Một lối thử tài học trò nho xưa – Một lão Đồ điên
Một hôm, vào giữa mùa thu êm mát, buổi học sớm sắp tan, học trò sắp-sửa về, còn ráng ở lại nghe nhời chỉ-dẫn của ông đồ về một bài phú. Chợt ở đâu đưa đến một người đàn ông đã nhiều tuổi, đầu quấn khăn tam giang đã bạc màu, mình mặc cái áo vải đã giãi đã sờn rách và chiếc quần nâu bạc, chân đi đôi dép da loẹp quẹp, tay khoác cái nón sơn đã long-lở, phe-phẩy đi vào, trông có vẻ ngang-tàng lắm, không có dáng điệu người đi xin ăn, mà cũng không ra vẻ khách-khứa làng nho cho lắm. Người ấy sồng-sộc vào nhà. Học trò không hiểu thế nào, còn mãi ngạc-nhiên chưa kịp chào, ông đồ cúng lấy làm lạ. Người ấy đã nghiễm-nhiên ngất ngưởng ngồi trên trường-kỷ, không chào hỏi ai, rung đùi ngâm một câu :
- Giáo huấn chính tục, vô lễ bất bị (1)
Ông đồ tức tím mặt lại, các học trò sợ hãi, khép-nép, kẻ đứng dậy đi tiêm giầu, kẻ đi lấy điếu, đốt đèn mang lên; người đi rót nước bưng đến, mời chào rất cung kính. Người lạ mỉm cười lại nói :
- Cung nhi vô lễ tắc lao ! (2)
Ông đồ từ nãy tới giờ ngồi im, lúc này mới nói :
- Nhập gia bất vấn tắc mạn. Ký vi nho-giả, hồ bất trí Thánh-nhân
nhập Thái-miếu mỗi sự vấn ? (3)
Một sự im-lặng nặng-nề. Ông đồ chăm-chăm nhìn người khách lạ. Người này vẫn tươi cười hớn-hở trông ra ngoài sân. Các học trò ngơ-ngác hãi-hùng chờ cuộc đấu khẩu gay-go giữa ông đồ và người khách. Có tiếng thì-thầm :
- Này này ! Hay là lão đồ điên Nam-Thượng đấy ?
- Không, giọng lơ-lớ, có lẽ đồ Nghệ !
- Không phải, đồ bể đấy. Năm ngoái ông ta đã vào trường cụ Tú Hai bên Nguyệt-Điện.
Rồi lại im ngay. Hai trò đều quay nhìn dồn cả về ông đồ và ông khách. Ông khách chợt tươi cười quay mặt lại hỏi ông đồ :
- Thưa thày, thế nào là tiên học lễ, hậu học văn ?
Ông đồ hỏi lại :
- Thưa ông thế nào là đáo giang tuỳ khúc, nhập gia tuỳ tục ? (4)
Ông khách không giả nhời, hỏi lại :
- Vậy thày đây dạy trẻ những gì ?
- Thưa ông, tôi dạy học, dạy làm văn, làm bài, làm thơ, làm phú, dạy học trò sắp-sửa đi thi.
Ông khách vẫn tươi cười nói :
- Tốt lắm. Thày dạy chu đáo lắm. Nhưng có điều cần nhất, thày quên.
- Thấy khách nói hoà nhã từ-tốn, ông đồ bèn dịu nhời nhận lỗi :
Bẩm cụ, cụ đến đột-ngột quá vào giữa lúc học trò dộn dịp sắp ra về, nên mới có điều sơ-suất vậy. Vả, lúc này học trò đang bận tập bài văn để đầu tháng này xuống thi ở nha quan Huấn.
- Được lắm ! Ra các cậu học trò đây đều sắp sửa đi thi nay mai kia đấy ?
- Bẩm cụ, nhà cháu dạy đủ lề-lối văn chương rồi, chỉ còn luyện tập tinh vi đến sang năm đi hạch, rồi xuống tập quan Huấn hay vào tập quan nghè Phạn-xá ít lâu để kịp khoa thi Mão sắp tới.
Ông đồ tươi cười nói với một vẻ thoả thích. Nhưng ông khách hơi cau mày hỏi :
- Thưa thày, như thế, các cậu học đã giỏi lắm nhỉ ?
- Bẩm cụ, chửa lấy gì làm giỏi nhưng cũng đủ sức làm bài. Bẩm cụ, bài của các trẻ đây.
