Nghệ thuật đưa ra và nhận về những lời phê bình
JEFF MINICK
Tất cả mọi người đều là các nhà phê bình.
Khách hàng đứng trong quầy bán hoa quả bóp nhẹ một quả bơ để kiểm tra độ chín. Đứa trẻ 5 tuổi muốn bố đọc “Gấu Pooh xinh xắn” trước khi đi ngủ thay vì “Where the Wild Things Are”.
Trong các hoạt động hàng ngày của chúng ta, đôi khi do vô tình hoặc hữu ý đều lồng thêm vào đó sự soi xét hoặc thái độ chỉ trích. Tuy nhiên, thái độ đó thường chỉ là bắt nguồn từ thói quen và không có hại gì cho ai cả.
Tuy nhiên, đến khi chúng ta cần phải đối phó với người nào đó, thì những lời chỉ trích sẽ được đưa ra với thái độ hữu ý rõ ràng.
Gần đây, một người quen kể với tôi rằng con trai của cô ấy đã được gọi đến văn phòng của huấn luyện viên, và anh này nói với cậu bé rằng việc cậu bé chơi xấu trên sân đã làm ảnh hưởng đến uy tín của đội bóng. Người huấn luyện viên này không đưa ra một ví dụ cụ thể nào về những hành động xấu đó của cậu bé, không đề nghị phương án cải thiện tình hình, cũng như không cố gắng để làm nhẹ tội cho cậu bé. Thay vào đó, anh ấy lại “dội cả gáo nước lạnh” vào cậu bé và mặc kệ cậu bé. Tôi không biết phải nói gì với người bạn của mình, thật sự bối rối và thấy rất thất vọng.
Loại phê bình này, nếu có thể gọi như vậy, không những phản cảm mà còn không có giá trị giáo dục. Việc làm này không những đã làm giảm tinh thần và sự tự tin của một cầu thủ giỏi, mà người huấn luyện viên này còn không nhận được kết quả tích cực nào từ việc phê bình người khác của anh ta.
Đây là kiểu chỉ trích kém hiệu quả nhất.
Mặt khác, đối với những người dễ bị tổn thương thì cho dù họ có nhận được những lời góp ý nhẹ nhàng và chân thành từ người quản lý, bạn bè hoặc thậm chí vợ hoặc chồng của mình, họ cũng không thể chịu được và họ xem đó là cuộc chiến cá nhân. Vì bất kỳ lý do nào đi chăng nữa – nếu một người quá đề cao cái Tôi của mình và thiếu tự tin – thì họ khó có thể sửa chữa sai lầm của mình, cho dù đã được người khác góp ý. Họ cảm thấy bực bội kể cả với những lời góp ý chân thành nhất.
Trong ba năm qua, tôi đã viết các bài báo và biên tập sách cho năm ấn phẩm khác nhau. Họ cũng thường xuyên trao đổi lại với tôi về ý kiến của họ và đề nghị tôi sửa lại một số phần tôi đã biên tập. Tôi lắng nghe và suy xét những gì họ nói. Tại sao? Bởi vì tôi hiểu rằng cả biên tập viên của tôi và tôi đều muốn có một bài báo tốt nhất mà chúng tôi có thể tổng hợp lại cho độc giả của mình. Chỉ đơn giản như vậy thôi. Chúng tôi có chung một mục tiêu. Chúng tôi muốn có những lập luận chặt chẽ, ngôn ngữ chính xác, và câu từ trong sáng.
Để đánh giá được việc phê bình của một người nào đó có hiệu quả hay không thì chúng ta hãy nhìn xem người được phê bình có cải thiện được tình hình của họ hay không. Mục tiêu đó sẽ đạt được kết quả tốt nhất nếu người phê bình đưa ra những lời góp ý một cách khéo léo. Cũng như đối với các biên tập viên của tôi, tôi vừa động viên khuyến khích vừa đưa ra các góp ý và giải thích rõ ràng cho mọi người hiểu lý do sửa bài đó của tôi. Điều đó sẽ có tác dụng tốt đối với người được phê bình.
Ví dụ: Thay vì lần thứ 13 bắt chồng giúp mình rửa bát đĩa hoặc tệ hơn nữa là đi loanh quanh trong bếp với tâm trạng sôi sùng sục vì tức tối thầm lặng, cô vợ Anne có thể mời anh John chồng mình cùng ngồi xuống và uống một ly rượu vào buổi tối hôm đó, và sau đó sẽ nhẹ nhàng nói với John rằng cô trân trọng sự giúp đỡ của anh như thế nào.
Còn John? Thay vì làm cho tâm trạng bực bội và phản đối yêu cầu của Anne, anh có thể thử lắng nghe vợ mình và sau đó tự hỏi mình một số câu hỏi. Liệu 15 phút giúp vợ làm việc nhà sau bữa tối có thể làm “toi đời” không nhỉ? Và khoảng thời gian bên nhau có lẽ chính là sợi dây gắn kết cho cuộc hôn nhân của họ chăng?
Trong buổi phỏng vấn năm 1939, thủ tướng Anh Winston Churchill đã nói: “Những lời chỉ trích có thể không nhận được đồng tình từ phía đối tác, nhưng điều đó là cần thiết tựa như cơn đau trong cơ thể con người; những chỉ trích khiến ta chú ý đến sự phát triển của một trạng thái không lành mạnh nào đó.”
Điều đó thật tốt. Và tôi cũng muốn nói thêm rằng chúng ta cũng có thể làm cho những lời góp ý trở nên dễ chịu hơn hoặc ít nhất là bớt cay cú hơn, và những người bị chỉ trích lúc này có thể điềm tĩnh lắng nghe và đặt câu hỏi. Hãy thực hiện việc góp ý theo phương thức này, và “tình trạng không lành mạnh” đó có thể được hóa giải và mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn.