Nhập gia tùy tục: Bí quyết để có những chuyến đi đáng nhớ
Victor Block
Vợ chồng ông bà Norma và Robert Chase háo hức khi nhận được lời mời dùng bữa tối tại tư gia của người họ vừa quen biết trong chuyến đến thăm Berlin, Đức. Họ có mặt vào lúc 7:30 tối, trễ hơn giờ hẹn nửa tiếng, như họ có thể đã làm ở Hoa Kỳ – nơi việc “đến trễ một cách lịch thiệp” thường được chấp nhận.
Ông Charles Costa đang tản bộ trên một vỉa hè đông đúc ở London thì vô tình va phải một người đàn ông đang đi ngược chiều. Trước khi ông Costa kịp nói lời xin lỗi, thì quý ông kia đã mở lời lời xin lỗi rồi.
Một số hành vi điển hình ở quốc gia khác có thể không giống với cách cư xử bình thường ở Hoa Kỳ, trong khi một số hành vi được xem là bình thường ở Hoa Kỳ có thể gây bối rối, thậm chí là xúc phạm, đối với cư dân của quốc gia khác. Vì vậy, khi chuẩn bị cho một chuyến đi đến địa điểm xa lạ nào đó lần đầu tiên, việc tìm hiểu về những quy tắc cư xử và phép lịch sự tại nơi đó có thể giúp ích bạn.
Nếu vợ chồng nhà Chases chịu khó tìm hiểu trước, họ sẽ biết rằng việc đúng giờ rất quan trọng đối với người Đức. Để người khác phải chờ đợi có thể bị xem là dấu hiệu cho thấy quý vị nghĩ rằng thời gian của mình quý giá hơn của họ. Tương tự, du khách đến Anh quốc cũng nên biết rằng phép lịch sự vẫn rất được coi trọng ở đây. Thông thường, khi hai người đi bộ vô tình va phải nhau trên đường, cả hai đều sẽ nói lời xin lỗi vì cú va chạm ngoài ý muốn này.
Dự trù để tránh mắc phải những hành vi “mất điểm” khi du lịch có thể – và nên – bắt đầu từ sớm trước khi chuyến đi bắt đầu. Điều này bao gồm việc soạn trang phục mang theo, không chỉ là trang phục phù hợp với thời tiết ở những nơi quý vị sẽ đến, mà còn phải phù hợp với chuẩn mực xã hội. Du khách có thể mặc trang phục giản dị, thoải mái, phù hợp với hầu hết chuyến đi viếng cảnh, nhưng một số nền văn hóa yêu cầu du khách cần ăn mặc kín đáo hơn một chút. Chẳng hạn, ở những nơi thờ phượng tại một số quốc gia, phụ nữ nên mặc váy và che vai.
Gặp gỡ người khác cũng đòi hỏi những cách cư xử đúng đắn. Ở Pháp, theo lệ thường, người ta sẽ chào hỏi người mình từng gặp bằng một hoặc thậm chí hai nụ hôn, từ má trái sang má phải. Tuy nhiên, người Pháp không phải là dân tộc duy nhất chào hỏi bằng những nụ hôn thân mật. Một nụ hôn lên mỗi má cũng phổ biến ở Tây Ban Nha và Ý.
Những người Đức nghiêm cẩn thường thích bắt tay. Còn nếu đó không phải là lần gặp đầu tiên, họ có thể chào nhau bằng một cái ôm. Ở Đức, khi bước vào một căn phòng, theo phép lịch sự, du khách nên bắt tay tất cả những người có mặt, kể cả trẻ em. Bắt tay hoặc ôm hôn phổ biến ở các nước Scandinavia, mặc dù chào bằng lời được ưu tiên nếu quý vị chưa từng gặp người đó trước đây. Tại Nhật Bản, người ta vẫn cúi chào khi gặp gỡ và cảm ơn ai đó. Việc cúi người thấp hơn được xem là lịch sự khi người đối diện là người lớn tuổi hoặc có địa vị xã hội cao hơn. Đây là cách thể hiện sự kính trọng.
Cách giao tiếp với người ở các quốc gia khác cũng có quy ước về những điều nên làm và không nên làm. Điều đầu tiên, hãy nói nhỏ nhẹ. Người dân ở các khu vực khác thường nói chuyện với giọng điệu êm ái hơn. Đôi khi, nếu người mà chúng ta giao tiếp có vốn tiếng Anh hạn chế, chúng ta có xu hướng nói to hơn với niềm tin rằng điều đó sẽ khiến người kia dễ hiểu điều chúng ta nói hơn.
Bên cạnh đó, hãy luôn nhớ rằng trong khi người Mỹ thường giao tiếp một cách thẳng thắn trong đối thoại, điều này lại có thể gây khó chịu cho người dân một số quốc gia khác. Những câu hỏi có vẻ là tự nhiên ở quê nhà lại có thể tạo cảm giác là quá trực tiếp và can thiệp vào đời tư. Người Anh nổi tiếng với tính kín đáo và khéo léo, và những câu hỏi mà chúng ta có thể đặt ra với một người mới gặp ở Mỹ lại có thể bị [người Anh] cho là khiếm nhã. Tương tự, người Canada cũng có thể rất tế nhị, và ngay cả khi họ không đồng ý với ai đó, họ vẫn có khả năng bày tỏ quan điểm một cách khéo léo.
Quy tắc cư xử tại bàn ăn cũng là có vai trò quan trọng. Ở Na Uy, việc để lại bất kỳ thức ăn nào trên đĩa có thể được hiểu là quý vị không thích món ăn đó. Tại Phần Lan, nếu một vị khách tình cờ đang ăn kiêng từ chối món tráng miệng bằng cách nói “Không, cảm ơn,” điều này có thể bị coi là một phản ứng thô lỗ. Cô Linda Nye, chuyên gia về giáo dục du lịch, khuyên rằng chúng ta nên nhận lấy món ngọt như một phép lịch sự, ngay cả khi quý vị chỉ ăn một miếng nhỏ. Nếu được mời đến nhà người Đức dùng bữa tối, việc gửi một lá thư cảm ơn viết tay vào ngày hôm sau được xem là một cử chỉ nhã nhặn. Tương tự ở Mexico, người ta thường mang theo hoa tặng chủ nhà.
Danh sách những việc nên và không nên làm khi đi du lịch vẫn còn dài. Ở một số nước Á Châu, phần đầu được xem là thiêng liêng, và xoa đầu trẻ em có thể bị coi là hành động khiếm nhã. Việc chụp ảnh người khác cũng đặt ra một số thách thức về văn hóa. Chụp ảnh mà không xin phép có thể bị hiểu là xâm phạm quyền riêng tư và xúc phạm cá nhân. Một số nhiếp ảnh gia thường sử dụng ống kính viễn vọng (tele) để chụp ảnh từ xa nhằm tránh tình huống này. Cách làm an toàn nhất là luôn xin phép trước khi hướng máy ảnh về phía ai đó.
Du lịch với sự hiểu biết
Dù đi du lịch hay công tác, việc tìm hiểu trước về văn hóa và phong tục địa phương của điểm đến có thể giúp chuyến đi vui vẻ hơn và tránh được những tình huống khó xử ngoài ý muốn. Một nguồn thông tin hữu ích đáng tham khảo là trang web của Commisceo Global Consultancy – cung cấp các báo cáo chi tiết về truyền thống và cách cư xử ở hơn 80 quốc gia: Commisceo-global.com/resources.