Nhiều hành động phá hoại ấn bản Epoch Times Hoa ngữ tại Vương quốc Anh
Lily Zhou
Theo các nhân viên ở Anh, hoạt động phá hoại The Epoch Times – một trong số ít những tờ báo Hoa ngữ không chịu sự kiểm soát của Trung Cộng – đã gia tăng trở lại trong năm vừa qua.
Xu hướng này bắt đầu xuất hiện sau khi Tổ chức Ân xá Quốc tế công bố một báo cáo cho biết sinh viên Trung Quốc và Hồng Kông ở tám quốc gia, bao gồm cả Anh, đã buộc phải tự kiểm duyệt bản thân vì lo sợ bị chính quyền Trung Quốc trừng phạt.
Trong hai thập niên qua, ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã liên tục bị phá hoại, với những hành vi như trộm báo, phóng hỏa, đập phá các thùng đựng báo. Một số nghi phạm đã bị bắt giữ, và có ít nhất một phụ nữ ở Canada đã bị tòa án yêu cầu bồi thường về hành vi trộm báo.
Tại Hồng Kông và Hoa Kỳ, các vụ tấn công bạo lực nhắm vào nhân viên và việc đập phá máy in cũng đã xảy ra.
Bà Lý Quế Hoa (Guihua Li), giám đốc Epoch Media UK, cho biết vấn đề trộm cắp báo “nghiêm trọng” đã trở nên nặng nề hơn trong năm qua, và một số đồng nghiệp của bà ở các quốc gia khác cũng đã nêu lên những vấn đề tương tự, nêu bật một xu hướng cho thấy sự dàn dựng có chủ đích của Trung Cộng.
Trộm cắp, phóng hỏa, và phá hoại
Theo các nhân viên ở London, Cambridge, Liverpool, và Glasgow, ở Vương quốc Anh, các tờ báo thường biến mất với tốc độ bất thường.
Cô Emily Li, quản lý văn phòng của The Epoch Times ở London, cho biết cô tin rằng các tờ báo đã bị đánh cắp bởi cả đặc vụ Trung Cộng lẫn các chủ cửa hàng – những người có thể đã chịu ảnh hưởng từ chiến dịch bôi nhọ của đảng đối với ấn phẩm này.
Một độc giả ở Anh – người đã báo trong một thư điện tử hồi năm 2023 việc các siêu thị sử dụng báo làm giấy gói và giấy ăn miễn phí – cho biết: “Tôi muốn đọc The Epoch Times, nhưng không thể lấy được tờ báo nào từ quầy của quý báo.”
Theo cô Emily Li, đầu tháng này, 700 ấn bản của The Epoch Times đã biến mất chỉ trong vòng một ngày tại khu phố người Hoa ở London, trong khi số lượng này lẽ ra phải đủ để phân phối trong khoảng từ bốn đến sáu ngày.
Tại Liverpool, các tờ báo khác cũng đã bị đánh cắp, trong khi ở Glasgow, độc giả nói rằng The Epoch Times là mục tiêu, nhân viên cho biết.
Tại Cambridge, những thùng đựng báo di động gần Đại học Cambridge đã nhiều lần bị đập phá, phá hoại, hoặc phóng hỏa.
Ông Trần Bình (Chen Ping), một nhân viên phát báo ở Cambridge, cho biết đã có ba vụ phóng hỏa và nhiều vụ phá hoại khác khiến những chiếc thùng này bị hư hỏng.
Ngoài việc những tờ báo bị xé hay đốt, “Giờ họ còn phun cả sơn lên thùng báo để che tên của ấn phẩm hoặc gỡ những ký tự đó xuống… hoặc sơn đè chữ lên trên,” bao gồm cả với những lời lẽ thô tục bằng Anh ngữ hoặc khẩu hiệu bằng Hoa ngữ như “Trung Quốc muôn năm”, ông Trần nói.
Bắt quả tang
Ở những nơi khác trên thế giới, báo ở hai siêu thị gần Seattle, Hoa Kỳ, đã bị đánh cắp tổng cộng bốn lần trong cùng một ngày vào cuối tuần tháng 02/2023. Theo các nhân viên chứng kiến và quay lại sự việc, trong ba trường hợp, các bản in của báo lần lượt bị một nhóm người gốc Phi Châu, một người phụ nữ da trắng, và một người đàn ông có vẻ là người gốc Tây Ban Nha lấy đi từng chồng từng chồng một. Họ dường như không nói tiếng Hoa.
Tại Úc, một độc giả kể lại việc chứng kiến một người đàn ông ném báo đi hồi năm 2022.
Tại Toronto, Canada, một người đàn ông đã bị báo cảnh sát vào tháng 08/2023 sau khi liên tục lấy các tờ báo của The Epoch Times và Vision Times – một ấn phẩm khác phản đối Trung Cộng.
Theo Vision Times, một độc giả địa phương cho biết người đàn ông này đã lấy đi tất cả các tờ báo của Epoch Times và Vision Times trong nhiều năm, chỉ giữ lại các trang nhất và ném phần còn lại vào thùng rác. Theo bản tin, một độc giả địa phương khác khẳng định người đàn ông này có thể nhận được một dollar Canada (1 CAD) từ lãnh sự quán Trung Quốc cho mỗi bản sao mà ông ta lấy.
The Epoch Times đã liên lạc với đại sứ quán Trung Quốc tại Canada để đề nghị bình luận.
Bên cạnh hoạt động trộm cắp và phá hoại các tờ báo, còn có các vụ hành hung các nhân viên của The Epoch Times bởi những nhóm người không rõ danh tính – bao gồm một vụ vào năm 2006 khi giám đốc kỹ thuật đương thời của The Epoch Times là ông Lý Uyên (Peter Yuan Li) bị đánh đập tại nhà riêng ở Atlanta, và một vụ khác vào năm 2021, khi phóng viên Lương Trân (Sarah Liang) bị tấn công ở Hồng Kông.
Cũng tại Hồng Kông, xưởng in của The Epoch Times đã bị phóng hỏa hồi năm 2019 và bị hư hại do bị những kẻ cầm búa xâm nhập vào đập phá năm 2021.
Tình trạng trộm báo tăng mạnh gần đây xảy ra sau khi các chính phủ và trường đại học phương Tây được cảnh báo về các hoạt động của Trung Cộng, kể cả việc giám sát và ép buộc Hoa kiều và những người bất đồng chính kiến về nước.
Đầu tháng này, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã công bố một báo cáo mô tả cách mà một sinh viên chỉ sau vài giờ tham gia biểu tình đã nhận được một cuộc gọi từ cha cô ở Trung Quốc – người đã bị các quan chức an ninh yêu cầu “răn dạy con gái… không tham gia bất kỳ sự kiện nào có thể gây tổn hại đến danh tiếng của Trung Quốc.”
Trong khi đó, hôm 22/05, chính phủ Anh đã được kêu gọi xem xét đóng cửa một văn phòng thương mại Hồng Kông ở London vì nghi ngờ “đàn áp xuyên quốc gia” sau khi một nhân viên của văn phòng này bị buộc tội tội gián điệp.