Nhật Bản sẽ ‘yểm trợ’ Mỹ ngăn chặn hành động bạo lực của Nga
HOA THỊNH ĐỐN — Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nói rõ trong cuộc hội đàm trực tuyến hôm 01/21 với Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden rằng đất nước của ông “sẽ hoàn toàn yểm trợ Hoa Kỳ” ngăn chặn Nga xâm lược Ukraine.
Theo quan chức này, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về những căng thẳng ngày càng gia tăng do Nga đóng hàng chục nghìn binh sĩ dọc biên giới với Ukraine.
Trong một tuyên bố do Tòa Bạch Ốc đưa ra, quan chức này nói rằng Thủ tướng Kishida cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác khác, cũng như cộng đồng quốc tế với lập trường mạnh mẽ để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào.
“Chúng tôi đã không đi sâu vào chi tiết cụ thể các bước có thể sẽ được thực hiện trong trường hợp chúng tôi thấy những hành động này diễn ra,” quan chức này cho biết, đồng thời cho biết cả hai nhà lãnh đạo sẽ tham khảo ý kiến chặt chẽ về vấn đề này.
Cuộc thảo luận dài 80 phút cũng đề cập đến việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương và tình hình ở Hồng Kông, nơi Trung Cộng bị cáo buộc đàn áp dân chủ.
TT Biden và Thủ tướng Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định ở eo biển Đài Loan, nơi căng thẳng giữa hòn đảo tự trị của Đài Loan và Trung Cộng đang gia tăng. Trung Cộng tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và thề sẽ đưa hòn đảo này vào quyền kiểm soát của mình bằng vũ lực nếu cần thiết.
Tòa Bạch Ốc cho biết trong một bản tường trình rằng hai nhà lãnh đạo thề sẽ “đẩy lùi” những nỗ lực của Trung Cộng nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, nơi Trung Cộng đang tăng cường hiện diện quân sự, và Biển Hoa Đông – đặc biệt là quần đảo Senkaku đang tranh chấp.
Quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông hầu hết do Nhật Bản quản trị từ năm 1895, nhưng Bắc Kinh bắt đầu khẳng định quyền của họ đối với quần đảo này vào những năm 1970. Ở Trung Quốc, quần đảo này được gọi là quần đảo Điếu Ngư.
Tòa Bạch Ốc lưu ý rằng TT Biden “khẳng định cam kết kiên định của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Nhật Bản, sử dụng toàn bộ khả năng của mình”, bao gồm cả việc áp dụng hiệp ước an ninh Nhật Bản–Hoa Kỳ năm 1960.
Sau các vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo đã lên án hành động của Bình Nhưỡng là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và cam kết duy trì sự phối hợp chặt chẽ về vấn đề này, kể cả với Hàn Quốc.
Triều Tiên hôm thứ Năm 01/20 cho biết họ sẽ tìm cách phát triển ngay lập tức “các phương tiện vật chất mạnh mẽ hơn” để chế ngự “các động thái thù địch đang gia tăng của Hoa Kỳ”, sau khi chính quyền Biden áp đặt các lệnh trừng phạt đầu tiên đối với các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
Khi được hỏi về tuyên bố của Bình Nhưỡng, quan chức này nói rằng Hoa Kỳ đã gửi “một thông điệp rất rõ ràng tới Triều Tiên” trong nỗ lực ngăn cản Triều Tiên thực hiện “các bước khiêu khích tiếp theo”.
Quan chức này nói, “Hoa Kỳ và Hàn Quốc vẫn cởi mở về ngoại giao. Nhưng một loạt các bước như vậy thì không được hoan nghênh nhất, đặc biệt là vào thời điểm tế nhị này ở Đông Bắc Á và nói chung là trên toàn cầu.”
Trong khi đó, TT Biden đã chấp nhận lời mời đến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Kishida vào cuối mùa xuân này và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ năm nay, cuộc họp được tổ chức giữa các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, và Ấn Độ.