Một ‘Bộ Tứ’ Trung Đông đang bắt đầu phát triển
NEW DELHI – Đầu tiên người ta nghe về một liên minh an ninh tứ giác hay “bộ tứ” giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương. Giờ đây, lại có suy đoán về một bộ tứ Trung Đông giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Israel, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE).
Điều được mô tả là một cuộc họp “sơ bộ” và không chính thức giữa các ngoại trưởng của bốn quốc gia trên đã diễn ra hôm 18/10, với một phần là trực tiếp và một phần là trực tuyến.
Nhằm tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế giữa bốn quốc gia ở “Trung Đông và Á Châu” Ngoại trưởng Blinken đã nói chuyện với Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed, Ngoại trưởng Ấn Độ Tiến sĩ S. Jaishankar, và Ngoại trưởng kiêm Thủ tướng Dự khuyết Israel Yair Lapid.
Ông Jaishankar, người đang trong chuyến công du đầu tiên kéo dài năm ngày đến Israel, cho biết trong một thông điệp trên Twitter rằng diễn đàn này sẽ làm việc về vấn đề “tăng trưởng kinh tế và các vấn đề toàn cầu” và cho biết sẽ có một “cuộc gặp nhanh chóng tiếp theo”. Cả ông và ông Lapid đều đích thân tham dự diễn đàn.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết bốn ngoại trưởng đã thảo luận về hợp tác chính trị và kinh tế tại Trung Đông và Á Châu, bao gồm các vấn đề liên quan đến thương mại, biến đổi khí hậu, hợp tác năng lượng, và an ninh hàng hải.
Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng diễn đàn không chính thức này, vốn được gọi là bộ tứ mới hoặc bộ tứ Trung Đông trong giới phân tích và truyền thông, là sự phát triển của các mối bang giao song phương giữa bốn nước và dự kiến sẽ có tầm ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực và trên toàn cầu.
Ông Seth J. Frantzman – một nhà phân tích Trung Đông và là tác giả của cuốn sách “Drone Wars: Pioneers, Killing Machines, Artificial Intelligence, and the Battle for the Future” (Cuộc Chiến Phương Tiện Bay Không Người Lái: Những Người Đi Tiên Phong, Các Cỗ Máy Sát Nhân, Trí Tuệ Nhân Tạo và Cuộc Chiến cho Tương Lai) – nói với The Epoch Times trong một email rằng, “Mối liên kết chặt chẽ đang nổi lên giữa Hoa Kỳ, Israel, UAE, và Ấn Độ, với tư cách là một nhóm tức ‘bộ tứ’ là rất quan trọng vì nó gắn kết các mối liên hệ chính của các quốc gia có chung lợi ích và nằm trải dài trên một khu vực rộng lớn trên thế giới lại với nhau.”
Hiệp định Abraham
Diễn đàn hôm 18/10 tiếp nối Hiệp định Abraham hồi năm ngoái, đánh dấu việc bình thường hóa mối bang giao công khai đầu tiên giữa bất kỳ quốc gia Ả Rập và Israel.
Hiệp định Abraham là một tuyên bố chung giữa Hoa Kỳ, UAE, và Israel được ký kết vào ngày 30/08/2020 và hiện là một thuật ngữ chung để chỉ thỏa thuận bình thường hóa Israel–UAE và thỏa thuận bình thường hóa Bahrain-Israel.
Bộ Ngoại giao cho biết, “Bộ trưởng nhắc lại sự ủng hộ của Chính phủ Tổng thống Biden đối với Hiệp định Abraham và các thỏa thuận bình thường hóa và thảo luận về các cơ hội hợp tác trong tương lai trong khu vực và trên toàn cầu.”
Ông Esra Sarim, một nhà phân tích an ninh quốc tế hiện đang sinh sống tại Pháp nói với The Epoch Times trong một email rằng sau khi Hiệp định Abraham được ký kết dưới “Thời Tổng thống Trump”, UAE với tư cách là nhà cung cấp năng lượng chính đã trở thành một “đối tác đáng tin cậy” cho cả Hoa Kỳ và Israel.
Ông Sarim nói: “Ấn Độ và Israel vốn đã có một mối bang giao thân thiết trong nhiều năm. Họ có sự hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, và mối bang giao chặt chẽ này cũng như mối bang giao giữa Israel và UAE luôn được chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích.”
Ông Hamid Bahrami, một nhà phân tích Trung Đông hiện đang sinh sống tại Glasgow nói với The Epoch Times rằng Hoa Kỳ muốn sử dụng diễn đàn này để chuyển giao “vai trò an ninh” của mình cho một “khối Ả Rập–Israel”.
“Mối đe dọa hiện tại đang đến từ chế độ Iran và sự phát triển của chủ nghĩa Hồi giáo, vốn đang đe dọa các quốc gia Ả Rập. Điều quan trọng là cả Israel và các nước Ả Rập đều tìm thấy các lợi ích chung cũng như cùng một kẻ thù. Chính quyền Iran coi nó [Hiệp định Abraham] như một liên minh quân sự chống lại chính nhà cầm quyền này. Chế độ của các Mullah ngày nay đã bị cô lập và có vẻ như họ đang tìm cách xích lại gần hơn với Trung Quốc và Nga”, ông Bahrami nói.