Ông đồ lại đưa các vở bào ra cho khách xem. Khách thong-thả mở qua các dòng giấy. Ông đồ hỏi :
- Bẩm cụ, quy quán ở đâu ta ?
- Ấy tôi đi qua thấy đây có trường học, ghé vào chơi hầu thày. Thày
cho phép tôi hỏi các cậu ấy mấy câu ?
- Bẩm vâng, xin rước cụ chỉ giáo…
Ông khách quay lại hỏi học trò :
- Lão thấy nói các cậu sắp đi thi, lão kính phục lắm, nên lão muốn
cùng các cậu đàm luận một lúc cho vui. Lão bây giờ già rồi, không còn được may-mắn như các cậu đi học, đi thi nữa, lão tiếc quá. Các cậu đối hộ câu này nhé, lão nhai dập bã giầu này là phải xong vì lão vội lắm.
Các học trò lấm-lét nhìn nhau, rồi đều nói :
- Bẩm cụ, vâng ạ !
Ông khách ra :
- Cây xương rồng, giồng đất rắn long lại hoàn long (chữ long nghĩa là rồng)
Các học trò im lặng ngồi nghĩ, mặt anh nào cũng đực ra. Ông khách bỏm-bẻm nhai giầu, đã tàn miếng giầu, thè ra môi, giơ hai đầu ngón tay, cầm lấy bã ném tọt ra sân rồi giục :
- Thế nào, xong chưa, các cậu ?
Chỉ có mình Tâm đứng dậy thưa :
- Bẩm cụ, con xin đối ạ :
Quả dưa chuột, truột mồm dẻo, thử gì mà thử ? (chữ thử là chuột)
Ông cụ lắc đầu :
Hơi được, nhưng không chỉnh mà lại sược. À, thảo nào bé mà hay chữ tất sẽ khinh mạn. Còn các cậu kia. Không đối à ? Thôi quá hạn rồi. Các cậu làm giúp tôi bài thơ này : “Chí tiểu nhi mưu đại” Lấy vần mưu, các cậu có biết chữ đâu không ?
Học trò ngơ-ngác nghĩ không ra.
Ông đồ phải bảo :
- Chữ kinh Dịch, thiên Hệ-từ hạ, câu đức Thánh nói “Đức bạc nhi vị
tôn, chí tiểu nhi mưu đại, lực tiền nhi nhâm trọng, tiền bất cập hĩ” (1) học rồi mà đã quên :
Ông khách chữa :
- Ấy vì kinh Dịch chúc chắc khó nhớ.
Học trò ngồi nghĩ mãi, lại gặp vần mưu rất khó gieo, nên viết đi xoá lại mãi không thành. Mãi quá trưa, mới được mấy bào đưa lên, ông khách xem qua rồi quẳng giả, không chấm, ông lại bảo :
- Hẵng để bài thơ đấy, các cậu làm giúp tôi bài phú này nhé :
“Giột từ nóc giột xuống” dĩ đề tự vi vận.
Thật là bài phú oái-oăm và mai-mỉa. Ông đồ tức lắm. Từ câu đối đến bài thơ, bài phú, đều một giọng khuyên răn khinh-miệt. Nhưng biết làm thế nào ! Chả nhẽ ông đi làm hộ học trò à ! Ông đành ngồi mà xem cái lão rời đánh nó hạch sách thế nào. Cả ông đồ và học trò mải tức tối khó chịu quên cả ăn uống và mời khách. Bỗng ông kia đứng dậy chào ông đồ rồi đi ra. Họ cố giữ thế nào, ông cũng không ở. Ra đến sân ông nghêo ngao đọc :
- Học kinh bất minh bất như quy canh (6)
Người khách đi khỏi rồi ông đồ mới trút cơn bực tức ra, mắng học trò tàn-tệ, sau cùng ông dịu giọng lại nói vuốt hậu :
- Nhưng với cái thằng điên ấy không kể làm gì. Nó chỉ đi tìm những
vần, những chữ khốn khổ để thử người ta. Đem tử vận mà hỏi, thì đến bố nó cũng không làm nổi !
Nói vậy chứ ông đồ cũng không biết người khách lạ kia tung tích thế nào, quê quán ở đâu. Mà cả vùng ấy, học trò đã đi dò hỏi khắp cũng không biết hành tung con người bí-mật kia ra sao.
CHU THIÊN
(Trích trong cuốn Bút Nghiên)
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)