NATO đối diện Trung Quốc
John Mills
Trong Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 10/07, một cách không thể vãn hồi, các quốc gia thành viên đã cùng nhau chống lại chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc cộng sản trên khắp thế giới bằng cách tuyên bố và xác định Bắc Kinh là bên trợ giúp và duy trì cho Nga.
Đây là hành động bất thường từ phía NATO, liên minh mà cho đến nay vẫn luôn dè dặt trong các vấn đề về Trung Quốc và thường chỉ can dự vào các khu vực bên ngoài phạm vi tiệm cận Âu Châu trong các trường hợp ngoại lệ – chẳng hạn như việc can dự vào Afghanistan được thực hiện theo sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc, chứ không nhất thiết cần viện dẫn “Điều 5” trong đó cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh.
Trong Mục 26 của thông cáo hôm 10/07, NATO đã nêu rõ quan điểm của mình về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã trở thành nhân tố quyết định trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine thông qua cái gọi là quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ và sự trợ giúp quy mô lớn của họ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga. Điều này làm tăng mối đe dọa mà Nga đặt ra cho các quốc gia láng giềng và an ninh của khu vực Âu Châu–Đại Tây Dương.”
NATO đã thiết lập một lằn ranh đỏ, và hiện tại việc khối này xem Trung Quốc là kẻ chủ mưu gây ra căng thẳng và xung đột trên thế giới đã không còn quá mơ hồ.
Trung Quốc được xác định là lý do giúp Nga vẫn đứng vững
NATO đã chỉ trích Trung Quốc và nói thêm trong thông cáo rằng:
“Chúng tôi kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, chấm dứt mọi sự trợ giúp về vật chất và chính trị cho nỗ lực chiến tranh của Nga. Điều này bao gồm việc chuyển giao các vật liệu lưỡng dụng, chẳng hạn như các linh kiện vũ khí, thiết bị, và nguyên liệu thô làm đầu vào cho lĩnh vực quốc phòng của Nga. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không thể tạo thuận lợi cho cuộc chiến tranh lớn nhất ở Âu Châu trong lịch sử gần đây mà không ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích và danh tiếng của mình.”
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phản bác và gọi tuyên bố của NATO là “những cáo buộc vô căn cứ”. Ông cảnh báo NATO không nên gây căng thẳng với Bắc Kinh.
Thực tế là Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất đạn pháo 152 mm và 122 mm, đạn súng máy 7.62×39, phi cơ không người lái, phụ tùng thay thế lớn nhất cho tất cả phi cơ, hỏa tiễn, và các vật liệu chiến tranh quan trọng khác của Nga mà Nga cần để tiếp tục cố gắng chiến tranh ở Ukraine. Không có bên nào khác sản xuất các thiết bị, khí tài, và vật tư thông thường mà Nga cần.
Theo Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines, sự trợ giúp mà Trung Quốc mang lại cho Nga là rất lớn.
Iran và Bắc Hàn là một phần của hoạt động sản xuất công nghiệp quốc phòng mang tính ủy nhiệm này và cung cấp nhiều trợ giúp, bao gồm cả cơ hội để Trung Quốc giả vờ như không can dự. Tuy nhiên, các nguồn lực sản xuất, công cụ máy móc cũng như kiến thức chuyên môn ở các “thuộc địa” Trung Quốc này đều do các cố vấn Trung Quốc cung cấp.
Tàu Trung Quốc đi qua lãnh thổ Hoa Kỳ; Bắc Kinh đưa quân tới Âu Châu
Tuyên bố của NATO dựa trên mối lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc đang trực tiếp can dự vào công việc của các quốc gia thành viên NATO. Bắc Kinh đã chẳng tốn mấy thời gian để củng cố nhận thức này bằng hai hành động khiêu khích.
Gần như ngay lập tức sau khi NATO đưa ra tuyên bố về Trung Quốc, các lực lượng Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã tiến hành “chuyến đi vô hại” qua lãnh thổ Hoa Kỳ, chuỗi quần đảo Aleut. Bốn tàu của PLAN đã đi qua hai điểm trong chuỗi quần đảo này rồi rời đi.
