Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Văn chương là hành trình đi tìm Đạo
Sự ra đi của Nguyễn Huy Thiệp – nhà văn từng làm chao đảo văn đàn nửa thế kỷ trước, đã để lại là niềm tiếc thương sâu đậm trong lòng độc giả. Nguyễn Huy Thiệp trở thành huyền thoại, không chỉ vì ông là nhà văn nổi tiếng nhất Việt Nam kể từ sau năm 1975 mà bởi, có lẽ phải mất nhiều năm nữa người ta mới hiểu trọn vẹn di sản văn chương của ông.
Truyện ngắn “Tướng Về Hưu” đánh dấu sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn đã làm cho không khí văn chương Việt Nam thời ấy, đang trầm lặng cũ kỹ về nội dung và cả về cách viết, bỗng nhiên bị rung chuyển. Ông khiến văn đàn dậy sóng sau thời gian dài lặp đi lặp lại những câu chuyện hiện thực xã hội chủ nghĩa đầy gò bó trong khuôn mẫu ý thức chính trị.
Những vấn đề của một xã hội tha hóa hiện ra khốc liệt, nghiệt ngã dưới bút pháp tả thực, lạnh lùng, trực diện của Nguyễn Huy Thiệp. Ông phơi bày thứ hiện thực trần trụi, khiến người đọc bàng hoàng nhận ra có gì đó sai lầm trong xã hội thời hậu chiến, khi các truyền thống văn hóa Việt Nam đang bị phá hủy đến tận gốc rễ, và lờ mờ nhận ra nguyên nhân sâu xa của nó.
Mọi cái đẹp đều ẩn giấu trong tự nhiên
Khi được hỏi về triết lý bao trùm trong các tác phẩm và cuộc sống của ông là gì, ông nói: “Tôi không có triết lý nào cả. Tôi chỉ hướng tới thiên nhiên. Thiên nhiên là điều tuyệt vời nhất. Hãy tôn trọng tự nhiên, môi trường sống của mình. Ta không muốn thì ngoài kia hoa vẫn nở, chim vẫn hót liên miên… Thiên nhiên bao gồm cả con người và cuộc sống. Mọi cái Đẹp và sáng tạo, thực ra đều ẩn giấu trong tự nhiên; nhà văn chỉ việc tìm và thấy chúng.”
Nguồn cảm hứng dạt dào từ thiên nhiên đó đến vào những năm tháng tuổi trẻ ông sống giữa núi rừng Tây Bắc, nơi chùm truyện ngắn đầu tiên ra đời. “Những Ngọn Gió Hua Tát” (hay còn gọi là “Mười Truyện Trong Bản Nhỏ”) được Nguyễn Huy Thiệp viết năm 1971 khi mới 21 tuổi, và ông viết rải rác đến năm 1986, tức là lúc ông đã về xuôi và viết lại bằng trải nghiệm ký ức của mình.
Không khí bàng bạc quanh năm bung lung một thứ sương mù ở thung lũng Hua Tát có ‘hoa tử huyền, cứ ba chục năm mới nở một lần’, ‘hoa ban trắng khắc khoải, nao lòng’ đến một nghìn năm sau – quả là thứ không gian huyền hoặc vốn là linh hồn của văn hóa dân gian miền núi – đã trở thành niềm cảm hứng đầu tiên trong tâm hồn nhà văn, lnơi ông bắt đầu chưng cất một thứ “rượu chữ” khiến người ta đọc mà say trong những áng văn trong trẻo tinh khôi, với những câu chuyện huyền thoại sơn cước đầy ê hoặc.
Tôi tin rằng, để hiểu được Nguyễn Huy Thiệp, phải bắt đầu từ những tác phẩm xuất sắc đầu tiên có vị trí đặc biệt trong văn nghiệp được ông viết từ thời còn là anh giáo trẻ dạy học 10 năm ở vùng sơn cước Tây Bắc ấy. Trong đó Nguyễn Huy Thiệp đã cảnh tỉnh con người về luật nhân quả, về sự vô minh, kiêu ngạo của con người với tham vọng chống lại tự nhiên, và kết quả thê thảm của nó, như ông viết: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt.”
Những tư tưởng thấm đẫm triết lý Phật giáo và Thiền đã phảng phất trong văn chương Thiệp từ rất sớm, có lẽ khi ông bắt đầu nhận ra một sức mạnh vô hình bí ẩn nơi thiên nhiên khiến con người không thể chống lại trong tham vọng tạo dựng huyền thoại của người đời.
