Một áng di văn, một nhân cách, một thời kỳ lịch sử
(Phân tích bài hịch hưng-Đạo Vương dụ gia – tướng) (1)
Hịch là một bài văn hùng biện bao hàm một ý nghĩa chính-trị. Đem một vấn-đề xã-hội hiện-thời, giải-thích cho một phái người rõ, để khuyến khích họ đi tới con đường đã nhắm sẵn: ấy là mục-đích văn-hịch. Vậy nên một bài hịch là một áng sử-liệu… Và ta có thể theo đấy mà nhận lấy một ít tia hồi quang về nhân-vật và xã-hội đương thời.
Về tâm-lý cá-nhân của tác-giả và trạng-thái xã-hội nước ta trong sơ-điệp nhà Trần, bài hịch Trần hưng-Đạo cho các tướng-sĩ có thể cung-cấp cho ta những sự nhận thức gì?
Trong trí-não những ai đã đọc qua mấy chương lịch-sử oanh liệt đời Trần, thời hưng-Đạo-Vương Trần-quốc-Tuấn là một vị hoàng thân, một ông đại-tướng đã hai lần dẹp giặc cứu nước. Giữa lúc thế giặc lẫy-lừng, quân ta ở vào tình thế nguy ngập, miếu xã cơ hồ tan, non nước cơ hồ mất, mà một câu nói khảng-khái đã giữ vững tinh thần kháng địch của triều đình, kích-thích được lòng chiến đấu của quân lính, tất phải có một tấm lòng tự tin rất bền chặt, có những năng lực hơn người mới làm nên việc. “Xin chém đầu tôi trước rồi sẽ hàng !” lời nói kiên quyết ấy, tưởng có thể so sánh với những lời các danh tướng cổ, kim, đông, tây mà không thẹn tý nào !
Nhân cách vĩ-đại của Trần phải chăng chỉ là một sự ngẫu-nhiên vẻ vang của một giao-tộc mà thôi ? Ta có thể nói rằng: trong lịch-sử của một dân tộc, những hồi nguy biến đều là những hồi nẩy nhiều anh hùng hào kiệt. Nói cho hết lẽ: trong lịch sử kháng chiến để sinh-tồn của dân-tộc ta lúc bấy giờ, nếu không có một ông Quốc-Tuấn họ Trần thời sẽ có một Quốc-Tuấn họ khác. Anh hùng nghĩa là một nhân vật của lịch-sử mà lịch-sử đào-tạo ra.
Giữa quãng đời vinh-hoa, phú-quý của một vị hoàng thân, một ngày kia, hưng-Đạo-Vương đã mục kích những điều đau đớn cho một ông hoàng-thân trong xã hội phong kiến, nhục nhã cho non nước triều đình : những điều “quốc sỉ” ấy Hưng đạo Vương đã kể rõ ràng trong bào hịch : “…Huống cho ta cùng các ngươi sinh phải đời nhiễu nhương, gặp phải buổi gian nan nầy, trông thấy những nguỵ-sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi đủ điều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể- phụ, lại cậy thế Hốt tất Liệt mà đòi ngọc lụa, ý thế vân nam vương để vét bạc vàng; của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau !”
Những tâm hồn thượng lưu xứng đáng với hai chữ ấy, xưa nay vẫn giầu tình cảm. Nên chi đối với những nỗi nhục khổ của đồng bào bao giờ họ cũng bị xúc động một cách đau đớn, sâu xa, mạnh mẽ hơn ai hết.. Vậy trong lúc Trần tuyên bố cùng gia thần:
“Ta đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa được sẻ thịt, lột da của quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa thì cũng đàng lòng!”
Đấy không phải chỉ để viết một câu văn cho kêu, mà chính là những lời nói đau đớn chứa chan những huyết lệ của chân thành, và bao hàm một ý định kiên quyết mà sự nguy ngập không thể lay truyền được !
