Mỹ quốc cần được thay máu (Phần 2)
David Parker
Trong Phần 1, tôi đã nói rằng Trung Quốc không nên đánh thức một chú voi đang say ngủ, rằng các nền dân chủ vốn phản ứng chậm chạp, nhưng một khi vươn mình thức giấc, người dân của họ sẽ hiệp lực lại, những kẻ tấn công họ trong Đệ nhị Thế chiến là Đức và Nhật Bản sớm hối tiếc vì đã làm như vậy. Cho đến tận ngày nay, người Ba Tư ước gì họ đã không tấn công người Hy Lạp tại đồng bằng Marathon vào năm 490 trước Công nguyên. Chính vì lo sợ vuột mất những gì họ vừa mới khai sinh ra – Nền văn minh phương Tây: Quan điểm về cá nhân chứ không phải cộng đồng mới là trọng tâm của xã hội, về các quyền của người dân có trước quyền của chính phủ – nên quân đội Hy Lạp, chỉ bằng một nửa quân số Ba Tư, đã thức giấc với lòng quả cảm phi thường, và đánh bại một kẻ thù không có lý tưởng nào ngoài việc chinh phục và cướp bóc.
Trung Quốc chính là Ba Tư thời hiện đại. Không tôn trọng nhân quyền, một quần thể dân số đã thích nghi với việc tuân lệnh, thành thạo công nghệ, được giáo dục và có một kho đầy khí giới, Trung Quốc cũng có một kế hoạch chinh phục tự cao tự đại. Mỹ quốc đã tỉnh giấc. Việc hạ thấp yêu cầu tuyển vào xuống trình độ đọc hiểu lớp 4 – trình độ mà hầu hết các học sinh trung học Mỹ tốt nghiệp – thì Hải quân Hoa Kỳ rất dễ bị đánh bại.
Đệ tam Thế chiến: Đông đấu với Tây; Trung Quốc, Nga và Trung Đông đấu với các quốc gia sử dụng Anh ngữ (và một số khu vực của Âu Châu). Làm việc từ 10 đến 12 giờ một ngày, sáu ngày một tuần, thành thạo công nghệ, công xưởng sản xuất, và chiến lược quân sự, Trung Quốc sẽ không chiếm đóng thế giới ngoài đời thực, nhưng chắc chắn sẽ kiểm soát nền kinh tế thế giới. Chỉ bận tâm đến việc biến các trường đại học thành một không gian an toàn cho giới trẻ nhạy cảm của mình (Cánh tả kiểu mới), Hoa Kỳ sẽ không xứng là đối thủ (của Trung Quốc). Cánh tả xưa kia: Trường Đại học California Berkeley hồi năm 1964 đã kêu gào các trường đại học không được làm điều đó, rằng sinh viên muốn biết về chiến tranh Việt Nam, về bạo lực ở Jim Crow South. Họ muốn có được sự chuẩn bị.
Phải cạnh tranh với các học sinh trung học Á Châu và Âu Châu tốt nghiệp với trình độ năm thứ ba đại học của chúng ta, chú chó say ngủ Mỹ quốc sắp trở nên không đủ năng lực thống lĩnh về quân sự, giáo dục, và tâm lý. Năm 2018, Trung Quốc đứng đầu trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) về khả năng đọc hiểu, toán học, và trình độ khoa học. Singapore xếp thứ hai. Hoa Kỳ xếp thứ 25.
Rất có thể chế độ chuyên chế nhân từ sẽ cai trị trong tương lai. Cố thủ tướng Lý Quang Diệu (Singapore), vị chính khách vĩ đại đứng thứ hai của thế kỷ 20 (sau cố Thủ tướng Winston Churchill), đã đúng: Các quốc gia trong lịch sử không có nền dân chủ, trong lịch sử không giải quyết các bất đồng một cách ôn hòa – bỏ phiếu, thỏa hiệp – thì không bao giờ có thể là các nền dân chủ toàn diện. Ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, Trung Đông, Nam Á và Đông Á, những vùng rộng lớn của Âu Châu – sự tự do về xã hội, chính trị, và kinh tế không dành cho quý vị.
