Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng nợ của các doanh nghiệp nhà nước (SOE) của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng kể từ năm 2020. Mới đây, Bắc Kinh đã đưa ra một báo cáo về vấn đề này khi một số SOE tiếp tục vỡ nợ trong những tháng gần đây.
Ngày 28/03, Quốc vụ Viện Trung Quốc đã ban hành văn bản “Hướng dẫn Tăng cường Kiểm soát Rủi ro Nợ của các Doanh nghiệp Nhà nước Địa phương.” Bắc Kinh yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải có các biện pháp xác định và quản trị nợ; hỗ trợ vòng đời của một trái phiếu; và xây dựng cách quản lý rủi ro liên quan đến các khoản nợ.
Trong cùng tháng ban hành hướng dẫn, công ty Than Jizhong Energy Group do nhà nước sở hữu đã không trả được một phần tiền phải chi trả của họ cho hai loại trái phiếu; trong khi Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Trùng Khánh, cơ sở năng lượng địa phương duy nhất do chính quyền thành phố Trùng Khánh sở hữu hoàn toàn, đã mất khả năng chi trả các tín phiếu của họ.
Tháng 11/2020, Trung Quốc đã chứng kiến các vụ vỡ nợ liên tiếp của một số SOE, bao gồm Tập đoàn Điện và Than Yongcheng, Brilliance Auto, và Tsinghua Unigroup.
Theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán Thượng Hải, từ năm 2018 đến năm 2019, tình trạng vỡ nợ trái phiếu chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp tư nhân; trong khi năm 2020, các SOE trở thành đối tượng vỡ nợ chính.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, nhà phân tích tài chính Katherine Jiang tại Hồng Kông nói rằng các vụ vỡ nợ của các SOE làm nổi bật sự yếu kém của các SOE lớn dưới chế độ Trung Cộng. Các SOE này đã tích tụ những khoản nợ khổng lồ trong quá trình mở rộng tín dụng của Trung Cộng trong những năm qua mà không cải thiện được khả năng sinh lời của các doanh nghiệp này.
Ông Jiang nói, các vụ vỡ nợ của các SOE cũng làm suy yếu một yếu tố then chốt đối với hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp này trên thị trường; đó là sự hỗ trợ từ nhà cầm quyền và uy tín của Trung Cộng. Điều này quay trở lại sẽ làm suy yếu sự ổn định của hệ thống tài chính Trung Quốc.
SOE: Màn diễn ‘chơi hình tạo bóng’ dưới sự mở rộng tín dụng của Trung Cộng
Chuyên gia về Trung Quốc Shi Shan nói với The Epoch Times rằng các SOE giống như một màn diễn ‘chơi hình tạo bóng’ của Trung Cộng – ông so sánh các SOE với những con rối trên sân khấu. Một con rối nhỏ trông to hơn nhiều khi nó được chiếu sáng bởi những ngọn đèn phía sau, nhưng nó chỉ là một hiệu ứng. Tương tự như vậy, việc mở rộng tín dụng đã bơm phồng các SOE, nhưng chúng thiếu sức mạnh thực tế.
Với khoản tín dụng dễ dàng, các SOE đã có thể vay tiền giá rẻ từ các ngân hàng để thực hiện những khoản đầu tư lớn, làm tăng quy mô tài sản của các SOE. Nhưng lợi tức từ các khoản đầu tư của họ không cao.
Theo công ty chứng khoán Haitong, trong 20 năm qua, Trung Quốc đã trải qua 4 đợt mở rộng tín dụng diễn ra vào các năm 2006 đến 2007, 2008 đến 2010, 2012 đến 2013, và 2015 đến 2017. Những đợt mở rộng tín dụng này đã kích thích nền kinh tế, và kéo theo đó là một sự gia tăng nhanh chóng quy mô nợ quốc gia.
Với khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ lớn, các công ty Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng, năm 2020 Trung Quốc đại lục (bao gồm cả Hồng Kông) có 124 công ty lọt vào danh sách Fortune Global 500, lần đầu tiên vượt qua Hoa Kỳ – quốc gia có 121 công ty trong danh sách này.
Các công ty Trung Quốc trong danh sách chủ yếu là các SOEs, bao gồm 48 doanh nghiệp do nhà cầm quyền trung ương kiểm soát và 32 SOEs địa phương.
Trong khi đó, năm 1997, chỉ có bốn công ty từ Trung Quốc đại lục lọt vào danh sách.
Tuy nhiên, theo một bài báo của Fortune Global 500, các công ty Trung Quốc có khả năng sinh lời kém hơn. Lợi tức trung bình của 124 công ty Trung Quốc đại lục trong danh sách dưới 3.6 tỷ USD, bằng khoảng một nửa so với lợi tức trung bình của các công ty Hoa Kỳ, và thấp hơn mức lợi tức trung bình 4.1 tỷ USD của 500 công ty lớn nhất thế giới.
Khả năng sinh ra lợi nhuận trung bình của các công ty Trung Quốc đại lục trong danh sách là 5.4%, thấp hơn so với 8.6% của các công ty Hoa Kỳ.
Hệ số sinh ra lợi nhuận so với quy mô tài sản ròng trung bình của các công ty Trung Quốc trong danh sách là 9.8%, cũng thấp hơn so với 17% của các công ty Hoa Kỳ.
