GREGORY JANT

Mỗi tuần tại phòng khám sức khỏe tâm thần mà tôi quản lý, tôi nghe mọi người nói những điều như thế này:

“Tôi quen biết rất nhiều người, nhưng tôi không cảm thấy thực sự kết nối với bất cứ ai.”

“Tôi ước mình cảm thấy gần gũi với ai đó – dù chỉ một người thôi – nhưng tôi không có được như vậy.”

“Thành thật mà nói, lúc nào tôi cũng cảm thấy cô đơn.”

Trong nhiều cuộc khủng hoảng mà xã hội chúng ta đang đối mặt hiện nay, đây là cuộc khủng hoảng thường bị làm ngơ, nhưng thực sự không nên bị bỏ qua như vậy: Hàng triệu người ở đất nước chúng ta trường kỳ cảm thấy cô đơn, bị cô lập, và bị ngắt kết nối với người khác. Và việc thiếu kết nối với những người khác góp phần rất lớn gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần và thể chất được biểu hiện ra theo vô số cách thức nguy hiểm.

Bởi vì các mối quan hệ thân thiết rất quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta, các chuyên gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng sự cô đơn trường kỳ đã đạt đến các mức độ dịch bệnh trong xã hội hiện đại. Một báo cáo sâu rộng năm 2020 của công ty dịch vụ y tế Cigna cho thấy rằng bệnh cô đơn của Mỹ quốc đang ngày càng tệ hại hơn, cứ 3 trong 5 người lớn (chiếm 61%) cho biết họ thấy cô đơn, tăng 7% so với năm 2018. Nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng cứ 1 trong 4 người Mỹ “hiếm khi” hoặc “không bao giờ” cảm thấy rằng có người hiểu họ.

Một nghiên cứu khác do dự án Making Caring Common của Đại học Harvard công bố vào tháng 02/2021 đã báo cáo rằng 36% số người được hỏi cho biết họ “thường xuyên” hoặc “gần như mọi lúc hoặc mọi lúc” cảm thấy cô đơn nặng nề. Trong báo cáo này, các nhà nghiên cứu nêu ra tình trạng cô độc diễn ra trên phạm vi rộng:

“Trong số những người tham gia khảo sát của chúng tôi, không có bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào về tỷ lệ cô đơn dựa trên chủng tộc hoặc sắc tộc, giới tính, trình độ học vấn, thu nhập, tôn giáo, hoặc mức độ đô thị hóa. Rất nhiều người trả lời khảo sát thuộc cả hai đảng chính trị đều chịu đựng tình trạng cô đơn, mặc dù tỷ lệ những người thuộc Đảng Dân Chủ có khuynh hướng cô đơn nhiều hơn (40%) so với người theo Đảng Cộng Hòa (29%).”

Định nghĩa về sự cô đơn

Sự cô đơn không chỉ đơn thuần là thiếu bạn bè. Những người có nhiều bạn vẫn có thể cảm thấy bị tách rời khỏi xã hội, cũng như những người có ít bạn có thể hiếm khi hoặc không bao giờ cảm thấy bị tách biệt.

Tương tự như vậy, ở một mình không đồng nghĩa với cô đơn, cũng như không phải lúc nào cũng là điều gì đó tiêu cực. Một số người, đặc biệt là những người hướng nội, tận hưởng thời gian một mình và hoàn toàn thoải mái với trạng thái tịch mịch này. Ngay cả những người hướng ngoại cũng mong muốn có “thời gian của tôi” để suy ngẫm và nạp lại năng lượng.

Sự cô đơn thì khác. Khi cảm thấy cô đơn, chúng ta cảm thấy bị ngắt liên lạc hoặc cách biệt với những người khác, và chúng ta không thể giao tiếp với ai đó một cách chân thành. Ngay cả khi được những người khác bao quanh, chúng ta vẫn có thể cảm thấy cô đơn nếu chúng ta không có sự kết nối về mặt cảm xúc với họ.

Tất cả chúng ta đều cần những người mà mình có thể chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc sâu thẳm nhất: những người sẽ cùng cười vang với chúng ta những khi vui sướng và cùng khóc với chúng ta suốt những lúc khổ đau. Những người mà chúng ta có thể cùng thổ lộ về cuộc sống thường nhật – với mọi thăng trầm.

