‘Ngoại trừ Trung Quốc’: Các nhà đầu tư khôn ngoan đi tìm điểm đến mới
Thuật ngữ đầu tư “Ngoại trừ Trung Quốc” (“ex-China”) nghe khá vui tai. Thuật ngữ này có nghĩa là tất cả mọi thứ trừ Trung Quốc. Vì vậy, đối với các nhà đầu tư vào thị trường mới nổi (emerging market, EM), nhiều người trong số này có truyền thống đầu tư vào Trung Quốc, nhưng một quỹ ‘EM ngoại trừ Trung Quốc’ sẽ dành cơ hội đầu tư vào các thị trường mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc. Theo thứ tự đó, các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn nhất, ngoại trừ các chế độ độc tài, sẽ là Brazil, Ấn Độ, và Mexico.
Vào năm 2021, một số nhà đầu tư lớn nhất cuối cùng đã chấp nhận các rủi ro của Trung Quốc, như đàn áp lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ, kế toán không rõ ràng, dùng các công ty vỏ bọc để đầu tư ra ngoại quốc, và hạn chế các công cụ vay nợ của doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến mối đe dọa lâu dài của Trung Quốc đối với nền dân chủ và nhân quyền, vốn là một trong những mối đe dọa vô hình mà cuối cùng có thể gây tổn thất cho các nhà đầu tư ở những chỗ họ không để ý.
Theo một tài liệu của chính phủ từ đầu năm 2021, 20 tổ chức đầu tư hàng đầu vào Trung Quốc có 2.3 ngàn tỷ USD bị chôn chặt tại quốc gia này. Nhà đầu tư lớn nhất là BlackRock, với hơn 255 tỷ USD ở Trung Quốc.
Hôm 06/09, Wall Street Journal đã đăng một bài bình luận của tỷ phú thiên tả George Soros có nhan đề “Sai lầm tại Trung Quốc của BlackRock” (BlackRock’s China Blunder). Quý vị có thể không đồng ý với ông Soros về mọi điều khác, nhưng ông ấy đã đúng khi nói, “Sáng kiến của BlackRock làm nguy hại đến lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác, vì số tiền đầu tư vào Trung Quốc sẽ giúp ủng hộ Trung Cộng của ông Chủ tịch Tập, vốn đang đàn áp ở Trung Quốc và gây hấn ở ngoại quốc.”
Những lời kêu gọi hãy thức tỉnh được đưa ra vào mùa thu năm 2020, khi đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Tập đoàn Ant của ông Jack Ma, được kỳ vọng là lớn nhất trong lịch sử, đã bị hủy bỏ. Ông Ma đã trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, từng công khai chỉ trích hệ thống tài chính của Trung Quốc được vận hành dựa trên một “tâm lý cửa hàng cầm đồ”, và đôi khi có cái nhìn bất đồng đối với chế độ, ví dụ như trình diễn trong một ban nhạc rock với áo khoác da nạm kim loại trước mặt các nhân viên của ông.
Chủ nghĩa chống chế độ của ông Ma, bất kể ông là một thành viên của Trung Cộng, có khả năng không phù hợp với các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc, hoặc Tổng bí thư độc tài Tập Cận Bình. Vì vậy, ông Ma đã biến mất trong ba tháng, ít ra là gần như chắc chắn dưới sự cưỡng chế. Khi trở lại, ông Ma chỉ là một cái bóng mờ nhạt của con người trước đây của ông ấy, phù hợp hơn với những gì mà Trung Cộng cho rằng một doanh nhân nên như thế.
Nhưng các nhà đầu tư đã chú ý và không đồng ý với việc này. Tháng đó, các nhà đầu tư đã trừng phạt tài sản của Trung Quốc bằng cách tăng đầu tư vào những nơi khác. Vào tháng 11/2020, năm quỹ đầu tư hoán đổi danh mục (exchange traded funds, ETF) chính vào các thị trường mới nổi (gọi tắt là EM ETF), ngoại trừ thị trường tại Trung Quốc, đã đạt kỷ lục của một năm, mặc dù vẫn dưới 200 triệu USD. ETFs là chứng khoán được cấu trúc để mô phỏng theo một loại tài sản cụ thể, trong trường hợp này là những tài sản liên quan đến các thị trường mới nổi.
Tháng 12/2020, con số đó đã tăng lên 277 triệu USD. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng tài sản trong các EM ETF “ngoại trừ Trung Quốc” này đã tăng 442% lên 1.5 tỷ USD tính đến tháng 08/2021. Riêng trong tháng Tám, tài sản trong các ETF này đã tăng 41%.
