Nghiên cứu: Người cha nam tính sẽ nuôi dạy con tốt
Dường như thời đại nữ quyền đang lên ngôi, các ông bố phải chịu thêm áp lực trong việc ứng xử với con sao cho mềm mỏng và dịu dàng hơn. Không nên để xuất hiện các dấu vết của “nam tính độc hại”.
Có lẽ đó là lý do tại sao chúng ta ngày càng thấy nhiều sự phản đối, ví dụ như về những cuộc thi đấu (vì “ai tham gia cũng đều nhận được cúp!”), hoặc như trượt tuyết mùa đông là quá “nguy hiểm” (vì cậu bé Johnny có thể đụng phải cái cây!), hay không nên cho phép trẻ em đi lang thang cách nhà vài dãy mà không có sự giám sát của người lớn (vì chúng có thể bị bắt cóc!).
Khi chúng ta cố gắng loại bỏ sự “nam tính độc hại” ra khỏi xã hội, vì sao chúng ta lại muốn các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người cha, đề cao khí chất nam tính truyền thống – như sự cạnh tranh và thích phiêu lưu – với con họ?
Trong khi quan niệm này được tuyên truyền một cách tinh vi trong nền văn hóa ngày nay, thì nó lại bị thách thức bởi một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Psychology of Men and Masculinities (tạm dịch: Tâm Lý Đàn Ông và Nam Tính).
Nghiên cứu liệt kê các đặc điểm nam tính chuẩn mực – “cạnh tranh, táo bạo, mạo hiểm, thống trị, năng nổ, can đảm, và chịu áp lực” – là những phẩm chất tích cực; những người cha thể hiện rõ những đức tính này được “đánh giá là có thể nuôi dạy con tốt”.
Các nhà nghiên cứu bày tỏ sự ngạc nhiên về mối liên hệ giữa khí chất nam tính và việc nuôi dạy con tốt. Tuy nhiên, Sarah Schoppe-Sullivan, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết rằng “những ông bố tự coi mình là người có tính cạnh tranh, ưa mạo hiểm, cùng những phẩm chất nam tính khác có xu hướng thực sự gắn bó với con mình.”
Có lẽ điều này gây ngạc nhiên cho những người sống trong một xã hội nữ quyền “thức tỉnh”, đúng đắn về mặt chính trị, nhưng trong lịch sử điều này đã không xảy ra. Lấy ví dụ về trường hợp của Teddy Roosevelt (Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ). Trong bức thư ông gửi cho một người bạn vào cuối năm 1900, ông Roosevelt giải thích rằng ông từng là một đứa trẻ ốm yếu thế nào – kiểu người luôn bị bạn bè cùng trang lứa trêu chọc và liệt vào loại yếu đuối. Chính cha của Roosevelt đã giúp ông vượt qua tuổi thơ khó khăn, không chỉ bằng sự dịu dàng mà còn bằng phẩm chất của một người đàn ông nam tính.
Ông Roosevelt chia sẻ:
“Tôi thật may mắn khi có một người cha mà tôi luôn có thể xem là mẫu người đàn ông lý tưởng. Những điều tôi sắp nói có vẻ khó tin, nhưng ông thực sự kết hợp được sức mạnh, lòng dũng cảm, ý chí và nghị lực của một người đàn ông vô cùng mạnh mẽ với sự dịu dàng, tươm tất và thuần khiết của một người phụ nữ… Ông không chỉ chăm sóc tôi cẩn thận không biết mệt mỏi – ký ức đầu tiên của tôi là về những đêm ông ẵm tôi trong vòng tay đi lại cả tiếng đồng hồ vì tôi mắc chứng hen suyễn khốn khổ – nhưng ông cũng vô cùng sáng suốt khi không nuông chiều tôi, buộc tôi phải tự mình đối diện với những đứa trẻ khác và chuẩn bị hành trang thực hiện những nhiệm vụ gian nan của thế giới.”
Cha của Roosevelt rất nam tính – táo bạo và can đảm – và ông đã truyền khí chất này cho con trai mình, giúp cậu có thể đứng vững trước mọi áp lực. Chính nhờ những phẩm chất nam tính đó mà ông đã nuôi dưỡng trong trái tim con trai mình [Roosevelt] sự tôn trọng và tình yêu đối với ông:
“Tôi không thể khẳng định ông đã nói ra bằng lời, nhưng chắc chắn ông đã cho tôi cảm giác rằng tôi luôn phải là người vừa tử tế vừa nam tính, và nếu tôi là người nam tính thì không ai cười nhạo sự tử tế của tôi. Trong suốt thời thơ ấu, ông chỉ đặt tay lên tôi một lần, nhưng tôi luôn biết rằng trong trường hợp cần thiết, ông sẽ không do dự mà làm như vậy một lần nữa. Cũng giống như tình yêu và lòng kính trọng, và dĩ nhiên là cả nỗi sợ hãi của tôi đối với ông; tôi ghét và khiếp sợ vô cùng nếu ông biết rằng tôi đã phạm tội nói dối, có hành vi tàn ác, bắt nạt, dơ bẩn hoặc hèn nhát.”
Dù người ta coi thường hoặc ngưỡng mộ sự nghiệp chính trị của Roosevelt đến mức nào thì cũng phải thừa nhận rằng ông đã sống một cuộc đời thật ấn tượng. Ông là người quả cảm trên chiến trường, đầy trí tuệ và nghị lực trong công việc, thể hiện khả năng lãnh đạo từ văn phòng có vị thế cao nhất đất nước. Liệu Roosevelt có đạt được thành công như vậy nếu cha ông nuông chiều ông và không thể cân bằng giữa việc chăm sóc ân cần đứa con trai ốm yếu với phẩm chất nam tính của mình?
Gần đây, hai tác giả Warren Farrell và John Gray đã đề cập đến hiện tượng “boy crisis” (Khủng Hoảng của Con Trai) – một cuộc khủng hoảng trong đó các thiếu niên không thể trưởng thành như “người đàn ông”, vật lộn với bài vở, dính vào rắc rối, và khó tìm vợ.
Và chúng ta có cho rằng khủng hoảng có thể được giải quyết bằng cách khuyến khích các ông bố quay trở lại thực hành, làm gương về khí chất nam tính như xưa; họ không chỉ thể hiện tình yêu thương và sự dịu dàng, mà còn cả lòng can đảm, tính cạnh tranh và tinh thần mạo hiểm?
Tác giả Annie Holmquist là biên tập viên của trang báo điện tử Intellectual Takeout và là biên tập viên trực tuyến của Tạp chí Chronicles. Bài viết này được đăng lần đầu trên Intellectual Takeout.