Nghệ sĩ dương cầm David Dubal: Những tác phẩm kinh điển là phương thuốc xoa dịu vết thương tinh thần
Là một tác gia, người dẫn chương trình phát thanh, nghệ sĩ dương cầm, và cũng có thể là nghệ sĩ dương cầm hàng đầu quốc gia của thế kỷ 20, ông David Dubal đã dành cả buổi sáng để tập luyện một kiệt tác. Ông đã biểu diễn nhạc phẩm “Ballade in the Form of Variations on a Norwegian Folksong” (Điệu Ballad biến tấu từ Dân ca Na Uy) của Edvard Grieg sau nhiều năm tập luyện. Theo ông, bất kỳ cố gắng nào đưa tác phẩm của một bậc thầy vĩ đại vào cuộc sống đều xứng đáng.
Tác phẩm kinh điển là những tác phẩm ý vị, sâu sắc, và uyên thâm nhất.
Beethoven, nhà soạn nhạc thiên tài, được nhiều người cho rằng đã đạt được vị thế cao nhất trong lĩnh vực sáng tạo ra những điều có ý nghĩa và cao đẹp. Trong số các nhà soạn nhạc, ông đã thực hiện “hành động trí tuệ vĩ đại nhất, sử dụng âm thanh, một thứ trừu tượng mà không cần lời nói, để đem đến ý nghĩa,” ông nói.
Một bức tranh của Rembrandt có thể đưa chúng ta đến sự hiểu biết về bản thân – một loại tri thức từng được đánh giá là đức tính cao cả nhất của nhân loại. Như học giả Kenneth Clark đã nhận xét về những bức chân dung tự họa của Rembrandt: “Thông qua ông ấy, chúng ta giao tiếp với đồng loại của mình, theo cách mà chúng ta sẽ không bao giờ làm được nếu không có con mắt nhìn thấu đáo như ông ấy.”
Đối với ông Dubal, những tác phẩm kinh điển có thể hồi sinh nhân tính, sự nhạy cảm, và khả năng thẩm mỹ của chúng ta, bởi vì cụm từ Homo sapiens (người tinh khôn) không còn đúng với con người chúng ta nữa.
Con người như một cỗ máy
Để trở thành con người toàn diện, chúng ta phải kết nối sâu đậm với nhau và với thành quả lao động của mình. Ông Dubal giải thích, cho đến thế kỷ 19, mọi người đều là thợ thủ công. Người ta tự hào vì đã làm tốt công việc và sống tốt cuộc đời họ.
Theo thời gian, với sự ra đời của máy móc, loài người đã rời xa mối liên hệ mật thiết với những người khác và với công việc. Ví dụ, do phát minh dây chuyền lắp ráp xe hơi, công nhân trong ngành mất đi cảm giác hài lòng khi hoàn thành tốt nhiệm vụ và kiến thức về cách tạo ra toàn bộ sản phẩm.
Ông Dubal liệt kê những hậu quả đáng sợ có thể xảy ra khi chúng ta tách biệt khỏi công việc của mình: “Những phi công mang bom nguyên tử có hiểu được tính chất vật lý của loại bom mà họ mang theo không? Họ có biết mức độ hủy diệt mà họ sẽ gây ra không? Không.”
Con người đã trở thành người máy – hay người công cụ.
— Nghệ sĩ dương cầm David Dubal
Các phi công không quan tâm đến những hậu quả do hành động của họ gây ra khi nhấn nút mở cửa và thả một quả bom; họ đã phá hủy thành phố Hiroshima và hàng chục ngàn sinh mạng chỉ trong vài giây.
Đồng thời khi chúng ta trở nên tách biệt với công việc của mình, các mối liên hệ giữa chúng ta cũng bị phá vỡ. Chúng ta ngày càng phụ thuộc vào xe hơi cho đến khi nó không chỉ khiến thế giới bị ô nhiễm, mà còn khiến chúng ta rời xa những thứ chúng ta từng biết. Chúng ta không còn phụ thuộc vào nhau, mất đi cảm giác về gia đình và cộng đồng.
Ông Dubal tin rằng sự cô lập đã hình thành trong một thế giới lẽ ra nên kết nối của chúng ta ngày nay. “Nó không phải là phương tiện truyền thông xã hội; nó là phương tiện truyền thông phản xã hội,” ông nói. Cảm giác mà chúng ta có thể gọi nhau bất cứ lúc nào đã thay thế sự kết nối chân thực và sâu sắc.
“Không ai còn viết thư nữa. Những lá thư cho phép chúng ta trong cô đơn mà suy nghĩ sâu sắc về những gì chúng ta muốn nói. Trẻ em thậm chí không còn học cách viết chữ đẹp nữa, trong khi chữ viết tay đã từng là một tác phẩm tuyệt đẹp,” ông nói.
“Giờ đây, máy móc – Internet, iPhone – đã làm chủ chúng ta, và chúng ta trở thành nô lệ cho chúng; chúng ta bị nghiện.”
Con người đã trở thành “‘người máy’, hay người công cụ,” ông Dubal nói.
Mất đi khiếu thẩm mỹ
Năm 1980, ông Dubal đã xuất sắc giành được giải thưởng George Foster Peabody cho loạt chương trình phát thanh “Conversations With Horowitz” (Đối thoại với Horowitz). Năm 1994, ông đoạt giải Emmy cho bộ phim tài liệu “The Golden Age of the Piano” (Thời Đại Vàng của Piano).
