Nguy cơ từ việc tuyên bố phân biệt chủng tộc là ‘tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp’
Cùng với việc đại dịch COVID-19 dường như đang suy yếu, các nhà kỹ trị (technocrats: dùng kỹ thuật để cai trị) đã háo hức nắm lấy đại dịch này để biện minh cho tình trạng thiếu tự do của người Mỹ, giờ đây họ tiếp tục cổ súy việc tuyên bố phân biệt chủng tộc là “tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp”.
Một chính sách như vậy sẽ cho phép giai cấp cầm quyền và các cơ quan giám sát doanh nghiệp của chúng ta thực thi các công cụ quyền lực được sử dụng gần đây trong trận chiến với virus để chống lại nạn phân biệt chủng tộc, tức là những sắc lệnh pháp luật, tái định hướng nguồn tài nguyên khổng lồ, Big Tech kiểm duyệt các ý kiến không chính thống – như quý vị đã biết rồi đấy.
Ý tưởng này đang nhanh chóng bén rễ. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) gần đây đã tuyên bố phân biệt chủng tộc là “mối đe dọa y tế cộng đồng” do tác động không cân xứng mà đại dịch COVID gây ra đối với các cộng đồng thiểu số. Đó là một vấn đề chắc chắn đáng được nghiên cứu và khắc phục. Nhưng nhiều người ủng hộ còn muốn tiến xa hơn nữa.
Một bài báo gần đây được xuất bản trên tờ The Hill đã minh họa cho việc cổ súy này. Bà Tanisha M. Sullivan, thành viên Hội các CEO Hành động vì Công bằng Chủng tộc (Action for Racial Equity CEO) đưa ra lưu ý đặc biệt trong bài viết nêu trên như sau, “Tuyên bố phân biệt chủng tộc là một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đặt chúng ta vào thế phải đối mặt với phân biệt chủng tộc giống như đối mặt với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác mà theo đó chúng ta đang phải tìm kiếm giải pháp: bằng cách nghiên cứu nguồn gốc của nó, theo dõi dữ liệu và phát triển các biện pháp can thiệp dựa trên khoa học sẽ giúp loại bỏ nó tận gốc.”
Ồ, không. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế quốc gia sẽ không giải quyết tận gốc nạn phân biệt chủng tộc, vì thuật ngữ đó theo truyền thống được hiểu là đề cập đến bình đẳng. Thay vào đó, điều này sẽ làm cho nỗi ám ảnh về chủng tộc trở thành một quy chuẩn chi phối chính thức, nghĩa là sẽ theo đuổi “công bằng” – sự bình đẳng trong hưởng thụ thành quả chung, một nhiệm vụ của những người theo chủ nghĩa không tưởng (Utopia) có thể không bao giờ thực hiện được trong thế giới thực. Và hiểm họa đang ẩn trú trong đó.
Đừng chỉ nghe lời tôi. Một chuyên mục ủng hộ gần đây được xuất bản trên The Lancet – tạp chí y khoa lâu đời nhất thế giới mà trong những năm gần đây đã chuyển sang hướng thức tỉnh toàn diện – đã cổ vũ rằng chính sách y tế cộng đồng “vượt ra khỏi lăng kính giới mù màu” và biến “ý thức chủng tộc” trở thành “yếu tố có mặt khắp nơi [tôi nhấn mạnh] ảnh hưởng đến cả việc thực hành, nghiên cứu và thành quả y tế toàn cầu”.
Tương tự, vào tháng 06/2020, Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ tuyên bố “Đã đến lúc Hoa Kỳ chính thức công nhận phân biệt chủng tộc là một vấn đề y tế cộng đồng và ban bố tình trạng y tế khẩn cấp để giải quyết những tác động tiêu cực mà phân biệt chủng tộc đang gây ra đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của hàng triệu người.” Một trong những giải pháp mà nhóm này ủng hộ là “nỗ lực vì bình đẳng y tế” (một lần nữa, tôi nhấn mạnh).
Hãy xem. Tất cả những người tử tế đều phản đối phân biệt chủng tộc. Thật vậy, đối xử với con người theo cách phân biệt vì màu da của họ là hết sức sai lầm bởi vì nó phủ nhận bình đẳng về phẩm giá và sự tôn trọng mà mọi người có được đơn giản và thuần túy vì họ là con người.
Nhưng đó không phải là những gì mà các vị-có-lẽ-là chúa tể của chúng ta đang nói tới. Đúng hơn, họ muốn theo đuổi “chống phân biệt chủng tộc” như tác giả Ibram X. Kendi đã định nghĩa. Theo định nghĩa của ông Kendi, phân biệt chủng tộc được tìm thấy trong mọi thứ. Ví dụ: trong cuốn sách “Làm thế nào để trở thành một Người Chống Phân biệt Chủng tộc” – cuốn sách rất phổ biến trong giới tinh hoa cầm quyền – ông Kendi định nghĩa phân biệt chủng tộc một cách vòng vo là “một tập hợp các chính sách phân biệt chủng tộc dẫn đến bất bình đẳng chủng tộc được chứng minh bằng các ý tưởng phân biệt chủng tộc.”
