Mỹ cần chiến lược tốt hơn về Ukraine hơn là giao cấp vũ khí đi và hy vọng điều tốt nhất
SHOSHANA BRYEN
Khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga sắp bước sang năm thứ hai, thì chiến lược do Mỹ dẫn đầu là chuyển giao vũ khí cho Kiev và hy vọng việc kẻ yếu có thể đánh bại kẻ mạnh cần phải có sự điều chỉnh. Cả Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin lẫn Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Milley đều bày tỏ các mối lo ngại về việc Hoa Kỳ và Đức phân phát xe tăng cho Kiev. Tuy nhiên lại có tin đồn rằng “yêu cầu” tiếp theo của Ukraine là các chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ.
Những người ủng hộ chiến lược chỉ gửi vũ khí thường dẫn chứng trường hợp của Israel, luôn luôn là với sự ngưỡng mộ. Israel không đòi hỏi, mong muốn, hay yêu cầu quân đội Mỹ chiến đấu vì đất nước họ. Với vũ khí của Mỹ và sự trợ giúp từ bên ngoài, Israel đánh bại kẻ thù của mình và giữ vững an ninh. Họ nói rằng ví dụ này là điều khiến cho chiến lược của chính phủ Tổng thống (TT) Biden trở nên hợp lý.
Đó không phải là một ví dụ hoàn toàn tương tự. Israel có kho vũ khí của riêng họ cùng khả năng huấn luyện, đồng thời đã dành trọn thời kỳ hiện đại của mình để cải thiện năng lực đương đầu và đánh bại kẻ thù của mình. Mặc dù vậy, Israel vẫn nhận thấy mối bang giao của họ – đầu tiên là với Bộ Tư lệnh Âu Châu của Hoa Kỳ (EUCOM) và hiện thời là Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ (USCENTCOM) – là một nguồn hợp tác đồng minh đáng hoan nghênh. Israel không yêu cầu quân đội Mỹ ủng hộ, nhưng họ chắc chắn xem bản thân là một phần của hệ thống phòng thủ hợp nhất tại Hồng Hải và xa hơn nữa.
Hơn nữa, những kẻ thù nhà nước của Israel đã có học thuyết chiến trường, thiết bị, và sự trợ giúp chính trị từ bên ngoài mà Israel có thể đối phó được. Các tác nhân phi nhà nước đại diện cho những thách thức mang bản chất khác, nhưng không hiện hữu. Ở cả hai dạng thức trợ giúp khủng bố và hạt nhân thì Iran đặt ra một mối đe dọa mới, và do đó học thuyết của Israel đã phát triển sao cho phù hợp.
Mặt khác, Ukraine phải đối mặt với Nga. Và lịch sử quân sự của Nga là lịch sử “nghiền nát” cho đến khi địch thủ bỏ cuộc. Trước đây, số lượng người Nga mà Moscow sẵn sàng điều động ra chiến trường là vô tận, và việc phá hủy cơ sở hạ tầng của địch thủ cũng như các mục tiêu dân sự là một phần của kế hoạch này. Cuộc chiến mà Stalin tiến hành ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của khoảng 3.9 triệu người Ukraine. Ước tính có khoảng 40,000 thường dân Liên Xô đã thiệt mạng trong trận chiến phòng thủ tại Stalingrad, cùng với 800,000 quân của phe Trục và 1,100,000 binh lính Liên Xô bị sát hại, bị thương, hoặc bị bắt. Tổng cộng lại, số liệu của Nga cho thấy 8.6 triệu thương vong quân sự trong Đệ nhị Thế chiến và từ 24 đến 27 triệu thương vong nói chung.
Việc thuật lại chi tiết các số liệu thống kê nói trên KHÔNG phải là để đề nghị hãy bỏ rơi Ukraine, mà là để đánh giá một cách tổng thể các lựa chọn của Hoa Kỳ và NATO. Hơn nữa, hãy nhận ra rằng TT Nga Vladimir Putin cũng có các lựa chọn.
Ông Stefano Sannino, tổng thư ký của Cơ quan Hành động Ngoại giao Âu Châu của Liên minh Âu Châu, cho biết Nga hiện đang ở trong cuộc chiến với NATO và phương Tây, đồng thời nói thêm rằng ông Putin đã đưa cuộc chiến này sang một “giai đoạn khác,” làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc xung đột toàn cầu. Ông cho rằng ông Putin sẽ gia tăng các cuộc tấn công bừa bãi vào thường dân và các mục tiêu phi quân sự đồng thời trả đũa phương Tây.
