Người Trung Quốc tràn vào biên giới phía nam Hoa Kỳ giữa lo ngại về hoạt động gián điệp của Trung Cộng
AUTUMN SPREDEMANN
Sau khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “zero COVID” nghiêm ngặt, các quan chức biên giới Hoa Kỳ đã ghi nhận số lượng người nhập cư Trung Quốc vượt qua biên giới phía nam tăng vọt trong năm nay.
Từ ngày 01/10/2022 đến cuối tháng Hai năm nay, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đã bắt gặp gần 3,000 công dân Trung Quốc. Con số này cho thấy một mức tăng vọt hơn 700% so với cùng thời kỳ năm 2022.
Trong bản phân tích thứ hai, Axios đã đưa con số lên hơn 4,000 vụ trong năm 2023.
Chỉ riêng trong tháng Hai, đã có 1,368 vụ chạm trán với người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp. Ngược lại, các nhân viên biên giới Hoa Kỳ chỉ ghi nhận 55 vụ chạm trán cũng vào tháng này năm 2022.
Các nhà phân tích cho rằng khoảng cách thu nhập ngày càng sâu sắc ở Trung Quốc kết hợp với các biện pháp phong tỏa hà khắc do đại dịch của Trung Cộng đã khiến cho làn sóng di cư dâng cao.
Sự xuất hiện đáng ngại của một làn sóng người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến chống hoạt động gián điệp của Trung Cộng trên đất Mỹ đang diễn ra.
Kể từ năm 2019, các trường đại học Hoa Kỳ đã trở thành điểm bắt nguồn cho các hoạt động gián điệp liên quan đến những người thông đồng với Trung Cộng.
Các tin tức về hoạt động gián điệp và trao đổi thông tin bất hợp pháp đã được liên kết với ít nhất năm trường đại học Hoa Kỳ trên khắp Texas, California, Kansas, Massachusetts, và Illinois trong bốn năm qua.
Hồi tháng 10/2022, các công tố viên Hoa Kỳ đã buộc tội 13 công dân Trung Quốc vì cố gắng “gây ảnh hưởng bất hợp pháp tại Hoa Kỳ” thay mặt cho Trung Cộng.
Đặc vụ FBI Joseph Bonavolonta nói với các phóng viên sau khi một giáo sư Texas bị cáo buộc làm gián điệp phục vụ cho lợi ích của Trung Cộng: “Không quốc gia nào đặt ra một mối đe dọa lớn hơn, nghiêm trọng hơn hoặc lâu dài hơn đối với an ninh quốc gia và sự thịnh vượng kinh tế của chúng ta hơn Trung Quốc.”
Ông nói thêm: “Nói một cách đơn giản, mục tiêu của chính quyền cộng sản Trung Quốc là thế chỗ Hoa Kỳ trở thành siêu cường thế giới.”
Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa–Texas) đã đề xướng luật ngăn chặn gián điệp Trung Quốc trong nền giáo dục Hoa Kỳ. Ông nói rằng, “Trung Quốc là mối đe dọa địa chính trị lớn nhất và duy nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt, và Trung Cộng là một ảnh hưởng độc hại nghiêm trọng.”
Xuất hiện sau các cuộc tấn công gián điệp vào hệ thống trường đại học Hoa Kỳ là sự kiện khinh khí cầu gián điệp nổi tiếng hồi đầu năm nay. Hôm 04/02, các quan chức quân đội Hoa Kỳ đã bắn hạ một khinh khí cầu được cho là dùng để giám sát của Trung Quốc trên bờ biển South Carolina.
Đó cũng là tháng mà các cuộc chạm trán với người nhập cư bất hợp pháp của Trung Quốc tại biên giới phía nam Hoa Kỳ đã tăng vọt hơn 900%.
Các phương án hiệu quả hơn
Hoa Kỳ cấp quy chế tị nạn cho công dân Trung Quốc với một tỷ lệ tương đối cao. Dữ liệu của chính phủ cho thấy 58% người Trung Quốc bất hợp pháp được cấp quy chế tị nạn khi có đơn xin.
Ngược lại, những người Chile và Brazil xin tị nạn được cấp với tỷ lệ lần lượt là 15% và 11%.
Và trong khi các nhà phân tích nói rằng số lượng người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc cao hơn cũng đem lại rủi ro tương tự như các nhóm khác, thì một số người lại cho rằng Trung Cộng có nhiều phương án khác hiệu quả hơn để thực hiện hoạt động tình báo thay vì dựa vào những người xin tị nạn.
Bà Irina Tsukerman, chuyên gia phân tích an ninh và người sáng lập Scarab Rising, nói với The Epoch Times: “Di cư bất hợp pháp không phải là phương án tối ưu để cho gián điệp xâm nhập vì cách này rủi ro, thu hút nhiều giám sát hơn.”