Đó chính là mạch nguồn xuyên suốt, để ông thăng hoa lên một tầng cao hơn trong những truyện ngắn về sau như “Con Gái Thủy Thần”, “Muối Của Rừng”, “Những Người Thợ Xẻ”, v.v.
Làm nhà văn ở Việt Nam rất khó
Nhà văn Nguyên Ngọc – biên tập viên báo Văn nghệ – tờ báo lớn nhất về văn học Việt Nam thời đó đã xuất bản nhiều nhất có thể các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp trong hơn 1 năm rưỡi từ 1987 cho đến năm 1988, cũng là người đứng ra chịu trách nhiệm xuất bản 3 truyện ngắn đề tài lịch sử: Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp – những tác phẩm rồi sẽ gây những tranh luận dữ dội, và chẳng bao lâu sau, cảnh sát văn hóa đến gặp Nguyễn Huy Thiệp, đánh dấu sự kết thúc cho sự bùng nổ văn học ‘đổi mới’ ngắn ngủi của Việt Nam.
Nguyễn Huy Thiệp tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông cho rằng chính việc học và dạy lịch sử đã giúp ông “có cách nhìn tương đối có hệ thống và có điều kiện lật lại vấn đề”. Theo ông, khi xem sách lịch sử, cần chú ý là bao giờ nó cũng được viết để có lợi cho ai đó, nên phải tìm hiểu rõ sự kiện: “Lịch sử cận đại và hiện đại Việt Nam theo tôi còn sai lầm rất nhiều. Thực sự thì việc trình bày cũng như kết luận, xem xét hay nhìn nhận từng vấn đề còn rất thiếu sót, thậm chí sai lầm, bịa đặt và xuyên tạc.”
Năm 1989, bộ phim “Tướng Về Hưu” ra mắt, đến năm 1990 ông Thiệp được chọn làm hội viên Hội Nhà văn. Nhưng đây cũng là năm mà các ấn phẩm của ông bắt đầu biến mất khỏi các hiệu sách. Tờ Nhân Dân đã đăng hai bài viết công kích Nguyễn Huy Thiệp, cho rằng ông đã “phản bội Cách mạng Việt Nam bằng cách lật đổ các vị anh hùng thiêng liêng trong lịch sử Việt Nam”. Chiến dịch tố cáo tiếp tục cho đến năm 1991, khi cảnh sát đột kích vào nhà ông, tịch thu sách và bản thảo, và không hoàn trả. Ông đã bị thẩm vấn trong mười ngày liên tiếp. “Họ đối xử với tôi như một kẻ bất đồng chính kiến. Tôi đã thật sự chấn động. Đây là một lời cảnh tỉnh cho tôi.”
Vụ đó là một đòn nặng và đã tạo ra một bước ngoặt trong cuộc đời của ông. Nó cũng đánh dấu một bước ngoặt trong văn học Việt Nam, khi cuộc thử nghiệm “cởi trói văn nghệ” thời kỳ “Đổi mới” đã kết thúc.
“Văn học Việt Nam ra đời trong thời đại cách mạng. Nó đã được sử dụng như một công cụ chính trị; điều này làm cho nó trở nên quá ý thức hệ. Nó không đủ tinh tế. Rất khó để trở thành một nhà văn ở Việt Nam”
Chống lại thời thế
Trong lần thứ hai đến Hoa Kỳ năm 1998, tại Đại học Berkeley (University of California–Berkeley), ông nói chuyện về chủ đề “Quan Hệ Giữa Thời Thế Với Văn Học” và tham dự hội luận về văn học Việt Nam thời đổi mới. Tại buổi tọa đàm ông chia sẻ: “Trong thâm tâm, tôi đã và đang chống lại thời thế.”
Chọn viết về hiện thực trong một xã hội mà thân phận người dân như những kẻ “nô lệ”, và “chân dung chính khách chỉ nhìn thấy các cơ mặt bất động hoàn toàn, biểu thị tinh thần chính trị tù đọng tột cùng”, trong bối cảnh bức bối, ngột ngạt của một xã hội với những gia đình không có tôn ti trật tự, nơi đồng tiền ngự trị trên ngai vàng, và tự do là thứ người dân còn chưa hiểu là quyền lợi cao nhất của chính mình”, Nguyễn Huy Thiệp thừa nhân sự nguy hiểm mà ông đối diện khi làm một nhà văn. “Đứng trong các nguy hiểm về tình cảm, về
tài chính và về chính trị nữa, chỉ riêng hiểm họa tình cảm và tài chính đã đủ giết một nhà văn Việt Nam rồi.”