Lựa chọn đầu tiên của Mỹ là quyết định rằng mục tiêu của chúng ta là “đánh bại Nga”. Điều đó có thể bao gồm việc thông qua các mục tiêu đã nêu của TT Ukraine Volodymir Zelensky về a) thu hồi toàn bộ lãnh thổ Ukraine bao gồm Crimea, b) buộc Nga bồi thường thiệt hại và c) xét xử tội phạm chiến tranh. Lựa chọn này có thể không bao gồm tất cả những điều đó, nhưng nếu kế hoạch này bao gồm cả việc đánh bật quân đội Nga, thì có thể sẽ cần đến binh lính phương Tây. Không quân NATO cùng với xe tăng có thể đẩy quân Wagner ra khỏi miền nam Ukraine; một cuộc tấn công của Thủy quân lục chiến vào Crimea có thể khiến người Nga rời đi. Người Nga sẽ bị đánh bại.
Có lẽ là vậy.
Ông Putin có thể quyết định rằng cuộc chiến này quan trọng đến nỗi không thể thua. Vũ khí hạt nhân chiến trường là lựa chọn duy nhất mà ông có. [Khi đó,] các cuộc tấn công vào các quốc gia không thuộc NATO khác, hoặc thậm chí các quốc gia NATO, có thể nhanh chóng ngăn cản người Âu Châu tham chiến cùng TT Biden và TT Zelensky. “Chúng tôi đâu có tham dự vào một cuộc chiến tranh trên bộ ở Âu Châu” có thể trở thành câu khẩu hiệu của họ. Các nước NATO đã không tham gia, nhưng họ đã cư xử như thể họ đã tham gia vậy, và chiến tranh có thể xảy đến với họ dù muốn hay không.
Lựa chọn thứ hai là loan báo rằng các đồng minh sẽ tiếp tục cung cấp các loại vũ khí cho người Ukraine sử dụng, miễn là vẫn còn người Ukraine sống sót để sử dụng. Tất cả các số liệu thống kê về thương vong đều đáng ngờ, nhưng chính phạm vi các con số trong trường hợp này sẽ nói lên tất cả. Hồi đầu tháng Một, BBC đã đưa tin rằng có 13,000 thương vong quân sự và Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Con người ghi nhận 17,994 thương vong dân sự. Tuy nhiên, hồi tháng 11/2022, Tướng Milley đã ước tính có 200,000 thương vong quân sự ở tất cả các bên. “Quý vị đang xem xét kỹ càng con số hơn 100,000 binh sĩ Nga thiệt mạng và bị thương. Điều tương tự có thể xảy ra với Ukraine.”
Đúng là người Nga đang gặp khó khăn trong việc chiêu mộ binh lính để lấp đầy các hàng ngũ của họ, nhưng họ có một phạm vi chiêu mộ rộng lớn hơn. Đồng thời, có thể hiểu được rằng ngay cả trong phạm vi thương vong quân sự thấp hơn theo ước tính, thì quân đội Ukraine đã mất đi những quân nhân chuyên nghiệp được huấn luyện tốt nhất ngay từ đầu cuộc chiến này. Các nguồn lực của họ ít ỏi hơn nhiều.
Lựa chọn thứ ba là quyết định rằng cuộc chiến này sẽ kết thúc bằng một giải pháp thương lượng. Một lần nữa, đó không chỉ là một lựa chọn đối với phe đồng minh – mà còn phải nhận được sự chấp thuận của ông Vladimir Putin. Ai sẽ đến thương thảo với ông Putin, ông ấy/bà ấy sẽ nói gì, và việc ông Putin sẽ đáp lại như thế nào có thể tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán ngay cả khi phải bưng ông Zelensky đến tham dự như một đối tác bất đắc dĩ. Hoặc là không gì cả.
Việc có nhiều vũ khí hơn và nhiều tiền bạc hơn có lẽ không phải là yếu tố quyết định trong các lựa chọn của Mỹ ở Ukraine. Các chiến lược trên chiến trường thì không giống như thế.
Tất cả nội dung được tạo ra bởi Daily Caller News Foundation, một dịch vụ đưa tin độc lập và phi đảng phái, được cung cấp miễn phí cho bất kỳ nhà phát hành tin tức hợp pháp nào có thể cung cấp lượng độc giả lớn. Đối với bất kỳ câu hỏi nào về nguyên tắc của chúng tôi hoặc việc hợp tác với chúng tôi, xin vui lòng liên lạc địa chỉ [email protected].
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Bà Shoshana Bryen là Giám đốc Cao cấp của Trung tâm Chính sách Do Thái và là biên tập viên của inFOCUS Quarterly.