Những câu chuyện từ ‘Đệ Tử Quy’: Hiếu đễ với cha mẹ
Daniel Teng
“Chuẩn tắc để trở thành một người con ngoan trò giỏi” (Đệ Tử Quy) là một cuốn sách giáo khoa truyền thống của Trung Hoa dành cho trẻ em, dạy trẻ em đạo lý và những quy tắc lễ nghi. Sách này do Lý Dục Tú thời nhà Thanh biên soạn, dưới thời trị vì của Hoàng đế Khang Hy (1661–1722). Sau đây là một số câu chuyện cổ Trung Hoa minh họa cho những bài học quý giá trong Đệ Tử Quy. Chương thứ nhất của Đệ Tử Quy giới thiệu quan niệm của người Trung Quốc về chữ “xiao” (hiếu), hay chính là bổn phận của con cái đối với cha mẹ.
Lòng hiếu thảo của Mẫn Tử Khiên khiến người mẹ kế vốn ghét ông cảm động
Nói đến hiếu thảo, trong Đệ Tử Quy có viết rằng:
Thân ái ngã,
Hiếu hà nan;
Thân tăng ngã,
Hiếu phương hiền.
Tạm dịch:
Cha mẹ thương,
Hiếu đâu khó;
Cha mẹ ghét,
Hiếu mới hay.
Một tấm gương đạo đức về lòng hiếu thảo, hay hiếu kính cha mẹ, chính là Mẫn Tử Khiên sống vào thời Xuân Thu. Mẫn Tử Khiên là người nước Lỗ thời Xuân Thu (770 trước Công Nguyên–476 trước Công Nguyên). Mẹ ông mất sớm khi ông còn nhỏ; cha ông tục huyền và sinh thêm hai người con.
Mẫn Tử Khiên rất hiếu kính và chăm lo cho cả cha ruột lẫn mẹ kế, nhưng mẹ kế lại không thương yêu ông. Mùa đông năm nọ, bà may những chiếc áo khoác mùa đông ấm áp cho hai người con trai ruột nhưng lại dùng phần kết bông từ cây sậy (sợi lau thô) để may áo cho Mẫn Tử Khiên. Chiếc áo này nhìn bên ngoài trông giống như vải bông nhưng lại không thể giữ ấm.
Đó là một mùa đông giá rét và một ngày nọ, cha Mẫn Tử Khiên bảo ông đánh xe ngựa, nhưng Mẫn Tử Khiên gần như không thể giữ được dây kéo vì tay ông lạnh cóng. Cha ông cảm thấy rất tức giận nhưng Mẫn Tử Khiên không biện giải lời nào. Một lúc sau, cha Mẫn Tử Khiên nhìn thấy sắc mặt con trai mình tái nhợt. Ông chạm vào con trai và phát hiện Mẫn Tử Khiên chỉ mặc một chiếc áo khoác mỏng manh.
Ông cởi áo khoác của Mẫn Tử Khiên ra và thấy rằng chiếc áo đó chỉ được làm từ lau sậy, nhưng hai cậu con trai còn lại của ông thì đang mặc áo khoác bông ấm áp. Cha ông tức giận và quyết định ly hôn vợ mình vì sự tàn nhẫn của bà. Nhưng Mẫn Tử Khiên đã bật khóc nức nở, khuyên cha rằng: “Trong nhà còn mẹ, chỉ một đứa con chịu lạnh. Nếu mẹ đi rồi, cả ba con trai của cha sẽ rét sương.”
Nghe những lời Mẫn Tử Khiên nói, người mẹ kế cảm động từ tận đáy lòng và bắt đầu đối đãi công bằng với cả ba người con trai.
Câu chuyện về lòng hiếu thảo của Mẫn Tử Khiên đã vang xa khắp thiên hạ kể từ đó.
Tầm quan trọng của việc chân thành sửa lỗi
Trong Đệ Tử Quy có viết rằng:
Vô tâm phi,
Danh vi thác;
Hữu tâm phi,
Danh vi ác;
Quá năng cải,
Quy ư vô;
Thảng yểm sức,
Tăng nhất cô.
Tạm dịch:
Lỗi vô ý
Gọi là sai.
Lỗi cố ý
Gọi là tội.
Biết sửa lỗi
Không còn lỗi;
Nếu che giấu
Lỗi chồng thêm.
Khi xảy ra vấn đề nào đấy, chúng ta cần nhìn lại xem lỗi đó là cố ý hay do bất cẩn mà ra. Thêm vào đó, chúng ta không nên che giấu hay tìm cách bao biện, mà nên thành tâm sửa chữa lỗi lầm.
Nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc, Tăng Củng, là bạn thân thiết với vị tướng Vương An Thạch thời nhà Tống. Một ngày nọ, vua Thần Tông hỏi Tăng Củng: “Khanh nghĩ sao về nhân phẩm của An Thạch?”