“Tôi không ngừng viết, nhưng tôi đã ngừng ngây thơ,” ông nói. “Chính trị ở phương Đông giống như một con rồng. Khi nó vui, bạn có thể chơi với nó, nhưng khi nó tức giận, nó có thể ăn tươi nuốt sống bạn.”
Trong truyện ngắn “Vàng Lửa” ông để nhân vật của mình suy tưởng: “Sẽ đến lúc nền chính trị thế giới giống như món nộm suồng sã, khái niệm thanh khiết ở đấy vô nghĩa.”
Ông nói nước Việt Nam đi sau thế giới 50 năm, mà nếu muốn thay đổi, ông cho rằng “Có lẽ phải là văn hoá. Không phải là kinh tế. Việt Nam cần cả một cộng đồng nhân hậu, lương thiện.” Nhưng ông thấy rằng với hiện thực Việt Nam thì điều đấy “là một mơ mộng ảo tưởng.”
Nguyễn Huy Thiệp thừa nhận sự “phũ” trong văn của ông là cách để phản ứng tức thì với đời sống. “Tuy nhiên, cao hơn chữ ‘phũ’ phải là chữ ‘Chân’. Phải chân thực,” ông chia sẻ.
Giọng văn lạnh lùng trần trụi mô tả hiện thực nghiệt ngã về xã hội không phải là sự cay nghiệt. Ông chỉ cho ta thấy “Bầy người nhỏ bé như con sâu cái kiến, thúc thủ trong phần sinh linh vừa bé mọn, vừa cô đơn, vừa bất lực”; lại chạy theo những thứ “ảo tưởng phù du”; nhưng mà “thương lắm”, bởi “có ai thương họ đâu”, “Tim tôi ứa máu”, cuối cùng chỉ còn lại “nỗi buồn vĩnh cửu”. Thấm đẫm trong đó là lòng thương những thân phận người, thân phận dân tộc, trong thời kỳ mà riêng ông sớm nhận ra cái tương lai bế tắc của nó. Có lẽ ông là nhà văn đúng như Nguyễn Du diễn tả: ‘Những điều trông thấy mà đau đớn lòng’.
Viết lách giống như một tôn giáo
Từ năm 1992, ông tìm hiểu sâu về đạo Phật. Theo nhà văn, “Tôn giáo đã giúp tôi cân bằng những xung đột đang xoay quanh mình.” Nguồn cảm hứng sử thi huyền thoại nơi núi rừng Tây Bắc năm xưa, vốn chưa bao giờ mất đi, trở lại trong các tác phẩm của ông, sau khi đối diện với việc bị chính quyền trừng phạt. Ông thay thế những tuyên bố bị kiểm duyệt của mình bằng tư tưởng mang màu sắc huyền bí về Đạo.
Trong “Con Gái Thủy Thần”, chàng thanh niên Chương cả đời đi tìm con gái thủy thần cũng giống như một kẻ đi tìm đạo, tìm kinh thánh cho cuộc đời mình. Và ở cuối cuộc hành trình đó, anh ta nhận ra rằng: “Chúng ta cần gì nhiều tiền, nhiều nhà, nhiều đạo đức, nhiều anh hùng? Thoắt buổi sáng, đã trưa, đã chiều. Thoắt mùa xuân, đã thu, đã đông… Chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửu.”
Văn chương của ông trong giai đoạn tiếp theo đó là một hành trình đi tìm Đạo như vậy, như một cách để giải thoát chính mình và cuộc đời.
Từng gói ghém cuộc đời
Năm 2015, tôi và một người bạn đến thăm Nguyễn Huy Thiệp vào một ngày mưa lớn. Không phải vì để bàn chuyện văn chương mà chỉ muốn đến tặng ông một cuốn sách về Phật Pháp mà chúng tôi trân quý. Không ngờ rằng, thời điểm đó ông vừa trải qua một đoạn khủng hoảng tinh thần, và khi chúng tôi đến ông đã mua vé cho một chuyến đi xa; Ông đang gói ghém đồ đạc chuẩn bị đi đến một nơi không ai biết, tìm sự giải thoát bằng một cái chết không phiền lụy ai.
Số phận đã sắp đặt để chúng tôi kịp tặng ông cuốn sách về Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) vào thời khắc bế tắc tuyệt vọng đó. Sau này, ông kể lại trong một lần phỏng vấn trên báo rằng: Sau khi tiễn chúng tôi về, ông tiện tay ngồi lật, thì đọc một mạch hơn ba tiếng. Đọc chưa hết bài giảng thứ nhất, ông đã cảm thấy đó là một cuốn sách kỳ lạ. Nó giải thích được những câu hỏi mà ông trên con đường tìm đạo vẫn băn khoăn, những vấn đề mà ông vẫn ngờ ngờ không hiểu. Tại sao lại thế, tại sao mình sống trong đời này, tại sao vợ như thế, con như thế?
