Một vận mệnh bấp bênh cho Hoa Kỳ và phương Tây
Những người bước vào thế giới kinh doanh sau Đệ nhị Thế chiến được thừa hưởng những điều kiện kinh tế hứa hẹn nhất kể từ những năm đầu của thập niên 20, hay còn gọi là “Những Năm Hai Mươi Bùng Nổ” (The Roaring Twenties).
Các doanh nghiệp và những người lao động thuộc thế hệ “baby boomer” (những người chào đời trong khoảng 1946 đến 1964) đã phát triển mạnh nhờ quyền tự do kinh tế và chính trị mà cha mẹ và ông bà của họ đã đấu tranh hết mình để giữ gìn.
Tuy nhiên, vào những năm cuối của thập niên 70, sự hồi sinh của các chính sách xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ suy thoái đã làm giảm đáng kể ‘cổ tức’ của tự do sau chiến tranh. Các nền dân chủ phương Tây lại rơi vào một vận mệnh bấp bênh khác. Các đảng cánh tả đang trở thành những nhân tố mạnh mẽ trong bối cảnh chính trị này, và sự thịnh vượng thời hậu chiến bị kìm hãm do “tình trạng lạm phát đình trệ”.
Những người Âu Châu theo chủ nghĩa Marx đã đưa ra một lý thuyết về chuyển đổi kinh tế và xã hội được gọi là chủ nghĩa cộng sản Âu Châu. Họ tìm cách làm phai nhạt vết nhơ về cảm tình của họ đối với Liên Xô bằng cách phát triển một phong trào cộng sản hấp dẫn hơn ở các quốc gia phương Tây. Xu hướng này đặc biệt nổi bật ở Ý, Tây Ban Nha, và Pháp, nhưng nó cũng lan tràn vào hệ tư tưởng đương đại của giới chủ nghĩa xã hội Fabian trên khắp “Khối Thịnh vượng chung Anh” của Anh Quốc và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ
Năm 1976, người dân Mỹ đã bầu cho ông Jimmy Carter. Vị tân tổng thống này có thể là một tín đồ Cơ Đốc có ý định tốt, nhưng ông ủng hộ các phần chính của nghị trình cấp tiến vô thần chống chủ nghĩa tư bản do Đảng Dân Chủ thời hậu Kennedy đưa ra.
Từ cuối thập niên 60 đến giữa thập niên 80, Đảng Tự Do cầm quyền của Canada đã chuyển dài hạn sang hướng cánh tả, theo phong cách Âu Châu dưới ảnh hưởng trí thức của Pierre Elliott Trudeau.
‘Thuốc Phiện của Giới Trí Thức’
Trong thời kỳ hậu chiến, nhà triết học-chính trị gia người Pháp Raymond Aron, có thể được xem là một trong những nhà tư tưởng sáng suốt nhất của thế kỷ 20, đã cảnh báo thế giới tự do về “Thuốc Phiện của Giới Trí Thức” (“The Opium of the Intellectuals”).
Ông Aron từng theo học tại École Normale Supérieure, Paris. Nơi đây, lần đầu tiên ông chạm trán với đối thủ trí tuệ suốt đời của mình, người cộng sản Pháp Jean-Paul Sartre. Nhan đề cuốn sách năm 1955 của ông dựa trên sự đảo ngược sâu sắc về khẳng định của Marx rằng tôn giáo là “thuốc phiện của nhân dân”.
Là một người trẻ tuổi theo phái bảo tồn truyền thống, bị bao quanh bởi những người thiên tả, dạy môn lịch sử trung học vào cuối thập niên 70, tôi nhớ rằng mình đã bị cuốn hút bởi một cuốn sách sau này của ông Aron. Cuốn sách đó có nhan đề “Bảo Vệ Châu Âu Suy Tàn” (“In Defense of Decadent Europe”).
Tác phẩm của ông Aron cho thập niên 70 có ba mục tiêu: phân tích chế độ Xô Viết và nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin mang tính hủy diệt của nó; so sánh thực tiễn giữa các nền dân chủ tự do và các chế độ chủ nghĩa tập thể ở phương Đông; và quan trọng nhất là khám phá những mâu thuẫn trong các xã hội dân chủ khiến các trí thức cấp tiến phá hoại lợi ích tốt nhất của quốc gia mình.
Ông Aron lên án các trí thức Pháp vì đã không ngừng chỉ trích chủ nghĩa dân chủ-tư bản, đồng thời bảo vệ sự hiếu chiến và độc tài của chủ nghĩa Marx. Ông giải thích hệ tư tưởng của chủ nghĩa Marx chắc chắn sẽ dẫn đến nền chính trị toàn trị như thế nào và chỉ ra những kết quả vượt trội về kinh tế, cải tiến kỹ thuật, mức sống chung, tiến bộ khoa học, và sự tiến bộ của tự do con người ở các quốc gia dân chủ tự do.
