Một ngày trong đời: Thử làm họa sinh tại Trường Hội họa Kano
Một ngày trong đời
Mỗi sáng thức giấc rồi vội vã đi làm hoặc đến trường; lịch trình của chúng ta dường như bị đóng khung và trở thành những thói quen hằng ngày. Chúng ta hãy thử bước ra ngoài lộ trình quen thuộc của thế giới hối hả vội vàng, dành một chút thời gian để trải nghiệm xem cuộc sống ở các nền văn hóa và thời đại khác nhau đã diễn ra như thế nào.
Trường Hội Họa Kano
Trường Hội Họa Kano là ngôi trường tiêu biểu nhất của hội họa Nhật Bản trong hơn 300 năm, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Được họa sĩ chuyên nghiệp Masanobu Kano khởi công xây dựng vào thế kỷ 15 tại Kyoto, và theo trang web của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, ngôi trường sớm trở thành “trường dạy hội họa lâu nhất và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Nhật Bản.”
Trang web giới thiệu thêm, “Trong suốt nhiều thế kỷ, trường học Kano có nhiều xưởng vẽ; đây là nơi các họa sinh được đào tạo bài bản và có kỹ năng điêu luyện, làm việc cùng nhau để phục vụ khách hàng đến từ hầu hết các tầng lớp giàu có, bao gồm samurai, tầng lớp quý tộc, giáo sĩ Phật giáo, Thần đạo, và nhiều thương gia giàu có.”
Không có nhiều thông tin về các hoạt động của xưởng vẽ của trường Kano trước thế kỷ 19. Có lẽ chỉ vừa đủ thông tin để chúng ta hình dung việc trở thành một học sinh ở đó sẽ như thế nào.
Chúng tôi sẽ dùng bài “Sao chép Trọn vẹn: Cuộc sống của Họa sinh trường Kano” của Brenda G. Jordan, trích từ cuốn “Sao Chép và Đánh Cắp Bí Mật từ Thầy” (2003) để giúp chúng ta hiểu thêm trong hành trình tinh thần bước vào cuộc sống thường nhật của một họa sinh trường Kano.
Cuộc sống họa sinh trường Kano trong trí tưởng tượng
Lại một ngày mới đến với Trường Hội Họa Kano. Vì buổi học của chúng tôi bắt đầu từ 7 giờ sáng, nên chúng tôi phải thức dậy sớm để chuẩn bị. Giống như những ngày khác, hôm nay sẽ là một ngày dài, lịch học hội họa từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối.
Chúng tôi đến đây khi còn nhỏ, khoảng bảy tám tuổi, và đa số đều xuất thân từ tầng lớp có địa vị cao trong xã hội. Kể từ đó, chúng tôi đã dành cả đời mình để học hội họa. Ngay cả bây giờ, khi thức dậy, mùi hương và cảnh trí của màu sắc trong xưởng vẽ đã ngấm sâu vào trong con người, tăng thêm sinh lực cho các giác quan của chúng tôi.
Khi mới đến và lúc đó vẫn là một đứa trẻ, chúng tôi đã được thử thách về sự chăm chỉ và niềm đam mê đối với hội họa. Chúng tôi phải làm những công việc hàng ngày như dọn dẹp và dắt chó đi dạo. Rất ít khi được học về hội họa, nhưng chúng tôi không nản chí. Đây thực sự là một phần của giáo dục; chúng tôi không những cần phải giữ xưởng vẽ sạch sẽ, mà còn học và hiểu tầm quan trọng tính khiêm nhường, không phô trương.
Nhiều người chúng tôi vừa làm công việc dọn dẹp vừa chiêm ngưỡng những môn sinh xuất sắc làm việc. Hệ thống cấp bậc tại trường rất rõ ràng; thầy là cao nhất, môn sinh mới là thấp nhất, và những học sinh khác ở giữa. Các môn sinh giỏi được ngồi gần cửa sổ có nhiều ánh sáng trong khi những người khác ngồi xa hơn.