Sau đó ông bỏ vé và dành khoảng hai tuần đọc hết chín bài giảng, cảm thấy trước nay mình sai bét rồi, mình bị mê mà không biết. Rồi ông bắt đầu bước vào tu luyện. Ông tu tâm tính, theo nguyên lý Chân–Thiện–Nhẫn của vũ trụ. Từ những thói quen trong cuộc sống hàng ngày cho đến các mối quan hệ với con người. Hướng đến sự tử tế, cái đẹp, đồng thời kiên nhẫn với mọi người. Ông chia sẻ: “Nhà tôi loạn lắm, nhà con loạn, mình cũng loạn, nhưng bình tĩnh rồi, nhẫn rồi thì cũng đâu vào đấy.” Ông cảm ơn chúng tôi về cuốn sách đã giúp ông “khai ngộ”.
Ông nói một xã hội sụp đổ, hỗn loạn không phải vì kinh tế hay vì vấn đề gì khác mà bởi vô đạo. Trong gia đình, nếu vợ chồng, con cái không giữ đạo thì sẽ đổ vỡ. Tương tự, một người viết sẽ không còn hay nếu như đánh mất đạo viết. “Vô đạo thì giời cũng bỏ,” Nguyễn Huy Thiệp khẳng định.
Viết văn là quá trình tu thân
Nhà văn cho rằng: “Viết lách là thứ nghề lao động bằng sự cô đơn của mình nên không hề đơn giản. Trong quá trình tìm chính mình này, văn học là công việc như là sự tu thân, một phương tiện để khám phá bản thân, và khám phá xã hội.” Ông quan niệm “Đạo trong văn chương thường phải hướng tới Chân–Thiện–Mỹ, còn trong đời sống phải hướng tới Chân–Thiện–Nhẫn”. Không phải vào chùa, xây tượng Phật mà phải tìm thấy Đạo ở chính nội tâm của mình.”
Bởi thế ông cho rằng sứ mệnh người cầm bút: “Khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà khó nhất là đạo đức; nhà văn chỉ là người đi tìm đạo đức cho dân chúng.”
Tôi đọc lại các tác phẩm của ông sau 20 năm, và ngỡ ngàng nhận ra rằng đến giờ may ra tôi mới hiểu được những gì ông viết. Nguyễn Huy Thiệp luôn đi trước sự tỉnh thức của xã hội là như vậy.
Di sản của ông là những tác phẩm văn chương, dù ở bút pháp hay thể loại nào, luôn đầy lòng trắc ẩn; văn chương của ông như lưỡi dao mổ xẻ đến tận cùng những bất ổn của xã hội đương thời, như lời khẩn cầu về sự thức tỉnh. Như ông đã viết những dòng trong tập truyện ngắn đầu tiên nhuốm màu huyền thoại: “Có thể những chuyện cổ ấy nói nhiều đến nỗi đau khổ con người, nhưng chính hiểu rõ những đau khổ ấy mà ở trong ta nảy nở ra sự sáng suốt đạo đức, lòng cao thượng, tình người.”
“Triêu văn đạo, tịch khả tử” (Khổng Tử) – Sáng nghe Đạo, tối chết cũng cam lòng. Một nhà văn cả đời đi tìm Đạo và đã tìm thấy. Ai có lòng tìm Đạo sẽ thấy đồng cảm với di sản văn chương của ông – những áng văn mà ông đã viết bằng thứ ngôn ngữ không bao giờ mất:
“Tôi biết một thứ ngôn ngữ giản dị như đất
Thứ ngôn ngữ mộc mạc, thẳng băng
Tựa như tiếng tù và
Như tiếng kèn đồng
Như tiếng chuông vọng…
Có một thứ ngôn ngữ thức tỉnh con người
Buộc họ soi vào lòng mình như soi mặt xuống lòng hồ
Có thứ ngôn ngữ của người anh hùng, của người chính trực
Nó làm ta bối rối xúc động
Ta không trốn được
Thứ ngôn ngữ không hề phù phiếm, cũng chẳng tân kỳ
Thứ ngôn ngữ của giống nòi truyền lại
Thứ ngôn ngữ của lương tri không bao giờ mất…”
(Trích Mưa Nhã Nam – Nguyễn Huy Thiệp)