“Quyền đi qua vô hại” (Innocent passage) được định nghĩa trong Điều 19 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và được phép thực hiện với một số hạn chế nhất định. PLAN rất khôn ngoan khi chỉ mấp mé vượt qua Mục 2(d) của Công ước, cấm quá cảnh vì mục đích tuyên truyền.
Một trong những lần đầu tiên Trung Quốc trực tiếp thể hiện sức mạnh quân sự ở Âu Châu và khu vực xung quanh vùng chiến sự ở Ukraine, là khi Trung Quốc cử Lực lượng Đặc nhiệm Chiến dịch Đặc biệt tới Belarus vào giữa tháng Bảy để tiến hành cuộc tập trận “Hùng ưng Đột kích 2024” (Assault Eagle 2024). Belarus là căn cứ điều hành và dàn dựng chính cho quân đội Nga tiến hành chiến tranh với Ukraine và là điểm gần nhất với lãnh thổ có chủ quyền Kaliningrad do Nga nắm giữ trên Biển Baltic.
Nỗi lo ngại sâu sắc là việc Nga có thể vượt qua “nơi nguy hiểm nhất trên Trái Đất” – hành lang Suwalki – để tạo ra cây cầu trên bộ xuyên qua lãnh thổ Ba Lan và Lithuania tới Kaliningrad. Hành động này sẽ gây ra xung đột rộng khắp ở Âu Châu. Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc được cử đến là thông điệp chiến lược. Họ có thể ở đó để yểm trợ cho cố gắng tấn công như vậy của Nga nhằm tái diễn – lần này là thành công – cuộc đột kích táo bạo nhưng cuối cùng bất thành của Nga vào phi trường Hostomel trong những ngày đầu của cuộc chiến Ukraine.
Bốn quốc gia Á Châu xích lại gần NATO hơn
Kết quả của hội nghị NATO là việc nâng cấp bốn quốc gia lên thành các nước đối tác của NATO. NATO tuyên bố “tăng cường đối thoại và giao thiệp chính trị” với Úc, Nhật Bản, Nam Hàn, và New Zealand. Điều này không nhất thiết có nghĩa là những quốc gia này đang đi trên con đường gia nhập NATO với tư cách là đối tác chính thức như Thụy Điển và Phần Lan, mà việc nâng tầm mối quan hệ của họ với NATO là thông điệp phản đối mang tính chiến lược gửi tới chính quyền Trung Quốc. Bốn quốc gia này đã phát hành bản thông cáo chung để cảnh cáo Bắc Hàn về sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc về các công cụ máy móc và thiết bị nhà máy, nhưng thực ra đây là lời chỉ trích hướng tới Bắc Kinh.
“New Zealand, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc [Nam Hàn], và Úc lên án mạnh mẽ sự hợp tác quân sự bất hợp pháp giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCNDTT) [Bắc Hàn], làm suy yếu hòa bình và ổn định ở cả khu vực Ấn Độ Dương– Thái Bình Dương và Âu Châu,” tuyên bố viết.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có thêm tuyên bố nữa nhắm đến Trung Quốc khi nói: “Chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa với nhau để gìn giữ hòa bình và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. … An ninh của chúng tôi không mang tính khu vực. Mà mang tính toàn cầu.”
Quyết tâm của NATO trong việc ứng phó với các cố gắng gây ảnh hưởng ác ý của Trung Quốc cộng sản trên toàn thế giới nay đã hiển lộ rõ.
Đại tá (đã về hưu) John Mills là chuyên gia an ninh quốc gia phục vụ trong năm thời kỳ: Chiến tranh Lạnh, Lợi tức Hòa bình, Chiến tranh chống khủng bố, Thế giới Hỗn loạn, và hiện tại – Cuộc cạnh tranh giữa các Đại cường. Ông là cựu giám đốc chính sách an ninh mạng, chiến lược, và các vấn đề quốc tế tại Bộ Quốc phòng. Ông John là thành viên cao cấp tại Trung tâm Chính sách An ninh.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.