Ông vẫn dẫn chương trình radio “Reflections From the Keyboard: The Piano in Comp Compare Performance” (Suy ngẫm từ Phím đàn: So sánh giữa đệm đàn với trình diễn piano) cho đài phát thanh cổ điển toàn thời gian duy nhất ở New York, WQXR.
Sự nghiệp thành công của ông Dubal cho thấy ông đã dựa vào đài phát thanh và các hình thức công nghệ khác để giáo dục người nghe về “âm nhạc mang tính nghệ thuật và nhân văn sâu sắc”. Nhưng ông hạn chế tối đa sử dụng công nghệ.
Các cuốn sách của ông, bao gồm “Quy Luật Cơ Bản của Âm Nhạc Cổ Điển” (The Essential Canon of Classical Music), “Nghệ Thuật Chơi Piano” (The Art of the Piano), “Suy Ngẫm từ Phím Đàn” (Reflections From the Keyboard) và “Buổi Tối với Horowitz” (Evenings With Horowitz), đều được viết bằng tay vì ông chưa bao giờ học cách đánh máy – đó là lựa chọn của ông.
“Tôi viết bằng bút chì và giấy để tôi có thể suy nghĩ, để tôi có thể cảm nhận ngôn từ,” ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với DC Metro Theater Arts.
Ông Dubal tin rằng với mỗi cỗ máy mới, nhân loại ngày càng hướng giá trị tới tốc độ, sự tiện lợi và giải trí; và tương ứng, chúng ta ngày càng mất đi khiếu thẩm mỹ của mình.
Ví dụ, đĩa hát LP đã kiếm được hàng tỷ USD cho hãng đĩa Columbia kể từ khi được giới thiệu vào cuối những năm 40. Đối với hầu hết mọi người, những mảnh nhựa này đã thay thế việc tự tạo ra âm nhạc hoặc đi thưởng thức các buổi biểu diễn trực tiếp của những nghệ sĩ khác. Và nó cũng đem về nhà chúng ta những nhà giải trí hơn là nghệ sĩ.
Ban đầu, những nhà giải trí này rất xuất sắc – Cole Porter, Billy Eckstine – nhưng theo thời gian, chất lượng của người soạn nhạc và người trình diễn giảm dần. Giờ đây, ngành công nghiệp giải trí đã đổi tên “nhà giải trí” thành nghệ sĩ và “các kỹ năng hàng nghìn năm đã được thay thế bằng các thủ thuật khuếch đại chẳng có ý nghĩa gì đối với cấu trúc của bản nhạc,” ông Dubal nói.
Chúng ta nên trở thành những tài tử nghiệp dư một lần nữa, những người biểu diễn một kỹ năng vì tình yêu.
Tại thời điểm này, ông tin rằng phần lớn âm nhạc đại chúng nói chung thật khủng khiếp. Đó là “nhạc có lời”, bởi vì âm nhạc đó đi theo tư tưởng hậu hiện đại. Trong khi những nhà giải trí được nâng lên vị thế đặc quyền thì những nghệ sĩ chân chính lại bị ruồng bỏ. “Tôi đã chứng kiến giới trẻ thực sự chán ghét Beethoven. Ngay cả từ Beethoven khi được nhắc đến cũng có thể khiến nét mặt người ta lộ vẻ chán nản,” ông nói.
Ông Dubal trích dẫn câu nói của Khổng Tử, “Để biết một dân tộc có được giáo huấn tốt hay không, luật pháp của họ tốt hay xấu, hãy kiểm chứng âm nhạc mà họ thực hành.” Theo ông Dubal, đây là một bản cáo trạng đáng sợ về nền văn hóa của chúng ta.
Trở lại với khiếu thẩm mỹ
May mắn thay, nghệ thuật từ các bậc thầy – cho dù là trong lĩnh vực âm nhạc, hội họa hay văn chương – vẫn tồn tại và rất dễ tiếp cận với chúng ta.
Rốt cuộc, chúng ta vẫn ở đây và chúng ta có thể làm những điều khác biệt: Chúng ta có thể nghe bản Concerto số 2 dành cho piano của Chopin, một tác phẩm tuyệt vời đến mức mọi cung bậc đều có thể khiến người ta phải bật khóc. “Chúng ta có thể đọc, viết tiểu thuyết, học cách vẽ,” ông nói. “Chúng ta có thể mua một cây đàn piano cũ, bắt đầu chơi một tác phẩm nho nhỏ của Bach, sự điêu luyện vốn cần thời gian nhẫn nại, và hãy quay trở lại với ý tưởng là trở thành một người thợ thủ công. Mọi người cảm thấy rất hài lòng về những gì họ tạo ra.”
Chúng ta nên trở thành những người nghiệp dư một lần nữa, những người biểu diễn một kỹ năng vì tình yêu. Khi luyện tập một loại hình nghệ thuật, chúng ta biết mình được sinh ra để làm gì, bởi đắm chìm trong những tác phẩm cổ điển cho phép chúng ta vượt lên trên sự ồn ào của thành phố và chủ nghĩa duy vật triền miên.
“Ngắm nhìn các vì sao, đi xem opera, ballet. Nếu chúng ta làm những điều này, mọi thứ sẽ nhanh chóng trở nên thật tuyệt vời,” ông nói.
“Tôi chưa bao giờ thấy ai thăng hoa hơn những người cống hiến bản thân mình để tôn vinh nghệ thuật vĩ đại. Hãy để nghệ thuật tẩy tịnh họ; nó sẽ trở thành một liều thuốc xoa dịu những nỗi đau tinh thần.”