Nghệ thuật ứng xử: Lời khuyên từ một người Hoa Kỳ cổ điển
Trong bài báo “An American Mindset” (Tư duy của người Hoa Kỳ) của The Epoch Times, Scott Mann viết về niềm tin bị tan vỡ, sự thiếu kết nối ở đất nước chúng ta, và kêu gọi chúng ta hành động theo hướng mà ông gọi là “cầu nối niềm tin”.
Ông viết: “Cách chúng ta ứng xử ở cấp độ cá nhân và cấp độ cộng đồng sẽ tạo ra tiếng nói về cách chúng ta nhìn nhận phía bên kia của sự việc, bất kể ai nắm giữ chức vụ chính trị, bất kể ai ngồi trong Văn phòng tổng thống (Oval Office) hay Quốc hội.”
Dù nền chính trị của chúng ta như thế nào, hầu hết chúng ta chắc chắn sẽ đồng ý với Scott Mann rằng sự suy giảm khả năng giao tiếp giữa người với người đã xảy ra. Sự suy yếu này được phản ánh trong các cuộc tranh luận gay gắt của quốc hội và trên một số phương tiện truyền thông chính thống, dường như có ý định đẩy một nhóm người Hoa Kỳ vào thế chống lại nhóm khác. “Cuộc nội chiến lạnh”, như một số nhà bình luận hiện nay gọi, cũng phổ biến trong khu vực tư nhân, làm tổn hại tình bạn và chia rẽ gia đình.
Do đó, hầu hết chúng ta cũng đồng ý với Mann rằng “trong thời điểm phân cực chính trị này, không có tư duy kiểu Hoa Kỳ nào quan trọng hơn việc nối lại lòng tin”.
Bài báo đó khiến tôi suy nghĩ: Một số khía cạnh thực tế mà chúng ta có thể có điểm chung với những người khác là gì? Chúng ta nên trau dồi kỹ năng gì để khôi phục nghệ thuật đối thoại và trò chuyện chân chính ở đất nước bị tàn phá của chúng ta?
Tắt các thiết bị tiện ích
Trong vài năm nay, độc giả, bạn bè và thậm chí một vài thành viên trong gia đình đã nói với tôi về những mối quan hệ rạn nứt hoặc đổ vỡ với người khác, nhiều trường hợp do bất đồng chính trị. Những lời kể của họ lần nào cũng khiến tôi chấn động, bởi vì trừ khi chú Bob là một người theo chủ nghĩa Stalin hoặc dì Mary ủng hộ phát xít ngông cuồng, thì tôi đúng là kẻ ngu ngốc nếu chia rẽ cha mẹ họ hoặc lạnh lùng với một người bạn vì những khác biệt chính trị.
Khi thảo luận về chủ đề này với một người bạn có quan điểm bảo tồn truyền thống (conservative), cô ấy chỉ ra rằng mạng xã hội có thể phá hủy tình bạn hoặc khiến một thành viên trong gia đình “hủy kết bạn” với anh họ của cô ấy. Cũng có những điều tốt đẹp mà các nền tảng điện tử này đem lại – giúp chúng ta giữ liên lạc với những người quen, chia sẻ hình ảnh đáng yêu của con gái mình – nhưng một từ dùng sai hoặc một ý kiến gây tranh cãi được đăng lên có thể tạo ra một cơn thịnh nộ sau đó. Như nhiều người trong chúng ta đã biết, “mạng xã hội” thường chứa những thuật ngữ gây mâu thuẫn.
Không – nếu chúng ta muốn thổi hồn vào triết lý cầu nối của Mann, chúng ta nên hướng tới những cuộc gặp gỡ cá nhân trực tiếp.
Bạn tôi đồng ý, nhưng cả hai chúng tôi đều không đưa ra được giải pháp tốt nào cho tình huống tiến thoái lưỡng nan của cô ấy. Đó là cách cô ấy vừa có thể duy trì tình bạn với những người quen theo chủ nghĩa tự do đồng thời bảo vệ niềm tin của mình. Nếu lên tiếng, cô lo sợ có thể làm rạn nứt những mối quan hệ đó. Chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp, nhưng dường như không có cái nào khả thi.
