Nhi đồng trước vấn đề thể dục
Ngày nay, đời chẳng còn phẳng-lặng và dễ-dàng như hồi xưa, các bực phụ huynh không ai là không tự hỏi: rồi sau đây con em ta làm sao mà sống nổi giữa cuộc đời vật-lộn khó-khăn này ?
Đời càng văn-minh bao nhiêu, máy-móc càng tinh-xảo bấy nhiêu, người ta lại càng cần có đủ sức khỏe, học-lực và nghị-lực để đối phó với hoàn cảnh, hơn nữa, để phấn-đấu với những trở-lực khó khăn.
Xã-hội mới ở hiện tại và tương-lai này phải cần cái gì ? Phải cần những người đủ điều kiện về thể chất và tinh-thần.
Vậy thế-hệ sau này hay hay dở, tốt hay xấu, là tuỳ theo ở cách ta nay gây nuôi đào-tạo thế nào.
Hiện nay vấn-đề nhi-đồng thể-dục không còn là câu chuyện mới lạ nữa, vì ai cũng nhận thấy rằng cách giáo-dục nghiêng về “văn nhược” ngày xưa chung quy chỉ làm yếu-hèn và tiêu-mạ nòi giống !
Thể-thao đối với nước ta xưa là một việc bị rẻ rúng, vứt bỏ xuống tận cùng ! Trái lại, lúc này được ta chú ý tới và đặt lên trên cả mọi sự.
Cuộc chiến-tranh mới rồi, các vị tướng cầm quân nhận rằng đời sống không hoạt-động về thể-chất chỉ có lợi trong các văn phòng thôi. Cho nên ngày nay Chính-phủ đang hết sức chú-trọng vào việc thể-dục để cải tạo lại thanh-niên.
Nhưng thiết tưởng : việc gì cũng vậy, muốn cho nó được tràng-cửu, thì phải chăm nom ngay từ gốc, và phải xây đắp nền-tảng cho chắc-chắn đã.
Trong một nước, đàn trẻ em là nền-tảng tương-lai của xã-hội.
Từ trước tới nay, cũng có nhiều thiếu nên hiểu biết ở đời cần phải khoẻ, vì còn gì sung-sướng bằng một người có một khối óc trong sạch trong một cơ-thể cường-tráng. Nhưng từ ở trường kiêm-bị , sơ-học, cho đến tiểu-học, trung-học, tôi nghiệm thấy, các học trò, ngoài giờ ăn, đều phải để hết thì-giờ chuyên về việc học, vì chương-trình học có nhiều món, nhiều bài quá.
Một đứa trẻ mới 7,8 tuổi mà trong óc non nớt đã phải bận rộn biết bao nhiêu là vấn đề, nào : toán-pháp, sử ký, luân lý, cách trí, vân vân và nay lại thêm các việc ở chốn đình trung, hương ẩm và những bài nói về chức trách của từng viên tổng lý…
Từ bé đến lớn, từ trường kiêm-bị đến trường đại-học, các trò ta lúc nào cũng lo thiếu thì-giờ để học. Hỏi còn đâu mà lo rèn luyện cho thân hình được cứng cáp, nở nang ?
Đó vì cuộc đời “yên vị” trong các học đường đã làm họ yếu ớt thành những thân hình thon dài quá, có những tấm ngục quá “trũng” và những trái tim quá liệt nhược.
Ngày nay , nếu cứ để y nguyên chương trình học như thế mà lại thêm món thể thao bắt buộc thì e rằng sẽ có hại lớn cho các trẻ em sau này.
Những điều cần thiết về tinh thần phải liên kết chặt chẽ với sự thích nghi của cơ thể.
Ta chớ nên quá chăm nom bồi bổ thứ nọ mà bỏ lãng thứ kia.
Vậy kết luận, chúng tôi mong Chính phủ trước khi cho áp dụng bản chương trình thể thao bắt buộc, nên hãy châm chước sửa lại chương trình về học vấn cho thích hợp với trình độ trẻ em đã.
Có như thế, ta mới hy vọng sau này đám dân chúng mới toàn là người mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Hoa-Nam PHAN-KỲ-NÔNG
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)