‘Ngập trong thách thức, Trung Quốc khó mà tính đến chuyện xâm lược’
Dorothy Li
Theo Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc khó mà tính đến chuyện xâm lược Đài Loan vì ban lãnh đạo nước này đang “ngập đầu” trong các thách thức nội bộ.
Đài Loan – một hòn đảo tự trị mà Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình – đang phải đối mặt với “mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng, các chiến dịch vùng xám, các cuộc tấn công mạng, và thao túng thông tin,” bà Thái nói trong cuộc phỏng vấn với New York Times được phát sóng tại Hội nghị thượng đỉnh DealBook hôm 29/11.
Bất chấp những khiêu khích của Trung Quốc, bà cho rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khó có thể tính đến chuyện xâm lăng Đài Loan trong tương lai gần.
Bà Thái nói: “Tôi nghĩ lúc này giới lãnh đạo Trung Quốc đang ngập đầu trong những thách thức nội bộ. Và tôi nghĩ có lẽ đây không phải là lúc để họ tính đến một cuộc xâm lăng lớn vào Đài Loan.”
Bà viện dẫn những khó khăn về kinh tế và tài chính, cũng như những thách thức chính trị của Trung Quốc. Bà Thái nói thêm rằng: “Ngoài ra, cộng đồng quốc tế đã tuyên bố rõ ràng rằng chiến tranh không phải là một lựa chọn, chỉ có hòa bình và ổn định mới phù hợp với lợi ích của tất cả mọi người.”
Lãnh đạo cao nhất của nhà cầm quyền này đã nhiều lần tuyên bố sẽ đưa Đài Loan về dưới sự kiểm soát của Đảng. Tại Đại hội Đảng hai lần một thập niên hồi tháng 10/2022, ông Tập tuyên bố rằng nhà cầm quyền này sẽ không bao giờ phản đối việc sử dụng vũ lực để “thống nhất” với Đài Loan.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương William Burns cho biết hồi tháng Hai rằng Tình báo Hoa Kỳ cho thấy chế độ Cộng sản Trung Quốc đã chỉ thị cho quân đội của họ sẵn sàng tấn công Đài Loan vào năm 2027, mặc dù điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ ra lệnh thực hiện điều đó.
Tuy nhiên, trong năm đầu tiên bước vào nhiệm kỳ thứ ba chưa có tiền lệ của mình, ông Tập đã cách chức một số quan chức cao cấp, trong đó có cả ngoại trưởng do chính ông bổ nhiệm, và các chỉ huy hàng đầu giám sát kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, làm dấy lên suy đoán về tình trạng nội bộ lục đục trong giới lãnh đạo cao cấp của chế độ này.
Những cuộc cải tổ lãnh đạo đột ngột diễn ra cùng thời điểm nước này đối mặt với tình trạng giảm phát. Bất chấp sự viện trợ lớn của chính phủ, dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy triển vọng tăng trưởng không tốt. Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm 30/11, các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng Mười Một do nhu cầu suy yếu cả trong và ngoài nước, trong khi các hoạt động dịch vụ giảm lần đầu tiên sau 12 tháng.
Tổng thống (TT) Joe Biden nói rằng sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc có thể cản trở tiến trình chiếm Đài Loan bằng vũ lực, đồng thời lưu ý rằng chế độ này “có thể không còn năng lực như trước đây.” Nhưng các nhà lập pháp – cụ thể là Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa–Wisconsin) – cho rằng những khó khăn kinh tế có thể làm tăng nguy cơ xâm lược, vì Bắc Kinh muốn đánh lạc hướng người dân của mình khỏi những rắc rối nội bộ của họ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã nhắc lại lập trường của chính quyền này về Đài Loan khi được hỏi về bình luận của bà Thái.
“Trung Quốc cuối cùng và chắc chắn sẽ được thống nhất,” ông Ngô Khiêm (Wu Qian), phát ngôn viên của bộ này, nói với các phóng viên.
Chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan
Theo một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ, tại cuộc gặp với TT Biden ở San Francisco hồi đầu tháng này, ông Tập đã mô tả Đài Loan là “vấn đề lớn nhất, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất” trong mối bang giao giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
TT Biden đã nhiều lần nói rằng các lực lượng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm lược. Tuy nhiên, nhân viên Tòa Bạch Ốc luôn nhanh chóng giải thích rằng bình luận của tổng thống không báo hiệu sự thay đổi về chính sách được gọi là “sự mơ hồ chiến lược” của Hoa Kỳ đối với hòn đảo này. Chính phủ Hoa Kỳ đã cố tình mơ hồ về việc liệu họ có bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp Trung Quốc xâm lược hay không.