Dòng vốn ròng trong tháng Bảy vào các EM ETF, trong đó Trung Quốc là quốc gia có tỷ trọng lớn nhất cho đến nay, đã giảm xuống còn 696 triệu USD từ mức trung bình 4 tỷ USD hàng tháng trong nửa đầu năm 2021.
Sau đó, cơn bão truyền thông đã xuất hiện, với một số nhà phân tích từ các nhà đầu tư quốc tế hàng đầu cho rằng Trung Quốc cần được ưu tiên đầu tư vượt mức; đây là một cách nói khác của hãy mua [cổ phiếu] của Trung Quốc – đầu tư vào Trung Quốc là một giao dịch hời. Một bộ phận nghiên cứu từ BlackRock, nhà đầu tư lớn nhất của Hoa Kỳ tại Trung Quốc theo số liệu của chính phủ từ đầu năm 2021, đã tuyên bố trong một báo cáo ngày 17/08 rằng các nhà đầu tư nên tăng gấp đôi hoặc gấp ba vị thế đầu tư tại Trung Quốc trong các danh mục đầu tư toàn cầu đa dạng hóa. Tại thời điểm viết bài này, Chỉ số Tổng hợp của Sàn giao dịch Chứng khoán Thượng Hải đã vượt xa Chỉ số S&P 500 khoảng 3%.
Nhưng các nhà đầu tư quốc tế hàng đầu này được cho là có lợi ích xung đột, và các nhà đầu tư do nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc có thể đã thao túng giá cổ phiếu [của các công ty Trung Quốc] kể từ thời điểm đó, để ngụy tạo rằng dự đoán của họ đã thành sự thật, ít nhất là trong ngắn hạn.
Sự thao túng này khó thực hiện hơn trong dài hạn, như được chỉ ra bởi các chỉ số của Trung Quốc và Hồng Kông. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 11% trong 3 tháng qua. Chỉ số CSI 300 trong nước giảm 8%. Nhưng MSCI EM trừ-Trung Quốc đang trụ giữ vững chắc. Vì vậy, vấn đề [sụt giảm] không phải là ở EM nói chung, mà là ở thị trường Trung Quốc.
Có nhiều cách khác nhau để tránh đầu tư vào Trung Quốc. Theo cô Perth Tolle, người sáng lập Life + Liberty Indexes, Freedom 100 EM ETF (mã FRDM) tập trung vào tự do cá nhân và kinh tế. Cô viết trong một tin nhắn điện tử: “Chúng tôi là EM ETF duy nhất có trọng số tự do và chưa bao giờ sở hữu cổ phiếu của Trung Quốc như một kết quả tự nhiên của việc tính trọng số về quyền tự do.” Tài sản của quỹ này đã tăng từ 30 triệu USD vào cuối năm 2020, lên 87 triệu USD hôm 31/08.
Do đó, các nhà đầu tư có quyền lựa chọn bỏ tiền của mình vào các tài sản ủng hộ tự do hơn là chế độ độc tài. Những nhà đầu tư khôn ngoan nhất là những người này và nên làm như vậy, ngay khi họ vẫn còn bất kỳ quyền tự do nào. Nếu Trung Cộng đạt được mục tiêu kiểm soát toàn cầu đối với các nhà tư bản, đối với chính số tiền vốn [của các nhà đầu tư] mà Trung Cộng nhắm tới, thì những quyền tự do [còn lại] đó sẽ không còn nữa.
Ông Soros hiện nay, và nhiều người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống trước ông ấy, đã chỉ trích đầu tư của Wall Street vào Trung Quốc, và đã nói rằng, theo nhiều cách khác nhau, luật pháp nên được thông qua hoặc thực thi để tránh những khoản đầu tư đó trở thành thòng lọng xiết chặt cổ chúng ta. Ông viết trong bài bình luận rằng, “Quốc hội nên thông qua luật trao quyền cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch để hạn chế dòng tiền chảy vào Trung Quốc.”
Rủi ro tại Trung Quốc rõ ràng là đang tích tụ, và một số trong đó hiện đang được hình thành ở Thành phố New York và Hoa Thịnh Đốn. Những đồng tiền thông minh nhất của dòng tiền thông minh nhìn thấy những cảnh báo và đang bắt đầu chảy ra khỏi Trung Quốc. Sự dồn dập các dòng tiền của các nhà đầu tư nhỏ lẻ không chuyên nghiệp sẽ theo sau, nếu không thì tất cả chúng ta sẽ phải trả giá bằng tự do của chúng ta.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu.