Nguồn gốc của nền giáo dục công lập Hoa Kỳ (Phần 14) Cách mạng giáo dục tại gia bùng nổ trong đại dịch virus Trung Cộng
Giờ đây, tất cả chúng ta đều là những người học tại gia! Ít nhất là trong tương lai gần.
Các trường học công trên khắp Hoa Kỳ đã phải đóng cửa vì lo ngại về virus Trung Cộng, giúp đưa hàng chục triệu trẻ em ra khỏi các lớp học của chính phủ. Điều đó có nghĩa là hàng triệu phụ huynh vô tình bị buộc phải thử nghiệm giáo dục tại gia.
Chỉ trong vài tuần, phong trào dạy học tại nhà đã tăng từ khoảng 3 triệu trẻ em lên đến hơn 55 triệu trẻ em, chỉ ở Hoa Kỳ. Đây là điều chưa từng có.
Tuy nhiên, xin đừng sợ hãi: giáo dục tại gia có một lịch sử lâu đời đáng kinh ngạc ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Và dữ liệu đã chỉ ra: giáo dục tại gia khởi tác dụng. Thông thường, nó hoạt động hiệu quả một cách đáng ngạc nhiên. Dữ liệu cho thấy, trung bình học sinh được giáo dục tại gia có thành tích tốt hơn nhiều so với các học sinh tại trường công trên mọi chỉ số đánh giá. giáo dục tại gia cũng có một lịch sử thành công lâu đời.
Cựu Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố rằng trẻ em lẽ ra không bao giờ bị “mắc kẹt” trong “những trường học thất bại của chính phủ”. Người dẫn chương trình trò chuyện Rush Limbaugh năm 2019 đã kêu gọi thính giả thử dạy học tại nhà. Và nhà truyền giáo Franklin Graham, vốn phản ứng lại khi tiểu bang New Jersey yêu cầu chấp nhận tư tưởng LGBT trong các trường công lập, ông đã kêu gọi các bậc cha mẹ đưa con của họ rời khỏi các trường công lập.
Và đó là trước thời COVID-19.
Nhưng giáo dục tại gia không phải là lĩnh vực chưa từng được khám phá. Thật vậy, rất lâu trước khi chính phủ chiếm đoạt quyền kiểm soát giáo dục theo sự chi phối của những người theo chủ nghĩa tập thể (đã nêu trong loạt bài về giáo dục công lập này), cha mẹ và gia đình trên toàn thế giới là những nhà giáo dục chủ yếu của trẻ em.
Nhiều anh hùng lỗi lạc nhất của Hoa Kỳ chủ yếu được giáo dục tại gia. Vị Tổ phụ của Hoa Kỳ, George Washington, hầu như được giáo dục tại gia và ông chỉ được giáo dục chính thức trong vài năm. James Madison, Cha đẻ của Hiến pháp, cũng chủ yếu học tại nhà. Một thế kỷ sau, Tổng thống Abraham Lincoln cũng được giáo dục tại gia. Và đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Tiến sĩ Brian Ray, Chủ tịch Viện Nghiên cứu giáo dục tại gia Quốc gia (NHERI) và là Tổng biên tập của tạp chí bình duyệt “Home School Researcher”, giải thích rằng: “Giáo dục tại gia ngày nay thực chất là sự hồi sinh của nền giáo dục do cha mẹ và gia đình dẫn dắt, vốn đã phổ biến từ hàng thiên niên kỷ trước.”
Ông Ray nói với The Epoch Times, giáo dục tại gia do cha mẹ hướng dẫn đã là chuẩn mực ở các thuộc địa Mỹ [13 tiểu bang] và trên toàn Hoa Kỳ – cả ở các vùng nông thôn và thành phố – cho đến khoảng năm 1900.
Ông giải thích: “Các trường học do chính phủ điều hành không có các biểu tượng truyền thống như cờ Mỹ, bánh táo, và Chúa,” trái ngược với những tưởng tượng phổ biến về nền giáo dục của chính phủ.
