Mô hình quản lý khủng hoảng của Trung Cộng
Trận lụt tháng Bảy ở Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam thuộc miền trung Trung Quốc, là một ví dụ điển hình về mô hình quản lý khủng hoảng của Trung Cộng vốn được tạo thành từ ba yếu tố: che đậy sự thật, phong tỏa thông tin, và thêu dệt ra những cách truyền đạt thông tin chính thức.
Che đậy sự thật
Trịnh Châu chắc chắn đã trải qua một trận mưa như trút nước dữ dội khác thường. Cơ quan khí tượng của thành phố này đã ghi lại lượng mưa trong một giờ từ 4 giờ đến 5 giờ chiều hôm 20/07 là 8 inch (khoảng 203mm) – con số này tương đương với gần một phần ba lượng mưa hàng năm là 25 inch (khoảng 635mm) mà thành phố này tiếp nhận trong một năm bình thường. Có thể hiểu được sự việc này hẳn đã gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trên toàn thành phố.
Báo cáo thông tin chính thức đã tâng bốc sự kiện này và tuyên bố rằng đó là một sự kiện “ngàn năm có một”, ngụ ý rằng việc ngăn chặn thiệt hại về người và tài sản là vượt quá khả năng của con người.
Các cư dân mạng rành về công nghệ ngay lập tức đào bới số liệu thống kê để bác lại tuyên bố chính thức này. Trang Weibo của Các nhà khí tượng Nghiệp dư Trung Quốc đã đăng một bảng so sánh trận mưa như trút nước hồi tháng 07/2021 với một trận mưa hồi tháng 08/1975 vốn có lượng mưa lớn nhất được ghi nhận tương ứng trong 1 giờ, 3 giờ, 6 giờ, 24 giờ, và 72 giờ. Hiển nhiên, trận mưa như trút nước mới nhất này chắc chắn không phải là “ngàn năm có một”, và về nhiều mặt, nó ít nghiêm trọng hơn trận mưa trước đó [tháng 08/1975]. Bảng này sau đó đã bị xóa nhưng một bức ảnh chụp màn hình được sao chép lại dưới đây.
Ông Trần Đào (Chen Sou), giám đốc dự báo của Cục Khí tượng Trung ương, đã đồng ý với luận điểm trên. Ông này nói rằng Trung Quốc không có hồ sơ [khí tượng] dài hạn đáng tin cậy để cho ra một tuyên bố như vậy.
Rõ ràng là, chính quyền nhà nước đã nói dối. Khi làm như vậy, họ cố tình che giấu hai sự kiện.
Thứ nhất, mặc dù có nhiều báo hiệu và cảnh báo, nhưng các nhà chức trách ở tỉnh và thành phố đã không làm gì để giảm bớt khủng hoảng. Tính đến ngày 27/07, số người thiệt mạng [được công bố] chính thức là 71 người; tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn nhiều do sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của Trung Cộng.
Trước khi xảy ra trận lụt vào ngày 20/07, gần một tuần trước khi tai họa ập đến cơ quan khí tượng của tỉnh đã đưa ra một cảnh báo. Vào ngày 19/07, cơ quan khí tượng của thành phố này đã đưa ra bốn cảnh báo, và vào ngày 20/07, cơ quan này đã đưa ra cả thảy sáu cảnh báo và kêu gọi nhà chức trách thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bao gồm cả việc ngừng toàn bộ các cuộc tụ họp xã hội, đi học, đi làm, và giao thông đi lại. Nếu những lời cảnh báo này được để tâm tới, thì thiệt hại về tính mạng đã ít hơn.
Điều 11 trong “Quản lý Công bố và Phổ biến Tín hiệu Cảnh báo Sớm về Thảm họa Khí tượng” của Trung Quốc buộc chính quyền khu vực phải có những hành động mau lẹ để giảm bớt khủng hoảng khi những cảnh báo sớm như vậy được công bố. Từ cảnh báo đầu tiên được đưa ra lúc 1 giờ 08 phút sáng ngày 20/7 cho đến khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào lúc 4 giờ chiều, chính quyền thành phố này đã có đủ 15 giờ để tuyên bố ngừng toàn bộ hoạt động theo như đề xướng của cơ quan khí tượng và tránh được những trường hợp tử vong không đáng có. Rõ ràng là, các nhà chức trách đã hành xử phi pháp.
