Mức xuất cảng ra toàn cầu của Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau 7 năm, sang Hoa Kỳ giảm 13%
Naveen Athrappully
Trong năm vừa qua (2023), tổng lượng xuất cảng của Trung Quốc đã giảm gần 5% do nhu cầu từ các quốc gia Tây phương giảm bớt, trong đó mức xuất khẩu sang Hoa Kỳ dẫn đầu với mức giảm 13%.
Theo dữ liệu thuế xuất nhập cảng Trung Quốc được truyền thông trích dẫn, xuất cảng của Trung Quốc trong năm 2023 đạt tổng cộng 3.38 ngàn tỷ USD tính theo USD, giảm 4.6% so với năm trước. Mức giảm 4.6% này xảy ra sau khi xuất cảng tăng 7% vào năm 2022. Vào lần giảm gần đây nhất, xuất cảng của Bắc Kinh đã giảm 7.7% vào năm 2016. Hàng hóa xuất cảng từ Trung Quốc đã tăng trưởng trong đại dịch COVID-19 khi người tiêu dùng ở các quốc gia Tây phương chi tiêu mạnh trong thời gian phong tỏa. Nhưng khi nhu cầu từ Hoa Kỳ và châu Âu suy yếu trong năm qua do lãi suất tăng, xuất cảng của Trung Quốc đã hạ nhiệt.
Bắc Kinh đã chứng kiến mức sụt giảm lớn nhất trong xuất cảng sang Hoa Kỳ, giảm 13% trong năm 2023. Xuất cảng sang Đông Nam Á và Liên minh Âu Châu cũng giảm. Một ngoại lệ đáng chú ý đối với xu hướng này là Nga – xuất cảng của Trung Quốc sang Nga tăng 47%.
Xuất cảng suy giảm là do hàng hóa nguyên liệu thô bị sụt giảm hai con số, bao gồm nhôm và đất hiếm. Xe hơi và phụ tùng xe hơi tăng 27%.
“Sự phục hồi kinh tế toàn cầu rất yếu trong năm qua,” ông Lữ Đại Lương (Lyu Daliang), phát ngôn viên của Tổng cục Quan Thuế Trung Quốc, cho biết trong buổi họp báo ở Bắc Kinh hôm 12/01, theo CNN. “Nhu cầu bên ngoài chậm chạp đã ảnh hưởng đến xuất cảng của Trung Quốc.”
Ông dự đoán xuất cảng của Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp “khó khăn” trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu trong năm nay. Ngoài ra, “chủ nghĩa bảo vệ [hàng nội địa] và chủ nghĩa đơn phương” cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất cảng.
Xuất cảng của Trung Quốc đã tăng 2.3% trong tháng 12/2023, chủ yếu là do nhu cầu xe hơi và phụ tùng xe hơi cao hơn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng động lực tích cực này sẽ không kéo dài lâu, vì sự tăng trưởng có được là nhờ vào chiết khấu của các nhà xuất cảng đang tìm cách giành thị phần.
Ông Julian Evan-Pritchard – người đứng đầu bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Capital Economics của Anh – nói với Nikkei Asia: “Nếu không có động lực từ việc giảm giá, thì các nhà xuất cảng sẽ gặp khó khăn hơn khi phải dành thị phần trong tình hình nhu cầu hàng hóa toàn cầu sụt giảm sau đại dịch.”
Số liệu xuất cảng tích cực trong tháng 12/2023 được so sánh với một năm trước – khi đó xuất cảng từ Trung Quốc giảm do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trên toàn quốc. Do đó, số lượng xuất cảng trong tháng 12/2022 thấp hơn đã góp phần làm cho dữ liệu tháng Mười Hai gần đây nhất có vẻ mạnh mẽ hơn.
