Nên làm gì khi không thể tránh khỏi một cuộc suy thoái kinh tế?
ANDREW MORAN
Hôm 15/05, trong buổi nói chuyện về suy thoái với CBS hôm Chủ nhật 15/05, cựu Giám đốc điều hành Goldman Sachs Lloyd Blankfein nói rằng suy thoái kinh tế là “một yếu tố rủi ro rất, rất cao”.
Nhận xét này không chỉ là cảnh báo của ông Blankfein về sự suy giảm GDP. Nhiều nhà phân tích Wall Street đang ngày càng lo lắng rằng suy thoái kinh tế có thể trở thành trường hợp căn bản cho các dự báo trong vòng 12 đến 24 tháng tới.
Một cuộc khảo sát các nhà kinh tế hàng tháng gần đây của Bloomberg cho thấy xác suất xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới là 30%, cao nhất trong hai năm. Con số này cao gấp đôi so với khả năng mà các nhà kinh tế đã dự đoán hồi tháng Hai.
Morgan Stanley dự đoán có 27% khả năng xảy ra suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới, tăng từ 5% vào tháng Ba.
Trong báo cáo hàng tuần, Giám đốc Đầu tư Lisa Shalett của Morgan Stanley Wealth Management viết rằng: “Có vẻ như lạm phát đang loang rộng ra và có khả năng duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài. Đây là tình huống tạo áp lực đối với khả năng lạm phát kéo dài và buộc Fed ở tư thế phải tăng tốc chính sách.”
Hôm 17/05, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis Neel Kashkari đã nói tại một sự kiện tại tòa thị chính ở Michigan rằng, không rõ liệu ngân hàng trung ương có cần kích hoạt một cuộc suy thoái để giảm lạm phát hay không.
Ông nói: “Tôi và các đồng nghiệp sẽ làm những gì cần làm để đưa nền kinh tế trở lại trạng thái cân bằng. Điều mà nhiều chuyên gia kinh tế đang vò đầu bứt tai và băn khoăn là: Nếu chúng ta thực sự phải hạ thấp nhu cầu để kiểm soát lạm phát, liệu biện pháp ấy có đưa nền kinh tế vào suy thoái hay không? Và chúng tôi không biết được.”
Điều này xảy ra sau khi cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke thừa nhận rằng ngân hàng trung ương đã hành động quá muộn để giải quyết lạm phát, và nói với The New York Times rằng Hoa Kỳ có thể rơi vào thời kỳ lạm phát kèm suy thoái (hay lạm phát đình trệ).
Theo Hội đồng Hội nghị Đo lường Niềm tin của các giám đốc điều hành (CEO) gần đây, hầu hết các CEO cũng đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái. Chỉ số này đã giảm xuống mức tiêu cực [dưới 50], mức trong quý thứ hai là 42, giảm từ mức 57 trong quý đầu tiên.
Trong khi các CEO tin rằng việc thắt chặt định lượng của Fed sẽ giúp chống lại lạm phát trong vài năm tới, họ lo ngại rằng những nỗ lực của ngân hàng trung ương sẽ gây ra một cuộc suy thoái.
Trong một tuyên bố, bà Dana M. Peterson, Chuyên gia kinh tế trưởng của Hội đồng Hội nghị trên, cho biết: “Niềm tin của các CEO đã thấp hơn nữa trong quý hai, khi các giám đốc điều hành đối mặt với giá cả tăng cao và các thách thức chuỗi cung ứng, mà cuộc chiến ở Ukraine và các biện pháp hạn chế COVID mới được áp đặt ở Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm. Kỳ vọng về các điều kiện trong tương lai cũng ảm đạm, với 60% CEO dự đoán nền kinh tế sẽ xấu đi trong sáu tháng tới – mức tăng rõ rệt so với 23% người có quan điểm đó trong quý trước.”
Trong một ghi chú, ông James Knightley, nhà giám đốc kinh tế quốc tế của ngân hàng ING, cho biết, ING không dự đoán về một cuộc suy thoái trong năm nay, “nhưng nó có thể là một điều sắp xảy ra vào năm 2023.”
Mô hình GDPNow của Ngân hàng Fed Atlanta cho thấy mức tăng trưởng trong quý hai là 2.4%.
Ông Greg McBride, phó chủ tịch cao cấp kiêm giám đốc phân tích tài chính tại Bankrate, không tin rằng có dấu hiệu suy thoái ngay lúc này vì những xu hướng lao động và chi tiêu tiêu dùng đang tăng mạnh.
