Mộc Miên – Thương nhớ hoa Gạo tháng Ba
Được gọi bằng nhiều tên như Mộc Miên, Pơ lang, Pan Chi Hoa, nhưng cái tên “Hoa Gạo” mộc mạc lại khiến người ta nao lòng khi nhắc đến tháng Ba – màu hoa đỏ thắm trong ký ức của những người xa xứ.
Khi cái lạnh se se vẫn còn luẩn quất, và chút nắng vàng hưng hửng chỉ mới lưng trời, những bông hoa gạo bắt đầu nở bừng khoe sắc, thắp lên một trời đỏ rực như tháp lửa giữa trời xuân, như báo hiệu mùa giêng hai sắp qua, mùa của lễ hội, của đào phai, mai vàng đã khép lại.
Nắng tháng ba dân gian gọi là “nắng non”. Cái màu nắng như ảo ảnh trong suốt mơ màng, nắng như lụa là mỏng manh mà tinh khiết. Rồi giữa vẻ huyền ảo của không gian, vương vấn cái lạnh cuối xuân lẫn xôn xao hơi ấm lúc giao mùa, là lúc hoa gạo nở thắm cả một trời thương nhớ đồng quê.
Có những ngày nắng trời quang, hoa đỏ thắm rực rỡ trên nền xanh của đồng ruộng. Rồi lại triền miên những ngày sương mờ giăng giăng, những bông hoa gạo lập lòe như ánh lửa nhỏ thắp sáng khoảng trời xám ảm đạm lúc giao mùa.
Hoa gạo không kiêu sa quý phái, cũng chẳng yếu đuối mong manh, nhưng khiến người ta phải say đắm bồi hồi trước vẻ đẹp mộc mạc, đằm thắm, chân phương trong màu hoa rực đỏ, như kết tinh vẻ đẹp của đất với trời.
Hầu như làng quê Bắc Bộ nào cũng có một cây gạo đâu đó quanh làng, thường ở đầu làng, nơi đình chùa hoặc chơ vơ giữa đồng. Hoa gạo đỏ chót nở rộ bên mái đình cổ đầu làng. Bông gạo rụng vương trên mái chùa cổ kính, rơi trên thềm đá rêu phong, điểm hoa trên đường làng, triền đê, bờ ruộng, mặt sông… nhuộm thẫm lòng người quê một nỗi niềm sâu lắng.
Cây gạo đứng trong mây trời bàng bạc, đỏ rực một màu nhưng lạ làm sao lại thoáng vẻ cô đơn lặng lẽ. Có lẽ bởi vì người đời đã gửi gắm vào hoa biết bao nhiêu là ký ức, nỗi nhớ niềm thương quê hương da diết sâu nặng trong cái màu đỏ thắm diệu kỳ ấy.
Mỗi mùa hoa gạo nở, từng đàn chim sáo, chào mào từ đâu ríu rít bay về. Trong nắng gió mùa xuân, những đốm lửa gạo bập bùng tỏa hơi ấm, xua tan cái vẻ quạnh quẽ, ảm đạm của làng quê sau những ngày giá lạnh.
Đời bông hoa gạo không dài, chỉ nở vài ba hôm thì rụng. Nhưng có một điều lạ là hoa gạo không héo, không tàn, không rụng từng cánh mà rụng nguyên cả hoa khi còn tươi thắm, như lời thì thầm nỗi niềm son sắt thủy chung, bất kể thời gian, dù cuộc đời dâu bể đã trôi qua bao mùa sương gió.
Vẻ xù xì, gân guốc của thân cây, vừa mạnh mẽ như sức sống bền bỉ âm thầm của làng quê, vừa chất chứa lắng đọng bao nhiêu là ký ức, kỷ niệm của biết bao người chưa bao giờ thôi da diết với quê hương.
Cây gạo như một chốn để người ta nương náu và tìm thấy bình yên khi trở về, là bóng hình để xao xuyến lúc đi xa, để níu giữ trong tim hình bóng quê hương thơ mộng và ấm nồng…