Chi phí tài chính cao và rủi ro nợ lớn
Việc đầu tư từ nguồn vay nợ với lợi tức thấp cũng đã đem đến cho các SOE những khoản nợ khổng lồ, chi phí tài chính cao, và rủi ro nợ lớn.
Ví dụ, Công ty Kim loại khoáng sản Trung quốc (China Minmetals Corporation) là một công ty nằm trong danh sách Fortune 500. Năm 2019, chi phí lãi vay của công ty lên tới 14.1 tỷ USD, trong khi lợi nhuận ròng sau thuế trong năm là 10.4 tỷ USD, chưa bằng chi phí lãi vay.
Theo báo cáo xếp hạng của Tập đoàn Xếp hạng Tín dụng Chengxin của Trung Quốc (China Chengxin Credit Rating Group), tỷ lệ nợ trên tài sản năm 2019 của China Minmetals là 76.5% và tổng nợ của công ty này gấp 8.24 lần tổng thu nhập trước lãi, thuế, khấu hao tài sản, và khấu hao tài sản vô hình. Điều này có nghĩa là công ty có thể mất hơn tám năm để trả nợ thông qua các hoạt động của riêng nó.
Ông Jiang cho rằng với đòn bẩy tài chính cao, các SOE chủ yếu dựa vào việc đi vay mới để trả nợ cũ.
Do khả năng tự tạo ra dòng tiền của các SOE yếu, nên các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu thường cần sự bảo lãnh của chính phủ như một yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư của họ.
Sự hỗ trợ của chính phủ cũng là một khía cạnh quan trọng của xếp hạng tín nhiệm đối với các SOE do ba tổ chức xếp hạng quốc tế lớn – Moody’s, S&P, và Fitch Ratings ấn định.
Ông Jiang nói, tất cả các ngân hàng lớn của Trung Quốc đều thuộc sở hữu của Trung Cộng, có nghĩa là Trung Cộng vừa là người đi vay vừa là người cho vay. Chính quyền địa phương là bên trung gian giữa các SOE và các ngân hàng.
Ông Jiang nói, nếu các SOE không cải thiện tình hình tài chính mà chỉ dựa vào hỗ trợ của chính phủ để trả nợ thông qua tái cấp vốn, thì khi ấy các khoản nợ của các SOE sẽ tăng cao và rủi ro về nợ sẽ tiếp tục tăng cho đến khi Trung Cộng không thể hỗ trợ các doanh nghiệp này nữa.
Ông nói thêm, đến ngày đó, toàn bộ hệ thống tài chính sẽ chịu rủi ro.
Hôm 15/03, trong một cuộc họp điều hành của Quốc vụ Viện Trung Quốc, các quan chức đã đề nghị rằng “đòn bẩy của chính phủ nên được giảm bớt” trong việc hỗ trợ các SOE trong năm nay. Và ngay sau đó, Trung Cộng đã công bố một báo cáo về việc kiểm soát nợ giữa các SOE. Điều này cho thấy Trung Cộng lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ và muốn các SOE phải tự có trách nhiệm.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (Institute International Finance), nợ của Trung Quốc đã lên tới 335% GDP vào năm 2020, trong đó nợ của các công ty phi tài chính chiếm 164.7% GDP của nước này; trong khi ở Hoa Kỳ, nợ của các công ty phi tài chính chiếm 81.8% GDP.
Các ngân hàng của Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với vấn đề nợ xấu. Ông Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (China Banking and Insurance Regulatory Commission), cho biết hôm 02/03 rằng ngành ngân hàng đã xóa khoảng 1.34 ngàn tỷ USD nợ xấu từ năm 2017 đến năm 2020, nhiều hơn tổng số nợ xấu được xóa trong 12 năm trước đó. Riêng trong năm 2020, khoảng 477 tỷ USD nợ xấu đã được xóa. Các ngân hàng cần tăng vốn để phòng ngừa rủi ro cho các khoản nợ vay khó đòi.
Trong khi đó, nợ của chính quyền địa phương của Trung Quốc đang lên đến mức báo động và các chính quyền địa phương đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc trả các khoản vay. Ông Xue Zhaoqian, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Nợ Chính phủ của Bộ Tài chính, tiết lộ tại một cuộc hội thảo rằng dư nợ trái phiếu của các chính quyền địa phương sẽ chạm mức khoảng 4 ngàn tỷ USD vào cuối năm 2020.
Theo công ty Chứng khoán Guosheng, tỷ lệ nợ công khai của các chính quyền địa phương là 97.2% vào năm 2020, gần với giới hạn thấp của mức rủi ro quốc tế được quy định theo Hiệp ước Maastricht.
Ông Jiang cho biết các khoản nợ xấu của các ngân hàng, cũng như áp lực nợ của chính quyền địa phương khiến Trung Cộng khó có thể cứu trợ tài chính cho các SOE. Cả ngân hàng và chính quyền địa phương đều không có khả năng gánh các khoản nợ cho các SOE.
Tuy nhiên, nếu giới chức Trung Cộng không hành động và để các SOE vỡ nợ, thì điều đó lại ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín của Trung Cộng.