Tuy nhiên, ông Frantzman cho rằng bốn quốc gia này có chung lợi ích rộng lớn hơn trong “sự ổn định khu vực”, nhưng ông nói rằng ông không thấy nhóm bộ tứ này có lợi ích chung liên quan đến Iran.
Theo ông Frantzman, “Israel lo ngại về động lực sử dụng vũ khí hạt nhân của Iran và vai trò gây bất ổn của họ ở Gaza, Syria, Lebanon, và Iraq. Ấn Độ dường như không có bất kỳ sự e ngại nào với Iran, và UAE thích sự ổn định hơn là đối đầu. Bộ tứ này dường như không có chung lợi ích liên quan đến Iran.”
Bộ tứ mới và Trung Quốc
Các chuyên gia cho biết liên minh mới sẽ giúp duy trì sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Trung Đông và Nam Á sau khi nước này rút khỏi Afghanistan, và cũng sẽ giúp tạo ra sự cân bằng trong khu vực chống lại Trung Quốc và Nga.
Ông Sarim cho biết diễn đàn hôm 18/10 đã diễn ra sau liên kết đối tác ba bên đầu tiên và một thỏa thuận kinh tế giữa Ấn Độ, UAE, và Israel vào đầu năm nay. Thỏa thuận này là về Israel sản xuất công nghệ robot làm sạch tấm pin năng lượng mặt trời tại Ấn Độ cho một dự án ở UAE.
“Đội hình này được đặc biệt thiết lập ngay sau thỏa thuận quốc phòng AUKUS giữa Úc, Anh Quốc, và Hoa Kỳ. Bởi vì, thông qua các thỏa thuận/liên minh này, chính phủ Hoa Kỳ vốn đã rời khỏi Afghanistan nhắm đến mục tiêu củng cố trục của mình và áp dụng cách tiếp cận mạnh mẽ đối với cả Nga và Trung Quốc để duy trì vị thế/sự hiện diện của họ ở Trung Đông và Nam Á,” ông Sarim cho biết trong thư điện tử.
Aukus được nhiều người coi là một liên minh nhằm chống lại Trung Quốc, liên quan đến việc Úc lần đầu tiên đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với công nghệ do Hoa Kỳ cung cấp.
“Chúng tôi đang thực hiện một bước tiến lịch sử khác để làm sâu sắc hơn và chính thức hóa sự hợp tác giữa cả ba quốc gia của chúng tôi bởi vì tất cả chúng tôi đều nhận thấy tính cấp thiết của việc bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương về lâu về dài,” Tổng thống Joe Biden nói sau khi thành lập Aukus.
Ông Bahrami cho biết bộ tứ mới là một phần trong chiến lược của Hoa Kỳ và một chiến lược lớn hơn của phương Tây nhằm hình thành một đạo quân rộng rãi và thống nhất chống lại Trung Quốc.
“Thật vậy, thế giới sẽ chứng kiến một trật tự thế giới mới trong thập niên tới,” ông nói và cho biết thêm rằng diễn đàn mới và các thỏa thuận song phương khác giữa các nước này là nhằm chống lại các nghị trình lớn hơn của Trung Quốc.
Trong một bài phân tích trước đó viết cho Jerusalem Post, ông Frantzman đã thêm Hy Lạp, Pháp, Cyprus, Bahrain, Ai Cập, và Jordan vào danh sách “các quốc gia cùng chung chí hướng” như một phần mở rộng của Bộ Tứ mới này.
“Hy Lạp và Cyprus không có vấn đề tiêu cực với Trung Quốc. Mặt khác, Hy Lạp và Cyprus ngày càng gần gũi với Israel về nhiều lợi ích và cũng hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ. Hy Lạp và Cyprus có khả năng cùng chung mối lo về hành vi gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ. Có những lý do chính đáng để Hy Lạp và Cyprus muốn được liên kết với Ấn Độ và họ đã có mối bang giao chặt chẽ với UAE,” ông nói với The Epoch Times sau đó.
Ông Bahrami cho biết ông Frantzman đã đúng về phạm vi tiếp cận, và nó có thể được mở rộng sang các quốc gia khác có cùng lợi ích.
“Tuy nhiên, tất cả các quốc gia này cuối cùng sẽ cần phải lựa chọn xem họ sẽ đứng về phe nào trong sự phân cực quốc tế mới trong những năm tới. Ví dụ, Hoa Kỳ sẽ cần phải làm rõ cho Pakistan rằng Islamabad muốn đứng về phe nào. Nếu Pakistan vẫn cung cấp cho Trung Quốc một tuyến đường đến Ấn Độ Dương; điều đó có nghĩa là Pakistan đang ở trong (phe không đối xứng) của Trung Quốc. Hoặc nếu Israel vẫn muốn kết giao bình thường với Trung Quốc, thì điều đó đe dọa kế hoạch của Hoa Kỳ,” ông nói.
Ông Sarim cho rằng khi phản hồi về các thỏa thuận này, có khả năng “Iran, Pakistan, Nga, Trung Quốc, và thậm chí cả Afghanistan” sẽ thực hiện nhiều thỏa thuận kinh tế và an ninh trong thời gian tới.