Đúng vậy, kể từ năm 1945, Đức và Nhật Bản đã là các nền dân chủ – nhưng chỉ vì Hoa Kỳ đã áp đặt như thế. Liệu phương Tây có thể thực sự dựa vào một nền dân chủ bị áp đặt? Liệu Âu Châu và Nhật Bản có thực sự đứng ra bảo vệ chúng ta chăng?
Hãy xem nước Pháp. Cho đến thế kỷ 20, Bộ luật Napoléon của họ tuyên bố rằng công dân là có tội cho đến khi được chứng minh là vô tội. Và sau đó, vào giữa thế kỷ 20, ông Charles de Gaulle chỉ đồng ý lên làm tổng thống nếu ông có thể vượt quyền Quốc hội bất cứ lúc nào. Nền dân chủ không chiếm ưu thế trong lịch sử nước Pháp:
988 | Giới quý tộc, chứ không phải người dân, đã chọn ông Hugh Capet làm Vua. Kể từ thời điểm này trong lịch sử, nước Pháp được thừa nhận là một vương quốc riêng biệt. |
1643–1715 | Vua Louis XIV, nền quân chủ chuyên chế. |
1789 | Cách mạng Pháp. Thay đổi chính phủ thông qua tàn sát hàng loạt và tịch thu tài sản tư hữu. |
1792–1804 | Đệ nhất Cộng hòa. Triều đại Khủng bố. Hàng ngàn người bị chém đầu: đàn ông, phụ nữ, trẻ em, linh mục. |
1804–1814 | Đệ nhất Đế chế. Vua Napoléon Bonaparte, một nhà độc tài. |
1814 | Khôi phục chế độ quân chủ lần thứ nhất. |
1830 | Khôi phục chế độ quân chủ lần thứ hai. |
1848 | Đệ nhị Cộng Hòa. Vua Louis Napoléon Bonaparte (cháu của Napoléon) được bầu chọn làm tổng thống. |
1852 | Đệ nhị Đế chế. Vua Louis Napoléon Bonaparte, một nhà độc tài. |
1870 | Đệ tam Cộng Hòa. Những năm đầu nghiêng nhiều về chủ nghĩa quân chủ, chủ nghĩa Bonaparte, Công Giáo, và bảo tồn truyền thống. Những người theo thể chế Cộng Hòa bị xem là những người theo chủ nghĩa xã hội. |
1940 | Chính phủ Vichy. Bị Đức quốc xã kiểm soát. |
1944–1946 | Chính phủ lâm thời. Tổng thống Charles de Gaulle. |
1946 | Đệ tứ Cộng Hòa. |
1958 | Quốc hội ngừng họp từ tháng Sáu đến tháng Mười. Tổng thống De Gaulle được trao quyền quản lý bằng sắc lệnh trong sáu tháng. Về thực chất, quyền lập pháp được chuyển giao cho tổng thống này. |
1958 | Đệ ngũ Cộng Hòa. Tổng thống Charles de Gaulle. Các tổng thống sau này có quyền lực đặc biệt để vượt trên cơ quan lập pháp và tòa án. |
Ít nhất thì người Pháp luôn tự biết mình. Họ biết rằng tự thân họ sở hữu phần tốt đẹp nhất của văn hóa phía Bắc lẫn phía Nam: chăm chỉ, có năng lực, dân chủ, bảo vệ tự do xã hội và chính trị, văn hóa, giải trí, gia đình và nghệ thuật, tuy nhiên, người Pháp sẽ nổi loạn ngay lập tức, hủy hoại tài sản công cộng, làm tê liệt mọi hoạt động thương mại (một cuộc đình công trên toàn quốc), và thú vị nhất là “trèo qua các rào chắn”. Tự hào về giai đoạn chuyển mình này, các bậc cha mẹ Pháp hào hứng kể với con cái nghe họ đã “tham gia” như thế nào. Tự biết mình, cụ thể là, họ cũng biết rằng nước Pháp kế thừa văn hóa tệ nhất của phía Bắc và phía Nam, và như lịch sử của họ đã chứng minh, người Pháp sẽ luôn đi theo một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, thậm chí là một nhà độc tài. Khi Đức quốc xã xâm lược vào năm 1941, một nửa quốc gia đã nói, “Hay quá!”
