Nga phóng phi thuyền lên Mặt Trăng lần đầu tiên sau 47 năm
Mimi Nguyen Ly
Nga đã phóng thành công phi thuyền đổ bộ mặt trăng đầu tiên sau 47 năm trong cuộc chạy đua tìm nước trên Mặt Trăng.
Vào lúc 2 giờ 11 phút sáng theo giờ Moscow hôm 11/08, một hỏa tiễn Soyuz 2.1v mang theo phi thuyền Luna-25 được phóng từ căn cứ không gian Vostochny ở vùng Viễn Đông Nga, cách Moscow khoảng 5,550 km (3,450 dặm) về phía đông. Một nguồn cấp dữ liệu video từ căn cứ không gian Nga, Roscosmos cho thấy Luna-25 đã được phóng thành công.
Sự kiện này đánh dấu sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên của Nga kể từ năm 1976, khi nước này còn là một phần của Liên Xô.
Chỉ có ba quốc gia Liên Xô, Hoa Kỳ, và Trung Quốc đã thực hiện được các cuộc đổ bộ thành công lên mặt trăng. Giờ đây, Ấn Độ và Nga đang đặt mục tiêu trở thành những nước đầu tiên đổ bộ xuống cực nam của Mặt Trăng.
Hôm 14/07, Ấn Độ đã phóng phi thuyền đổ bộ Mặt Trăng Chandrayaan-3. Thời gian đến dự kiến là khoảng cùng ngày với phi thuyền của Nga.
Roscosmos nói với Reuters rằng hai phi thuyền này sẽ không gây trở ngại cho nhau, bởi vì chúng được bố trí các khu vực hạ cánh khác nhau. Cơ quan này cho biết, “Không có nguy cơ chúng gây nhiễu hoặc va chạm lẫn nhau. Có đủ không gian cho mọi người trên Mặt Trăng.”
Trước đó hồi năm 2019, Ấn Độ đã cố gắng hạ cánh xuống cực nam của Mặt Trăng, nhưng không thành công; phi thuyền đổ bộ của họ đâm vào bề mặt của Mặt Trăng.
Nước băng
Nga đặt mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên trên toàn cầu hạ cánh nhẹ nhàng xuống cực nam của Mặt Trăng. Roscosmos cho biết họ muốn chứng tỏ Nga “là một quốc gia có khả năng đưa phi thuyền lên Mặt Trăng” và “bảo đảm quyền tiếp cận bề mặt Mặt Trăng của Nga”.
Mặt Trăng khô hơn sa mạc Sahara 100 lần, nhưng các khoa học gia tin rằng nó chứa trữ lượng nước đóng băng quý giá. Các bản đồ của NASA hồi năm 2018 cho thấy có nước đóng băng ở các phần bị che khuất của Mặt Trăng, và năm 2020, NASA đã xác nhận nước thực sự có tồn tại trên các khu vực có ánh sáng mặt trời.
Việc hạ cánh trên Mặt Trăng rất phức tạp do địa hình gồ ghề; tuy nhiên, cực nam của Mặt Trăng được xem là quý giá vì các khoa học gia tin nơi đây có lượng băng dồi dào. Nước đóng băng trong đá có thể được các nhà thám hiểm trong tương lai biến đổi thành nhiên liệu hỏa tiễn, oxy, và có thể là nước uống.
Theo ông Ed Bloomer, một nhà thiên văn học tại Đài thiên văn Hoàng gia Anh, Greenwich, thì phi thuyền đổ bộ lên Mặt Trăng đang thực hiện nhiệm vụ lấy các mẫu đá và bụi trên Mặt Trăng – vốn là điều rất quan trọng để hiểu môi trường của Mặt Trăng trước khi xây dựng bất kỳ căn cứ nào trên Mặt Trăng.
Ông Vitaly Egorov, một nhà phân tích không gian nổi tiếng của Nga, nói với The Associated Press rằng nghiên cứu về Mặt Trăng “không phải là mục tiêu.” Ông nói thêm: “Mục tiêu là cạnh tranh chính trị giữa hai siêu cường – Trung Quốc và Hoa Kỳ – và một số quốc gia khác cũng muốn khẳng định danh hiệu siêu cường không gian.”
Phi thuyền của Nga dự kiến sẽ mất khoảng 5.5 ngày để di chuyển đến vùng lân cận của Mặt Trăng. Một khi đến đó, nó sẽ quay quanh Mặt Trăng trong khoảng 3 đến 7 ngày ở độ cao khoảng 100 km (62 dặm) trước khi hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng.
Nga bị trừng phạt sau khi xâm lược Ukraine, khiến Moscow khó tiếp cận công nghệ của phương Tây hơn – điều này đã ảnh hưởng đến chương trình không gian của họ.
Theo các nhà phân tích, phi thuyền Luna-25 ban đầu được thiết kế để mang theo một thiết bị thám hiểm Mặt Trăng nhỏ, nhưng ý tưởng này đã bị loại bỏ để giảm khối lượng của phi thuyền nhằm cải thiện độ tin cậy.