Mong đợi gì từ chính sách kinh tế của TT Biden
Hôm 19/01/2021, Bộ trưởng Tài chính vừa được bổ nhiệm Janet Yellen đã đưa ra trước Ủy ban Tài chính Thượng viện kế hoạch dự kiến cho các chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden trong những tháng sắp tới. Với tình trạng yếu kém của nền kinh tế Hoa Kỳ do hậu quả của COVID-19, bà Yellen ủng hộ kế hoạch chi tiêu 1,900 tỷ USD của ông Biden để hỗ trợ nền kinh tế. Bà Yellen dường như nhận thức được rằng một số nhà bình luận có thể không ủng hộ kế hoạch chi tiêu khổng lồ như vậy do thâm hụt ngân sách và nợ công vốn đã lớn: mức trung bình của thâm hụt ngân sách trong 12 tháng là 144 tỷ USD vào tháng 12/2020; trong khi tỷ lệ nợ/GDP của liên bang ở mức 131% vào tháng 9/2020 (so với 107% vào tháng 9/2019).
Bà Yellen dường như không quan tâm nhiều đến thâm hụt ngân sách và nợ công ngày càng tăng. Theo bà Yellen, lý do là chi phí trả nợ tính theo phần trăm của GDP khó có thể tăng lên trong những tháng sắp tới. Bà cho rằng mức lãi suất thấp hiện tại sẽ giảm bớt gánh nặng lãi suất tiềm tàng có thể phát sinh từ khoản nợ công lớn. Từ năm 2004 đến nay, chi trả lãi vay theo tỷ lệ phần trăm của GDP tương đối ổn định, trung bình khoảng 0.22% (xem biểu đồ).
Theo bà Yellen, trong bối cảnh lãi suất gần bằng 0, gánh nặng lãi vay sẽ không là vấn đề lớn trong những tháng sắp tới.
Phù hợp với lối suy nghĩ phổ biến, bà cho rằng giới có thẩm quyền nên bắt đầu chi tiêu ồ ạt càng sớm càng tốt để tận dụng lợi thế của những mức lãi suất thấp này nhằm đưa nền kinh tế Hoa Kỳ trở lại nền tảng lành mạnh. Đằng sau quan điểm của bà Yellen là ý tưởng rằng nhu cầu thì tạo ra cung cấp.
Cách suy nghĩ này, được phổ biến bởi ông John Maynard Keynes, cho rằng sự gia tăng nhu cầu dẫn đến sự gia tăng nguồn cung cấp, khuyến khích quá trình tạo ra của cải thực sự và từ đó củng cố tăng trưởng kinh tế.
Với niềm tin rằng cần phải có tổng số nhu cầu mạnh hơn để nâng nền kinh tế, không có gì ngạc nhiên khi các nhà hoạch định chính sách bao gồm cả bà Yellen coi sự gia tăng nhanh chóng của tốc độ cung ứng tiền là một yếu tố quan trọng để đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tốc độ tăng của việc trợ cấp tiền sẽ dẫn đến tăng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ, và điều này sẽ kích hoạt sự gia tăng cung cấp, do đó, sẽ củng cố nền tảng cơ bản của nền kinh tế.
Vào cuối tháng 12/2020, tốc độ tăng trưởng của AMS (thước đo mức độ cung tiền của Áo) là 74% so với 4.6% vào tháng 12/2019. Điều này khiến lạm phát có thể gia tăng mạnh.
Hơn nữa, khả năng thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng; điều này có thể sẽ được tài trợ bằng cách vay từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed), và như vậy tốc độ tăng cung ứng tiền dự kiến sẽ tăng lên mức cao chưa từng thấy.
Trái ngược với bà Yellen, yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế bền vững đó là thực trạng của tổng số tiền tiết kiệm trong nền kinh tế – trung tâm của tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, khoản tiền này luôn chịu sự tấn công không ngừng từ việc cung ứng tiền mạnh mẽ và các chính sách tài khóa liều lĩnh. Do đó, nhiều khả năng là khoản này đang thực sự giảm (xem biểu đồ).