Trong vài ngày tiếp theo, tôi tiếp tục quay lại cuộc trò chuyện này. Có phải bây giờ sự chia rẽ này quá lớn đến mức giữ bạn bè đồng nghĩa với việc giữ im lặng? Có vẻ đúng là như vậy.
Hãy nói đến Dale Carnegie.
Mật ong và tổ ong
Tôi không biết tại sao cuốn sách kinh điển năm 1936 của Carnegie “Làm Thế Nào để Kết bạn và Tạo Ảnh Hưởng với Người Khác” (quyển sách này cũng được biết đến dưới tên gọi là “Đắc Nhân Tâm”) lại xuất hiện trong đầu.
Tôi chưa bao giờ đọc cuốn sách; tiêu đề có vẻ kiểu khó tin và lỗi thời, lại còn ám chỉ sự thao túng, như thể bằng một phép tính toán học nào đó, chúng ta có thể lôi kéo người khác đến với chúng ta. Nhưng ngày hôm sau, tôi đã ở trong thư viện công cộng, tìm thấy không phải một mà là ba quyển trên kệ sách, và đem bản mới nhất về nhà.
Có phải tôi đã có những nhận định sai lầm?
Phiên bản cập nhật của “Đắc nhân tâm” đưa ra lời khuyên tuyệt vời từ chương đầu tiên, có tựa đề “Nếu bạn muốn lấy mật ong, đừng đá tổ ong.” Ở đây, Carnegie cung cấp cho những người “xây cầu nối” một cột mốc quan trọng cho dự án đó với những từ sau: “Đừng chỉ trích, lên án, hoặc than phiền.”
Điều đó hiệu quả tốt như thế nào đối với quốc gia của chúng ta thì ngay cả những người quan sát bình thường nhất cũng thấy rõ. Chúng ta choáng váng bởi những lời chỉ trích, lên án, và than phiền; thậm chí một số người trong chúng ta còn dẫn đầu trong cuộc tấn công đó.
Tất nhiên, trong một số trường hợp, lên án là hợp lý. Nhưng đối với những người xung quanh chúng ta, Carnegie đang đi đúng hướng. Nếu chúng ta muốn kết bạn hoặc giữ bạn bè, chúng ta nên khóa bộ ba “chỉ trích, lên án, than phiền” thật chặt trong tủ. Không cái nào trong bộ ba ấy sẽ thu phục được trái tim và trí óc mọi người đâu.
Đầu tiên, họ phải thích bạn
Trong “Phần II: Sáu Cách Khiến Mọi Người Thích Bạn”, Carnegie đưa ra một số lời khuyên mà chúng ta thường quên. Ví dụ: bằng cách lắng nghe người khác hoặc trở nên “thực sự quan tâm đến người khác”, chúng ta có thể tạo mối quan hệ bền chặt hơn với họ, đặc biệt là “nếu bạn muốn phát triển tình bạn thực sự” hoặc “bạn muốn giúp đỡ người khác đồng thời giúp bản thân mình.”
Một người bạn của tôi, John, có sở trường bắt chuyện với người lạ; phần lớn là vì anh ấy “thực sự quan tâm” đến những gì họ đang nói hoặc làm. Trong những năm qua, tôi đã thấy anh ấy có những cuộc trò chuyện kéo dài với anh bán kem, nhân viên cửa hàng tạp hóa, và một số người lạ khác, tinh tế bắt chuyện bằng cách đặt câu hỏi và sau đó thực sự chú ý đến câu trả lời của họ.
Một trong những khuyến nghị của Carnegie trong phần này bao gồm một điều đơn giản: “Hãy mỉm cười.”
Ông viết: “Nụ cười của bạn là sứ giả của thiện chí. Nụ cười của bạn làm bừng sáng cuộc sống của tất cả những ai nhìn thấy nó. Đối với một người đã chứng kiến hàng chục người nhăn nhó, cau có hoặc quay mặt đi, nụ cười của bạn giống như mặt trời xuyên qua những đám mây vậy.”
Sau nhiều tháng đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nhiều người trong chúng ta đang cảm thấy bị tách biệt khỏi đồng loại của mình. Chúng ta nhớ những nụ cười khi gặp một người bạn trong cửa hàng tạp hóa hoặc từ thu ngân viên vui tính trong hiệu thuốc.
