Một cuộc suy thoái sẽ đến
Bằng cách này hay cách khác, lạm phát sẽ dẫn đến suy thoái
Báo cáo đáng thất vọng gần đây về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể phản ánh các chi tiết thống kê nhiều hơn là sự khởi đầu tức thời của một cuộc suy thoái. Nhưng suy thoái thực sự vẫn nằm ở phía trước, có thể là trong 18–24 tháng tới.
Những áp lực lạm phát là thủ phạm. Chúng làm cho suy thoái trở nên không tránh khỏi. Suy thoái sẽ đến theo một trong hai cách: Cuộc chiến chống lạm phát của Fed sẽ gây rắc rối cho thị trường rồi dẫn đến suy thoái, vì các chính sách như vậy đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ; hoặc nếu FED không chống lạm phát đủ mạnh, thì theo thời gian, một tình trạng lạm phát không được kiểm soát sẽ tự nó tạo ra đủ sự méo mó về kinh tế để gây ra một sự suy thoái.
Viễn cảnh không được hoan nghênh mà quốc gia đang đối mặt là do, trái ngược với những tuyên bố lặp đi lặp lại của Hoa Thịnh Đốn, lạm phát ngày nay không phải là sự phản ánh “nhất thời” của các đợt hậu đại dịch cũng như kết quả tức thì của cuộc giao tranh ở Ukraine. Mặc dù những diễn biến này chắc chắn có đóng góp vào lạm phát, nhưng áp lực giá hiện tại chủ yếu phản ánh việc trong hơn một thập niên qua Hoa Thịnh Đốn – dưới thời cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa – đã thâm hụt ngân sách rất lớn khiến Fed tài trợ bằng cách tạo ra một dòng thác tiền mới.
Trong thời gian này, Fed đã sử dụng tiền mới để mua khoảng 5 ngàn tỷ USD nợ chính phủ, khoảng 3 ngàn tỷ USD chỉ trong 2 năm qua. Hành động tương tự tài trợ chính phủ bằng cách in tiền giấy trong thời hiện đại này là toa thuốc cổ điển đối với tình trạng lạm phát dai dẳng.
Fed chỉ mới bắt đầu làm theo các yêu cầu của cuộc chiến chống lạm phát. Họ đã tăng lãi suất chuẩn của các quỹ liên bang thêm 0.75 điểm phần trăm từ mức thấp [0.25%] lên 1.0% và đã hứa hẹn thêm những mức tăng như vậy. Chính sách cũng đã đảo ngược cái gọi là chương trình “nới lỏng định lượng”. Thay vì tạo tiền mới và thanh khoản tài chính để mua trái phiếu trực tiếp trên thị trường tài chính, Fed hiện sẽ bán một số chứng khoán mà họ đã tích lũy được trong những năm qua và bằng cách đó, hút bớt một phần tiền lạm phát từ thị trường tài chính và nền kinh tế. Tất cả biện pháp này có xu hướng hạn chế hoạt động kinh tế.
Chính sách của Fed sẽ phải làm nhiều hơn nữa để đối phó với những gì hiện đang hàm chứa trong lạm phát. Ngay cả sau lần tăng lãi suất mới nhất của Fed, hãy xem xét rằng lãi suất ngắn hạn vẫn chỉ ở mức 1.0%. Với mức lạm phát 8.5% hiện nay, một người đi vay sẽ trả lại cho người cho vay số tiền có giá trị thực thấp hơn rất nhiều so với con số lãi vay [trên danh nghĩa] mà anh ta phải trả. Tính theo giá trị thực tế, thì người cho vay lại thực sự đang trả cho người đi vay để sử dụng tiền – nghĩa là một sự khuyến khích lớn để vay mà chi tiêu vẫn còn.
Để xóa bỏ động cơ đó và chế ngự lạm phát, Fed sẽ phải tăng lãi suất cao hơn tốc độ lạm phát đang diễn ra. Việc đạt được điều đó đủ nhanh để tạo ra hiệu quả chắc chắn sẽ gây tác động đột ngột cho thị trường và nền kinh tế, đủ để gây ra sự đình trệ trong hoạt động kinh tế và ít nhất có thể là một cuộc suy thoái ngắn sẽ đến.
Không nghi ngờ gì nữa, Fed đã bắt đầu một cách thận trọng vì lo sợ về tác động suy thoái như vậy. Tuy nhiên, nền kinh tế không thể tránh khỏi điều đó. Ngay cả khi chính sách tiền tệ vẫn còn hoảng sợ và e dè, một cuộc suy thoái sẽ đến. Cuối cùng, lạm phát không được kiểm soát sẽ làm cho việc lập kế hoạch kinh doanh đầy bất trắc đến mức các doanh nghiệp sẽ từ bỏ các dự án đầu tư vốn có thể nâng cao tiềm năng sản xuất của nền kinh tế và khuyến khích tăng trưởng việc làm. Người lao động, ngay cả khi được tăng lương, vẫn sẽ phải chật vật mới theo kịp chi phí sinh hoạt đang tăng chóng mặt.
Bằng cách làm xói mòn giá trị của các tài sản bằng đồng USD, như cổ phiếu và trái phiếu, lạm phát cũng sẽ gây ra sự thoái lui trên thị trường tài chính, và trong khi làm như vậy càng không khuyến khích các khoản đầu tư vào năng lực sản xuất thực sự. Trong khi đó, áp lực giá cả liên tục sẽ chuyển hướng những khoản tiền đầu tư có sẵn vào các tài sản phòng ngừa lạm phát – chẳng hạn như đầu cơ tài sản nghệ thuật và đất đai, thay vì các hoạt động hiệu quả hơn. Tất cả những chuyển biến này sẽ dẫn đến suy thoái ngay cả khi Fed không hành động, có thể là một sự suy thoái nghiêm trọng và kéo dài hơn.
Suy thoái kinh tế mà bây giờ đã là một trong các rủi ro, lẽ ra đã có thể tránh được. Nếu một năm trước, khi lạm phát ban đầu lộ rõ, Hoa Thịnh Đốn đã bắt đầu thay đổi chính sách thay vì gạt bỏ vấn đề này, thì giới thẩm quyền sẽ không phải thay đổi một cách triệt để như họ làm bây giờ để có tác động đủ mạnh chống lại lạm phát. Thay vào đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định rằng lạm phát chỉ là “nhất thời” trong nhiều tháng trời, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cũng vậy. Ngay cả Tổng thống Joe Biden cũng tuyên bố như vậy vào cuối mùa hè năm ngoái. [Còn] bây giờ thì ông ấy đổ lỗi cho Tổng thống Nga Putin.
Hành động kịp thời không thể tránh được mọi áp lực lạm phát, nhưng nó có thể làm giảm bớt cường độ của rắc rối mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt. Cơ hội đó, tất nhiên, bây giờ đã biến mất. Một cuộc suy thoái là khó tránh khỏi.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York.