Có nhiều cơ hội để tạo dựng sự kết nối ở khắp mọi nơi, cho dù là tại nơi làm việc, tại  câu lạc bộ sách, hay lần tình cờ gặp người hàng xóm của bạn. (Ảnh: Biba Kayewich)
Có nhiều cơ hội để tạo dựng sự kết nối ở khắp mọi nơi, cho dù là tại nơi làm việc, tại  câu lạc bộ sách, hay lần tình cờ gặp người hàng xóm của bạn. (Ảnh: Biba Kayewich)

Ngay cả trước khi có gián đoạn xã hội do dịch COVID-19 gây ra, các nhà nghiên cứu cũng thường xem sự cô đơn là một bệnh dịch có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Mặc dù việc đo lường cảm xúc có thể là chủ quan, nhưng theo dõi ảnh hưởng của những cảm xúc đó thì không. Nhiều nghiên cứu ủng hộ kết luận rằng sự cô đơn góp phần gây ra các nguy cơ về sức khỏe như:

  • Trầm cảm và lo âu
  • Rối loạn do lạm dụng chất kích thích
  • Ý nghĩ tự tử
  • Suy giảm nhận thức
  • Bệnh béo phì
  • Các vấn đề về tim mạch
  • Gián đoạn giấc ngủ
  • Tử vong sớm

Báo cáo này của Đại học Harvard đã một lần nữa cho thấy mối liên hệ này, trích dẫn bằng chứng khẳng định cho tuyên bố gây ngạc nhiên rằng “thiếu kết nối xã hội đem lại những nguy cơ sức khỏe tương tự – nếu không muốn nói là nghiêm trọng hơn – nghiện hút thuốc, uống rượu, và béo phì.”

Việc kết nối với những người khác giúp cải thiện đáng kể sức khỏe của chúng ta – về thể chất, cảm xúc, tâm trí, và tinh thần. Hàng chục nghiên cứu đã chứng minh rằng những người hài lòng với các mối quan hệ thì sẽ hạnh phúc hơn, ít gặp các vấn đề về sức khỏe hơn, và sống thọ hơn.

Bà Emma Seppala, giám đốc khoa học của Trung Tâm Nghiên Cứu và Giáo Dục Lòng Trắc Ẩn và Vị Tha Stanford, đã viết: “Các nghiên cứu cho thấy [những người có các kết nối bền chặt với người khác] cũng có lòng tự trọng cao hơn, đồng cảm hơn với những người khác, tin tưởng và hợp tác hơn và, kết quả là, những người khác cởi mở hơn để tin tưởng và hợp tác với họ. Nói cách khác, sự kết nối xã hội tạo ra một vòng lặp tích cực của năng lực kết nối xã hội, sức khỏe cảm xúc, và thể chất.”

Sự cô lập và cô đơn là những vấn đề nghiêm trọng với những hậu quả thực sự và thường vô cùng nghiêm trọng, như trong trường hợp tăng nguy cơ tự tử. Các hệ quả kéo theo tác động sâu sắc đến mọi người trong xã hội của chúng ta theo cách này hay cách khác và không nên bị xem nhẹ.

Đề nghị giúp đỡ một người thân yêu, lắng nghe họ, hoặc trao cho họ sự khích lệ sẽ truyền đạt thông điệp rằng những ước mơ của họ quan trọng đối với bạn. (Ảnh: Biba Kayewich)
Đề nghị giúp đỡ một người thân yêu, lắng nghe họ, hoặc trao cho họ sự khích lệ sẽ truyền đạt thông điệp rằng những ước mơ của họ quan trọng đối với bạn. (Ảnh: Biba Kayewich)

7 bước hướng tới sự kết nối

Nếu tất cả những tin xấu trên đây có thể khiến bạn nản lòng, thì đây là tin tốt: Đây là một vấn đề mà có một giải pháp khả thi, mỗi căn bệnh có một cách chữa trị khả quan. Có những bước hành động bạn có thể thực hiện để vượt qua sự cô đơn và trải nghiệm sức mạnh của sự kết nối.

Có lẽ bạn, cũng giống như rất nhiều người, không có bất kỳ ai trong cuộc sống mà bạn có thể gọi là một người bạn thân thiết, tâm giao. Hoặc có thể bạn có một số mối quan hệ hời hợt mà bạn muốn mối quan hệ đó trở nên chân thành hơn. Bất kể tình huống của bạn là gì, hãy tham khảo các ý tưởng sau đây để bắt đầu các mối quan hệ mới hoặc làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hiện có:

Hãy đẩy bản thân về phía trước. Mỗi mối quan hệ ý nghĩa đều bắt đầu với một người chủ động và chấp nhận rủi ro. Điều này có nghĩa là chọn sự can đảm thay vì cảnh giác. Khi nói đến việc làm sâu sắc thêm các mối quan hệ, tất cả chúng ta đều có lý do để do dự. Có lẽ bạn đã bị tổn thương trước đây và đã học được cách né tránh rủi ro. Có lẽ bạn đang tê liệt bởi một ngàn điều đáng sợ mang tên “sẽ như thế nào nếu” (what-ifs). Hãy nhớ điều này: Mỗi tình bằng hữu thân thiết đều bắt đầu với một người chỉ đơn giản là nói ‘xin chào’ với một người hàng xóm hoặc mời một đồng nghiệp đi uống cà phê.