Bà Tsukerman nói rằng những người nhập cư bất hợp pháp không phải là phương án lý tưởng để thu thập loại thông tin tình báo mà Trung Cộng mong muốn do khả năng cao bị vướng mắc pháp lý và bị các quan chức biên giới bắt giữ.
Bà nói rằng chính những công dân Trung Quốc đến với thị thực hợp pháp của Hoa Kỳ mới là những người cần theo dõi.
Bà Tsukerman nói: “Những người di cư hợp pháp có các mối liên hệ với quê hương, những người có nhiều khả năng quay lại thăm nhà, là mục tiêu tốt hơn để tuyển mộ cho hoạt động tình báo – đặc biệt nếu họ giữ chức vụ trong các trường đại học, phòng thí nghiệm nghiên cứu, hoặc công ty nơi họ có thể có được ảnh hưởng hoặc thông tin mà Bắc Kinh mong muốn.”
Mặc dù bà tin rằng làn sóng người di cư Trung Quốc hướng đến biên giới phía nam của Hoa Kỳ cũng có vấn đề như nhau.
“Những người di cư Trung Quốc băng qua biên giới phía nam mang cùng rủi ro như bất kỳ loại người nào khác. Trong trường hợp các băng đảng và tội phạm có tổ chức của Trung Quốc, khu vực biên giới phía nam đã trở thành một dấu hiệu chào mời cho nạn buôn bán fentanyl.”
“Buôn người thường đi đôi với buôn lậu ma túy.”
Nhưng luật sư nhập cư Hoa Kỳ Min Hwan Ahn lưu ý rằng điều quan trọng là tránh ôm giữ định kiến về những người xin tị nạn.
“Căn cứ vào các sự kiện năm ngoái liên quan đến cáo buộc gián điệp đối với 13 người nhập cư, thì việc các nhà lập pháp lo ngại về những rủi ro an ninh tiềm ẩn liên quan đến nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc là điều hợp lý,” ông Ahn nói với The Epoch Times.
Là người sáng lập EZ485, một dịch vụ trợ giúp và xin thị thực, ông Ahn đã chứng kiến tận mắt cuộc khủng hoảng nhập cư của Mỹ. Ông khẳng định giới chức Hoa Kỳ nên cố gắng bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng duy trì một biện pháp giải quyết nhân đạo.
Ông nói: “Điều quan trọng đối với các nhà chức trách là đạt được sự cân bằng giữa bảo đảm an ninh quốc gia với duy trì các giá trị nhân đạo khi giải quyết những người di cư đang xin tị nạn theo quy chế Alysum hoặc refugee.”
“Điều này bao gồm kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng và có các quy trình thẩm tra, đồng thời cung cấp sự trợ giúp cần thiết cho những người thực sự đang đào thoát khỏi sự đàn áp hoặc đang muốn tìm kiếm cơ hội tốt hơn.”
Chỉ là khởi đầu?
Gạt động cơ sang một bên, dường như làn sóng di cư hàng loạt của công dân Trung Quốc tới biên giới Hoa Kỳ không có dấu hiệu chậm lại trong tương lai gần.
Trong 60 ngày đầu năm nay, các quan chức biên giới Panama báo cáo có 2,200 người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp vào nước này và đi về phía bắc từ khu vực Darien Gap đầy hiểm nguy, một khu rừng rậm nằm ở biên giới nước này với Colombia, là một phần của lộ trình di cư.
Một số người cho rằng cách ứng phó với đại dịch của Trung Cộng và sự sụp đổ kinh tế sau đó là động lực khiến số lượng công dân Trung Quốc di cư ra ngoại quốc tăng vọt.
Ông Lương Tại (Liang Zai) – một giáo sư xã hội học Hoa Kỳ, người cũng nghiên cứu về tình hình di cư của người Trung Quốc – nói với các phóng viên của Axios: “Thiệt hại đối với nền kinh tế Trung Quốc so với bốn hoặc năm năm trước là quá tàn khốc đối với những người lao động có tay nghề thấp.”
Những người khác không thể chịu đựng được việc sống thêm một ngày nữa trong bóng tối của lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 của Trung Cộng – điều này đã khiến người dân Thượng Hải đồng loạt khóc thương yêu cầu được trả tự do trong một video đầy ám ảnh vào một đợt phong tỏa hồi tháng Tư năm ngoái.
Nhưng bà Tsukerman nói rằng điều quan trọng cần nhớ là, “Không phải người nào đào thoát cũng đều làm như vậy vì bị đàn áp chính trị.”
Mặc dù bà nói rằng hoạt động chính trị của Bắc Kinh chắc chắn đã kích hoạt làn sóng di cư mới, nhưng “các chính sách đại dịch, cũng như việc tái cơ cấu kinh tế và chính trị ngày càng phong bế, đã có tác động đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc.”
Ông Ahn đồng tình với quan điểm này.
“Căng thẳng chính trị và việc đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc có thể đã thúc đẩy một số cá nhân xin tị nạn ở Hoa Kỳ.”