qua về tác giả về nguyên văn, để khỏi phí công tìm tòi của độc giả.
Bài Chính khí ca của Văn Thiên Tường làm vào cuối đời Tống, khi ngài bị vua Nguyên Thế Tổ câu chấp ở Yên Kinh. Văn Thiên Tường ở vào đời vua Tống Lý Tôn (thế kỷ thứ XIII), người đất Cát Thủy, nay thuộc về đạo Lư Lăng tỉnh Giang Tây. Ngài tên tự là Tống Thuỵ, là Lý Thiện, hiệu là Văn Sơn, đỗ đầu tiến sỹ, trải làm quan đề hình ở Hồ Nam, làm tri châu ở Cống Châu. Vào khoảng năm Đức Hựu (1276) quân nhà Nguyên kéo vào đánh kinh đô, ngài ứng chiếu cần vương được phong làm Hữu Thừa tướng. Sau vua sai sang quân Nguyên cầu hoà, ngài bị bắt giữ ở đây. Khi giải về Yên Kinh đến Chấn Giang ngài trốn thoát, thu thập tàn quân đánh nhau mấy trận với quân Nguyên. Chung cục cũng lại thu trận, cũng lại bị bắt. Lần bị bắt sau cùng này, vua Nguyên Thế Tổ biết là người có chí khí muốn dùng, nên giam ngài ở Yên Kinh tới ba năm ròng rã. Kết cục vua Nguyên Thế Tổ không thể khuất phục được ngài đành phải đem hành hình, thương thay ! Khi lâm hình ngài làm ra bài Chính khí ca này tỏ chí hướng mình. Lúc làm xong, thung dung ngoảnh mặt về phía nam, lạy vua Tống, rồi bảo lại tốt rằng: “Việc ta xong rồi” vua Nguyên thấy cách hành động của ngài chính đáng như thế, phải thán phục mà khen: “Đấy mới thật là người con trai” (Chân nam tử) ! Ngài còn để lại nhiều thi văn in trong Văn sơn tập Văn sơn thi sử cái tiết khí to lớn của ngài.
Bài Tứ thời độc thư lạc ca của Chu Hi đời Tống, trích in trong bộ Độc thư lạc thú, bộ sách rất thông thường, người học chữ Hán nước ta không mấy người không biết. Chu Hi ở vào đời Cao, Hiếu, Quang, Ninh Tôn nhà Tống vào cuối thế kỷ thứ XII. Ngài là con ông Chu Tùng ở đất Vụ Nguyên, đỗ tiến sỹ làm quan Chính hòa uý, cho nên Chu Hi ngụ ở Kiến Châu, nay thuộc Hồ Nam. Chu Hi tên tự là Nguyên hối, Trọng hối, hiệu là Độn Ông, Vân cốc lão nhân, Thương Châu bệnh tẩu, v.v. Cũng có đỗ tiến sỹ năm Thiệu Hưng. Trong khi làm quan, ngài hết sức lấy đạo chính tâm, thành ý, tề, trị, bình – quân tâu bày cùng vua Tống đem xin thực hành. Cái học của ngài, đại để là cốt ở cùng lý để bất cứ việc gì phải biết đến nơi đến chốn. Mình lại thường tự xét xem việc mình làm có đúng với điều mình học không mà phải lấy kính cẩn làm chủ. Người Tàu khen ngài có bảo rằng: “Lý học đời Tống đến thầy Chu Hi là tập được đại thành”. Khi mất, ngài có được phong tước và tòng tụ ở Văn miếu. Đến đời Khang Hi triều Thanh thăng ngài lên gần vị Thập triết. Các sách của ngài rất nhiều, đều thâu thập vào pho Chu tử toàn thư. Chỉ có việc ngài làm các tập truyện trong Tứ thư ngũ kinh thì người Nam mình ai cũng biết.
Đó là lược truyện Văn Thiên Trường và Chu Hi, hai vị danh thần đời Tống. Chúng tôi cũng biết rằng không nói ra thì thiếu và nói ra, chắc có người trách: “Rõ việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Đó là sự thế sử nhiên, xin thức giả lượng cho.
Văn Văn-sơn Chính khí ca
Diễn âm
Thiên địa hữu chính khí,
Tạp thiên phú lưu hình;
Hạ tắc vi hà, nhạc;
Thượng tắc vi nhật, tinh.
Ư nhân viết hiệu nhiên;
Bái hồ tắc thương minh.