Khi được hỏi bà nghĩ thế nào về chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, bà Thái đã không đưa ra câu trả lời trực tiếp. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng “người dân Đài Loan vẫn luôn biết ơn sâu sắc vì sự hỗ trợ lâu dài và kiên định từ những người bạn Mỹ của chúng tôi.”
Đài Loan cam kết tăng cường khả năng tự vệ của mình. Bà nói: “Chúng tôi hiểu rõ thực tế rằng ai cũng đều có trách nhiệm bảo vệ quê hương của mình.”
Bà Thái, người đang ở nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng, cho biết ưu tiên hàng đầu của bà là bảo vệ lối sống dân chủ và tự do của quốc đảo này.
Can thiệp bầu cử ‘không còn là bí mật’
Đài Loan đang ở giữa tiến trình vận động tranh cử cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội – sẽ được tổ chức vào ngày 13/01. Ông Lại Thanh Đức của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền, hiện là phó tổng thống, là ứng cử viên hàng đầu có triển vọng trở thành tổng thống tiếp theo của Đài Loan, theo các cuộc thăm dò dư luận.
Bà Thái cho biết việc Trung Quốc đang cố gắng can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Đài Loan là “không còn là bí mật”.
Bà nói, “Nhưng tôi nghĩ có lẽ họ không thành công lắm trong nỗ lực gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở đây. Chủ yếu là vì đây là một nền dân chủ và mọi người biết rằng họ cần phải tự mình đưa ra quyết định tốt nhất về việc ai sẽ là nhà lãnh đạo tiếp theo của Đài Loan.”
“Vì vậy, quý vị biết đấy, tất nhiên là Trung Quốc quan tâm đến việc can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan, và bằng nhiều cách khác nhau đang cố gắng tác động đến cuộc bầu cử của chúng tôi theo hướng có lợi cho họ.”
Bắc Kinh tiếp tục chiến dịch quấy rối quân sự nhắm vào Đài Bắc trước thềm cuộc bầu cử, tiếp tục thường xuyên điều động chiến đấu cơ và chiến hạm đến gần hòn đảo này. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết sáng sớm hôm 30/11, họ đã phát hiện các chiến đấu cơ J-10 và J-16 cũng như những chiếc trực thăng hải vận hoạt động ngoài khơi miền trung Đài Loan và phía tây nam hòn đảo này. Bộ này cho biết thêm rằng 11 phi cơ trong số đó đã vượt qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan, hoặc các khu vực lân cận, phối hợp với các chiến hạm Trung Quốc để thực hiện “các cuộc tuần tra chung sẵn sàng chiến đấu”.
Bên cạnh áp lực quân sự, Google nhận thấy “sự gia tăng ồ ạt” các cuộc tấn công mạng bắt nguồn từ Trung Quốc nhắm vào Đài Loan trong sáu tháng qua, theo bà Kate Morgan, giám đốc kỹ thuật cao cấp của công ty này.
Hôm 29/11, Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc đã đẩy mạnh việc công kích ông Lại và người đồng tranh cử của ông là bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), cựu đặc phái viên của Đài Loan tại Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên Trần Bân Hoa (Chen Binhua) nói trong một cuộc họp báo: “Đài Loan độc lập có nghĩa là chiến tranh. Việc DPP thúc đẩy hành động phối hợp phe độc lập nguy hiểm này sẽ chỉ hủy hoại các lợi ích và hạnh phúc của đồng bào trên đảo.”
Nói trước các phóng viên ở Đài Bắc hôm 30/11, nhà hoạch định chính sách hàng đầu về Trung Quốc của Đài Loan Khâu Thái Tam (Chiu Tai-san) đã bác bỏ những lời chỉ trích của Bắc Kinh.
Ông Khâu, người đứng đầu Hội đồng Sự vụ Đại lục của Đài Loan, cho biết: “Thành thật mà nói, những bình luận đó cho thấy họ thậm chí còn không biết đến nền chính trị và bầu cử dân chủ là gì.”