Một vài kiến giải về từ ngữ học
Theo thuyết “chính danh”, hễ danh có chính thì lời nói mới thuận. Vậy, cái gì đã không chính về danh, lẽ tất nhiên không thuận về lời nói.
Từ khi tiếp xúc với Tây – phương, trong ngôn – ngữ văn – tự Việt Nam, người ta phải “chế” ra nhiều danh từ mới để ứng – phó với hoàn – cảnh và cung – cấp cho sự nhu cầu.
Ban đầu, phần vì bỡ – ngỡ lạ – lùng trước những cái mới mẻ, phần vì nhiều nhà thông – dịch thời xưa chưa phải là những tay chuyên – môn về từ – ngữ – học, nên trong khi hấp – tấp, họ đã dịch đại nhiều tiếng ngoại – quốc ra việt – ngữ để cho xong chuyện một lúc bấy giờ. Chẳng dè một khi tiếng mới ấy được dịch liều ra, nhiều người đương – thời dùng theo, lâu ngày thành quen, kẻ sau nó biết rằng nó không đúng nhưng khó lòng sửa chữa lại được, vì nó đã được dùng quen và phổ – thông rồi. Ta thấy như:
Gouverneur Général, dịch là toàn quyền;
Ingénieur, dịch là bác – vật (trong Nam thường dùng), .v.v
Đó là những tiếng dịch không đúng nghĩa ngữ pháp. Nhưng vì lâu ngày thông dụng, nên đến nay vẫn cứ phải dùng.
Những tiếng ấy thuộc loại “không đúng nghĩa nhưng đã phổ thông” cũng như những tiếng như “lịch sự, văn – tư, tử tế… tuy ứng – dụng khác hẳn nghĩa chính của chữ hán, song nay đã quen, nên không cần và cũng không thể sửa lại được nữa.
Gần nay, vì hán – học suy tàn, nên lắm tiếng chữ nho bị nhiều người dùng sai, viết trật ! Đại khái :
Kiêu hãnh chính nghĩa là hú – hoạ ưa may, nhưng bây giờ người ta gán cho nó cái nghĩa là kiêu kỳ.
Khoái trá, nguyên nghĩa đen là gỏi chả, dùng ra nghĩa bóng là thơm ngon, như khi xem một bài văn hay, nói là bài ấy làm khoái – trá miệng người đọc. Vậy mà bây giờ người ta dùng sai hẳn đi : giống nghĩa chữ khoái – lạc.
Ly – tao, như trong số 4 trang 2 đã cắt nghĩa, chỉ là mắc sự lo buồn. Vì Khuất – Nguyên mắc lo buồn , nên mới cảm khái, làm thiên Ly – tao để tỏ chí khí và hoài bão. Vậy mà mấy ông “thi – sĩ dậy non” cứ ép “Ly – tao” phải làm nàng thơ mãi !
Viết đến đây, tôi sực nhớ chuyện một ông bạn chỉ vì quá trung – thành với thuyết “chính – danh” đến nỗi phải ra lệnh “trục xuất” một người có việc giao – thiệp với mình, vì người ấy nói “Tôi đã mục – đích cái man dat ấy”.
Nếu ai cũng như ông bạn trên đây, cứ thẳng – thắn đối với những người dùng lầm chữ, trật tiếng như thế, thì trong một thời – gian ngắn, chúng ta có thể tẩy sạch được những vết lấm trên trang từ – ngữ học nước nhà.
Xin nhớ: Ý tôi chỉ muốn sửa lại những tiếng gần nay dùng sai tuy hiện hành nhưng chưa phổ thông, chứ những tiếng đã “an – nam hoá”, đã thành những danh từ hiểu theo nghĩa riêng của xứ sở, thì ta cứ việc dùng hết để tỏ cái đặc tính của Đại – Nam ta. Cử lệ: Cùng là chữ “trân – trọng”, người Tàu hiểu là “bảo trọng” (như trong thư họ viết : “Vạn thiên trân trọng”, nghĩa là muôn vàn xin giữ – gìn thận – trọng” cho được mạnh khỏe), nhưng ta hiểu nghĩa là trịnh – trọng (trân trọng cám ơn) : cũng chẳng sao. Trân trọng, theo Tàu, cũng còn có nghĩa là quí trọng nữa.
Bạn Lê Thanh có đề – nghị với chúng tôi, nên sửa lại những danh – từ mới dịch chưa được sát nghĩa hoặc chưa bao – gồm được hết ý nguyên – văn ngữ pháp, ví – dụ như:
Grammaire, nên dịch là ngữ – phạm (còn chữ văn – pháp thì để dịch chữ syntaxe).
Conséquence, nên dịch là quả – nhiên, chứ đừng dịch là kết – quả, vì hai tiếng “kết – quả” trơn không có ý “tự nhiên”.
Tán đồng ! Tôi tưởng ta cần phải sửa lại những tiếng đại – khái như thế để một ngày kia, việt – ngữ của chúng ta có thể bước vào cõi hoàn thiện, toàn mỹ. Đó vì trình – tự tiến – hoá của văn – học nước nhà sẽ đẩy chúng ta đến chỗ cần phải làm ấy.
Trước chúng tôi, bác – sĩ Hồ – Thích đã làm công việc sửa lại những chữ Tàu dịch không đúng với văn tây, như :
Scholasticisme, Hồ dịch lại là kinh – viện triết – học, thay cho tiếng cũ đã dịch là phiền – tỏa triết – học, vì Hồ cho rằng dịch như cũ cực không thông (1).
Viết bài này, chúng tôi chỉ cốt bày – tỏ đôi chút kiến giải về từ ngữ học. Vậy xin chất chính cùng các bậc cao minh.
HOA BẰNG
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)