Ngành chăm sóc sức khỏe sau đại dịch: chi phí cao hơn, công nghệ mới, và những điều khác
MICHAEL CLEMENTS
Khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp COVID-19 hết hiệu lực, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các tổ chức trả chi phí y tế phải đối mặt với những thách thức vốn đã tồn tại trước COVID nhưng đã thêm trầm trọng do đại dịch.
Theo ông George Hill – giám đốc điều hành của ngân hàng Deutsche Bank – ngành chăm sóc sức khỏe đang phải đối mặt với tình trạng chi phí gia tăng, lạm phát, vấn đề nhân sự, và các vấn đề về chuỗi cung ứng mà các ngành khác đang phải đối mặt.
Ông Hill cho hay: “Nhìn từ góc độ của hệ thống y tế, ngành này đã bị ảnh hưởng ở nhiều khía cạnh.”
Ông Hill đã tham dự một hội thảo trực tuyến do Sáng kiến Schaeffer của USC–Brookings về Chính sách Chăm sóc Sức khỏe (USC-Brookings Schaeffer Initiative for Health Care Policy) tổ chức, có tên là “Wall Street đến với Hội nghị bàn tròn chăm sóc sức khỏe Hoa Thịnh Đốn” (Wall Street Comes to Washington health care roundtable).
Theo trang web của Brookings, cuộc họp trực tuyến hôm 11/04 là sự kiện thứ 27 được tổ chức nhằm “làm cầu nối giữa các tổ chức ở Wall Street và chính sách y tế của Hoa Thịnh Đốn.”
Sự kiện này do ông Paul B. Ginsburg, một thành viên cao cấp cộng tác với Viện Brookings, điều phối.
Mặc dù các thành viên tham gia hội thảo đồng ý rằng ngành chăm sóc sức khỏe đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, nhưng cũng có những tiềm năng lớn.
Chăm sóc sức khỏe từ xa (Telehealth), các thỏa thuận cấp phép giữa các tiểu bang, và mở rộng các chương trình dành cho người không có bảo hiểm – tất cả đều được bắt đầu để ứng phó với đại dịch, có thể sẽ tồn tại vĩnh viễn dưới một hình thức nào đó.
Bà Ann Hynes, giám đốc điều hành của Mizhuo, cho biết một trong những thách thức lớn nhất mà ngành chăm sóc sức khỏe phải đối mặt là sự thiếu hụt nhân viên y tá. Trước đại dịch, nước Mỹ phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng trong lĩnh vực điều dưỡng.
Khối lượng công việc tăng lên do đại dịch khiến nhiều y tá cảm thấy làm việc quá sức, quá căng thẳng, và không được đánh giá cao.
Bà Hynes cho biết, “Quý vị đã có những y tá lâu năm từ chức và trở thành y tá lưu động.”
Các y tá lưu động (travel nurse) trước đại dịch kiếm được trung bình 75 USD/giờ. Nhu cầu trong đại dịch đã đẩy con số này lên 200 USD/giờ. Mức lương cơ bản của một y tá trong bệnh viện đã tăng từ trung bình 35–45 USD/giờ lên gần 52 USD/giờ.
Những người khác đã bỏ nghề. Độ tuổi trung bình của y tá trong đại dịch là 52 tuổi. Vì vậy, những y tá không thể đi lưu động đã về hưu hoặc tìm việc ở nơi khác.
Bà Hynes cho biết tình hình đang bắt đầu ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhân viên tạm thời tại các bệnh viện, và lương hướng vẫn là một vấn đề ở nhiều nơi.
Về vấn đề lương hướng, ông Hill cho biết nhiều nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc và công ty bảo hiểm đang xem xét kế hoạch – có khả năng dẫn đến phí bảo hiểm của người tiêu dùng cao hơn.