Ông McBride nói với The Epoch Times: “Ngay cả GDP quý I cũng không phải là dấu hiệu của suy thoái vì sự suy giảm này là do thâm hụt thương mại (nhập cảng tăng trong một nền kinh tế mạnh) và điều chỉnh hàng tồn kho (dao động do các vấn đề dai dẳng về chuỗi cung ứng). Những lo lắng về suy thoái xảy ra nhiều hơn trong khoảng năm 2023, hoặc thậm chí năm 2024, chứ không phải năm 2022.”
Ông Sankar Sharma, một chiến lược gia thị trường, lặp lại quan điểm này, nói với The Epoch Times rằng các dấu hiệu suy thoái không phổ biến ngày hôm nay, nhưng chúng có thể bắt đầu hình thành vào năm 2023 hoặc 2024.
Ông Sharman nói, “Chúng ta đang ở trong một môi trường mà tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, với hàng triệu cơ hội việc làm có sẵn chờ tiếp nhận, bảng cân đối kế toán của các công ty và ngân hàng rất mạnh, hệ thống tài chính vững mạnh và hoạt động tốt, và báo cáo thu nhập cũng lành mạnh, từ kết quả của Home Depot và Walmart, chúng ta có thể thấy người tiêu dùng vẫn đang chi tiêu, thị trường tín dụng không bị căng thẳng, nhu cầu về nhà ở không giảm mạnh, và các ngân hàng vẫn có nhiều vốn để vận hành.”
Ông nói thêm nếu nền kinh tế Hoa Kỳ hạ cánh khó khăn sau chu kỳ thắt chặt của Fed, thì ngân hàng trung ương có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Nhưng liệu thị trường tài chính Hoa Kỳ có tiếp tục gặp bất ổn trong hai năm tới không?
Dự đoán thị trường
Chứng khoán Hoa Kỳ đã có một năm 2022 khó khăn, với các chỉ số chuẩn hàng đầu mất điểm sau hai năm tăng trưởng mạnh mẽ.
Chỉ số Công nghiệp Dow Jones đã giảm khoảng 12%. Chỉ số Nasdaq Composite thâm dụng công nghệ đã giảm mạnh 25%, trong khi S&P 500 giảm khoảng 16%.
Thị trường công khố phiếu và Chỉ số Dollar Mỹ (DXY), phép đo đồng bạc xanh so với rổ các loại tiền tệ, đã tăng mạnh trong năm nay. Giá hàng hóa đã tăng vọt, trong khi tiền mã kim (cryptocurrencies) giảm.
Với thị trường chứng khoán mất điểm trong nhiều tuần liên tiếp, nhà sáng lập Doshi Capital Management, ông Heeten Doshi đã nhận xét rằng thị trường phải mất trung bình 12 tháng để phục hồi.
Ông viết: “Trong khi các số liệu thống kê rất tích cực trong tương lai (không bao gồm năm 2008), nhưng thống kê gây choáng váng nhất là trung bình phải mất 12 tháng để phục hồi sau nhiều tuần thua lỗ.”
Ông McBride nói, vì thị trường đang hướng tới tương lai, nên các nhà đầu tư có thể đang định giá dựa trên lợi nhuận doanh nghiệp mờ nhạt “từ rất xa”.
Ông nói thêm rằng, “Điều mấu chốt có thể là định hướng lợi nhuận cho năm 2023 mà các công ty cung cấp trong quý IV của năm nay.”
“Nếu lạm phát giảm và Fed được xem là có thể ứng phó với suy thoái bằng chính sách lãi suất thấp hơn, giá trái phiếu sẽ lấy lại được phần đã mất được chứng kiến trong năm nay. Nhưng điều này phụ thuộc vào một số yếu tố sẽ diễn ra trong 12 tháng tới hoặc lâu hơn – đó là lạm phát, chính sách của Fed, và sức khỏe của nền kinh tế.”
Theo ông McBride, đối với các gia đình Hoa Kỳ, các chiến lược tốt nhất là trả bớt nợ, tăng tiền tiết kiệm khẩn cấp, và tận dụng sự suy thoái của thị trường.
Ông nói: “Rủi ro khi nhảy ra khỏi thị trường và chờ đợi bên lề là quý vị phải đưa ra hai quyết định chính xác, không chỉ một. Quý vị phải thoát (bán) ra đúng lúc và quay lại (mua vào) đúng lúc.”
Một cuộc khảo sát các nhà quản trị quỹ hàng tháng của Bank of America cho thấy các nhà đầu tư đã bắt đầu tăng lượng tiền mặt của họ. Nghiên cứu này báo cáo số dư tiền mặt trung bình giữa các nhà quản trị tài sản là 6.1%, cho thấy rằng các nhà đầu tư đang trữ tiền mặt ở mức cao nhất kể từ vụ khủng bố 11/09.
Cuối cùng, các chiến lược gia có ý rằng điều này đang làm nổi bật tình trạng “giảm mạnh” (extremely bearish) trên thị trường tài chính.