“Hướng tới năm 2024, mức độ phức tạp, nghiêm trọng, và bất ổn của môi trường bên ngoài ngày càng gia tăng. Để thúc đẩy hơn nữa sự tăng trưởng ổn định trong ngoại thương, cần phải vượt qua một số khó khăn và cần nỗ lực nhiều hơn nữa,” ông Vương Linh Tuấn (Wang Lingjun), Phó Cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cho biết, theo Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post).
Kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn
Xuất cảng giảm xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn. Trong bài diễn văn mừng năm mới, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình thừa nhận rằng “một số công ty đã trải qua khoảng thời gian khó khăn” và “một số người khó tìm được việc làm để đáp ứng những nhu cầu cơ bản.”
Trước đại dịch, GDP của Trung Quốc đã tăng từ khoảng 6% lên 7%. Tăng trưởng đã giảm xuống 2.24% vào năm 2020 và phục hồi lên 8.45% vào năm 2021. Tuy nhiên, GDP lại giảm xuống 2.99% vào năm 2022.
Nhưng mặc dù Trung Quốc được ước tính là đã tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023, thì lĩnh vực sản xuất của nước này lại đang chậm lại. Trong tháng Mười Hai, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc đã giảm tháng thứ ba liên tiếp.
Bà Vương Lam (Lan Wang) – giám đốc cao cấp của Fitch Ratings – cho biết trong một báo cáo gần đây: “Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và phản ứng với chính sách không ngừng thay đổi của chính quyền sẽ tiếp tục dẫn đến những trở ngại về hiệu quả hoạt động trong năm 2024 ở một số lĩnh vực khắp Trung Quốc.”
“Chính quyền Trung Quốc gần đây biểu thị các biện pháp chính sách trong năm tới sẽ ưu tiên cho phát triển. Hiệu quả của các biện pháp này sẽ rất quan trọng cho việc hạn chế rủi ro suy giảm đối với tăng trưởng kinh tế – điều mà Fitch Ratings dự báo sẽ giảm xuống 4.6% vào năm 2024 từ mức 5.3% trong năm 2023.”
Trong thông cáo báo chí ngày 14/12/2023, Ngân hàng Thế giới cho biết mặc dù hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã khởi sắc hơn trong năm 2023, nhưng hiệu quả kinh tế của nước này “đặc trưng bởi sự biến động, các áp lực giảm phát tiếp diễn, và niềm tin của người tiêu dùng còn yếu.” Ngân hàng này dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức 4.5% trong năm nay.
Ngân hàng Thế giới cho biết, “Triển vọng bị che mờ bởi sự suy yếu tiếp diễn trong lĩnh vực địa ốc và nhu cầu toàn cầu tiếp tục ảm đạm trong ngắn hạn, cũng như những hạn chế về cấu trúc đối với tăng trưởng, bao gồm mức nợ cao, dân số già hóa, và tăng trưởng năng suất chậm hơn so với trước đây.”
“Triển vọng kinh tế phải đối mặt với những rủi ro đáng kể. Sự suy thoái của lĩnh vực địa ốc có thể vượt quá dự kiến ban đầu, ảnh hưởng đến tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng. Ngược lại, điều này có thể gây áp lực lên các nhà cung cấp, chủ nợ, và doanh thu của chính quyền địa phương, đồng thời dẫn đến giảm đầu tư công.”
Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc cũng dễ bị tổn thương trước căng thẳng địa kinh tế gia tăng và nhu cầu toàn cầu yếu hơn.
Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với áp lực giảm phát, với lạm phát tháng 11/2023 giảm nhiều nhất trong 3 năm. Ngoài ra, lạm phát giá sản xuất đã ở mức âm trong hơn một năm.
Nếu xu hướng giá giảm vẫn tiếp tục thì sẽ gây ra mối đe dọa lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, vì các doanh nghiệp sẽ tránh đầu tư do lo ngại giá sẽ giảm nhiều hơn nữa trong tương lai. Nếu Trung Quốc bị mắc kẹt trong vòng xoáy giảm phát, thì điều này sẽ dẫn đến mức lương thấp hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.