Dữ liệu cho thấy một trong những lĩnh vực ông Ray đã nghiên cứu trong nhiều thập niên là giáo dục tại gia. Giống như các nhà nghiên cứu khác, ông nhận thấy rằng học sinh được giáo dục tại gia thường có kết quả tốt hơn đáng kể so với trẻ em được giáo dục từ chính phủ – thường cao hơn từ 15 đến 30 điểm phần trăm trong các bài kiểm tra học thuật tiêu chuẩn, và cũng thể hiện tốt hơn nhiều khi tham gia vào xã hội.
“Nghiên cứu lớn nhất so sánh học sinh tại nhà với những học sinh khác đã tiết lộ rằng học sinh lớp 8 học tại nhà bằng điểm với học sinh lớp 12 trường công lập,” ông đề cập đến một nghiên cứu của Tiến sĩ Lawrence Rudner tại Đại học Maryland về kỳ thi học thuật cho hơn 20,000 học sinh tự học tại nhà.
Ông Ray thêm rằng phong trào giáo dục tại gia hiện đại là “bằng chứng rõ ràng” cho thấy bộ máy giáo dục hiện tại của chính phủ là không giúp trẻ em học giỏi.
“Sự tái phát triển của giáo dục tại gia do cha mẹ dẫn dắt chỉ đơn giản là sự tái khẳng định thiên chức của cha mẹ đối với con, cũng như giá trị của việc lấy gia đình làm trung tâm đối với bất kỳ xã hội nào, thay vì coi trọng một tổ chức do chính phủ điều hành, trong cuộc sống,” ông cho biết.
Cơ hội trong khủng hoảng
Tuy các cơ sở giáo dục lên tiếng và hệ thống giáo dục của chính phủ cảnh báo phụ huynh về những mối “nguy hiểm” của giáo dục tại gia, nhưng các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng cuộc khủng hoảng này đem đến một cơ hội tuyệt vời.
Cựu Bộ trưởng Giáo dục Tiểu bang Arizona, bà Diane Douglas nói rằng việc các trường công liên tục đóng cửa đem đến cho phụ huynh “cơ hội lớn nhất trong đời” để giành lại quyền kiểm soát những gì con họ học.
Bà nói với The Epoch Times: “Đây là thời điểm hoàn hảo để các bậc cha mẹ thử nghiệm giáo dục tại gia và thực sự đem đến cho con một nền giáo dục chân chính.”
Bà cũng bày tỏ rằng tương lai của Hoa Kỳ đang ở trên bờ vực và cảnh báo rằng giáo dục công đang gây hại cho đạo đức, học tập, và tinh thần của trẻ em.
Chuyên gia về giáo dục tại gia, Tiến sĩ Izzy Lyman, tác giả của “Cuộc Cách Mạng về Giáo Dục tại Gia” (The Homeschooling Revolution), kêu gọi những người đã tham gia phong trào hỗ trợ những phụ huynh mới gia nhập.
Bà nói với The Epoch Times: “Đây là cơ hội chưa từng có để các nhà giáo dục tại gia kỳ cựu khuyến khích và đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ, những người bất ngờ trở thành một phần của cuộc cách mạng giáo dục tại gia đang phổ biến rộng rãi.”
Hơn hai thập kỷ trước, Trung tá E. Ray Moore, người tiên phong trong thời kỳ phục hưng giáo dục tại gia nở rộ cách đây khoảng 50 năm, đã quyết định rằng: Chỉ có một cuộc tháo chạy ồ ạt khỏi hệ thống giáo dục công lập sang nơi trú ngụ an toàn của trường học tại gia và trường học Cơ Đốc Giáo mới có thể ngăn chặn sự sụp đổ đạo đức tại Hoa Kỳ. Để đạt được điều đó, ông đã lập ra Exodus Mandate, với sứ mệnh mở màn cho một cuộc rời bỏ hàng loạt khỏi các trường công lập của những người theo đạo Cơ Đốc.
