Ngày nay, du khách qua chơi Ba Bể (Bắc Kạn) thấy sơn thuỷ hữu tình, chỉ biết ngắm xem phong cảnh, nào ngờ ở đấy, ngót 70 năm trước đây, có một trận quyết chiến giữa quân ta và giặc Tầu.

Năm Tự Đức thứ 26 (1873), một bọn giặc khách ước chừng một vạn do viên tướng giặc là Lý Dương Tài nổi lên cướp phá biên giới. Đề đốc Quảng Tây là Phùng Tử Tài vâng lệnh vua Thanh, đưa thư sang cho quan tham tán đại thần lĩnh Ninh Thái Tổng đốc là Tôn Thất Thuyết để hội đồng đánh giặc.

Lúc ấy, quân giặc Tầu bị hai cánh quân ta và Thanh đánh, phải lui về giữa Ba Bể, một cái cồn ba phía là núi bích lập, một phía là bể, lối vào chỉ có một con đường độc đạo.

Tướng giặc sai một mặt đắp ụ đất và chắn ván gỗ làm lấp hẳn đường ấy, một mặt chuyên vận lương khô, rồi cứ ở trong thủ hiểm, cố giữ hàng mấy tháng giời. Quan quân không sao phá nổi sào huyệt của giặc !

Trong hàng bộ tướng của Tôn Thất Thuyết lúc ấy có Ông Ích Khiêm (1), một đại danh tướng kỳ tài.

Ông Ích Khiêm vì kiêu ngạo, nên đang làm tiểu phủ sứ thì bị cách, phải đi hiệu lực dưới quyền Tôn Thất Thuyết.

Thuyết ra hạn cho Ông Ích Khiêm: Trong 15 hôm, nếu không phá nổi đám giặc Lý Dương Tài ở Ba Bể thì bị chém.

Ích Khiêm lĩnh mệnh đi ngay. Một sự kỳ lạ: chỉ đem theo có tám mươi người đốc chiến, phần đông là võ cử.

Cuối tháng một. Gió bấc bắt đầu thổi. Đêm ấy trời tối sầm. Ích Khiêm truyền cho tám mươi người thủ hạ, bỏ hết quần áo cho gọn, rồi mang theo cơm lam và mỗi người mang một thanh gươm, bốn phía có bốn người mang mã la (đồng la).

Suốt trong mười đêm, ngày, họ trèo xuyên sơn qua những dãy núi bích lập. Đến đêm thứ mười, 80 người đều đã đến ngọn núi.

Ích Khiêm ám truyền cả bọn cởi trần cả. Rồi ông dòng dây tự tụt xuống trước; 80 người kia xuống theo. Ông ra lệnh hễ gặp người mặc áo thì giết. Bốn phía nổi mã la, bọn ông ập vào chỗ giặc đóng.

Quân Tàu đang ở yên cứ tưởng sào huyệt kiên cố kín đáo, không có lối nào hở cho ai vào được. Nay thình lình nghe tiếng mã la, chúng đều rối loạn: thôi thì mạnh ai nấy chạy, chẳng còn trật tự gì nữa.

Ích Khiêm và 80 thủ hạ cứ nhằm người mặc áo, tha hồ chém giết khác nào đàn hổ đói lăn vào bầy dê, giết mỏi tay không hết. Còn bao nhiêu đều giày xéo lên nhau hoặc chết trong loạn quân, hoặc lăn xuống bể.

Mờ sáng hôm sau, cả đám quân Tàu ngót vạn người đều bị chết hết. Tướng Lý Dương Tài cũng chết trong đám loạn quân.

Sau trận này, Ông Ích Khiêm xét lại, thì 80 thủ hạ còn nguyên, nhưng người nào cũng như tắm trong bể máu. Bắt được 300 ngựa chiến và 370 gái người Nam mà lũ giặc đã nhốt vào hang núi. 

Ông Ích Khiêm truyền đưa những người con gái này về phủ Yên Thế để cho về nguyên quán.

Hát bài thắng trận, Ích Khiêm và 80 người thuộc tướng thẳng đường về Bắc Ninh.

Rủi lại vào nửa đêm, cửa thành đóng chặt, gọi mãi không ai mở, Ông Ích Khiêm tức mình lăng mạ cả quan coi cửa thành. Quan Ninh Thái Tổng Đốc là Tôn Thất Thuyết được tin, giận lắm, sai mở cửa, cho gọi vào, đã không xét đến chiến công kia thì chớ, lại sai đóng xiềng ông Ích Khiêm hạ ngục vì tội đã tự tiện dám về trước khi chưa hết hạn 15 hôm, chưa có lệnh đòi về. Thì ra, trong khi thảng thốt, Ông Ích Khiêm đã làm tờ trình việc thắng trận giao cho viên đội lệ Yên Thế mang về Bắc Ninh, nhưng tên này đi chậm, mãi hôm sau mới tới. Khi nghe tin Ông Ích Khiêm bị hạ ngục, viên đội lệ này sợ mắc tội, tự tử chết !

Tôn Thất Thuyết làm sớ tâu về Kinh. Vua Dực Tôn vốn trọng hiền tài, yêu quý Ông Ích Khiêm, bèn xuống chỉ cho giải về Kinh làm tội nhưng khi Khiêm đến Kinh, Ngài tha ngay ra và lại trọng dụng như trước.

Cái chiến công này làm chấn động cả quân nhà Thanh. Viên Đề đốc Quảng Tây là Phùng Tử Tài về tận Bắc Ninh đòi xem mặt Ông Ích Khiêm, nhưng lúc ấy ông đã sang làm việc dưới quyền khâm sai Hoàng Kế Viêm ở Sơn Tây rồi.

Phùng Tử Tài đưa thư hỏi Hoàng Kế Viêm rằng: “Trong hàng tiểu phủ sứ của nước Nam có được mấy người như vậy?”. Hoàng giả nhời: “Được như Ông Ích Khiêm có đến mươi lăm người”. Câu nói ấy tuy có xa sự thực, nhưng cái chiến công vẻ vang của viên danh tướng ấy đã làm kinh động các chú con trời !

  1.  Ông Ích Khiêm người tỉnh Quảng Nam, do cử nhân xuất thân, đã ngồi tri huyện Kim Thành, Hải Dương; sau đi quân thứ, làm tiểu phủ sứ.
  2. Thuật theo chuyện kể của một cụ cử võ, một trong 80 thủ hạ của Ông Ích Khiêm đã từng dự trận Ba Bể.

(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn