‘Một vấn đề có tầm quan trọng quốc gia’: 23 tổng chưởng lý kiến nghị lên Tối cao Pháp viện để hỗ trợ các học viên Pháp Luân Công
GARY BAI VÀ EVA FU
Hai mươi ba tổng chưởng lý trên khắp Hoa Kỳ đã đệ trình một bản ý kiến amicus* ủng hộ đơn kiện của các học viên Pháp Luân Công trong vụ kiện về tự do tôn giáo cấp cao trước Tối cao Pháp viện.
Các tổng chưởng lý đã kêu gọi tòa án tối cao (Hoa Kỳ) đảo ngược phán quyết của tòa án cấp thấp hơn vốn “sai lầm trong một vấn đề có tầm quan trọng cỡ quốc gia ở trung tâm của truyền thống lập hiến của chúng ta,” theo một thông cáo báo chí từ văn phòng Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton hôm 22/06.
Năm 2015, 13 cư dân của Flushing, New York, một khu dân cư đa số là người gốc Hoa, đã đệ đơn kiện Liên minh Thế giới Chống Tà giáo Trung Quốc (CACWA) nhằm ngăn chặn điều mà họ mô tả là một chiến dịch kéo dài sáu năm nhắm vào họ với những vụ đánh đập, sách nhiễu, và những lời đe dọa tính mạng trong cộng đồng của họ.
Đơn kiện nêu chi tiết 40 trường hợp bị đe dọa hoặc hành hung nhắm vào họ vì đã tham gia các cuộc diễn hành đại diện cho Pháp Luân Công, phát tài liệu về Pháp Luân Công, hoặc quản lý một gian hàng có tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công. Trong một vụ vào tháng 07/2011, hai nguyên đơn đã bị bà Lý Hoa Hồng (Li Huahong), người đứng đầu CACWA, tấn công. Sau đó, một đám đông từ 20 đến 30 người đã bao vây hai học viên Pháp Luân Công này. Một người trong họ đã bị vây ở đó khoảng 30 phút cho đến khi cảnh sát đến, trong khi nhóm này la hét “hãy giết nó đi” và “hãy đánh chết nó đi”.
“Trong vụ kiện này, một nhóm tín ngưỡng được gọi là Pháp Luân Công, có nguồn gốc từ Trung Quốc, đã trải qua cuộc đàn áp và sách nhiễu ngay trên đất Hoa Kỳ,” ông Paxton nói.
“Các học viên Pháp Luân Công đã đệ đơn kiện theo quy chế liên bang, lập luận rằng họ là nạn nhân của các mối đe dọa hoặc hành vi bạo lực nhằm hạn chế quyền tự do tôn giáo của họ theo Tu chính án thứ Nhất,” Tổng chưởng lý Texas cho biết thêm.
Tham gia nêu lên ý kiến cùng các tổng chưởng lý còn có Viện First Liberty có trụ sở tại Texas, Giáo sư luật và tôn giáo John D. Inazu thuộc Đại học Washington ở St. Louis, và công ty luật bất vụ lợi Becket Fund vì Tự do Tôn giáo có trụ sở tại Washington.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần gồm các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức tập trung vào các nguyên lý Chân, Thiện, và Nhẫn. Pháp Luân Công trở nên phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc vào những năm 1990. Năm 1999, cho rằng sự phổ biến này là một mối đe dọa, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc đàn áp trên toàn quốc nhắm vào Pháp Luân Công và những người theo học môn này.
Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ trong các trung tâm giam giữ, nhà tù, và trại lao động trên khắp Trung Quốc. Tại đây, họ đã bị tra tấn thể xác, cưỡng bức lao động, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
‘Một vấn đề có tầm quan trọng quốc gia’
Trong bản ý kiến amicus, các tổng chưởng lý cho rằng phán quyết của một tòa án cấp dưới bác bỏ vụ kiện là “sai lầm trong một vấn đề có tầm quan trọng quốc gia, vốn dĩ nằm ở trung tâm của truyền thống lập hiến của chúng ta” – cụ thể là quyền tự do tôn giáo.
“Cam kết của Hoa Kỳ đối với tự do tôn giáo là thiết yếu,” các tổng chưởng lý cho biết. “Điều đó tạo thành một trong những quyền hiến định được bảo vệ một cách cẩn thận và trân trọng nhất của chúng ta.”
Đạo luật về Tự do Tiếp cận Lối vào Phòng khám (Freedom of Access to Clinic Entrances Act) quy định rằng bất kỳ ai, “bằng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực hoặc bằng cản trở vật lý” gây thương tích, uy hiếp, hoặc can thiệp vào bất kỳ người nào đang thực hành hoặc tìm cách thực hành một cách hợp pháp quyền tự do tôn giáo “tại nơi thờ tự tôn giáo” là phạm tội hình sự liên bang.
Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực Hai ở New York đã từ chối sự bảo vệ theo luật định của các nguyên đơn bằng cách diễn giải một cách nông cạn thuật ngữ “nơi thờ tự tôn giáo” chỉ là những nơi “chủ yếu” dành cho hoạt động thờ tự tôn giáo.
Các tổng chưởng lý cho biết, khi diễn giải như vậy, tòa án đã “thu hẹp quá mức một đạo luật nhằm ngăn chặn các hành vi bạo lực tồi tệ nhất ở nhiều nơi linh thiêng của Hoa Kỳ.” Ông Paxton tuyên bố rằng quyết định của tòa án cấp dưới đã “dẫn đến việc thiếu sự bảo vệ dành cho quyền tự do tôn giáo của Pháp Luân Công.”
“Các nguyên đơn chính xác là loại người thực hành thờ tự mà người ta có thể mong tìm thấy sự an toàn trong một quy chế như thế này. Họ tập Pháp Luân Công, điều này xếp họ vào nhóm lớn thứ ba trong những người bị hạn chế về quyền tự do tôn giáo hoặc tự do tín ngưỡng trên toàn thế giới,” các tổng chưởng lý cho biết trong bản ý kiến amicus, trích dẫn một báo cáo hồi tháng 04/2022 của Ủy ban Tự do tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ.
Theo Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên lưu trữ thông tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, trong năm 2021, tại Trung Quốc đã xảy ra gần 6,000 vụ bắt giữ và 10,527 vụ sách nhiễu nhắm vào các học viên Pháp Luân Công.
“Nhóm tôn giáo này bắt đầu ở Trung Quốc dưới chính quyền cộng sản thù địch với chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo,” các tổng chưởng lý cho biết. “Vì vậy nhiều học viên Pháp Luân Công đã đào thoát sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ngay cả sau khi đã đến đây, các nguyên đơn được cho là vẫn tiếp tục đối mặt với sự đàn áp và lạm dụng từ những người có cảm tình với Cộng sản.”
Ông Trương Nhi Bình (Erping Zhang), phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, cho biết Trung Cộng “không thể sai lầm thêm nữa” khi cho rằng họ có thể chà đạp lên quyền tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ.
“Tự do tôn giáo là nền tảng cho một nước Mỹ tự do. Trung Cộng cho rằng họ có thể chà đạp lên quyền thiêng liêng này của người dân Mỹ bằng các chiến dịch đàn áp tôn giáo ở hải ngoại,” ông nói với The Epoch Times. “Nhưng họ đã không thể sai lầm thêm nữa.”
Ông Trương cho biết thêm: “Với sự hỗ trợ của 23 tổng chưởng lý trên khắp Hoa Kỳ, chúng tôi tin rằng, cuối cùng hệ thống luật pháp Hoa Kỳ sẽ thực thi công lý chân chính và bảo vệ các lợi ích căn bản của Hoa Kỳ.”
Các tổng chưởng lý đã đệ trình bản tóm tắt amicus của các tiểu bang Tây Virginia, Alabama, Arizona, Arkansas, Florida, Indiana, Kansas, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, Nebraska, New Hampshire, North Dakota, Ohio, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Texas, Utah, và Virginia.
(*) Từ đầy đủ gốc Latinh là “amicus curiae” – hiểu theo nghĩa đen là “thân hữu của tòa án”. Thân hữu của tòa án là một bên không phải là các bên tranh chấp trong vụ kiện nhưng tự nguyện gửi bản ý kiến của mình cho tòa để thông tin về các vấn đề pháp lý hoặc các vấn đề khác liên quan nhằm hỗ trợ tòa giải quyết tranh chấp.