Hoàng lộ đương thanh di,
Hàm hoà thổ minh đình,
Thời cùng tiết nãi hiện,
Nhất nhất thuỳ đan thanh:
Tại Tề, thái sử giản;
Tại Tấn, Đổng Hồ bút;
Tại Tần, Trương Lương chuỳ;
Tại Hán, Tô Võ tiết.
Vi Nghiêm tướng quân đầu,
Vi kê thi Trung huyết,
Vi Trương Chuy dương sỹ,
Vi Nhan Thường sơn thiệt;
Hoặc vi Liêu đông mạo,
Thanh tháo lệ băng tuyết;
Hoặc vi Xuất sư biểu,
Quỷ Thần khấp tráng liệt ;
Hoặc vi độ giang tiếp,
Khẳng khái thôn Hồ yết.
Hoặc vi kích tặc hốt,
Nghịch thụ đầu phá liệt.
Thị khi sở bàng bạc
Lẫm liệt vạn cổ tồn.
Đương kỳ quán nhật nguyệt,
Sinh tử an túc luận;
Địa duy lại dĩ lập,
Thiên trụ lại dĩ tồn;
Tam cương thực hệ mệnh,
Đạo nghĩa vi chí côn.
Ta dư cấn dương cửu :
Lệ dã thực bất lực !
Sở tú anh kỳ quan,
Truyền sa tống cùng bắc.
Đỉnh hoạch cam như di,
Cầu chi bất khả đắc !
Âm phòng khích quỉ hoả,
Xuân viện bật thiên hắc,
Ngưu, kỳ đồng nhất tạo !
Kê thế phượng hoàng thực !
Nhất triêu mông vụ lộ,
Phân tác câu trung tích,
Như thử tài hàn thử,
Bách săn tự tích dịch.
Ta tai thư như trường,
Vi ngã an lạc quốc !
Khởi hữu tha mậu xảo
Âm dương bất năng tặc ?
Cố thử cảnh cảnh tại,
Ngưỡng thị phù vân bạch.
Du du ngã tâm ưu !
Thương thiên hạt hữu cực ?
Triết nhân nhật dĩ viễn,
Điển hình tại túc tích.
Phong thiềm triển thủ độc,
Cổ đạo chiếu nhan sắc
Văn văn sơn Chính khí ca
diễn nghĩa
Khối chính khí sẵn lò giời đất,
Nung đúc ra phẩm vật mọi hình
Dưới hà, nhạc, trên nhật, tinh,
Vẽ vời trăm nét tinh anh khác thường
Ở người lấy đại cương làm quí,
Khắp thương minh là khí hiệu nhiên
Đương khi trong nước vững bền,
Đem lòng trung nghĩa gây nền quân vương.
Tới nguy hiểm tiết càng thêm tỏ,
Tiếng thơm ghi xanh đỏ nghìn thu,
Thẻ Thái sử (1) bút Đổng Hồ (2)
Dùi Trương Bác lãng (3) cờ Tố bể Tần (4)
Đầu huyết lộ Nghiêm quân, khê thị (5)
Thiệt thường sơn (6) cùng sỹ Thụy Dương (7)
Liêu đông chiếc mũ đường đường (8)
Tuyết trong, giá sạch băng sương nào tầy;
Dâng tờ biểu, ra tay dẹp Ngụy (9)
Lẫm liệt mất mật quỉ, gan thần.
Kìa đầu Thạch mã phi trần (10)
Một chèo khảng khái mười phân thôn Hồ
Hốt kinh tặc thét to sấm gió
Đầu gian thần quẳng bỉ nơi nao (11)
Tỏ nhường dưới tối, trên cao,
Khí thiêng lẫm liệt, kiếp nào cho tan
Khi ấy sốt cung Hàn vừng Ác,
Lòng son coi sống thác ra chi !
Mới hay kẻ có nhân nghì,
Cột giời, rường đất, hai vì vững hai.
Nền đạo nghĩa khí người làm gốc,
Giây cương thường riêng buộc người trung.
Ai ơi ! nhỡ gặp vận cùng
Xót lòng nhỏ bé nên lòng cảm thay.
Đứa tù sở mũ này luống thẹn,
Nẻo Bắc yên xe chuyển dục mau,
Tấm son còn nghĩ chi đâu,
Nhấp ngon đỉnh vạc dễ hầu được ru ?
Trong buồng tối âu sầu lửa quỉ,
Ngoài viện xuân rầu rĩ xem buồn !
Lạ thay trâu ngựa một đoàn !