Tuy vậy, căm hờn có thể chỉ là một câu chuyện tiếu khí trong một thì và vô bổ cho đại cục, nếu sau sự hờn giận, sau ý muốn của mình không có nhưng chủ thể cho thích đáng…
Sẵn một mối cảm tình chan chứa, những ý định rõ ràng, hưng-Đạo không phải chỉ là một người võ biền, chỉ biết “nghề gươm mộc giáo khiên” mà ít học vấn, kém tài lực !. Binh thư, binh pháp, sử, sách đối với Trần, không phải là những câu mơ hồ “chứ được chữ mất”. Đọc truyện ký, Trần đã ngấm nghĩ được những gương trung nghĩa ngày xưa. Nghiên cứu Tôn, Ngô, Trần đã lĩnh hội được phương pháp thực hành trong sự hành binh để dậy dỗ quan tướng và chờ ngày động dụng…
Nhân phẩm của Trần Hưng Đạo là thế: một nhà quý phái, giầu cảm tình cao thượng, bị thời cơ xúc động, rồi đem hết tâm lực, trí não mà phụng sự một tín điều: dẹp giặc, cứu nước ! hai chữ : “Sát Thát” khét rẹt những ý tưởng báo thù, mà quân lính đời Trần đã khắc vào cánh tay, phải chăng chỉ là biểu hiện tỏ ra sự thực của một tâm hồn vĩ đại trong lịch sử mà thôi?…
Bài hịch cũng là một bài văn diễn giảng, vậy nên lời lẽ văn phải thích hợp với trình độ những người đọc. Đọc bài hịch Trần Hưng Đạo ta cũng có thể ghi lấy những điều nhận thức về chế độ xã hội của nước mình trong thế kỷ thứ XIII…
Có lẽ ta nên tự hỏi rằng: sao mà bào hịch này không viết bằng chữ Nôm, lại viết bằng chữ nho ? Giả lời câu này, tưởng chỉ cần nhắc lại rằng : tiếng nói một dân-tộc muốn phát biểu được những ý-kiến trừu-tượng tất phải đợi cho dân-tộc ấy đi đến ấy đi đến một trình-độ văn hoá khá cao. Tuy nói rằng lúc có ý-tưởng ở trong óc thời tự-nhiên phải có danh-từ để mà phu-diễn ý-tưởng ấy, nhưng tiếng nói không phải mà một phẩm-liệu do một vài người có “đặc quyền” chế tạo ra được. Tác phẩm của một xã-hội thì tất nhiên sự phát – triển của nó cũng phải tùy ở trình- độ phổ-thông của dân-tộc…
Một điều ta nên chú ý-hơn là trong thế kỷ thứ XIII, hán-học ở nước ta đã được truyền bá ra trong một phạm vi khá rộng. Chứng cớ: các quan võ hạ – cấp cũng đã đọc nổi một bài hịch bằng chữ hán.
Nhưng đọc chữ Hán là một chuyện, mà hiểu văn hoá nước Tàu lại là một chuyện khác. Học-lực các ông tỳ-tướng “Đức thánh Trần” bấy giờ là thế nào?. Ngay đoạn đầu bài hịch, sau lúc đã kể cho các gia-tướng nghe những thí dụ hiển hách về sử Hán, sử Đường, về hồi Xuân-thu chiến quốc, Hưng đạo Vương nói thêm rằng :
“Nay các ngươi vốn dòng vũ – tướng, không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện cổ tích ấy, nửa tin nửa ngờ, ta không nói làm gì nữa, ta hãy đem chuyện đời Tống, Nguyên mới rồi mà nói…”
Hưng đạo-Vương đánh giá học lực gia-tướng có phần khinh rẻ ! Nhưng sự thực là thế : trong hàng gia tướng họ Trần thời bấy giờ dễ được mấy Phạm-Ngũ-Lão ! Ta cũng không nên quá yêu-sách. Kể ra một viên tỳ-tướng mà đọc đến được sử Tống, Nguyên đã là khá lắm rồi. Vả lại công-nghệ và thương-mại của Tàu, sự giao thông của ta với các lân-bang lúc bấy giờ chưa có thể đem văn-hóa Trung Quốc mà truyền-bá vào nước Nam một cách thoả mãn hơn nữa.
