Nhìn qua văn học Việt Nam 1941 (số 2)
Phong trào sử học
Người ta có thể nói năm 1941 – là năm của sử học cũng như những năm 1937-38 là năm của văn phê-bình.
Cái trào lưu văn học ấy có nhiều nguyên-nhân: Sau bao nhiêu năm sống với những văn sầu cảm, văn dâm uế, người ta đã ngấy, phải tìm hay nói cho đúng phải trở lại với một thể văn khác thích-hợp với sự ao ước của người ta hơn.
Nhưng sao lại thế văn sử ký ? Đây ta lại chạm vào một nguyên nhân khác xác-đáng hơn. Lịch-sử văn học đã chứng rằng sau một cơn khủng bố ở ngoài – loạn-lạc, chiến tranh v.v – gieo sự khủng bố vào tất cả những tâm hồn là tự-nhiên người ta xu hướng về lối vặn lãng mạn hoặc lịch-sử. Văn-chương ta cũng không thoát khỏi cái công-lệ ấy.
Trước tôi đã nói đến những sự biến và những chuyển-di trong thế-giới đem lại cho dân tộc ta những sự nghi-ngờ về tương lai. Ta không biết thế-giới sẽ đưa ta đến đâu. Tâm hồn ta như bơ vơ không biết hướng về phương nào để có thể tìm được một chút hy-vọng.
Đành phải quay về với dĩ vãng đề tìm tòi lục-soát nhận lấy cái chân giá-trị của mình. Biết đâu lại không tìm được những bài học hay cho mình.
Nhiều nhà văn đứng đắn, có đủ họ-thức và kiên-nhẫn đã len lỏi vào con đường khó-khăn của lịch-sử. Máy cuốn sách có giá trị, hoặc khảo về một việc, một thời-đại một danh nhân… đã được xuất bản. Tiểu thuyết lịch sử cũng được người ta chú ý đến. Đọc đến đây, chắc có người bảo phải đầu năm vừa rồi mới có tiểu thuyết lịch-sử. Tôi cũng công nhận rằng trong kho sách quốc văn ta không thiếu những sách về loại ấy, nhưng chắc các ngài cũng đồng ý với tôi về chỗ từ trước đến nay người ta đã cho ra đời những tiểu thuyết không có giá trị gì mấy. Người ta không trọng gì tâm lý của những vai trong chuyện, không biết gì đến cái màu sắc của thời đại, vân vân.. đến nỗi ta đọc, ta tưởng như truyện ấy vừa xảy ra ngày hôm qua gì đó. Ngoài sách vở in ra, ta còn được hưởng sự nỗ lực, trong phạm vi này, của mấy tờ báo đứng đắn.
Có tờ chuyên về sử, đăng những bài khảo cứu của những bậc đàn anh, những bài nghị-luận của một số bạn trẻ có tâm huyết đối với cái dĩ vãng của nước mình. Nhiều vấn đề lịch sử ta tưởng không bao giờ còn phải bàn đến nay được đem ra đặt lên thảm xanh; và ta đã nhận được bao nhiêu sai lầm, trong sự biết của ta.
Cả những tờ nhật báo, đáng lẽ giấy chỉ để đăng những tin tức, hằng tuần cũng dành một vài trang để làm việc cho sử học.
Người ta lại còn tổ chức những cuộc thi văn thơ, những cuộc du lịch nhỏ, từng tốp người dưới sự hướng dẫn của những nhà sành sỏi về lịch sử như ông Trần văn Giáp ở trường Bác cổ, đi thăm những dấu cũ của đất nước.
Viết đến đây tôi tranh nhớ đến một công việc đã được dự bị một cách có thể gọi là chu đáo, tôi muốn nói đến cái kho sách“quốc học” của ông Đào-duy-Anh trong Huế. Ông Đào định, với sức hợp tác của một số nhà văn có tiếng trong nước, xuất-bản một loại sách về sử-học và văn-học.
Tiếc rằng, vì gặp nhiều trở lực, tùng-thư của ông Đào, sau bao nhiêu thời-giờ làm việc, đành phải rút hẹp lại phạm-vi, chứ không làm được rộng lớn như trong chương-trình đã định.
Cuối cùng ta phải ghi vào phần năm 1941 cuộc trưng-bầy lịch-sử trong kỳ hội-chợ đấu-xảo vừa rồi (1).
Cuộc trưng bày chỉ một tháng nhưng chắc sẽ được giữ trong trí nhớ người ta một thời gian khá dài. Trên bốn góc tường ở cánh bên trái viện Bảo-tàng Maurice Long, treo bốn bức địa-đồ Đông-dương về thế-kỷ thứ X, XVI, XVIII và cái cuối-cùng về hiện-tại.
Một người Việt-nam có con mắt phàm tục đến đâu nhìn bốn bức bản đồ ấy, chắc cũng phải tĩnh tâm mà nghĩ-ngợi xa-xôi. Từ cái nước “Đại Cồ Việt”, nhỏ xíu ở phía bắc, cho đến nước Việt-Nam ngày nay, đã có biết bao biến-cố; mỗi một tấc bờ-cõi rộng ra là một trang lịch-sử rạng-rỡ…
Hai hàng tủ kính hai bên, chứa đựng bao nhiêu sử-liệu quí giá vô ngần !. Đây là những quyển sách tả những cuộc phiêu-lưu của những người Âu-tây thứ nhất bước chân trên đất ta. Tranh-ảnh những người ấy.
