Người mình sang ở Tàu I
Từ xưa đến giờ, người mình trèo non vượt bể sang Tầu cũng nhiều.
Lý Ông Trọng quê ở Từ Liêm (thuộc phủ Hoài Đức, Tỉnh Hà Đông, Bắc kỳ), lúc trẻ có làm việc quan như lý dịch trong làng. Một hôm bị quan trên đánh, ông bỏ trốn sang nước Tần tức là thì Thuỷ Hoàng – đế bên Tàu, 246 – 210 trước Thiên chúa. Tự đấy, ông đắc dụng, làm quan đến Tư – lệ – hiệu – uý. Vua Tần Thuỷ Hoàng sai ông đem quân đi đánh Lâm – thao: tiếng thắng trận đồn ầm sang cả Hung – nô.
Khi tuổi già, ông về quê hương nghỉ. Một lần, giả cách chết, làm cho vua Thuỷ – hoàng phải sai sứ đến khám nghiệm.
Sau khi ông mất, vua Thuỷ – hoàng cho là một bậc dị nhân, sai đúc đồng làm tượng ông. Tượng to đến nỗi trong lòng có thể dung được vài mươi người. Hễ ai lay động lên, thì kẻ đứng ngoài, nhất là Hung – nô, trông tưởng là sống không dám sâm phạm.
Triệu – xương đời nhà Đường, khi làm đô hộ xứ mình, sai dựng đền thờ ông.
Cao – Biền cũng thuộc đời ấy, lại sai trùng tu miếu thờ và tạc tượng bằng gỗ, gọi là tượng quan Hiệu – uý họ Lý. Hiện đền thờ ở làng Chèm, thuộc phủ Hoài – đức bây giờ.
Ông Đặng – minh – Khiêm đời Quang – thiệu nhà Lê (1516 – 1521) vịnh sử, có thơ vịnh Lý – ông – Trọng rằng:
“Văn võ toàn tài đại trượng phu,
Hàm – dương du tượng nhiếp quân Hồ
Vĩnh Khang nhất nhập đàm kinh mộng (1)
Huyết thực Nam – thiên trang đế đô”
Nghĩa là:
Văn võ gồm tài đại trượng phu
Hàm – dương thấy tương rợ Hồ lo !
Vĩnh – khang hiển hiện người trong mộng,
Huyết thực, trời Nam khét tiếng to.
Lý Tiến, nguyên là người Giao – chỉ, tư chất thông minh, am hiểu kinh truyện. Kỳ thủy được bổ làm Quận công – tào, rồi thiên lên Kỵ – đô – uý. Vì rợ Kinh – man phản vào năm Vĩnh – hòa thứ hai (137 sau Thiên chúa) ông được bổ làm Thái – thú Linh – lăng (thuộc tỉnh Hồ Nam bên Tàu).
Khi làm thứ sử Giao – chỉ, ông có tâu lên vua Hán rằng: “Suốt xung quanh đất, ai chẳng phải là bề tôi của nhà vua, thế mà nay lên làm quan Triều – đình, chỉ thấy tuyền là những người Trung – châu (tức là người nước Tàu), chứ thật chưa thấy dung người phương xa để khuyến – khí …” Vì nhời và ý của ông rất cảm động và viện dẫn nhiều nhẽ cho nên vua Hán phải xuống chiếu: “Nếu châu Giao có người trúng Hiếu liêm (cử nhân) hoặc Mậu – tài (tú tài) , sẽ cử cho làm quan các thuộc châu (bên đất Tầu) nhưng không được cai trị Trung châu” .
Về sau, Lý Cam trúng Mậu tài, sang làm Tư lệ hiệu uý, Trương Trọng cũng chân khoa cử, sang làm Thái – thú Kim – thành và ít nhiều người khác nữa cũng được nhà Hán bổ dụng. Do bởi ông Tiên khéo kêu nên dân xứ mình mới đắc dụng vâỵ.
Khương – Công – Phụ (2), quê ở quận Cửu – chân (Thanh – hoá, thuộc Trung – kỳ bây giờ), đỗ tiến sỹ và quan thăng đến Trung – thư – môn – hạ bình – chương sự (tức thủ tương). Ông mỗi khi vào chầu hoặc đi thọ giá, tâu bầy rất tường, mà liệu việc hay trúng, cho nên các vua Đức – tôn, Thuận – tôn đều trọng tài mà cho chóng thăng quan. Sau vì việc can dán đến trái ý vua, ông phải biếm truất. Ông mất vào khoảng đời vua Thuận – tôn (805). Kết cục được phong là Thượng thư bộ Lễ, Ông làm văn cũng giỏi, hiện có bài phú “Bạch vân chiếu xuân hải” còn truyền tụng bên Tầu.
Đặng Minh Khiêm cũng có thơ vịnh ông như sau này:
“Ái châu sơn thuỷ xuất danh nho,
Phụng đích chu toàn lũ thị mô.
Khả tiếu Đường – hoàng đồ phức đán,
Nhẫn giao lương tướng lão giang hồ”
Nghĩa là:
Non sông châu Ái nẩy nhà nho,
Theo chúa thường bầy chước nhỏ to.
Khéo dở vua Đường quen tính trái
Nỡ thây tướng giỏi lẫn sông hồ !
(còn nữa)
TRẦN HÀM TẤN
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)