Nguyên tắc ‘có đi có lại’ là nền tảng trong các hành động đối với Trung Quốc
Một ủy ban của Quốc hội Hoa Kỳ đã đề xuất rằng Quốc hội về việc áp dụng nguyên tắc ‘có đi có lại’ trong các luật liên quan giữa Hoa Kỳ–Trung Quốc.
Đề xuất này nằm trong số 19 khuyến nghị được đưa ra trong báo cáo thường niên của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ–Trung Quốc (USCC), trong đó tập trung vào việc ứng phó với những thách thức do Trung Cộng gây ra.
Chủ tịch USCC Robin Cleveland cho biết trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 01/12 rằng, “Trung Quốc là một đối thủ có các mối đe dọa cụ thể và ngay lập tức đối với các lợi ích kinh tế và an ninh.”
Năm nay, Trung Cộng đã tăng cường đối đầu với Hoa Kỳ và các quốc gia khác “khi mà các nhà lãnh đạo Trung Cộng ngày càng trở nên hung hăng và đối kháng,” Phó Chủ tịch Carolyn Bartholomew nói.
Ông Cleveland nói rằng nguyên tắc có đi có lại nên trở thành “nền tảng và xác định tất cả các khía cạnh của mối quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc trong tương lai.” Điều đó bao gồm việc Hoa Kỳ thúc đẩy cơ hội và khả năng tiếp cận Trung Quốc của các công ty, ký giả, tổ chức phi chính phủ và các nhà ngoại giao Hoa Kỳ.
‘Có đi có lại’ là chủ đề trọng tâm xác định chính sách của chính phủ TT Trump đối với Trung Cộng. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thực hiện một loạt các hành động để đáp trả các hạn chế của Bắc Kinh đối với các hãng truyền thông nước ngoài và các nhà ngoại giao. Đầu năm nay, chính phủ đã đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston để phản ứng lại các hoạt động gián điệp có phạm vi khá rộng của họ.
Về kinh tế, ủy ban khuyến nghị chính phủ tăng cường thu thập dữ liệu kinh tế và tài chính từ Trung Quốc.
Ban hội thẩm kêu gọi trao quyền cho Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) để xem xét và giám sát các khoản trợ cấp của chính phủ nước ngoài khi xét duyệt các thương vụ mua bán và sáp nhập được đề xuất. Nếu FTC nhận thấy những khoản trợ cấp đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáp nhập, họ có thể đề xuất các biện pháp để khắc phục sự sai lệch hoặc ngăn chặn giao dịch, báo cáo nêu rõ. Biện pháp này nhằm vào việc Trung Cộng dùng trợ cấp và các hình thức khác để hỗ trợ những công ty trong các ngành công nghiệp chủ chốt được Bắc Kinh ủng hộ.
Báo cáo khuyến nghị về việc ủy quyền cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ thu thập và phân tích dữ liệu về thị trường tài chính của Trung Cộng, đồng thời đánh giá những rủi ro mà họ gây ra cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Báo cáo nêu rõ, “Việc gia tăng liên hệ tài chính với Trung Quốc có nguy cơ làm suy yếu các nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc chống lại các hoạt động kinh tế không công bằng của Trung Quốc và bảo vệ các lợi ích của chính sách Hoa Kỳ.”
Báo cáo lưu ý rằng một số công ty Trung Quốc bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vì các hành vi hỗ trợ việc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương, trong đó có các công ty giám sát Hikvision và Zhejiang Dahua – được đưa vào chỉ số đầu tư toàn cầu do các quỹ của Hoa Kỳ theo dõi.
Ủy ban cũng nhắm vào các kế hoạch tuyển dụng và các chương trình tài trợ của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ và nghiên cứu của Hoa Kỳ cho Trung Quốc. Luật nhập cư được khuyến nghị nên sửa đổi, để người nộp đơn xin thị thực không định cư có thể bị từ chối nếu họ có liên kết với chương trình chuyển giao công nghệ của chính phủ nước ngoài hoặc vi phạm luật của Hoa Kỳ liên quan đến gián điệp, phá hoại hoặc kiểm soát xuất cảng.
Báo cáo khuyến nghị rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nên lập một báo cáo hàng năm nêu chi tiết những nỗ lực của Trung Cộng nhằm thao túng Liên Hiệp Quốc và các cơ quan liên quan.
“Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng toàn cầu để thực hiện chính sách ‘cộng đồng vận mệnh con người’ – một cộng đồng có thể phản ánh thế giới quan của Trung Cộng, trì hoãn các ưu tiên của mình, và trung thành với hình thức cầm quyền của nước này,” bà Bartholomew nói.
Để ứng phó với cuộc đàn áp ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Hồng Kông kể từ khi áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc, báo cáo kêu gọi Quốc hội thúc đẩy chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thị thực Hoa Kỳ dành cho người Hồng Kông muốn di cư vì lo ngại đàn áp chính trị.