JAN JEKIELEK và NAVEEN ATHRAPPULLY

Bà Christine Anderson, thành viên của Nghị viện Âu Châu, tin rằng việc giấy thông hành COVID và mã QR trở nên phổ biến trong đại dịch chỉ là những bước chạy thử nghiệm để khai triển “các thành phố 15 phút” – nhằm thắt chặt sự kiểm soát người dân của chính phủ.

‘Thành phố 15-phút’ là một khu dân cư nơi cư dân có thể tiếp cận mọi thứ họ cần, như cửa hàng thực phẩm, bác sĩ, v.v. trong vòng 15 phút đi bộ. Theo bà Anderson, những thành phố như vậy là khởi đầu cho sự kiểm soát người dân chặt chẽ hơn của chính phủ. Chính phủ có thể kiểm soát bằng cách quyết định “quý vị không còn được phép rời khỏi khu vực trong vòng 15 phút đi bộ của mình nữa. Họ không cần phải rào khu vực đó lại hay làm bất cứ điều gì. Việc kiểm soát sẽ được thực hiện thông qua ID kỹ thuật số,” bà nói trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình “American Thought Leaders” (Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ), Jan Jekielek, được phát hình hôm 25/04.

“Nếu bây giờ quý vị thích một cửa hàng khác và cửa hàng đó không ở trong khu phố của quý vị, thì hãy đoán xem? Quý vị sẽ không đến cửa hàng đó nữa. Như tôi đã nói, sự kiểm soát hoàn toàn là những gì chúng ta đang nói đến.”

Ở Âu Châu, luật pháp đang được thúc đẩy để thành lập các thành phố 15 phút. Theo bà Anderson, Chứng chỉ Xanh Kỹ thuật số, giấy thông hành COVID được giới thiệu trong đại dịch, chỉ là đợt chạy thử nghiệm được thiết kế để người dân quen với việc tạo ra mã QR và các yêu cầu liên quan.

Bà Anderson nói: “Bây giờ, họ đang tấn công chúng ta bằng những thành phố 15 phút. Đừng nhầm lẫn, đó không phải là về sự thuận tiện của quý vị. Không phải là họ muốn quý vị có thể đến tất cả những nơi mà quý vị cần đến một cách nhanh chóng. Đó cũng không phải là về việc cứu lấy hành tinh này.”

“Với các thành phố 15 phút, họ sẽ phải có những thành phố đó trước khi có thể nhốt quý vị lại, và đó là những gì chúng ta đang nói đến ở đây.”

“Ở Anh quốc, một số quận đã thông qua luật. Họ sẽ có thể áp đặt một cuộc phong tỏa vì khí hậu. Đó là bước tiếp theo. Đó là những gì chúng ta đang đề cập đến. Để làm được như vậy, họ sẽ phải có những thành phố 15 phút.”

Bà Anderson cho biết, bước tiếp theo sẽ liên quan đến việc hạn chế mọi người trong địa phương của họ, chỉ cho phép họ rời khỏi nơi đó hai hoặc ba lần mỗi năm. Tuy nhiên, những người giàu sẽ có thể thoát khỏi những quy định đó vì họ có thể mua được những lượt ra ngoài từ nhóm dân nghèo hơn, bà nói.

“Những người nghèo sẽ bị bỏ lại trong những khu dân cư 15 phút này, trong khi những người khá giả hơn có thể đi bất cứ nơi nào họ muốn. Đây là những gì chúng ta đang nói đến.”

Hồi tháng 03/2022, một bài báo được đăng trên trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã gọi khái niệm thành phố 15 phút “không chỉ là một mốt nhất thời” và là một hệ quả của thời nay, cụ thể là đại dịch.

“Với COVID-19 và các biến thể của virus này khiến mọi người phải ở nhà (hoặc gần nhà hơn bình thường), thành phố 15 phút đã chuyển từ trạng thái ‘tốt đẹp đáng có’ thành lời kêu gọi,” bài báo này tuyên bố, đồng thời cho biết thêm, “Khi khí hậu thay đổi và xung đột toàn cầu gây ra những bàng hoàng và căng thẳng với các khoảng thời gian cách nhau gần hơn và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng lên, thì thành phố 15 phút sẽ càng trở nên quan trọng hơn.”

Chế độ chuyên chế kỹ thuật số

Bà Anderson cho rằng các hệ thống “tín dụng xã hội” kiểu cộng sản Trung Quốc đã được thử nghiệm ở Âu Châu. “Có những dự án thí điểm đang diễn ra ở Bologna. Ở đó, nó được gọi là ‘Ví Bologna’. Ở Vienna, nó được gọi là ‘Tiền mã hóa Vienna’.”

Bà nói: “Hiện giờ thì là tự nguyện, và chủ yếu nhằm mục đích lôi kéo mọi người. Nếu quý vị làm vậy, thì quý vị sẽ nhận được một số vé với giá thấp hơn một chút, để đi đến nhà hát. Tự nguyện. Một lần nữa, [đó là] bước đầu tiên.”

“Nhưng chẳng bao lâu nữa, sẽ có lúc quý vị không còn sự lựa chọn nào nữa. Quý vị phải có Chứng chỉ Xanh Kỹ thuật số cùng với mã QR này. Sau đó, họ sẽ cho quý vị biết quý vị có thể đi đâu, quý vị có thể làm gì, và không thể làm gì.”