Lưu ý sự nhấn mạnh về “công bằng.” Ông Kendi đề nghị phương thuốc như thế nào cho một định nghĩa mở như vậy? Tại sao, lại bằng biện pháp phản cảm: “Phương pháp khắc phục duy nhất đối với phân biệt chủng tộc là phân biệt chống chủng tộc.” Nói cách khác, các chính sách đối xử với chúng ta khác nhau phụ thuộc vào tổ tiên [của chúng ta].
Không chỉ có ông Kendi. Tạp chí Y học New England – cũng “tỉnh thức” như The Lancet – đã xuất bản một bài vận động hồi tháng 04/2021, cụ thể kêu gọi phân biệt chủng tộc trong y học.
“Để thúc đẩy công bằng” – lại có từ đó – tác giả Neil K. Aggarwal, bác sĩ y khoa, đã viết “chính phủ ông Biden nên chia sẻ các nguồn lực [y tế] một cách khác biệt để [tôi nhấn mạnh] tạo lợi ích cho các nhóm vốn thường xuyên bị thiệt thòi.”
Không chỉ vậy, khái niệm “y tế” sẽ được mở rộng để bao gồm “sự chênh lệch của các hệ thống hỗ trợ tương hỗ trong các lĩnh vực nhà ở, giáo dục, việc làm, kinh tế, chăm sóc sức khỏe và tư pháp hình sự”. Nói cách khác, công bố tình trạng khẩn cấp sẽ vừa phân biệt đối xử chống lại những người được coi là có đặc quyền, vừa mở rộng phạm vi tiếp cận của “chính sách y tế” vào tất cả mọi thứ.
Tuyên bố phân biệt chủng tộc là một tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp cũng sẽ thổi phồng ý nghĩa của khái niệm này lên ngoài các vấn đề liên quan đến sức khỏe y tế thực sự. Theo luật, tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng tồn tại khi “một căn bệnh hoặc rối loạn gây ra tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng… bao gồm sự bùng phát đáng kể của các bệnh truyền nhiễm hoặc các cuộc tấn công khủng bố sinh học.”
Phân biệt chủng tộc là xấu xa, nhưng nó không phải là “truyền nhiễm” cũng không phải là “bệnh” hoặc “rối loạn” có thể nhận dạng về mặt y học. “Đó là một vấn nạn văn hóa. Hơn nữa, nếu phân biệt chủng tộc có thể được công bố là tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng, thì cũng có thể công bố về bất kỳ vấn đề nào mà giai cấp kỹ trị muốn cai trị hơn là quản trị (hãy nghĩ đến vấn đề ấm lên toàn cầu). Nhưng, đó cũng có thể là một phần của câu chuyện.
Trớ trêu thay, nghị trình về công bằng này thường dẫn đến các chính sách lố bịch. Hãy lấy đạo luật vừa được thông qua ở Oregon cho dừng các bài kiểm tra học sinh trung học được dùng để bảo đảm rằng các học sinh tốt nghiệp đã học được “các kỹ năng thiết yếu” trong xã hội, được Bộ Giáo dục Oregon xác định là khả năng “đọc và hiểu nhiều loại văn bản, viết rõ ràng và chính xác, và áp dụng toán học trong nhiều bối cảnh khác nhau.”
Tại sao lại áp dụng một đạo luật tai hại một cách kỳ quặc như vậy? Theo đạo luật này, là nhằm để nghiên cứu “liệu các yêu cầu đối với bằng cấp tốt nghiệp trung học ở tiểu bang này có được áp dụng một cách bất bình đẳng cho các nhóm học sinh khác nhau hay không.” Điều này có nghĩa là nhân danh công bằng, một số học sinh Oregon có thể tốt nghiệp trung học mà không biết đọc hoặc cân bằng sổ chi phiếu. Bây giờ, hãy tưởng tượng những chính sách ngớ ngẩn như vậy được thực hiện trên quy mô toàn quốc và nguy cơ công bố phân biệt chủng tộc là tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia trở nên quá rõ ràng!
Làm thế nào điều này có thể trở nên siêu thực như vậy? Những thành công của người Mỹ gốc Phi Châu thậm chí có thể bị biến thành bằng chứng của sự phân biệt chủng tộc. Điều đó bao gồm cuộc bầu cử tổng thống của ông Barack Obama, điều mà như ông Kendi vừa viết trong The Atlantic, không phải là chống phân biệt chủng tộc vì “đó là thời điểm mà người dân Mỹ đã tạo ra dự án hậu chủng tộc nguyên gốc đè nặng lên người Mỹ một lần nữa, giống như kề một con dao ở trên trái tim của một quốc gia.” Thật đáng buồn!
Hãy xem. Không phải “công bằng” đã phá vỡ các chính sách phân biệt chủng tộc có hệ thống được gọi là Jim Crow và phá vỡ sự kiềm tỏa khủng bố của Ku Klux Klan. Mà đó là thỉnh nguyện kêu gọi bình đẳng chính đáng của Phong trào Dân quyền.
Đó là tín điều của người dân Hoa Kỳ! Đó là cách hòa hợp. Đó là con đường cuối cùng sẽ dẫn chúng ta đến “miền đất hứa” của Martin Luther King.
Tác giả Wesley J. Smith là chủ tịch Trung tâm về Chủ nghĩa Biệt lệ của Con người, thuộc Viện Discovery
Quan điểm được trình bày là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.