Ông Hill cho biết tỷ lệ chi trả giữa các công ty bảo hiểm và nhà cung cấp nói chung là cố định. Tỷ lệ này cũng đã được thương lượng trước khi có đại dịch, tỷ lệ lạm phát hiện tại, và lãi suất tăng. Các nhà cung cấp đã phải xoay sở với vấn đề nhân sự và các vấn đề liên quan đến chi phí kinh doanh cao hơn khác.
Ông cho hay, “Quý vị không thể đẩy chi phí tăng này xuống cho bệnh nhân.”
Không thể đẩy chi phí tăng xuống cho người bệnh nhân
Các thành viên tham gia hội thảo này cho biết nhiều chương trình trong thời kỳ đại dịch có thể được điều chỉnh để đủ tiền trả chi phí và bảo đảm việc chăm sóc được hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Ông Jailendra Singh, một giám đốc điều hành của công ty Truist Securities, chỉ ra rằng chăm sóc sức khỏe từ xa đã bắt đầu xuất hiện trước đại dịch và trở thành phương pháp ưa thích của nhiều bác sĩ và bệnh nhân sau khi COVID-19 bùng phát. Khi đất nước sắp chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp, ông Singh cho biết khi nào các cuộc hẹn chăm sóc sức khỏe từ xa là phù hợp – và các cuộc hẹn này được chi trả ra sao – sẽ cần phải được giải quyết giữa các công ty bảo hiểm và nhà cung cấp.
Theo ông Singh, vì cuộc hẹn chăm sóc sức khỏe từ xa không yêu cầu bệnh nhân đến phòng khám của bác sĩ nên công ty bảo hiểm có thể không sẵn sàng trả số tiền tiêu chuẩn như khi khám bệnh tại phòng khám. Các bác sĩ đã phản bác rằng chi phí của họ là như nhau bất kể bệnh nhân ở đâu.
Ông Singh nói: “Chúng tôi sẽ tìm ra điểm mà chúng tôi có thể đạt được sự đồng thuận.”
Tất cả những người tham gia hội thảo đều đồng ý rằng các Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid là một động lực quan trọng trong ngành. Cơ quan liên bang này quản trị chương trình Medicare và hợp tác với các tiểu bang về Medicaid và Chương trình Bảo hiểm Sức khỏe Trẻ em.
Gần 14 triệu người sắp bị mất Medicare
Trong khi mức sử dụng tổng thể giảm trong đại dịch, thì chính phủ đã tạm thời mở các chương trình cho những người vốn trước đây không đủ điều kiện tham gia, bù đắp một phần cho mức sử dụng giảm. Khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp hết hiệu lực, thì có đến gần 14 triệu người có thể mất bảo hiểm đó.
Bà Hynes cho biết tác động này sẽ khác nhau giữa các tiểu bang. Bà lưu ý rằng các tiểu bang vốn thành lập các thị trường theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (Affordable Care Act) sẽ có thể giúp những người bị loại khỏi danh sách này tìm được bảo hiểm.
Bà cho biết thêm rằng các hệ thống chăm sóc được quản lý, các công ty bảo hiểm, và các bệnh viện cũng sẽ sẵn sàng trợ giúp.
“Tôi thực sự nghĩ rằng mỗi người đều sẽ có được bảo hiểm,” bà cho hay.
Ông Singh tán thành với đa phần những gì bà Hynes đã bình luận nhưng ít lạc quan hơn về tính hiệu quả của ý tưởng này. Ông cho biết nhiều người trong nhóm trên có thể sẽ khó tìm được và sẽ không tìm bảo hiểm ngay lập tức. Ông dự đoán có một số gián đoạn trong ngành này vài tháng.
Bà Ricky Goldwasser là một giám đốc điều hành của Morgan Stanley. Bà đồng ý rằng vài năm qua đã có nhiều biến động và dự đoán điều đó sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, bà cho hay, sự thay đổi thường đi kèm với tình trạng xáo trộn. Bà xem mọi thay đổi như sự phát triển.
Bà Goldwasser cho biết, “Chúng ta vẫn đang ở những giai đoạn đầu tiên trong đó một số điều rất tốt đẹp sắp đến gần.