Thầy của chúng tôi chủ yếu ở phòng riêng của ông và chỉ đánh giá các tác phẩm nghệ thuật khi được đệ trình. Thầy hiếm khi giảng về hội họa. Vì vậy, ban đầu đa số chúng tôi học bằng cách quan sát các môn sinh khác. Chúng tôi không chỉ học về hội họa, mà còn học những đức tính cần có của một họa sĩ.
Hoàn toàn không có quy định khi nào bắt đầu vẽ tranh, vậy nên một số môn sinh tự mình chủ động. Chúng tôi vận dụng những gì đã học được qua việc quan sát các môn sinh khác. Chúng tôi học qua các minh họa thực tế nhiều hơn là lý luận. Chúng tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi và cầm cây bút để bắt đầu luyện tập; điều này khiến thầy rất hài lòng.
Việc luyện vẽ của chúng tôi chủ yếu là sao chép các tác phẩm. Chúng tôi bắt đầu công việc sao chép các chủ thể từ đơn giản đến phức tạp. Sau đó, chúng tôi sao chép những bức tranh của các họa sĩ bậc thầy. Quá trình này có thể mất hơn mười năm học hỏi; một số môn sinh sau hai mươi năm vẫn chưa hoàn thành.
Bậc thầy về hội họa Hayashi Moriatsu có lời khuyên về tầm quan trọng của việc sao chép như sau:
“Người họa sĩ dựa vào bản năng sáng tạo, không sao chép, là một người không có tay nghề, không xứng đáng… Người có nguyện ý vẽ đúng và sao chép mọi lúc mọi nơi mà không thay đổi các quy tắc của người xưa là người hiểu rằng mình vẫn còn nhiều hạn chế; anh ta hiểu được cảnh giới cao của cổ nhân, thôi thúc để cố gắng đạt được con đường hội họa chân chính, và mong muốn tìm kiếm những điều thiêng liêng, thần thánh.”
Chúng tôi hiểu rằng thành công của chúng tôi trong hội họa phụ thuộc vào sự thành công của các đồng môn, của thầy, và các bậc tiền nhân. Học vẽ cũng là học hiểu vị trí, trách nhiệm của chúng ta trong cộng đồng; đó là bài học của đức tính vị tha.
Chúng tôi cứ miệt mài sao chép cho đến khi các thao tác và quy trình thực hành thật sự trở thành bản năng thứ hai (bản năng này nhờ tôi luyện mà có). Đến khi đó, chúng tôi mới được thăng hạng trong hệ thống phân cấp của trường, và chỉ sau khi thăng hạng thì những bức tranh mới khác được đưa ra để chúng tôi sao chép.
Dường như có một bí mật nào đó trong hội họa được giải đáp thông qua việc sao chép. Vào đêm khuya, một số học trò lén xem xét từng chi tiết các bức tranh của thầy, một số thì lén tìm những bức tranh được giấu kín để sao chép với hy vọng lấy được bí mật này nhanh hơn.
Khi được thăng hạng, chúng tôi tìm hiểu mọi thứ về trường gồm cả việc kinh doanh. Tùy thuộc vào kỹ năng của từng người, chúng tôi có thể giúp điều hành trường hoặc trợ giúp thầy với những bức tranh được đặt vẽ. Nếu chúng tôi chứng tỏ được mình là người có năng lực trong mọi vấn đề, chúng tôi sẽ được tốt nghiệp, mang thanh danh của thầy, và bắt đầu cuộc sống của mình với tư cách là một họa sĩ chuyên nghiệp.
Đến lúc đó, mỗi người sẽ có một không gian khoảng 3.66m x 1.83m, một tấm chiếu tatami, và một chiếc rương chứa tất cả các tác phẩm nghệ thuật của chúng tôi. Không gian này, được chia sẻ với đồng môn, trở thành thế giới của chúng tôi, một thế giới mà qua đó chúng tôi kết nối với cảm thụ về vẻ đẹp của các bậc tiền nhân – vẻ đẹp mà chúng tôi mong muốn chia sẻ với một cộng đồng rộng lớn hơn.
Tác giả Eric Bess là một nghệ sĩ. Ông hiện đang học tại Viện tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).