Thứ hai, một đợt xả lũ không báo trước diễn ra tại đập Thường Trang (Chang Zhuang).
Con đập này trải dài 3.7 dặm (gần 6km) hướng lên về phía tây Trịnh Châu. Mặc dù một đợt xả lũ có thể là không tránh khỏi, nhưng hành động này phải được cảnh báo trước. Thế mà việc xả lũ đó đã diễn ra lúc 10 giờ 30 phút sáng ngày 20/07 và không được công bố cho đến 1 giờ sáng ngày 21/07. Điều này cho thấy sự coi thường rành rành tính mạng và tài sản [dân chúng] vùng hạ lưu của chính quyền. Những trận mưa dữ dội như trút nước cùng với việc xả lũ vô trách nhiệm chỉ có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Vì vậy, để chuyển hướng sự chú ý khỏi hành động tắc trách bất cẩn của chính quyền, họ đã nhấn mạnh chủ đề “ngàn năm có một”, vốn là một lời xảo ngôn trắng trợn.
Phong tỏa thông tin
Bất cứ khi nào một cuộc khủng hoảng ập đến Trung Quốc, thì các kênh thông tấn chính thức của Trung Cộng lại hoàn toàn im lặng. Tối ngày 20/07, Đài truyền hình Tỉnh Hà Nam đã không đưa tin gì về cuộc khủng hoảng này. Ngày 21/07, trên trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo không có một từ nào nói về thảm họa này, mà đã bị chuyển xuống một vị trí ở trang bảy.
Một hành động khác để phong tỏa tin tức là tạo một hàng rào bao quanh đường hầm cao tốc tang tóc, nơi có hàng trăm xe cộ nằm chất đống, ngăn không cho người dân quay phim hiện trường và các gia đình tìm kiếm thân nhân của họ. Các dịch vụ mạng Wi-fi và Internet trong khu vực này cũng bị tạm ngừng để ngăn việc truyền trực tiếp thông tin ra thế giới bên ngoài. Ba phòng ban khác nhau đã phát đi các thông cáo cảnh báo dân chúng không tiếp nhận các cuộc phỏng vấn của ký giả ngoại quốc và trình báo về nơi ở của các ký giả ngoại quốc đưa tin về cuộc khủng hoảng này.
Biên soạn ra những cách truyền đạt thông tin chính thức
Chính quyền cũng cố gắng xoay chuyển tai họa để có lợi cho riêng mình. Chẳng hạn, Ban Tuyên truyền của Đảng Ủy Trịnh Châu tuyên bố rằng sau trận lụt, “Thành phố sẽ trở nên sạch đẹp hơn. Cây cối sẽ phát triển tốt hơn. Người dân của chúng ta sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn.” Tuy nhiên, nỗi thống khổ của người dân không hề được nhắc đến. Tệ hơn nữa, chi nhánh Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc tỉnh Hà Nam đã cố gắng kích động sự thù hận đối với các ký giả ngoại quốc đang đưa tin về thành phố bị ngập nước, tuyên bố rằng những ký giả này đã cố gắng vẽ nên một bức tranh đen tối về Hà Nam. Điều này đã dẫn đến một số ký giả ngoại quốc bị sách nhiễu.
Bằng cách đó, các nhà chức trách đã cố gắng chuyển sự chú ý của dân chúng ra khỏi những hành động sai trái của đảng và chính quyền.
Che giấu sự thật, phong tỏa thông tin, và thêu dệt sự kiện để có lợi cho chính mình – đây là quy trình hoạt động chuẩn mực của Trung Cộng trong việc đối phó với một cuộc khủng hoảng. Chúng ta đã chứng kiến điều đó trong đại dịch virus Trung Cộng, và giờ đây chúng ta lại chứng kiến nó trong trận lụt ở Hà Nam.
Ông Ching Cheong tốt nghiệp Đại học Hồng Kông. Trong sự nghiệp báo chí kéo dài hàng thập kỷ của mình, ông chuyên về tin tức chính trị, quân sự, và ngoại giao ở Hồng Kông, Bắc Kinh, Đài Bắc, và Singapore.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.