Do đó, nền dân chủ thực sự là một hiện tượng kiểu Anh và Mỹ, là điều mà chỉ có các quốc gia nói tiếng Anh mới đứng lên bảo vệ trong lịch sử. Đáng buồn thay kể từ năm 1933, Mỹ quốc đã để chủ nghĩa xã hội du nhập vào. Khi cố Tổng thống Franklin Roosevelt nắm quyền, Mỹ quốc đã hoàn toàn lật ngược đồng xu tự do, lật ngược hoàn toàn điều mà cố Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alexis de Tocqueville ngưỡng mộ nhất về Mỹ quốc – đó là tinh thần độc lập và chịu trách nhiệm của công dân, một quốc gia mà tự do đồng nghĩa với sự tự do không bị chính phủ [can thiệp]. Sự thay đổi không thể vãn hồi đó là nguyên nhân khiến nền chính trị Mỹ thế kỷ 21 hoạt động bất thường tại một quốc gia mà một nửa dân số là những người cấp tiến, tin rằng tự do phải gắn liền với chính phủ – đó là một nghịch lý và là lý do khiến nước Mỹ trược dốc.
Ông Tập Cận Bình biết rằng nước Mỹ đang trên đường trượt dốc – đó là lý do ông ấy từ chối đàm phán. Trục kẻ mạnh mới gồm Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, và Saudi Arabia (người Ba Tư đương đại) đối đầu với những gì còn sót lại của người Hy Lạp ngày nay (Mỹ và Âu Châu xã hội chủ nghĩa). Trục này không tuân theo [nguyên tắc] tự do vô hạn mà lại giống với những chế độ chuyên quyền, vô pháp một cách cấp tiến, và khái niệm tiến về “phía trước” vượt ra hiến pháp của họ – trong trường hợp của Mỹ quốc thì [Hiến Pháp] là một bộ quy tắc đơn giản chỉ vỏn vẹn một trang giấy để thành lập một chính phủ, nhưng trong trường hợp của Âu Châu là một tài liệu 254 trang mà không ai có thể hiểu được. Trục kẻ mạnh đó không sợ [bị biến thành] một nền văn minh không còn cam kết với các nguyên tắc của chính mình.
Hoa Kỳ có thể trông cậy vào Âu Châu không? Chi toàn bộ tiền thuế cho chủ nghĩa xã hội, không còn tiền cho NATO, chắc chắn Âu Châu không có tiền để bảo vệ Hoa Kỳ về mặt quân sự. Thế thì, khi Hoa Kỳ hạn chế giao thương với Trung Quốc – vì Trung Quốc vi phạm nhân quyền, hoạt động gián điệp, đánh cắp tài sản trí tuệ, sẵn sàng tấn công Đài Loan – thì người Âu Châu phàn nàn rằng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đang làm tổn hại đến ngân quỹ của họ. Chính trị thực dụng của Âu Châu sẽ khiến Âu Châu lẫn Hoa Kỳ phải tiếp tục giao thương với Trung Quốc. Tại sao? Đó là để ngăn chặn Trung Quốc hướng vào nội địa, tự mình phát triển mọi thứ họ cần, và trở nên có sức bật đến mức không bao giờ đàm phán. Đó là chính sách nhân nhượng .
Hoa Kỳ có thể trông cậy vào công dân của mình không? Các trường công lập dạy học sinh Mỹ phê phán những bậc Quốc phụ (những chủ nô da trắng xem thường phụ nữ), dạy rằng nước Mỹ được xây dựng dựa trên chế độ nô lệ (thuyết chủng tộc trọng yếu) và dạy học sinh quát tháo bất kỳ ai chúng không đồng tình, đặc biệt là những người mang tư tưởng của phái bảo tồn truyền thống ở trường trung học và khuôn viên đại học. Những công dân thức tỉnh bác bỏ chủ nghĩa đa nguyên – mà đối với họ là việc những công dân da trắng đang bảo những người khác rằng hãy quên đi nền văn hóa của họ. Bài trừ sự phản biện, bảo người ta phải nghĩ gì, chủ nghĩa thức tỉnh là chủ nghĩa phát xít.