Bạn hãy chủ động tham gia vào các hoạt động có sự hiện diện của nhiều người. Có  thể là một nhóm ở nhà thờ, dự án cộng đồng, câu lạc bộ sách, hoặc lớp tập thể dục. Bạn có thể chọn một hoạt động để tham gia, và nên làm luôn ngay bây giờ. Có một câu nói rằng muốn được thì ắt phải mất. Đó cũng chính là thách thức mà bạn phải đối mặt khi đến gần hơn với những người khác. Bạn không thể học bơi bằng cách đọc một cuốn sách về bơi lội, và bạn sẽ không bao giờ có được sự thân mật với người khác trừ phi bạn chọn tham gia cùng họ.

Hãy tìm hiểu nghệ thuật của sự chân thành. Sự kết nối diễn ra khi hai người đối xử chân thành và thẳng thắn với nhau. Điều này có nghĩa là hãy bày tỏ bản thân một cách chân thật, cưỡng lại sự thôi thúc chơi trò ‘đãi bôi’ hoặc ngụy tạo để gây ấn tượng với người khác. Việc chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc mong manh nên diễn ra từ từ khi niềm tin được xây dựng. Nói cách khác, các khía cạnh thân mật trong cuộc sống của chúng ta nên được thổ lộ một cách thận trọng hơn là tuôn trào một cách vội vã.

Khi bạn ở bên một người khác, hãy hiện diện trọn vẹn. Chúng ta bị những sự can nhiễu tấn công gần như liên tục, chuyển sự chú ý của chúng ta ra khỏi những người đang ở bên ta. Hãy cố gắng chú tâm hoàn toàn trong các cuộc trò chuyện và các mối quan hệ của bạn. Hãy là một người lắng nghe chủ động, giao tiếp bằng mắt, và dành cho mọi người toàn bộ sự chú ý của bạn. Sự chú tâm hoàn toàn là cách có thể giúp kết nối trong mọi tình huống.

Hãy thể hiện sự tôn trọng mọi lúc. Sự tôn trọng lẫn nhau là cốt lõi của các mối quan hệ thân mật. Điều đó mang lại phẩm giá, danh dự, và [cảm giác được] đánh giá cao cho người nhận. Một phần của việc thể hiện sự tôn trọng có nghĩa là tôn trọng sự khác biệt. Quan điểm của mọi người về thế giới và cách sống có thể không giống như của bạn do kinh nghiệm sống, tính khí, tính cách, sự nuôi nấng, và cách giáo dục. Khi bạn chấp nhận, bạn không phán xét. Khi bạn ngừng phán xét, mọi người sẽ hồi đáp và kết nối với bạn.

Hãy giúp những người khác có nhìn nhận tốt về bản thân họ. Các nhà tâm lý học đã xác định được một bí mật cho các mối quan hệ thân thiết: Những cảm giác của chúng ta đối với một người chịu tác động mạnh mẽ từ cách mà người đó khiến chúng ta nhìn nhận về bản thân mình. Một số người có thể nói nguyên tắc này nghe có vẻ tự cho mình là trung tâm và vị kỷ, nhưng đó là một thực tế căn bản của bản chất con người và có thể là một nguồn lực tích cực mạnh mẽ. Những người cảm thấy kết nối gần gũi nhất là những người trợ giúp, khen ngợi, và giúp nhau mạnh mẽ hơn.

Hãy ủng hộ những mục tiêu và ước mơ của người khác. Mọi người đều có những ước vọng mà họ muốn trở thành hiện thực. Đó có thể là một mục tiêu liên quan đến sức khỏe như giảm cân hoặc một mục tiêu nghề nghiệp như khởi sự một cơ sở kinh doanh. Đó có thể là một mục tiêu gia đình liên quan đến con cái hoặc cha mẹ hoặc thậm chí là ước mơ ấp ủ từ lâu viết một cuốn sách, đến thăm một vùng đất xa lạ, hoặc chạy marathon. Bằng cách lắng nghe, khuyến khích, thảo luận cùng nhau, hoặc giúp tiến hành nghiên cứu, bạn đã truyền đạt một thông điệp quan trọng: “Những ước mơ và hoài bão của bạn cũng quan trọng với tôi như với bạn vậy.”

Tiến sĩ Gregory Jantz là nhà sáng lập kiêm giám đốc tại phòng khám sức khỏe tâm thần The Center: A Place of Hope (Trung Tâm: Một Nơi Đầy Hy Vọng) tại thành phố Edmonds, tiểu bang Washington. Ông là tác giả của quyển “Healing Depression for Life” (Chữa Lành Chứng Trầm Cảm Trong Cuộc Sống), “The Anxiety Reset” (Loại Bỏ Âu Lo) và nhiều cuốn sách khác. Tìm hiểu thêm thông tin về Tiến sĩ Jantz tại trang web APlaceOfHope.com.

Minh Châu biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn