Ngân sách quốc phòng do TT Biden đề xướng xem Trung Quốc là ‘thách thức chiến lược chính’
Yêu cầu chi tiêu an ninh quốc gia trị giá 813 tỷ USD do Tổng thống (TT) Joe Biden đề xướng lên Quốc hội bao gồm 773 tỷ USD phân bổ trực tiếp cho quân đội Hoa Kỳ với những khoản ngân sách tăng đáng kể nhằm chống lại mối đe dọa quân sự ngày càng tăng ở khu vực Tây Thái Bình Dương của Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa.
TT Biden nói hôm 28/03 trong khi giới thiệu kế hoạch ngân sách năm tài khóa 2023 trị giá 1.58 ngàn tỷ USD mà ông đề xướng: “Đây sẽ là một trong những khoản đầu tư lớn nhất cho an ninh quốc gia của chúng ta trong lịch sử. Một số người không thích sự gia tăng này, nhưng hôm nay chúng ta đang ở trong một thế giới khác.”
Ông tiếp tục nói rằng, “Thế giới đã thay đổi.” Hoa Kỳ “một lần nữa phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng từ các quốc gia khác – Trung Quốc và Nga – sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư để chế tạo ra những thứ như không gian và mạng cũng như các năng lực tiên tiến khác, bao gồm cả các vũ khí siêu thanh.”
Kế hoạch ngân sách dài 149 trang này chắc chắn sẽ được Quốc hội sửa đổi đáng kể, với việc các thành viên Đảng Cộng Hòa cam kết sẽ thúc đẩy hơn nữa chi tiêu quân sự trước khi năm tài khóa bắt đầu vào 01/10. Ngân sách sẽ dành 6.1 tỷ USD tài trợ cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương năm 2023, trong đó có 900 triệu USD cho một hệ thống cảnh báo và theo dõi hỏa tiễn để bảo vệ đảo Guam.
Kế hoạch chi tiêu do ông Biden đề xướng cũng kêu gọi 400 triệu USD cho “Quỹ Chống Ảnh hưởng Độc hại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, nhiều hơn 100 triệu USD so với mức phân bổ cho năm tài khóa 2022 nằm trong dự luật phân bổ năm tài khóa 2022 dài 2,741 trang, trị giá 1.5 ngàn tỷ USD được cả hai viện thông qua chưa đầy hai tuần trước, năm tháng sau khi năm tài khóa 2022 bắt đầu.
Lần đầu tiên, ngân sách quốc phòng của chính phủ ông Biden tập trung vào CHND Trung Hoa với tư cách là “thách thức chiến lược chính” của quốc gia, bất chấp việc Nga xâm lược Ukraine và việc tăng cường tài trợ cho an ninh Âu Châu.
Ngũ Giác Đài cho biết ngân sách được đề xướng này “xem Trung Quốc là thách thức chính trong khi phát triển các năng lực và các khái niệm hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.”
Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Kathleen Hicks nói với các phóng viên tại Ngũ Giác Đài hôm 28/03 rằng Nga thực sự đặt ra một “mối đe dọa khẩn cấp” đối với hòa bình quốc tế, nhưng nói thêm rằng CHND Trung Hoa hiện là “đối thủ cạnh tranh chiến lược và thách thức lớn nhất” của Hoa Kỳ.
Một quan chức quốc phòng cao cấp giấu tên nói với các phóng viên trong cùng cuộc họp báo ngân sách này: “Nếu quý vị nhìn bao quát về khả năng, nền kinh tế của họ, thì Trung Quốc vẫn là mối đe dọa chiến lược thách thức nhất của chúng ta. Đó là những gì bản chiến lược này thể hiện; đó là những gì mà ngân sách này thể hiện.”
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd J. Austin III cho biết trong một tuyên bố hôm 28/03 rằng ngân sách này phản ánh Chiến lược Quốc phòng của Hoa Kỳ.
Ông Austin nói: “Trọng tâm của chiến lược đó là thách thức lớn nhất từ Trung Quốc.”
Ông cho biết, “Ngân sách này duy trì sự sẵn sàng và tư thế răn đe của chúng ta trước những mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt ngày nay: mối đe dọa khẩn cấp của một nước Nga hung hăng và những mối đe dọa liên tục xuất hiện từ Triều Tiên, Iran, và các tổ chức cực đoan bạo lực.”
“Và ngân sách đó hoàn toàn ủng hộ chính sách của chúng ta về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ – và trách nhiệm đối với – mạng lưới liên minh và quan hệ đối tác rộng lớn của chúng ta.”
Tòa Bạch Ốc cho hay đề xướng chi tiêu quân sự này “đầu tư vào việc phát triển và hiện đại hóa các liên minh và đối tác của chúng ta, vì chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát các thách thức – cho dù dưới hình thức lạm dụng thương mại của Trung Quốc, cuộc xâm lược của Nga hay cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ – khi chúng ta làm việc cùng với những người chia sẻ giá trị hoặc lợi ích của chúng ta.”
Tòa Bạch Ốc cho biết thêm rằng sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương năm 2023 “nêu bật một số khoản đầu tư quan trọng mà DOD (Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ) đang thực hiện, tập trung vào việc tăng cường khả năng răn đe ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương” và bao gồm “gần 1.8 tỷ USD để hỗ trợ một Khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương và Chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do và cởi mở, được kết nối, an toàn và có khả năng phục hồi.”
Bản Ngân sách Ngũ Giác Đài đề xướng phác thảo 130 tỷ USD cho các sáng kiến nghiên cứu và phát triển nhằm thúc đẩy nghiên cứu vũ khí siêu thanh (4.7 tỷ USD), vi điện tử/mạng không dây 5G (3.3 tỷ USD), và công nghệ sinh học (1.3 tỷ USD), chống lại các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công nghệ và chương trình đó.
Yêu cầu chi tiêu này bao gồm 40.8 tỷ USD để đóng 8 tàu thuộc hạm đội chiến đấu, bao gồm một lớp tàu ngầm mang hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (SL-ICBM) mới, cho Hải quân Hoa Kỳ, lực lượng răn đe chính chống lại lực lượng quân đội Trung Quốc đang phát triển ở Biển Đông.
Trong số 24 tàu mà Hải quân muốn cho ngừng hoạt động, 9 tàu là tàu ven bờ, tàu chiến được phát triển để hoạt động ở các vùng nước cạn, chẳng hạn như Biển Đông, đã gặp khó khăn do sản xuất và thử nghiệm thất bại.