Cần nhiều hơn cả thay máu, nước Mỹ cần một lần tái khởi động.
Với việc nước Mỹ đang trượt dốc, các chế độ chuyên chế trên thế giới sẽ có chỗ đứng. Kể từ Đệ nhị Thế chiến, khi đối phó một chế độ chuyên chế về mặt quân sự thì nền dân chủ đang ngủ quên của nước Mỹ chỉ đơn giản là dẫn dắt vài ngàn thanh niên vào chỗ chết: tại Nam Hàn mất 36,000 binh sĩ; Việt Nam 58,000; Iraq 4,200; Afghanistan 2,400, với các mệnh lệnh không được thắng. Cố Tổng thống Truman đã triệu hồi Tướng MacArthur từ Nam Hàn khi ông phát hiện ra ông MacArthur đang thực sự cố gắng giành chiến thắng. Chính sách của Mỹ: “Chúng ta không phải là người Hy Lạp ở Marathon; hãy quên nền dân chủ đi. Chúng ta ở đây để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan rộng.” (Trích lời cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger nói về chính trị thực dụng).
Không chiến đấu để thắng, phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Nhưng điều đó không đúng với các chế độ chuyên chế như Nga, Trung Quốc, và Bắc Hàn – những nước chiến đấu để thắng và họ biết cách để né tránh các biện pháp trừng phạt đó. Chế nhạo phương Tây, ông Putin, ông Tập, ông Kim, và Iran biết rằng luôn có những quốc gia và những cá nhân sẵn sàng giúp đỡ, sẵn sàng đánh đổi chuẩn mực đạo đức vì tiền. Khi Nga cần bán dầu khí, Ấn Độ với dân số 1.4 tỷ người sẽ mua. Và theo ông Emmanuel Macron, Pháp “sẽ không chấm dứt hoạt động bởi vì một số quốc gia khác không giải quyết được khác biệt của họ.”
Nga và Trung Quốc biết rằng phương Tây sẽ không làm những gì nên làm để ngăn chặn hành vi gây hấn. Và họ biết rằng nếu tình trạng bắt nạt không bị chặn đứng thì tình hình sẽ tồi tệ hơn. Họ biết rằng những kẻ độc tài có thể bị đánh bại, rằng không có quốc gia nào ủng hộ vô thời hạn một nhà lãnh đạo có tâm lý bệnh hoạn – ví dụ như Napoléon. Họ cũng biết sự thật đang có lợi cho họ, rằng phương Tây cũng hỗn loạn. Được điều hành do “những kẻ cấp tiến” – những người giống họ tin rằng các nhà lãnh đạo có quyền vượt trên cơ quan lập pháp bất cứ khi nào họ có một “thỏa thuận mới”, một chính sách [thay đổi] về tổng thống và tư pháp – họ cho rằng phương Tây không có nền tảng đạo đức cao.
Và họ đúng. Hỡi những người Mỹ, quý vị nên đọc lại Hiến Pháp và Luận cương Liên bang của mình. Quý vị hãy một lần nữa cam kết với các nguyên tắc của mình.
Ông David Parker là một nhà đầu tư, tác giả, nhạc sĩ nhạc jazz, và nhà giáo dục sống tại San Francisco. Các cuốn sách của ông, “Income and Wealth” (Thu Nhập và Sự Giàu Có) và “A San Francisco Conservative” (Một Người Truyền Thống ở San Francisco), xem xét các chủ đề quan trọng về chính phủ, lịch sử, và kinh tế, cung cấp một góc nhìn lịch sử rất cần thiết. Các bài viết của ông đã xuất hiện trên The Economist và The Financial Times.