Nên nói ‘Có’ hay ‘Không’
JEFF MINICK
Nói “Không” thật là khó.
Vào hồi đầu những năm 40 tuổi, tôi đã giúp ba nữ tu sĩ cải đạo lập một trường trung học cơ sở tư thục nhỏ, phục vụ trong hội đồng giáo xứ của nhà thờ quê mình. Họ mở lớp học Chủ nhật cho học sinh lớp sáu, và làm người phụ trách trong nhóm Hướng đạo sinh mà con trai tôi tham gia. Tất cả đều là những công việc cần làm, nhưng vợ chồng tôi cũng đồng thời phải cố gắng để duy trì hai cơ sở kinh doanh – một là dịch vụ “bed-and-breakfast” và một là cửa hàng sách, chúng tôi nuôi dưỡng và dạy học cho con trẻ tại nhà.
Đó thật sự là một năm vô cùng bận rộn, nhưng chính khoảng thời gian ấy cuối cùng đã giúp tôi học được cách từ chối, không chỉ với người khác, mà còn với chính bản thân. Bên cạnh việc thực hiện các công việc của một người phụ trách nhóm Hướng đạo sinh, tôi cũng tình nguyện làm nhiều việc khác. Bị cuốn đi bởi sự nhiệt tình, tôi nhanh chóng nhận thấy bản thân đang ở trong một cuộc chạy đua nước rút vắt kiệt sức mình nhưng không thể thấy đích đến.
Các cam kết và nghĩa vụ đến cùng với nhiều thử thách khác nhau. Một người bạn cần giúp bốc dỡ hàng cho chiếc xe tải của anh ấy vào sáng thứ Bảy? Không vất vả đâu vì đó chỉ là một công việc nhất thời và sẽ hoàn thành sau bốn tiếng làm việc mà thôi. Người sếp yêu cầu chúng ta làm thêm giờ nhiều ngày trong tuần? Điều này thì có thể khó khăn hơn, tùy thuộc vào hoàn cảnh của chúng ta.
Một mặt, chúng ta muốn làm sếp vui lòng, nhưng mặt khác chúng ta chưa được gặp vợ con mình từ sáng sớm. Và rồi ông giám đốc công viên đề nghị chúng ta huấn luyện cho đội tuyển bóng đá của cô con gái 10 tuổi của chúng ta, với lịch trình hai đêm luyện tập mỗi tuần và một trận đấu diễn ra vào thứ Bảy hàng tuần trong vòng ba tháng. Đó thực sự là một công việc cần nhiều thời gian và công sức.
Tất nhiên, với ngần ấy công việc thì một số người sẽ từ chối ngay, nhưng việc từ chối này có thể lại là một điều đáng tiếc. Bởi vì những người từ chối tất cả mọi yêu cầu có thể bỏ lỡ trải nghiệm tuyệt vời để tận hưởng. Ví dụ, trong một lần, tôi nói chuyện với trưởng nhóm Hướng đạo sinh về việc liệu mình có thể nhờ một người mà cả hai chúng tôi đều biết thay thế tôi thực hiện công việc phụ trách nhóm Hướng đạo sinh hay không. Anh ấy liền thể hiện thái độ không đánh giá cao người được nhắc đến.
“Anh Danny sao?” người trưởng nhóm nói. “Anh ấy không bao giờ tình nguyện làm bất kỳ việc gì.” Thật là đáng tiếc cho Danny, anh ấy đã ly hôn và có thể đã tìm ra một cách nữa để gần gũi con trai mình nếu làm người hướng dẫn nhóm Hướng đạo sinh.
Dù sao đi nữa thì việc có thể từ chối một yêu cầu thể hiện sự công nhận tích cực đối với những nhiệm vụ khác của chúng ta. Lịch trình quá tải, thiếu kiến thức hoặc chuyên môn, hay đồng ý thực hiện nhiệm vụ chỉ để làm vừa lòng người khác. Tất cả đều là những lý do chính đáng để chúng ta từ chối nhận thêm nhiệm vụ. Ngoài ra, nếu chúng ta đã cống hiến thêm thời gian cho một số công việc, chẳng hạn như phục vụ trong Hội đồng Những người Bạn của Thư viện hoặc tình nguyện làm trợ lý trong lớp học của con gái mình hai ngày một tuần, thì tốt hơn hết là hãy thực hiện một công việc thật tốt hơn là làm ba hay bốn việc không hiệu quả.
Chúng ta có thể sử dụng một số cách để từ chối nhẹ nhàng và lịch sự những yêu cầu như vậy. Trong bài báo có nhan đề “Làm thế nào để nói không với người khác (và Tại sao bạn không nên cảm thấy có lỗi)”, tác giả Erin Eatough đã cung cấp cho độc giả 10 câu nói ngắn gọn có thể giúp chúng ta tránh làm tổn thương người khác khi từ chối các yêu cầu. Những câu nói này bao gồm “Tôi rất vinh hạnh khi được bạn nhờ cậy, nhưng thực sự là tôi không thể giúp bạn được”, “Tôi xin lỗi, tôi không có khả năng phù hợp để thực hiện việc này” và “Rất tiếc, tôi đã có kế hoạch khác. Có lẽ để lần sau nhé!”
Nhiều bậc phụ huynh đã áp dụng chiến lược “Có” hoặc “Không” khá hiệu quả trong các tình huống này. Khi các con của tôi ở tuổi vị thành niên xin phép đi dự tiệc vào tối thứ bảy, tôi đã có sẵn hai câu trả lời: “Để cha suy nghĩ xem nhé” hoặc “Để cha nói chuyện với mẹ con đã nhé.”
Tương tự như thế, khi có người đề nghị chúng ta thực hiện một công việc hoặc yêu cầu nào đó, chúng ta có thể hồi đáp, “Hãy để tôi suy nghĩ đã nhé” hoặc “Tôi đang khá bận. Để tôi xem lại lịch làm việc của mình nhé.” Tất nhiên, sau đó chúng ta nên tôn trọng lời hứa đó, suy xét các lựa chọn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Paulo Coelho – một nhà văn tầm cỡ quốc tế đã đưa ra lời khuyên thông tuệ này cho chúng ta: “Khi bạn nói ‘Có’ với người khác, hãy bảo đảm rằng bạn không nói‘ Không’ với chính mình.”
Đúng là thế đấy.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu ở tuổi đang lớn. Trong 20 năm, ông đã dậy lịch sử, văn học và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, North Carolina.