Ông nói, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể chính là toa thuốc giúp phá vỡ thế độc quyền của trường công.
“Nếu loại virus COVID-19 này đến với nền văn hóa của chúng ta vào năm 1980, chúng ta đã không có đủ cơ sở hạ tầng cho các gia đình với 6 triệu cựu sinh viên, tạp chí, sách, quy định giáo dục tại gia, các tổ chức và hiệp hội để hòa nhập nhiều trẻ em mới [vào trường học tại nhà],” ông Moore, người hiện lãnh đạo liên minh Christian Education Initiative gồm hàng chục tổ chức, chia sẻ với The Epoch Times.
“Giờ đây nó đang diễn ra. Các gia đình đã đưa ra quyết định lớn nhất; đó là về nhà và giáo dục con họ”.
Hiện tượng toàn cầu
Hiệp Hội Bảo Vệ Pháp Lý Trường Học Tại Nhà (HSLDA), có lẽ là tổ chức giáo dục tại gia mạnh mẽ và nổi bật nhất trên thế giới, đã phát hành một cẩm nang hướng dẫn cha mẹ bắt đầu giáo dục tại gia trong bối cảnh khủng hoảng.
Luật sư Mike Donnelly của HSLDA, người giám sát các hoạt động quốc tế của tổ chức này hy vọng rằng nhiều người sẽ quyết định đảm trách việc giáo dục con tại nhà. Và đây sẽ không chỉ là một hiện tượng của Hoa Kỳ mà còn là một hiện tượng toàn cầu.
Thật vậy, các chuyên gia cho biết, theo UNESCO – cơ quan “giáo dục” của Liên Hiệp Quốc – có hơn 1.5 tỷ học sinh hiện đang phải nghỉ học trên khắp thế giới.
“Giáo dục tại gia là một phong trào toàn cầu của các bậc cha mẹ nhằm tìm kiếm những cơ hội sống tốt nhất cho con của họ để ứng phó với nhiều yếu tố khác nhau,” ông Donnelly nói với The Epoch Times.
Tuy nhiên, một số chính phủ không hài lòng về xu hướng này.
Ông Donnelly cho biết: “Sự ngược đãi khắc nghiệt con của các cha mẹ Cuba khi giáo dục chúng tại nhà là một hành động sai trái không thể dung thứ.” Ông cũng cho biết thêm rằng giới tinh hoa cầm quyền ngay cả ở các quốc gia như Đức và Thụy Điển cũng đang ngược đãi học sinh học tại nhà, và sử dụng quyền kiểm soát hệ thống trường học của họ để kiểm soát công dân.
“Cách một quốc gia đối xử với phụ huynh dạy học tại nhà là một phép thử bởi nó thể hiện cách các nhà lãnh đạo nhìn nhận đồng bào của họ.”
“Họ có tin tưởng phụ huynh không? Các xã hội tự do phải tôn trọng và bảo vệ quyền được lựa chọn loại hình giáo dục cho con mình của cha mẹ, và điều này bao gồm cả giáo dục tại gia.”
Tuy nhiên, không chỉ virus Trung Cộng dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ phong trào dạy học tại nhà. Ông Donnelly nói: “Phụ huynh ngày càng thất vọng và lo sợ về các trường công lập. Bắt nạt học đường, các chương trình học gây tranh cãi, các nhu cầu học tập đặc biệt chỉ là một vài trong số những lý do khiến ngày càng nhiều người trên thế giới chuyển sang giáo dục tại gia.”
Ngược lại, “Nghiên cứu tiếp tục chỉ ra rằng giáo dục tại gia đem lại kết quả tốt trên tất cả các thước đo về thành tích học tập và xã hội hóa.”
Lịch sử
Mặc dù hàng triệu bậc cha mẹ tìm hiểu lại về giáo dục tại gia giữa đại dịch này, nhưng thực ra nó đã là chuẩn mực trong hàng thiên niên kỷ ở hầu hết các nơi trên Trái Đất.