Nhưng chúng ta vẫn có thể cười bằng mắt và bằng giọng nói của mình. Tôi cố tình thử chiến thuật này trong cửa hàng tạp hóa địa phương, nói chuyện với một phụ nữ đang đợi ở quầy thu ngân và sau đó với nhân viên bán hàng, và cả hai đều cười đáp lại.
Chấp nhận ý kiến bất đồng
“Phần III: Làm Thế Nào Khiến Mọi Người Theo Cách Nghĩ của Bạn” có lẽ là phần thích đáng nhất trong cuốn sách của Carnegie đối với cuộc thảo luận của chúng ta. Một số ý tưởng của ông khiến tôi cảm thấy đặc biệt có giá trị trong việc hàn gắn nền văn hóa bị tổn thương: “Hãy thành thật nhìn nhận mọi thứ từ quan điểm của người khác,” “Hãy để người khác nói thật nhiều,” và “Nếu bạn sai, hãy thừa nhận nó một cách nhanh chóng và dứt khoát.”
Lời khuyên tôi yêu thích là “Hãy tôn trọng ý kiến của người khác. Đừng bao giờ nói họ sai. Để minh họa một phương diện khác, Carnegie trích dẫn ví dụ của Elbert Hubbard, một nhà văn có “những câu nói nhức nhối thường khơi dậy sự phẫn nộ dữ dội hơn.” Tuy nhiên, khi một nhà phê bình hoặc độc giả đang giận dữ phản đối một số đoạn ông viết, Carnegie trích dẫn cách Hubbard thường trả lời:
“Nghĩ kỹ lại, bản thân tôi không hoàn toàn đồng ý với điều đó. Không phải tất cả những gì tôi viết ngày hôm qua đều thuyết phục tôi ngày hôm nay. Tôi rất vui khi biết những suy nghĩ của bạn về chủ đề này. Lần tới khi bạn ở gần đây, bạn hãy đến thăm chúng tôi, và chúng ta sẽ thảo luận chủ đề này mọi lúc. Gửi bạn một cái bắt tay qua thư.
Trân trọng”
Bây giờ, các bạn của tôi, hãy xây cầu nối nhỉ!
Trở thành người xây dựng cầu nối
Trong “Bạn Không Thể Thắng Một Cuộc Tranh Luận” (You Can’t Win an Argument), Carnegie kết luận với những lời khuyên sau:
“Hoan nghênh sự bất đồng.”
“Đừng tin tưởng vào bản năng đầu tiên của bạn.”
“Kiểm soát cơn nóng giận.”
“Hãy lắng nghe trước.”
“Tìm kiếm khoảng đồng thuận.”
“Hãy trung thực.”
“Hãy hứa sẽ suy nghĩ kỹ về ý tưởng của đối phương và nghiên cứu chúng một cách cẩn thận.”
“Chân thành cảm ơn sự quan tâm của đối phương.”
“Trì hoãn hành động để cả hai bên có thời gian suy nghĩ thấu đáo vấn đề.”
Những đề xuất này, được minh chứng bởi những ví dụ xuất sắc, chỉ cho chúng ta mấu chốt của phép lịch sự, mà ngày nay chúng ta vẫn thường thiếu sót. Ví dụ, có bao nhiêu người trong chúng ta, trung thực thực hành những lời khuyên này?
Có thể chúng ta không thể thảo luận hay tranh luận chính trị với những hệ tư tưởng chân chính, những người không quan tâm đến sự thật, những người sống trong nhà tù do chính họ tạo ra. Nhưng có thể xây dựng một tình bạn bất chấp những khác biệt về chính trị. Để đưa ra một ví dụ, Ruth Bader Ginsburg và Antonin Scalia ở hai đầu đối lập của quan điểm chính trị, nhưng hai thẩm phán Tối cao Pháp viện này cũng là những người bạn tốt; chắc chắn rằng đó là vì họ đã thực hành theo những gì Carnegie nói.
Ấn bản năm 1981 của “Đắc Nhân Tâm” đã bán được 30 triệu bản. Có lẽ đã đến lúc chúng ta mua và đọc thêm vài triệu lần.
Ông Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt ở tuổi đang lớn. Ông dạy lịch sử, văn học và tiếng Latin tại Asheville, N.C. trong 20 năm. Hiện nay, ông sống và viết tại Front Royal, Virginia. Vui lòng truy cập JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.