Lạ thay gà mấy phượng hoàng đậu chung !
Khí bất chính lẩn trong mây móc,
Nghĩ rằng trong mây móc như chơi,
Trải bao vật đổi sao dời,
Lập lèo trăm quỉ trêu người mãi ru ?
Thương ôi, buổi nhà nhu là thế !
Nghĩ mình ta riêng vẻ yên vui.
Cũng không khuây khuất như ai
Giặc âm dương dễ đoái hoài được ta ?
Tấc lòng dằng dặc gần xa,
Càng nhìn mây trắng càng sa giọt hồng !
Nỗi trung ái tấm lòng vò võ !
Giời xanh kia đã tỏ cho chưa ?
Người hiền vắng những bao giờ !
Soi gương tiết nghĩa nghìn thu chưa mòn…
Đạo tôi thế mới vuông tròn
Bút son choi chói, lòng son ngậm ngùi…
- Đời Xuân thu, Thôi – tử là tướng nước Tề, giết vua mà quan Thái – sử lúc ấy cũng cứ chép thẳng như thế, nên bị Thôi – tử giết chết.
- Đời Xuân thu, Triệu Thuẫn nước Tân giết vua, lúc bấy giờ Đổng Hồ làm sử quan cũng cứ chép rõ không ẩn – nặc gì cả.
- Nước Hàn bị Tần Thuỷ Hoàng diệt Trương Lương là thế thần nước Hàn, vì nước Hàn báo thù, hai lực sỹ cầm dùi sắt đâm Tần – hoàng ở Bác lãng, không may lại trúng xe thứ hai.
- Hán tô Vũ sang sứ Hung nô, vua Hung nô muốn bắt Tô vũ hàng, Tô vũ không chịu sau phải đầy ra Bắc hải bắt đi chăn dê, ròng rã 19 năm cũng vẫn không hàng mới tha cho về.
- Nghiêm Nhan bị Trương Phi bắt được, nhất định thà mất đầu không chịu hàng. Vua Tấn Hoài đế khi chạy , bị giặc đuổi, tên bắn như mưa, Khế Thiệu lấy thân che cho vua đến nỗi máu ra thấm cả vào áo vua mà không biết.
- Nhan khoa – Khanh bị giặc bắt, mắng luôn miệng, không chịu hàng.
- Đường An lộc sơn làm phản, Trương Tuần khởi binh đánh giặc. Hứa Viễn cố thủ đất Chuy dương, đánh nhau bốn năm trăm trận, sau lương hết, thành hãm, mắng giặc rồi chết không chịu hàng.
- Quản Ninh sinh vào thời Hán Ngụy, ở đất Liêu đông 30 năm, các quan tiến cử, vua vời không chịu ra, ở nhà đội mũ vải, đọc sách làm vui.
- Gia Cát Lượng trước khi đem quân sang dò ở Hán trung, có làm bài biểu xuất sư tỏ hết lòng trung nghĩa đối với Hán.
- Lúc đời Tấn có giặc Ngũ hồ, Tổ – Địch khi sang sông đến giữa dòng, thề rằng ta mà không tĩnh được Trung Nguyên mà còn qua đây thì như con sông này.
- Chu Tí đời Đường cho mời Đoàn Tú Thực bàn việc. Tú Thực còn bàn việc với Nguyên Hưu, nói đến chuyện chiếm ngôi vua, thì Tú Thực vùng dậy, mắng Chu Tý là cuồng tặc, và giằng lấy hốt đánh vào trán Tí, chảy máu đầm đìa.
Chu tử tứ thời độc thư lạc ca
I
Diễn âm
Sơn quang chiếu hạm, thuỷ nhiễu lang,
Vũ hư qui vịnh xuân phong hương.
Hảo điểu chi đầu diệc bằng hữu,
Lạc hoa thuỷ diện dai văn chương.
Sai đà mạc khiển thiều quang lão,
Nhân sinh duy hữu độc thư hảo,
Độc thư chi lạc lạc hà như ?
Lục mẫn song tiền, thảo bất trừ.
Diễn nghĩa
Non đoài áng bóng lồng con mắt,
Nước quanh co vẻ dẫy hành lang.
Dàn hu một khúc qui xoang,
Gió xuân hây hẩy đua hương ngọt ngào
Đầu cành thấp cao rủ rủ,
Yến anh nhường bạn cũ cùng ta.
Tơi bời mặt nước phi hoa ;
Hồng đào lạc thảo đều là văn chương ?