Rồi đến những “mảnh sử” của Nguyễn-triều, cuốn Kim-sách về triều Gia-long, tờ biên-bản việc hủy ân phiên-quốc do nước Tàu cho. Sau cùng, những giấy-má quan hệ về cuộc giao-thiệp giữa nước Pháp và nước ta…
Còn nhiều nữa. Phải một quyển sách mới đủ ghi những điều trông thấy, những cảm-tưởng đã đến cho chúng tôi mỗi lần chúng tôi ngắm những bảo-vật cũ-kỹ, đọc những trang giấy vàng úa được gói kín trong một lượt bụi của thời-gian.
Cái xu-hướng về sử-học năm vừa rồi đã đáng cho ta chú ý. Tuy vậy, chúng ta chưa được phép quá vội lạc-quan. Trong địa-hạt sử-học ta còn phải làm, làm nhiều lắm.
Về vấn đề này, một người Pháp, ông Logis Malleret, trong cuốn sách “Những thành, lũy xưa ở Saïgon 1674-1859” (Les anciennes fortifications et citadelles de Saigon 1674-1859), đã nói một cách nhiệt thành và chua-chát: “Điều ta phải mong-mỏi hơn hết là cái phần dân Việt-nam có kiến-thức tham-dự với chúng tôi vào công-việc sơ-khởi… truy-cứu đến nguồn gốc lịch-sử… Sự thờ-ơ mà người trí-thức Việt-nam tỏ ra trước những di-tích về quá-khứ của họ sẽ là một mối ngạc-nhiên phi-thường đối với những sử-gia ngày sau…” (Ce qu’il faut souhaiter de meilleur, c’est que la partie éclairée de la population annamite participe .., avec nous, à un travail préalable de recensement des sources .. L’indifférence que témoigne l’Annamite instruit, envers les monuments de son passé, demeurera pour les historiens de l’avenir, un prodigieux sujet d’étonnement…) Một câu nói đáng cho ta nghiền-ngẫm !.
Vấn đề giáo dục trong văn chương
Trong ít lâu nay, công-cuộc giáo-dục một phần lớn do ở các nhà cầm vận-mệnh quốc-gia. Ngay khi còn nhỏ, mỗi chúng ta, theo nguyên tắc, được đến nhà trường học-tập đề mở-mang trí-thức và luyện thân thể. Chúng tôi nói theo nguyên-tắc. Sự thực cách giáo dục nói trên với những khuyết điểm về thi-hành không đem lại cái kết quả mong đợi. Đồng thời sự giáo-dục trong gia-đình hình như thiếu hẳn. Cho nên ở xã-hội ta, đã sinh ra một lớp người về thể chất, kém-cỏi, “về tinh-thần, nhu-nhược và nhát sợ, kém óc thực-tế, giàu óc trối-kệ, không biết trọng kỷ luật, không ra hoạt-động, không có tín-ngưỡng…”
Trước cái tình-trạng nguy-ngập ấy, mỗi phần-tử trong xã-hội đều nhận thấy ở mình một phần trách nhiệm.
“Tôi tưởng không lúc nào bằng lúc này, một cuộc cải cách hoàn toàn và triệt-để nền giáo-dục Việt-nam lại là việc quan trọng và cần thiết mà phàm người biết lo xa nghĩ sâu đều nên và phải quan-tâm đến. Vi nói đến sự cải-cách nền giáo-dục Việt-Nam hiện-thời tức là tính đến chuyện “ làm-lại” cả cái xã-hội Việt-nam” (Thái-Phi)
“Làm lại cái xã-hội Việt-nam” ? Không bao giờ bằng năm vừa qua, ta được nghe những tiếng ấy vang lên rõ-rệt đến thế. Người ta đã nói và người ta đang làm: Chính-phủ hợp sức với các hội trong toàn xứ, gây nên những phong trào rất bồng-bột, phong trào thanh-niên và phong trào thể-thao.
Các nhà văn, nhà báo dùng ngòi bút của mình để cổ-động ráo-riết cho phong-trào ấy. Trong hầu hết các báo chí đều có những lời hô-hào như thúc-giục, như nhắc-nhở cho mọi người: Phải khỏe mạnh để đủ sức làm trọn nghĩa vụ.
Những sách có giá trị bàn về sự luyện-lập thân-thể, việc chữa lại cái tinh-thần đã bạc nhược được xuất bản và hoan-nghênh.
Ngoài ra, người ta còn nghĩ đến việc giáo-dục nhi đồng bằng báo-chí sách-vở. Thanh-Nghị phần trẻ em, Hoa xuân, Hoa mai.v.v.., đều theo đuổi một cái đích chung ấy.
Người ta có thể nói mà không sợ sai lầm lắm rằng trước kia phần nhiều văn-chương chỉ được đem ra phụng sự những cái vẩn-vơ có thể đầu độc sức khỏe, tài trí phấn đấu của người mình này sẽ được đem ra dùng một cách chính-đáng, làm việc cho cuộc tiến hóa chung về Phương diện tinh-thần cũng như về phương-diện thể-chất.
(Còn nữa)
LÊ THANH
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)