Học-lực của họ như vậy thời-sự lãnh hội của họ, đối với thời-thế, với nghĩa vụ quân-nhân, lẽ cố nhiên cũng có những sai lầm đáng tiếc.
Trong lúc quân Nguyên bốn bề đi tới, miếu-xã cơ hồ ngu, thì các ông tướng ấy sống thế nào? hưng-Đạo-Vương không hề dè dặt lời nói, trong lúc bài-xích hạnh-kiểm của tương-tá :
“Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc-sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu quân giặc, mà không biết tức…!”
Văn-thế đoạn này là lời lẽ một bài thuyết-pháp. Đập từng chữ dằn từng câu, hưng-Đạo đánh mạnh vào tình-cảm tu-ố của bộ-hạ để cho họ biết chán , biết ghét, biết khinh-bỉ cái đời hưởng-thụ và vô-ích của bọn tín-đồ chủ-nghĩa khoái-lạc.
Biết xấu-hổ là một bước đầu vào con đường nghĩa-vụ. Những hạng trung-nhân, nếu tinh-thần tấn-thủ của họ không có một mối lợi đi kèm theo, thời mỗi lúc gặp trở-lực, là bao nhiêu chí-khí hăng-hái của họ sẽ tiêu-tán rất dễ-dàng. Hai đoạn chính của bài hịch là hai bức hoạ tả chân cùng nhau tương-phản : Một bên con đường trụy lạc, nhởn nhơ những thú ăn chơi, nó sẽ dẫn người, quân nhân đi tới sự bại trận với bao nhiêu sự đắng cay thiệt thòi: danh dự đã tan tành thì lợi lộc cũng tha hồ mặc cho ai giày-xéo ! Nhưng trái lại, nếu như ai nấy biết tu tỉnh, gắng gỏi mà tập rèn can đảm, mà tác chiến, thì sẽ có thể bảo-toàn danh giá, tính mệnh và quyền lợi của mình. Nghĩa là nói: Vì vinh dự của người quân nhân, thế phải quyết chiến, mà đứng về mặt quyền lợi của mình lại càng phải quyết chiến.
“…Nếu có giặc đến, thì …chẳng những là thái ấp của ta không còn, mà bỗng lộc của các ngươi cũng hết, chẳng những gia quyến của ta bị buổi, mà vợ con của các ngươi cũng nguy, chẳng những là ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau, tiếng xấu hãy còn mãi mãi, mà gia thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang tiếng nhục. Đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui-vẻ, phỏng có được hay không ?
Nay ta bảo thật các ngươi nên cẩn thận như nơi củi lửa, nên giữ gìn như kẻ húp canh, dạy bảo quân-sĩ, luyện-tập cung tên, khiến cho người nào cũng có sức khoẻ như Bàng Mông và Hậu-Nghệ, thì mới có thể dẹp tan được quân giặc, mà lập nên được công danh. Chẳng những là thái ấp của ta được vững-bền, mà các ngươi cũng được hưởng bổng-lộc : chẳng những là gia quyến của ta được yên-ổn, mà các ngươi cũng đều được vui vợ con; chẳng những là tiền nhân ta được vẻ-vang mà các ngươi cũng được phụng thờ tổ phụ, trăm năm vinh-hiển; chẳng những là một mình ta sung sướng, mà các ngươi cũng được lưu truyền sử sách, nghìn đời thơm tho. Đến bấy giờ các ngươi dẫu không vui-vẻ, cũng tức khắc được vui-vẻ !”
Nói tóm lại: lời văn bài hịch này là lời rắn-rỏi của một ông hoàng-thân răn đe gia thần. Mục-đích bài hịch là kích-thích mối cảm tình tu-ố của quân-nhân, chỉ rõ cho họ con đường đi có lợi cho họ. Nếu như lời nói có vẻ cao đạo lập tràng có phần thiển cận, điều ấy chả có gì lạ. Địa-vị nhân-cách của người nói, học thức và nhân-sinh quan của những người nghe, đủ làm cho ta hiểu rõ nội-dung một bài văn tuyên truyền, trong xã hội quân-chủ tập-quyền ở nước ta về thế kỷ thứ 13.
ĐẶNG THAI MAI
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)