Bà Anderson đã chỉ trích dự án “The Line” đang được xây dựng ở Saudi Arabia. Một cấu trúc dài 200 km, rộng 200 mét, cao 500 mét, The Line được dự đoán có thể chứa tới 9 triệu người.

Bà cho hay, “Nếu tôi muốn có toàn quyền kiểm soát mọi người, thì đó chính xác là nơi và cách mà tôi sẽ giam giữ họ, và sau đó, cho họ ăn thực đơn ba bữa mỗi ngày. Đoán xem điều gì sẽ xảy ra nếu quý vị không làm theo những gì quý vị được yêu cầu – họ có thể sẽ hủy những bữa ăn đó. Thật quá ư dễ dàng.”

“Đó là những gì chúng ta đang nói đến. Khi quý vị thực sự kết hợp được tất cả những điều này lại với nhau (để đi đến kết luận), thì tôi không còn cách nào khác để diễn đạt về điều này – đó sẽ là sự bần cùng hóa và nô dịch hóa hoàn toàn tất cả mọi người. Tôi đang nói điều đó một cách dứt khoát bởi vì nó có vẻ là như vậy, và với tôi nó trông giống hệt như vậy.”

Một du khách đi ngang qua một biển xét nghiệm COVID-19 tại Phi trường Quốc tế Pearson vào ngày 03/12/2021. (Ảnh: Nathan Denette/The Canadian Press)
Một du khách đi ngang qua một biển xét nghiệm COVID-19 tại Phi trường Quốc tế Pearson vào ngày 03/12/2021. (Ảnh: Nathan Denette/The Canadian Press)

Khái niệm thành phố 15 phút đang gây ra cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội. Khi nhà làm phim tài liệu Carla Francome đăng một loạt tweet hồi tháng Hai về lợi ích của những thành phố như vậy, loạt tweet đó đã nhanh chóng bị chỉ trích.

Một người nói rằng mặc dù về mặt lý thuyết, các thành phố 15 phút nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng các thành phố như vậy sẽ trở thành vấn đề khi chính phủ cố gắng thực thi.

Người khác cho rằng nếu các thành phố 15 phút trở thành hiện thực, thì bà Francome sẽ phải có giấy phép đặc biệt để đến thăm cha bà nếu ông sống cách bà 30 phút.

“Một ngày nào đó, quý vị sẽ bị kẹt trong thành phố 15 phút của mình, chờ đợi một chiếc phi cơ không người lái mang những con bọ chua ngọt đến cho quý vị và cố gắng hồi tưởng ngày lễ là như thế nào,” tác giả Lisa Keeble cho biết trong bài đăng trên Twitter hôm 22/04. “Quý vị sẽ tự hỏi – mọi chuyện đã đi sai hướng từ khi nào. Từ khi quý vị hoan nghênh phong tỏa và đeo khẩu trang.”

Chính phủ đang gieo rắc sự sợ hãi

Bà Anderson cũng nhấn mạnh việc các chính phủ gieo rắc nỗi sợ hãi để kiểm soát người dân trong đại dịch COVID-19. “Ở Đức, có một hướng dẫn, một phác thảo về cách khiến người dân làm theo những gì chính phủ muốn họ làm để tuân thủ những biện pháp hạn chế này,” bà cho biết.

“Họ đã phác thảo một cách cụ thể ở đó, ‘Mặc dù trẻ em không có nguy cơ nhiễm căn bệnh COVID này, nhưng chúng ta cũng phải khiến bọn trẻ biết sợ. Nếu chúng nhiễm phải bệnh này và sau đó lây nhiễm cho ông bà, thì chúng phải chịu trách nhiệm về việc đã sát hại ông bà mình.’ Kiểu suy nghĩ đó đã diễn ra bên trong các chính phủ.”

“Một đại dịch đã hoàn toàn bị phóng đại quá mức. Để làm gì? Đó là cách mà các công ty dược phẩm có thể kiếm được hàng tỷ tỷ dollar.”

Ông Jekielek lưu ý rằng có “bằng chứng rõ ràng” cho thấy chính phủ Anh quốc có liên quan đến việc gieo rắc sự sợ hãi trong dân chúng về COVID-19 và đã có một chiến lược cụ thể để làm điều đó. Ông nói rằng những điều tương tự đã được thực hiện ở các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Khi được hỏi liệu đây có phải là kết quả của kiểu phối hợp toàn cầu nào đó hay không, bà Anderson trả lời: “Hoàn toàn có thể.”

Bà nói: “Đó thực sự là phần đáng sợ nhất của tất cả những điều này. Nếu chỉ có hai hoặc ba quốc gia trở nên bất hảo, thì chúng ta đã có thể hy vọng rằng một quốc gia khác sẽ can thiệp và ngăn chặn điều đó.”

“Họ đã đồng loạt răm rắp làm theo tất cả những điều này. Họ thực sự như là đọc từ cùng một kịch bản, lặp đi lặp lại những lời như nhau, ‘Xây dựng lại tốt hơn, an toàn và hiệu quả hơn.’ Hầu như mọi nền dân chủ Tây phương đều đang làm điều tương tự.”

Thanh Tâm biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn