Nga sử dụng bến cảng trọng yếu của Nam Phi để tìm kiếm khoáng sản ở Nam Cực
Darren Taylor
Một phần lớn đội tàu thăm dò dầu khí của Nga hiện đang sử dụng bến cảng lớn nhất của Nam Phi làm bệ phóng để tiến vào Nam Cực, khu vực chưa được khai thác cuối cùng của hành tinh này.
Có trụ sở tại Cape Town cùng với các tàu thăm dò địa chấn của Moscow, công ty thăm dò khoáng sản của Điện Kremlin, Rosgeo, không hề có ý muốn giấu giếm các hoạt động của mình ở Nam Cực.
Tháng 02/2020, công ty này đưa ra một tuyên bố từ Cape Town, một trong năm “cảng cửa ngõ” đến Nam Cực, nói rằng họ đã tìm thấy lớp trầm tích tương đương 500 tỷ thùng dầu và khí đốt ở Nam Đại Dương nhạy cảm về mặt sinh thái này.
Hằng năm, lượng tiêu thụ dầu trên toàn cầu đạt mức khoảng 35 tỷ thùng.
Rosgeo khẳng định việc thăm dò của họ “chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích khoa học” và họ không có ý định “khai thác khoáng sản” ở Nam Cực.
Làm như vậy sẽ vi phạm một phần Hiệp ước Nam Cực năm 1959, được Nga và 28 quốc gia khác thông qua, trong đó có Nam Phi. Lệnh cấm khai thác mỏ trong khu vực này có hiệu lực vào năm 1998 theo Nghị định thư Madrid – hiến pháp môi trường của hiệp ước này.
Chính phủ Đại hội Toàn quốc Châu Phi (ANC) của Nam Phi nổi lên như một đồng minh chủ chốt của Moscow kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin tấn công Ukraine hồi tháng 02/2022.
Tổ chức này đang cho phép các tàu bị trừng phạt của Nga đi lại an toàn trong vùng biển của mình, và cũng đang cho phép các tàu này cập cảng của họ, những bến cảng phát triển nhất ở châu Phi.
Bà Liz McDaid, khoa học gia về môi trường sống tại Cape Town, cho biết: “Nếu không có Nam Phi, Nga sẽ rất khó tiếp cận Nam Cực qua các quốc gia cửa ngõ khác.”
Bà nói với The Epoch Times, “Úc, New Zealand, và Chile đều cho biết họ sẽ không cho phép các tàu thăm dò của Nga cập cảng của họ, vì cuộc xâm lược (Ukraine) của ông Putin và vì họ lo ngại rằng các hoạt động của Nga ở Nam Đại Dương sẽ gây ra tổn hại chưa từng có đến một trong những hệ sinh thái nguyên sơ cuối cùng của Trái Đất.”
Bà McDaid cho biết Argentina, một cửa ngõ khác, hiện chỉ có thể cung cấp “sự trợ giúp hạn chế” cho trạm nghiên cứu Tây Nam Cực của Nga.
Nam Phi, một trong những quốc gia gần Nam Cực nhất, đang duy trì một cơ sở nghiên cứu trên lục địa băng giá này, nơi mà các khoa học gia cho rằng đang ngày càng bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu.
Tuần trước, ông Lisolomzi Fikizolo, quan chức đứng đầu vùng cực của thủ đô Pretoria, đã bị các đảng đối lập trong quốc hội chất vấn về sự hợp tác rõ rành rành mà cơ quan của ông đang thực hiện với Nga trong nỗ lực khám phá Nam Cực.
Ông liên tục nói rằng ban quản lý của ông không biết Nga đang làm gì trong khu vực này, bất chấp những tuyên bố tương đối thường xuyên của công ty Rosgeo – do văn phòng của họ ở Cape Town đưa ra – nêu rõ các hoạt động thăm dò của Nga.
Ông Fikizolo cho biết Nam Phi “vẫn cam kết bảo tồn nét độc đáo của khu vực.”
Ông nói thêm rằng bộ phận của ông “hoàn toàn phản đối bất kỳ hoạt động nghiên cứu khai thác nào” ở Nam Cực.
Khi các thành viên quốc hội phía đảng đối lập đặt vấn đề với ông Fikizolo rằng đây chính xác là những gì công ty Rosgeo đang làm, sử dụng Cape Town làm căn cứ cho các hoạt động của họ, thì ông trả lời: “Đó là những cáo buộc không có bằng chứng.”
Khi được trình bày cho tuyên bố năm 2020 của chính công ty Rosgeo, mà trong đó công ty này trâng tráo thừa nhận việc nghiên cứu sâu rộng và thành công các bể trầm tích dầu khí ở Nam Cực, thì ông Fikizolo cho biết ông cần “nghiên cứu” tài liệu đó trước khi hồi đáp thêm.
Ông cũng được giới thiệu về báo cáo thường niên năm 2021 của Đoàn thám hiểm Khảo sát Địa chất Biển Vùng cực (Polar Marine Geosurvey Expedition, PMGE), một công ty con được tư nhân hóa của Rosgeo có trụ sở tại St. Petersburg nhưng thường hoạt động từ Cape Town.
Trong báo cáo, PMGE trình bày chi tiết cách Điện Kremlin ủng hộ cho sứ mệnh của họ là “xây dựng một cơ sở thông tin” về “tiềm năng tài nguyên khoáng sản của Nam Cực.”
Năm ngoái, lại một lần nữa sử dụng Cape Town làm bệ phóng, các tàu của công ty này đã khám phá Biển Weddell ở Tây Nam Cực. Những nỗ lực của các tổ chức môi trường quốc tế nhằm tuyên bố vùng biển này là “khu vực bảo tồn biển” đã thất bại trong những năm gần đây, chủ yếu là do sự phản đối của Trung Quốc và Nga.
Cơ quan điều hành khoa học vùng cực của Nga – Viện Nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực (AARI) – cũng đã xác nhận rằng “các cuộc khảo sát địa chấn” đã được hoàn thành trên lục địa Đông Nam Cực vào mùa hè năm 2021–2022.
Ông Fikizolo cũng cho biết ông “không có gì để nói” về các tài liệu nhà nước của Nga nêu chi tiết về “tầm nhìn lớn đối với Lục địa Trắng và các khu vực xung quanh” của Điện Kremlin.
Theo “Kế hoạch hành động” năm 2021, các tổ chức thuộc quản lý nhà nước của Nga là Rosgeo; AARI; cơ quan thủy điện/môi trường Roshydromet; và cơ quan tài nguyên khoáng sản Rosnedra sẽ điều tra “cấu trúc địa chất và khoáng sản” của Nam Cực – bao gồm than, đồng, kim cương, vàng, quặng sắt và uranium – bằng đường bộ, đường không, và đường biển.
The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Bộ Ngoại giao của Nga để đề nghị bình luận, nhưng không nhận được phúc đáp.
Trong phiên điều trần quốc hội ở Cape Town, ông Fikizolo cho biết chính phủ Nam Phi, “ngay cả khi họ muốn,” cũng không thể gặng hỏi về các hoạt động của Nga ở Nam Cực “đơn giản vì những hoạt động này đang diễn ra trên vùng đất ngoại bang.”
Bà McDaid nói: “Lập trường của chính phủ Nam Phi về các hoạt động của Nga ở Nam Cực thật nực cười. Các cơ quan nhà nước Nga đã và đang khoe khoang về việc tìm thấy các mỏ dầu khổng lồ trong các lưu vực trầm tích biển, và “tiềm năng nguyên liệu thô” của lục địa này kể từ đầu những năm 2000. Tại sao lại nói như vậy khi quý vị không có ý định khai thác về mặt thương mại những phát hiện của mình?”
Cục Các vấn đề Môi trường của Nam Phi nói với The Epoch Times rằng việc cung cấp “bất kể sự hỗ trợ nào” cho các chuyến thám hiểm của Nga tới Nam Cực cũng đều “là công bằng” vì đây chỉ là “những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học”.
Nhưng Tiến sĩ Alan Hemmings, một chuyên gia về quản lý Nam Cực tại Đại học Canterbury ở New Zealand, cho biết bản thân Nga đã “thừa nhận hết thảy” rằng họ đang “thăm dò” lục địa này với mục đích xác định các khu vực có tiềm năng về nguồn khoáng sản để có thể thăm dò và phát triển.
Ông nói với The Epoch Times rằng hoạt động thăm dò Nam Cực bị cấm bởi Nghị định thư Madrid, trong đó cấm “bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tài nguyên khoáng sản” ở Nam Cực.
“Tất nhiên có hoạt động khoa học và nghiên cứu liên quan đến việc cố gắng xác định vị trí dầu mỏ và khí đốt, nhưng cuối cùng những gì mà họ đang làm là thăm dò dầu khí. Lập luận ngược lại là vô lý,” ông Hemmings, người từng là một quan sát viên tại các cuộc đàm phán dẫn đến Nghị định thư Madrid, cho biết.
“Tất cả các quốc gia có mặt, bao gồm cả Nam Phi và Nga, đều đồng ý rằng thăm dò là giai đoạn đầu tiên trong ba giai đoạn của hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, và hoàn toàn tách biệt với hoạt động nghiên cứu khoa học.”
Bà McDaid cho biết Nga, với hỗ trợ giúp từ Nam Phi, đang lạm dụng nguyên tắc “tự do điều tra khoa học” của hiệp ước này “bằng cách mạo nhận việc thăm dò là hoạt động địa chất thuần túy.”
Ông Hemmings là thành viên của một nhóm mở rộng gồm các học giả và nhà bảo vệ môi trường muốn có một “lệnh cấm vĩnh viễn” về việc khai thác khoáng sản ở Nam Cực.
Ông cho biết các điều khoản của Nghị định thư Madrid có thể được đưa ra đàm phán lại vào năm 2048.
“Có thể phần lớn các quốc gia tham gia hiệp ước sẽ bỏ phiếu để thay đổi luật khai thác của Nam Cực,” ông Hemmings cho biết. “Chúng tôi đang chứng kiến những hành động đi theo hướng đó, đặc biệt là từ phía Nga, nhưng cũng có từ phía các nước khác. Chẳng hạn, Ấn Độ có dự luật mới về Nam Cực trước quốc hội trong đó đưa ra một điều khoản về “hoạt động tài nguyên khoáng sản” mà chính phủ Ấn Độ xem là nghiên cứu khoa học.”
Bà Elizabeth Buchanan – chuyên gia địa chính trị vùng cực tại Đại học Deakin của Úc và là thành viên của Viện Chiến tranh Hiện đại ở West Point – cho biết việc khai thác ở Nam Cực sẽ chỉ khả thi nếu giá dầu luôn ở mức trên 150 USD/thùng.
“Các hoạt động của Nga ở Nam Cực cũng có thể nhằm mục đích bóp nghẹt cạnh tranh thị trường. Moscow có lẽ muốn ngăn chặn các quốc gia khác khai thác trữ lượng dầu này và trở thành những đối thủ cạnh tranh năng lượng trên vũ đài toàn cầu,” bà nói với The Epoch Times.