Lần lữa tiết dương xuân có mấy,
Bóng thiều quang theo mấy kẻ già.
Toán lai trong cõi người ta,
Những người đọc sách thực là người cao.
Người đọc sách ấy ở ni là thú,
Thú hằng vui chẳng nỡ tìm đâu :
Cỏ xanh mọc trước thư lâu ;
Nhìn xem phong cảnh tỏ màu chân cơ.
II
Diễn âm
Tân trúc áp thiềm, tang tứ vi :
Tiểu trai u xưởng minh chu hi
Chú tràng, ngâm bãi, thuyền minh thụ,
Dạ thâm, tẫn lạc, huỳnh nhập vi.
Bắc song cao ngọa Hy hoàng lữ,
Chí nhân tố nầm độc thư thứ:
Độc thư chi lạc, lạc vô cùng !
Giao cầm nhất khúc huân nam phong.
Diễn nghĩa
Thái tân trúc bóng kề tận giọt,
Đoá điều tang quanh quất tứ vây.
Tiểu trai thong thả tháng ngày,
Phong quang chính giữa chu hi tiết lành.
Ngày dài vịnh tính tình thong thả,
Ve trên cây rộn rã khúc đàn.
Đêm khuya, cổng khoá, đèn tàn,
Lửa huỳnh nhấp nhoáng vào màn như thăm.
Khi cao ngọa giấc êm song bắc,
Bạn hi hoàng chẳng khác Thần tiên
Thân nhàn ai khiến cho nên,
Mải vì đọc sách hằng quen thú mầu,
Thú đọc sách vui âu là vậy,
Thú thường vui vui lại chẳng cùng,
Giao cầm một khúc thung dung,
Hiu hiu đòi ngọn huân phong lọt vào.
III
Diễn âm
Tạc dạ song tiền diệp hữu thanh,
Ly đậu hoa khai tất xuất minh
Bất giác thương âm mãn lâm bạc !
Tiêu nhiên vạn lãi hàm hư thanh.
Sàng đầu lại hữu đoản kình tại,
Đòi thử đọc thư công cánh bội,
Đọc thử chi lạc, lạc đào đào !
Khởi lộng minh nguyệt, xương thiên cao
Diễn nghĩa
Đêm qua bỗng ỳ ào gió khác,
Tiếng lá nghe xao xác ngoài sân.
Dưới phên hoa rậu nở dần,
Dẫy non tiếng dế đã gần vào trong.
Niềm thu cảnh, thư song thời vậy,
Giọt thu thanh dềnh giẫy ?Chừng khơi.
Thu phong hiu hắt đôi nơi,
Vật nào chẳng bẩm khí giời thanh hư.
Bên giường nọ, mai nhờ có bạn:
Thâu năm canh một ngọn đèn hoa,
Một đèn, một sách, một ta,
Công so mấy (với) trước ta đà gấp đôi.
Độc thư, ấy chốn nào là thú ?
Hơn hớn vui lòng lại thêm càng…
Ban đêm dậy – dè trông chừng:
Vừng giăng thêu mặt (?) giời sương ngất ngàn.
IV
Diễn âm
Thuỷ tĩnh, mộc lạc, thiên nhai khô,
Quýnh nhiên ngô diệc kiến chân ngô.
Tọa đối di biên, đăng động bích,
Cao ca dạ bán, tuyết áp lư.
Địa lô, trà dĩnh, phanh hoạt thuỷ.
Tâm thanh túc xứng độc thư tử.
Độc thư chi lạc, hà xứ tầm ?
Sổ điểm mai hoa thiên địa tâm.
Diễn nghĩa
Qua đến tiết cỗi tàn, nước bọt,
Phút nghìn non một sắc nghiêm đông,
Thảnh thơi bóng ngả đinh đông
Xa xôi ta cũng thấy trong thú mầu.
Ngồi làm bạn đêm thâu mấy (với) sách,
Bóng đèn xanh động vách phất phơ.
Vẳng nghe tiếng đọc xa đưa
Canh chày, tuyết đã phơ phơ mái nhà.
Sẵn lò đất, phanh trà giải khát,
Lửa lập loè chống tuyết ngăn sương.
Chè bách vị lộn như hương,
Thanh tao cũng giống mây (với) làng độc thư.
Đọc sách ấy thừa hư vui thú,
Thú hằng vui chẳng lỡ tìm xa
Cành mai nẩy mấy bông hoa
Địa phùng lôi xứ thực là thiên căn
Thúc Ngọc TRẦN VĂN GIÁP