Ngày xửa ngày xưa: Các bức họa thần tiên thời kỳ Victoria
Michelle Plastrick
Niềm yêu thích các các truyền thuyết về thần tiên trong dân gian đã có lịch sử lâu đời và phong phú, đặc biệt là ở Anh quốc.
Trong Thời đại Victoria, các bức họa thần tiên trở thành một trường phái nghệ thuật riêng biệt. Phần lớn niềm yêu thích này, bắt đầu vào giữa thế kỷ 19, được thúc đẩy bởi các biến động xã hội. Đối diện với các tiến bộ khoa học và công nghiệp hóa, sự quan tâm của con người về thế giới tâm linh, bên cạnh thế giới tự nhiên, cũng tăng lên.
Tư liệu cho các bức vẽ, hình minh họa, và tranh màu nước này có nguồn gốc từ các truyền thuyết Celtic, một niềm hứng thú được hồi sinh trong các câu chuyện hư cấu thời trung cổ, và từ các vở kịch của đại văn hào William Shakespeare, đặc biệt là tác phẩm ‘A Midsummer Night’s Dream’ (Giấc mộng đêm hè) của ông.
Có những nghệ sĩ thời kỳ Victoria chỉ tạo ra một số ít tác phẩm nổi bật vẽ các thần tiên, nhưng cũng có vài người gần như chuyên vẽ về thể loại này. Trong một buổi triển lãm gần đây tại Bảo tàng Tate Britain về các thần tiên trong nghệ thuật từ 250 năm trước cho đến nay, bảo tàng đưa ra những ví dụ mà trong đó “các yêu tinh tinh nghịch vận y phục mỏng nhẹ như tơ, những cánh hoa và đôi cánh côn trùng, vui đùa dưới ánh trăng, nơi mà cây nấm có thể làm ghế ngồi, hoặc đom đóm làm ngọn đèn.”
Đề tài mầu nhiệm này rất phù hợp để sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc, kịch tính, tràn đầy phong vị thiên nhiên, và bí ẩn.
‘Giấc mộng đêm hè’
Vào thế kỷ 19, các buổi biểu diễn chuyên nghiệp cho vở kịch ‘Giấc mộng đêm hè’ là vô cùng phổ biến ở Anh quốc. Là một trong các vở hài kịch lỗi lạc nhất của Shakespeare, tác phẩm này là một bài kiểm tra phong phú về tình yêu, hôn nhân, trật tự, vô trật tự, ngoại hình, và hiện thực. Trong câu chuyện này, bốn người trẻ tuổi ở thành Athens – Hermia, Lysander, Demetrius và Helena – chạy trốn vào một khu rừng giữa lúc chuẩn bị hôn lễ cho Công tước thành Athens.
Khi ở trong rừng, các con đường họ đi băng qua xứ sở thần tiên. Oberon, Quốc Vương của xứ sở Thần Tiên, và hoàng hậu Titania của ông đã tham dự hôn lễ cùng đoàn tùy tùng của họ. Các thành viên hoàng gia nảy sinh bất hòa, và thần tiên hầu cận Puck của Vua Oberon đã phụng mệnh làm ra một phép thuật nhỏ với hoàng hậu Titania. Một trường hợp ngộ nhận danh tính vô tình thu hút những người dân thành Athens vào trong tình tiết vở kịch. Đến đoạn kết của câu chuyện, phép thuật đó được gỡ bỏ, và tất cả các cặp đôi hòa giải với nhau.
Ở giai đoạn sau trong sự nghiệp của mình, họa sĩ John Simmons (1823–1876), người từng nổi tiếng về vẽ tranh chân dung, đã sáng tạo hàng loạt tác phẩm được truyền cảm hứng từ vở kịch này của văn hào Shakespeare. Các tác phẩm này nổi bật giữa các bức tranh “Giấc mộng đêm hè” khác nhờ sự kết hợp giữa yếu tố tả thực vô cùng chi tiết và các yếu tố huyền ảo.
Trong bức tranh màu nước “Hermia và Lysander, ‘Giấc mộng đêm hè,’” các đôi uyên ương bị cấm cản tìm cách bỏ trốn được khắc họa đi lạc giữa khu rừng rậm, tương ứng với Màn 2, cảnh 2 của vở kịch. Màn đêm buông xuống và họ quyết định đi ngủ, mà không biết các nàng tiên và các yêu tinh khác đang ẩn nấp xung quanh mình. Một bên tay của Lysander nắm lấy ngón tay của Hermia và tay còn lại của chàng chạm vào thềm rêu trên mặt đất trong khu rừng.
Trong vở kịch, chàng tuyên bố đầy lãng mạn, “Một mảng cỏ sẽ làm gối đầu cho đôi ta; / Một trái tim, một chiếc giường, hai tâm hồn, và một lời hẹn ước.” Về sau trong vở kịch, khi Lysander tỉnh giấc, chàng phải lòng cô bạn Helena của Hermia, kết quả từ sự can thiệp tinh nghịch của Puck. Họa sĩ Simmons gợi ý rằng Helena có thể đã hiện diện trong khung cảnh, tượng trưng bởi bóng người ở phía xa bên phải nàng Hermia. Puck có lẽ là ở trong số các thần tiên bên dưới chân của đôi nam nữ hoặc là nhân vật khó nhìn thấy ở giữa bên trái.
Tác phẩm “Hermia và Lysander, ‘Giấc mộng đêm hè’” tràn đầy các hình ảnh tỉ mỉ chân thật về nhiều loại thần tiên khác nhau, phản ánh kinh nghiệm của người họa sĩ này trong lĩnh vực vẽ tiểu họa.
Năm 2012, tác phẩm này được đem ra đấu giá, và quyển catalogue của hãng đấu giá Sotheby’s bình luận rằng “Họa sĩ Simmons đã tạo nên một nền văn minh hoàn chỉnh với nhiều ‘loại’ thần tiên khác nhau: một số bay lượn với đôi cánh uyển chuyển, mỏng nhẹ như tơ, và một số khác cưỡi cỗ xe có những con chuột kéo hoặc những con dơi khỏe khoắn, với thân hình mờ ảo, mảnh mai lấp lánh dưới ánh trăng.” Catalogue này nhận xét rằng phần thưởng khi quan sát cẩn thận các tiểu tiết được vẽ tỉ mỉ này cũng bằng như kết quả cho ra từ kính hiển vi vậy. Đây là một phép so sánh phù hợp bởi vì những người sống ở thời đại Victoria tin tưởng các thần tiên là có thật và họ từng thực hiện “các cuộc thám hiểm khoa học” để thu thập bằng chứng.
Trong bức tranh “Hermia và Lysander, ‘Giấc mộng đêm hè,’” họa sĩ Simmons vận dụng thuần thục phương tiện màu nước để tạo ra các mảng màu bão hòa mờ ảo thoát tục. Màu gouache, là bột màu nước mờ đục được làm đặc bằng một loại chất giống như keo, được dùng để tạo nên các dạng và hình thức của bố cục. Tác phẩm mỹ thuật này được hoàn thiện với lớp phủ mịn màng và rõ nét đáng kinh ngạc.
‘Linh hồn của màn đêm’
Một số bức tranh thần tiên tuyệt đẹp thời kỳ Victoria lấy cảm hứng từ các nguồn khác ngoài vở kịch của văn hào Shakespeare. Họa sĩ John Atkinson Grimshaw (1836–1893) chỉ sáng tác một vài bức họa nàng tiên trên nền vải canvas, và các bức tranh này chủ yếu là phương tiện để nghiên cứu hiệu ứng ánh sáng trong suốt cuộc đời của ông. Tác phẩm “Spirit of Night” (Linh hồn của màn đêm) là một ví dụ điển hình cho niềm hứng thú của ông dành cho hiệu ứng cầu vồng (iridescence), mà ông đã khám phá thông qua các thí nghiệm với lăng kính và ánh sáng đầy màu sắc của nó.
Trong bức tranh, nữ diễn viên Agnes Leefe tạo dáng cho nàng tiên; cô từng là người mẫu cho nhiều tác phẩm của họa sĩ này. Nàng tiên khoác một tấm khăn che trong suốt. Lời mô tả cho bức họa này trong catalogue bán đấu giá năm 2019 của hãng Christie viết rằng nàng tiên “bay lượn phía trên ngôi làng ven biển dưới bầu trời sáng trăng, làn da trong suốt và đôi cánh trắng đục của nàng tỏa sáng lung linh với tất cả màu sắc của cầu vồng.” Ngôi làng nhuốm sắc thu mờ ảo như mộng huyễn, trong khi đó nàng tiên được phác họa có dáng vẻ trang nghiêm mặc dù nàng bay lượn trên không trung.
Trong buổi hội thảo trực tuyến “Precious Fairy: From Fantasy to Reality” (Nàng tiên quý giá: từ mộng tưởng đến hiện thực) tại Trường Nghệ Thuật Trang Sức L’Ecole, diễn giả Estelle Icart lưu ý rằng nàng tiên vẫy cánh trong bức tranh như bay lượn ở phía trên một vùng sương mù, có lẽ là khu vực bị ô nhiễm. Điều này nói lên hoạt động của ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng vào thời bấy giờ. Thật vậy, họa sĩ Grimshaw từng sáng tác một loạt tranh riêng biệt về các bến cảng Liverpool. Tuy nhiên, bức tranh này cũng tràn đầy ánh sáng nhiệm mầu, lan tỏa trực tiếp từ nàng tiên có vầng hào quang được kết thành từ các tia sáng. Ánh trăng phản chiếu trên mặt nước như thể đến từ chiếc đũa thần của nàng tiên.
Bức tranh đã lấy ý tưởng văn học, nhưng không phải từ Shakespeare, mà từ áng thơ Lãng Mạn “To Night” (Gửi màn đêm) của thi sĩ Percy Bysshe Shelley. Ban đầu, bức tranh được dán một tấm nhãn ghi một đoạn trích dẫn từ áng thơ của Shelley:
Khoác lên mình tấm áo choàng màu xám
Điểm xuyết bởi các vì sao!
Hãy dùng mái tóc che đi đôi mắt của Ban Ngày;
Hôn nàng cho đến khi nàng mệt nhoài.
Rồi lang thang khắp chốn thành thị, biển cả và đất liền,
Chạm đến vạn vật bằng chiếc đũa phép thuật —
[Màn Đêm], hãy đến đây nào, ta tìm kiếm đã lâu!
Các bức chân dung siêu nhiên
Theo bà Inezita Gay-Eckel trong buổi hội thảo trực tuyến này của trường L’École, màu xanh lục từ lâu gắn liền với các thuộc tính có cả tích cực, chẳng hạn như mùa xuân, khu rừng, vận may, sức khỏe; và tiêu cực, bao gồm loài rắn, độc dược, loài rồng, ma quỷ. Trong cuốn sách “Green: The History of a Color” (Màu Xanh Lục: Lịch Sử của một Màu Sắc), nhà sử học thời trung cổ Michel Pastoureau viết rằng từ lâu, màu xanh lục đã là màu sắc của các sinh vật siêu nhiên, đặc biệt là các thần tiên. Việc màu sắc hóa đầy tính biểu tượng này có thể có nguồn gốc từ các bản thảo viết tay được trang trí hiệu ứng ánh sáng [thời trung cổ].
Màu xanh lục được sử dụng để tạo hiệu ứng nổi bật trong bức tranh “Mượn khuôn mặt xinh xắn của người phụ nữ, và nhẹ nhàng treo lên, với những cánh bướm, bông hoa, và các viên đá quý, nhờ vậy nàng tiên của bạn được tạo nên từ những thứ xinh đẹp nhất” của Sophie Gengembre Anderson. Nữ họa sĩ Anderson (1823–1903) chuyên vẽ các bức chân dung trẻ em dịu dàng và đáng yêu, đặc biệt là các bé gái. Việc khám phá tình cảm của trẻ thơ trong nghệ thuật trở nên phổ biến vào thời đại Victoria. Thỉnh thoảng, người họa sĩ này vẽ các bé gái hóa thân thành các nàng tiên, và bức tranh này là một ví dụ tuyệt vời.
Bé gái được khắc họa với chiếc vương miện hồ điệp rực rỡ sắc màu và đôi cánh thần tiên. Trong buổi hội thảo trực tuyến của trường L’Ecole, bà Icart miêu tả bé gái/cô tiên này trông như một nàng công chúa Celtic với mái tóc đỏ, làn da trắng, và chiếc vương miện. Chiếc túi nhỏ màu xanh lục mà cô bé nâng niu, được trang trí với dải lưới bằng vàng và các viên ngọc trai, có thể cất đồ trang sức của cô bé; một giả thuyết khác cho rằng màu xanh lục ngụ ý là chiếc túi có thể cất một bình thuốc ma thuật. Song, với khuôn mặt thiên thần, có vẻ cô bé là một “nàng tiên tốt bụng”, điều này cho thấy bình thuốc không phải là độc dược.
Trong tác phẩm “Fairies in Victorian Art” (Các Nàng Tiên trong Nghệ Thuật Victoria) của Christopher Wood, một cuốn sách mẫu mực nhất về chủ đề này, ông Wood viết, “Những người sống ở thời đại Victoria khao khát muốn tin vào các nàng tiên, bởi vì các nàng tiên đại diện cho một trong những cách để họ có thể thoát khỏi hiện thực khắc nghiệt khi sống trong một thời đại khoa học, duy vật, và không có tính lãng mạn.”
Khi chiêm ngưỡng các hình ảnh thần tiên đầy tính sáng tạo, lôi cuốn, và có chuẩn mực nghệ thuật cao này, người ta như được thoát ly thế giới phàm tục để bước vào thế giới siêu nhiên huyền ảo.
Cô Michelle Plastrik là cố vấn nghệ thuật sống ở thành phố New York. Cô viết về nhiều chủ đề, bao gồm lịch sử nghệ thuật, thị trường nghệ thuật, các bảo tàng, hội chợ nghệ thuật, và triển lãm đặc biệt.