Nếu đúng như vậy, thì nền kinh tế Hoa Kỳ có thể trải qua một đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng trong tương lai. Cùng với sự suy giảm sức mua của đồng tiền do cung ứng tiền tăng mạnh, Hoa Kỳ có thể đang hướng tới một môi trường kinh tế tồi tệ được gọi là suy thoái kèm lạm phát.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là Cục Dự trữ Liên bang hỗ trợ đáng kể cho chi tiêu của chính phủ. Chúng ta có thể dự báo tỷ lệ nắm giữ nợ chính phủ của Fed, ở mức khoảng 5 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2020, sẽ còn tăng hơn nữa.
Sức mua của tiền tệ suy giảm có thể nhìn thấy cùng với sự bất ổn ngày càng tăng có khả năng có lợi cho giá vàng.
Trong lịch sử, việc cung ứng tiền tăng ảo kéo theo sau sự gia tăng trên thị trường chứng khoán, có những giai đoạn điều này không xảy ra, chẳng hạn như trong cuộc Đại suy thoái năm 1930. Mặc dù gần đây thanh khoản tiền tệ tăng mạnh do lập trường cực kỳ dễ dãi của Fed, thị trường chứng khoán có thể không được hưởng lợi. Lý do có thể là do bản chất của nền kinh tế thực sự bị suy thoái nghiêm trọng.
Một vấn đề tiềm ẩn khác nhìn thấy trước đối với nền kinh tế Hoa Kỳ là kế hoạch của TT Joe Biden tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ.
Tổng thống có quan điểm rằng bằng cách tăng mức lương tối thiểu, ông sẽ nâng cao mức sống của người lao động. Nhưng tăng lương tối thiểu là có nguy cơ gia tăng tỷ lệ thất nghiệp vào thời điểm điều kiện kinh tế còn yếu.
Cần phải nhận ra rằng một doanh nghiệp khó có thể trả cho người lao động nhiều hơn giá trị của sản phẩm mà người đó tạo ra.
Nếu một công nhân tạo ra giá trị 10 USD/giờ, thì doanh nghiệp sẽ không trả nhiều hơn số tiền này. Trong trường hợp của chúng ta, nếu mức lương tối thiểu được đặt ở mức 15 USD, sẽ là bất hợp pháp nếu doanh nghiệp trả cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu 15 USD, ngay cả khi người lao động chỉ tạo ra giá trị 10 USD/giờ. Do đó, doanh nghiệp sẽ phải sa thải công nhân, vì việc sử dụng công nhân với giá 15 USD một giờ sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Chỉ thông qua sự gia tăng của tài sản sinh lời, ví dụ việc nâng cao và mở rộng cơ sở hạ tầng, thì lao động mới có thể trở nên năng suất hơn và kiếm được mức lương theo giờ cao hơn.
Để khởi động việc mở rộng cơ sở hạ tầng, chính phủ phải bớt can thiệp vào nền kinh tế, và ngân hàng trung ương nên ngăn chặn việc tạo ra tiền ảo từ “không khí”.
Chính sách tăng lương tối thiểu có thể phản tác dụng và có khả năng khiến nhiều người thất nghiệp hơn. Để “giúp đỡ” những người thất nghiệp, chính phủ sẽ phải cung cấp cho họ các khoản trợ cấp tài chính.
Những khoản trợ cấp này có thể được tài trợ thông qua việc tăng cường bơm tiền và thông qua việc thu thuế từ những người tạo ra của cải. Điều này có khả năng làm gia tăng thêm tình trạng nghèo nàn về kinh tế. Lưu ý rằng không thể nâng cao mức sống của các cá nhân bằng cách làm nghèo đi các nguồn tạo ra của cải.
Kết luận
Nhiều khả năng chính sách kinh tế sẽ được áp dụng của TT Joe Biden – như Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gợi ý, cùng với việc nâng lương tối thiểu và tăng tốc độ cung cấp tiền không ngừng – có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến nền tảng của nền kinh tế Hoa Kỳ. Để ngăn chặn nền kinh tế chìm vào tình trạng trì trệ kéo dài, điều cần thiết là cắt giảm sự tham gia của chính phủ và Fed đối với nền kinh tế, và giúp các doanh nghiệp bắt tay vào quá trình tạo ra của cải thực sự. Điều này khiến các doanh nghiệp tăng trưởng tài sản thực, điều đã bị suy yếu đáng kể.
Tiến sĩ Frank Shostak giảng dạy tại Đại học Pretoria và Trường Kinh doanh sau đại học tại Đại học Witwatersrand. Công ty tư vấn của ông, Applied Austria School Economics, cung cấp các đánh giá và báo cáo chuyên sâu về thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.