Ngoài Sparta phát xít và các trường quân sự của họ, người ủng hộ nền “giáo dục” bắt buộc đầu tiên là Plato. Trong chuyên luận nổi tiếng “Nền Cộng Hòa” của mình, nhà triết học người Hy Lạp đã kêu gọi một chế độ do “Cha Đẻ Của Triết Học” lãnh đạo. Ông đã yêu cầu mọi người phải nhận được một “nền giáo dục lý tưởng”. Về các khía cạnh chính, ý tưởng ưu việt của Plato rất phù hợp với những “nhà cải cách” ở thế kỷ 19 như Horace Mann.
Tuy nhiên, bất chấp những lời nói của Plato, ý tưởng về một nền giáo dục do chính phủ quy định, do chính phủ cung cấp đã không thành công cho đến hàng nghìn năm sau. Thay vào đó, hầu như trên toàn thế giới, cha mẹ, các tổ chức tôn giáo và đôi khi là cộng đồng địa phương là những nhà giáo dục chính của trẻ em – và cha mẹ giữ quyền kiểm soát tối cao.
Loạt bài này đã nêu rõ quá trình và động cơ của những người tạo ra hệ thống trường học chính phủ. Về cơ bản, những người theo chủ nghĩa tập thể muốn làm suy yếu tự do cá nhân và Cơ Đốc Giáo ở Hoa Kỳ; họ nhận ra rằng cách hiệu quả nhất để đạt được điều đó chính là chính phủ phải đảm nhận hệ thống giáo dục.
Đến đầu những năm 1900, nền tảng của công cuộc tiếp quản đó đã hoàn thiện ở Hoa Kỳ. Từ đó, các trường học ngày càng trở nên cấp tiến và nguy hiểm, ít khắt khe hơn về mặt học thuật, thay vào đó tập trung vào việc “xã hội hóa” trẻ em và khắc vào đầu óc trẻ em các thái độ được chính phủ chấp thuận.
Đến những năm 1960 và 1970, sau các phán quyết của Tòa án Tối cao về việc cấm Kinh Thánh và cầu nguyện trong trường học, ngày càng nhiều phụ huynh tìm kiếm một lối thoát. Nhiều người đã chọn trường tư, một chủ đề sẽ được đề cập trong phần sau của loạt bài này. Dù vậy, hàng triệu người cuối cùng đã chọn rời khỏi “trường học” chính thức hoàn toàn, mở ra cuộc cách mạng giáo dục tại gia hiện đại.
Có lẽ một nhân vật đơn độc quan trọng nhất trong việc này là Tiến sĩ Raymond Moore, một cựu giáo sĩ đã phát hiện ra rằng các trường học chính phủ đang làm hại trẻ em – đặc biệt là trẻ nhỏ. Trong một loạt các cuộc phỏng vấn từ năm 1979 đến năm 1983 về chương trình hợp tác toàn quốc của Tiến sĩ James Dobson, Tiến sĩ Moore đã giới thiệu phương pháp giáo dục tại gia cho hàng triệu người Mỹ. Đó là một tia lửa đã bắt đầu một trận cháy rừng. Phần còn lại chỉ còn là lịch sử.
Các nhà lãnh đạo trong phong trào đã chính thức khởi động cuộc cách mạng giáo dục tại gia vào khoảng năm 1980. Nhà vận động cho giáo dục tại gia nổi tiếng Israel Wayne, tác giả của nhiều cuốn sách về giáo dục và là người đi đầu trong cộng đồng giáo dục tại gia, đã sống qua phần lớn lịch sử thời đó trong một gia đình đi tiên phong trong việc hồi sinh giáo dục tại gia ở Hoa Kỳ. Ông thuộc những người đi đầu trong phong trào này.
“Vào đầu những năm 1980, các bậc cha mẹ bắt đầu nhận ra rằng họ có thể giáo dục con cái của mình tốt hơn Nhà nước,” ông Wayne, một người cha nuôi dạy 10 đứa trẻ tại nhà, nói với The Epoch Times. “Vì luật bắt buộc đi học, nhiều bậc cha mẹ đã phải đối mặt với tiền phạt và án tù chỉ vì chỉ muốn dạy con mình tại nhà của họ.”