Ông Aron cũng cho rằng một số hình thức “suy đồi” văn hóa đang làm suy yếu sức mạnh của nền văn minh Tây phương và đề nghị rằng các quốc gia Âu Châu cần phải giải quyết những vấn đề của riêng mình trước khi có thể thu được lợi ích đầy đủ từ sự tự do. Ông khuyến nghị khôi phục ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do bảo thủ truyền thống nhiều hơn trong các nhà thờ, trường đại học, doanh nghiệp, và thậm chí là cả quân đội.
Vỡ mộng với cánh tả
Phân tích của ông Aron chủ yếu nhắm vào châu Âu. Nhưng các cử tri Bắc Mỹ cũng đã vỡ mộng với cánh tả. Nhiều người hiểu rằng lập luận của ông Aron chống lại giới trí thức cấp tiến cũng áp dụng cho tình huống ở Hoa Kỳ và Canada. Vào đầu những năm 80, đã có đủ số người trong chúng ta bỏ phiếu vì túi tiền của mình để đuổi những người cánh tả ra khỏi nhiệm sở.
Trong cuộc cách mạng thời bà Thatcher ở Vương quốc Anh và sau đó là kỷ nguyên Reagan-Mulroney tại Bắc Mỹ, các chính phủ Bảo Thủ đã lắp lại các bánh răng của nhà nước phúc lợi và nói chung là cải thiện triển vọng cho những nam nữ sẵn sàng làm việc.
Tại Hoa Kỳ, ông Ronald Reagan đã giành được hai chiến thắng quyết định trong cuộc tổng tuyển cử và phó tổng thống của ông; ông George H. W. Bush, đã giành được một chiến thắng thứ ba. Bush cha chỉ thất cử nhiệm kỳ thứ hai khi ông từ bỏ cam kết giảm thuế của ông Reagan.
Tuy nhiên, trong khi phong trào bảo thủ đang giành lại các chính phủ, những người theo trường phái tân Marxist Frankfurt lại tìm kiếm sự thống trị trong các thể chế văn hóa đang hình thành của phương Tây.
Ngay cả khi Tổng thống Dân Chủ Bill Clinton tuyên bố rằng thời đại của các chính phủ lớn đã kết thúc, các học giả, ký giả, biên kịch, và nghệ sĩ Hoa Kỳ vẫn bị thôi thúc bởi một nghị trình xã hội chủ nghĩa ngày càng cấp tiến.
Vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 kết thúc một phần tư thế kỷ thịnh vượng của “Thuyết kinh tế Reagan”, những người Mỹ có trình độ đại học đã hoàn toàn bị dẫn dắt theo những lập trường tư tưởng chống chủ nghĩa tư bản, chống Mỹ, theo chủ nghĩa tự do thế giới thứ ba dành cho người Mỹ gốc Phi Châu, chủ nghĩa môi trường cấp tiến mà ứng viên tổng thống của Đảng Dân Chủ Barack Obama tin theo.
‘Lại là cảm giác quen thuộc như đã từng gặp qua’
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama đã đưa trở lại nhiều quy định kinh doanh hơn, không khuyến khích sản xuất nhiên liệu hóa thạch, mở cửa biên giới cho người nhập cư bất hợp pháp, và ngày càng tích hợp lợi ích kinh doanh của người Mỹ với chính quyền cộng sản ở Bắc Kinh. Từ năm 2008 đến năm 2016, các chính sách của Đảng Dân Chủ đã tạo ra sự phục hồi kinh tế chậm nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Xem Hoa Kỳ dưới thời các tổng thống Obama–Biden giống như xem một đội được thiên vị chơi một trận đấu thực sự tồi tệ.
Hồi năm 2016, với các thông lệ bầu cử công bằng vẫn được áp dụng, những công dân có lý trí đã bầu ra một tổng thống thực dụng, thân Mỹ, thuộc Đảng Cộng Hòa, người bắt đầu lãnh đạo đất nước trở lại thời kỳ vĩ đại trước đây. Những người yêu tự do trên khắp thế giới đã rất vui mừng khi thấy những người ái quốc Hoa Kỳ giành lại quyền kiểm soát đất nước của họ thông qua thùng phiếu.
Các chính sách của chính phủ cựu Tổng thống Trump là một thành công to lớn. Đến đầu năm 2020, một cách đáng kể, chính phủ của ông đã bãi bỏ quy định về kinh tế, khôi phục độc lập về năng lượng, giảm thuế, đem lại việc làm trong lĩnh vực sản xuất, tạo điều kiện cho toàn dụng lao động, đàm phán lại các thỏa thuận thương mại tồi tệ, giành lại quyền kiểm soát biên giới phía nam, đánh bại quân khủng bố ISIS và khôi phục niềm tin vào tương lai của quốc gia.
Giống như nhiệm kỳ của Tổng thống Reagan, ông Trump đã xây dựng dựa trên các nguyên tắc có thể dẫn đến một phần tư thế kỷ thịnh vượng của Mỹ quốc. Nhưng số phận nghiệt ngã đã biến đại dịch toàn cầu do Đảng Cộng sản Trung Quốc lan truyền thành cơ hội cho cánh tả Mỹ tha hóa các thông lệ bầu cử và hạ bệ chính phủ Đảng Cộng Hòa. Nhắc đến thập niên thảm khốc của những năm 70, như ông Yogi Berra đã từng nói, “Lại là cảm giác quen thuộc như đã từng gặp qua” (“Déjà Vu All Over Again”).
Một vận mệnh đáng được hồi sinh
Trong những gì có thể là một kỷ nguyên đã mất, các bậc tiền nhân của chúng ta hiểu được giá trị của chính phủ nhỏ, trách nhiệm tài chính, đức tin tôn giáo, và động lực kinh doanh. Rất nhiều người nhập cư hợp pháp theo đuổi vận mệnh của họ tại một Bắc Mỹ tự do và có nhiều cơ hội. Ngày nay, “Thuốc Phiện của Giới Trí Thức” của ông Aron đã khiến một nửa thế giới nghiện ngập.
Ngay cả các doanh nhân tư nhân, từng là lằn ranh đỏ mỏng manh bảo vệ cho các xã hội tự do, cũng sẵn sàng đầu hàng trước ý thức hệ suy đồi của giới trí thức “thức tỉnh”. Cũng viết theo cùng một lối tư duy của ngài Aron quá cố, học giả người Ba Lan Ryszard Legutko cho rằng những người có tính cách độc lập, theo đuổi hiệu suất một cách phũ phàng, có tính cạnh tranh cao – từng được nhà xã hội học người Đức Max Weber ghi nhận xuất hiện nhờ sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản hiện đại – chỉ còn là cái bóng của bản thân họ trước đây.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã biến thành những người chơi đơn thuần trên thị trường, những người thích ứng với văn hóa cấp tiến, những cơn bốc đồng theo xu hướng thời trang, và văn hóa trí thức đang thịnh hành.
Các CEO công nghệ đã trở thành đại diện cho một lực lượng tỷ phú vô hồn, có định hướng khác, thông đồng với địch thủ của phương Tây.
Một lần nữa, các vấn đề liên quan đến trường học kém hiệu quả, việc truyền bá tư tưởng cho học sinh, thiên vị truyền thông, phân chia chủng tộc và giới tính không cần thiết, tình trạng nhập cư bất hợp pháp, thiếu hụt năng lượng, chi tiêu ngoài tầm kiểm soát, lạm phát, tội phạm, các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, những quan điểm chính sách ngoại giao yếu nhược, và sự quản trị quân đội yếu kém đã tạo ra đủ số công dân chiếm đa số có vẻ sẵn sàng loại phe cánh tả ra khỏi nhiệm sở.
Tuy nhiên, giờ đây, những người đang bước vào tuổi xế chiều có nhiều trải nghiệm về nền chính trị tồi tệ giờ tái hiện hơn là hầu hết những người không để tâm nhớ đến. “Các công dân đang hấp hối” của Victor Davis Hanson đang mất niềm tin vào tiến trình dân chủ.
Tiềm năng cho các cuộc cách mạng thùng phiếu từ dưới lên giống như những cuộc cách mạng từng xảy ra vào những năm 1980 và 2016 đã trở nên vô cùng bấp bênh. Sự hủ bại của các hãng thông tấn trong việc đưa tin về các chiến dịch tranh cử và các chiến thuật thu hoạch phiếu bầu của các đảng phái – được phơi bày kể từ cuộc bầu cử năm 2020 của Hoa Kỳ – thật khiến người dân ngỡ ngàng.
Tuy nhiên, tinh thần tự do vẫn không thể bị kìm hãm. Sự phản kháng dưới hình thức cuộc biểu tình “Ngừng đánh cắp cuộc bầu cử” (“Stop the Steal”) hôm 06/01 và “Đoàn xe Tự do Canada” (“Canadian Freedom Convoy”) là lời minh chứng cho sự chán ghét tự nhiên của con người đối với việc phục tùng chế độ chuyên chế.
Một tầng lớp chính trị cai trị theo chủ nghĩa tân Marxist hiện đang chiếm giữ các đại sảnh quyền lực của Mỹ và ngày càng đe dọa đến sự an toàn của người dân trên toàn thế giới. Đồng thời, điều quan trọng cần nhớ là đây không phải là lần đầu tiên những người yêu tự do phải đối mặt với những thời kỳ bất định.
Chuyến thăm kiểu Churchill của Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson qua các đường phố Kiev hôm thứ Bảy (16/04) sẽ nhắc nhở tất cả chúng ta rằng những gì chúng ta đã bảo vệ trước đây đáng được bảo vệ một lần nữa.
Vận mệnh của Hoa Kỳ và Thế giới Tự do vẫn còn đáng để khôi phục.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông William Brooks là một nhà văn Canada đóng góp cho The Epoch Times từ Halifax, Nova Scotia. Ông hiện là biên tập viên của “The Civil Conversation” (Đối Thoại Dân Sự) cho Civitas Society của Canada.