Ông Wayne đưa ra hơn một tá lý do để phụ huynh chọn giáo dục tại gia, bao gồm truyền các giá trị cho con, xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với con, tùy ý lựa chọn các môn học, tỷ lệ học sinh/giáo viên tuyệt vời, cơ hội học tập từ cuộc sống thực tế, khả năng chăm lo các nhu cầu đặc biệt của con. Thực tế là cha mẹ quan tâm đến con của họ nhiều hơn bất kỳ ai khác; chi phí dạy học chỉ bằng một phần nhỏ chi phí tại các trường được tài trợ từ thuế; con đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra; kỹ năng xã hội của con tốt hơn; có thể dạy con cách suy luận thay vì chỉ làm bài thi v.v.
Tương lai
Các lực lượng chống giáo dục tại gia đã xuất hiện kể từ khi phong trào giáo dục tại gia tái sinh cách đây nhiều thập niên. Chẳng hạn, Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA) thường xuyên tấn công giáo dục gia đình, cho rằng chỉ những giáo viên được nhà nước chứng nhận mới được phép giáo dục trẻ em. Những cuộc tấn công đó ngày càng gia tăng khi tổ chức giáo dục này điên cuồng tìm cách ngăn chặn làn sóng rời bỏ trường công đang tăng.
Tờ Washington Post gần đây đã đăng dòng tiêu đề “Giáo Dục Tại Gia Trong Thời Kỳ Coronavirus Sẽ Ngăn Cản Một Thế Hệ Trẻ Em”. Và những kẻ cực đoan chống giáo dục tại gia tại Trường Luật Harvard đang lên kế hoạch cho một hội nghị thượng đỉnh nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống lại các nhà giáo dục tại gia, một trong những người tổ chức kêu gọi “lệnh cấm giả định” đối với hoạt động này, và một người khác tuyên bố không có cái gọi là “quyền của cha mẹ”.
Ngược lại, The Wall Street Journal và Fox News đã đăng những bài chuyên đề về giáo dục tại gia trong bối cảnh khủng hoảng. Theo ý kiến của phó tổng biên tập Wall Street Journal Matthew Hennessey, bản thân ông cũng là phụ huynh của những đứa trẻ được giáo dục tại gia, ông lập luận rằng sự gia tăng số lượng trẻ học tại nhà sẽ là một “tia sáng cuối đường hầm”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, hình thức giáo dục tại gia liên tục trỗi dậy là một trong những bước phát triển quan trọng nhất trong lĩnh vực giáo dục ở Hoa Kỳ và xa hơn thế. Mặc dù truyền thống này gần như đã bị xóa sổ do chính phủ tiếp quản giáo dục trong thế kỷ trước, nhưng giờ đây nó đang hưng thịnh trở lại. Và virus Trung Cộng có thể đẩy mạnh phong trào này.
Khi lớp bụi cuối cùng biến mất sau sự tàn phá của virus Trung Cộng, có thể có một điểm sáng rất đáng chú ý: Hàng triệu gia đình dạy học tại nhà mới muốn cống hiến để bảo đảm nền giáo dục tốt nhất cho con cái của họ. Cơ hội đã xuất hiện. Giờ đây tùy thuộc vào việc người Mỹ có nắm bắt nó hay không.
Tác giả Alex Newman là nhà báo quốc tế từng đoạt giải thưởng, nhà giáo dục, nhà văn, nhà tư vấn, đồng tác giả cuốn “Tội Ác của Các Nhà Giáo Dục: Cách Những Người Utopia Đang Dùng Trường Học Công Lập Để Hủy Hoại Trẻ Em Hoa Kỳ” (Crimes of the Educators: How Utopians Are Using Government Schools to Destroy America’s Children). Ông cũng là giám đốc điều hành của Liberty Sentinel Media..
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của The Epoch Times.