Tăng Củng thưa rằng: “Văn chương của An Thạch có thể sánh ngang với Dương Hùng thời nhà Hán. Tuy nhiên, ngài ấy lại là một người keo kiệt, nên ngài ấy không thể sánh bằng Dương Hùng được!”
Nhà vua lại nói: “An Thạch vốn không màng đến danh tiếng và của cải, vậy sao khanh lại nói rằng ông ta keo kiệt?”
Tăng Củng thưa: “Ý của thần là An Thạch quá ‘keo kiệt’ để sẵn sàng sửa chữa những lỗi lầm của mình mặc dù ngài ấy dũng mãnh và lập được nhiều chiến công.” Vua Thần Tông nghe xong bèn gật đầu tỏ ý tán đồng.
Vương An Thạch vang danh thiên hạ bởi tài năng và học thức của mình. Tuy nhiên, ông lại là một người ngoan cố và không bao giờ thừa nhận bất kỳ sai lầm nào. Khi thực thi chính sách mới, cuối cùng ông đã làm tổn hại đến dân chúng và lưu lại ô danh trong sử sách.
Từ thời cổ đại đến nay, các bậc thánh nhân không phải là những người không mắc lỗi lầm. Thay vào đó, dù họ từng phạm sai lầm, nhưng họ đã mau chóng sửa chữa những sai lầm đó. Họ thường xuyên tự soi xét bản thân và tự phản tỉnh một cách thích đáng.
Câu ngạn ngữ cổ của Trung Hoa nói rất đúng về điều này: “Có thể sửa chữa những lỗi lầm của mình là điều tuyệt vời nhất không gì sánh được.”
Đừng truy cầu hay đắm chìm trong những thứ phù phiếm
Trong “Đệ Tử Quy” có viết rằng chúng ta không được làm điều sai quấy hoặc bất công với người khác, ngay cả nếu chúng ta nghĩ rằng đó là việc vụn vặt và không gây tổn thất gì đáng kể, hoặc không có hậu quả gì. Cha mẹ chúng ta không muốn thấy chúng ta làm những điều trái đạo đức hoặc phạm pháp. Cuốn sách kinh điển này cũng dạy rằng chúng ta không nên che giấu bất cứ bí mật nào với cha mẹ mình, cho dù điều đó nhỏ nhặt đến đâu đi chăng nữa, bởi vì nếu chúng ta làm vậy sẽ khiến cha mẹ buồn lo.
Sự tuy tiểu,
Vật thiện vi;
Cẩu thiện vi,
Tử đạo khuy.
Vật tuy tiểu,
Vật tư tàng;
Cẩu tư tàng,
Thân tâm thương.
Tạm dịch:
Việc tuy nhỏ,
Chớ tự làm;
Nếu tự làm,
Thiếu đạo con.
Vật tuy nhỏ,
Chớ cất riêng;
Nếu cất riêng,
Cha mẹ buồn.
Vào thời cổ xưa, các bậc cha mẹ rất nghiêm khắc trong việc áp dụng những quy phạm và chuẩn tắc này cho các con của mình, kèm theo đó là những biện pháp kỷ luật tương ứng. Điều này đã nuôi dưỡng nhiều trẻ nhỏ trở thành những vị tướng dũng mãnh không sợ hãi khi đối mặt với sinh tử. Dưới sự dạy bảo của những bậc cha mẹ ngay chính, họ đã trở thành những vị quan liêm chính trong nhiều triều đình, phụng sự dân chúng và quốc gia của họ mà không truy cầu bất cứ hồi báo nào cho bản thân hoặc gia đình của mình.
Một ví dụ như thế là câu chuyện về vị tướng Thích Kế Quang, thời nhà Minh, và phụ thân của ông là Thích Cảnh Thông.
Thích Kế Quang sinh ra trong một gia đình nhà binh. Lúc Kế Quang chào đời, phụ thân của ông là Thích Kế Thông đã 56 tuổi, độ tuổi tương đối cao. Kế Quang là con trai duy nhất trong gia đình và cha ông rất mực yêu thương ông. Cha đích thân dạy Thích Kế Quang đọc sách và luyện võ. Tuy nhiên, ông cũng rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ Kế Quang về nhân cách đạo đức và cách cư xử.
Một ngày nọ, khi Thích Kế Quang 13 tuổi, ông nhận được một đôi giày lụa rất tinh mỹ. Đi đi lại lại trong sân với đôi giày mới của mình, ông cảm thấy rất cao hứng. Nhưng khi cha của Kế Quang nhìn thấy, cha ông đã gọi ông vào thư phòng và tức giận quở trách, “Một khi con có đôi giày tốt, thì tự nhiên con cũng mơ mộng tới việc mặc y phục đẹp. Một khi con có được y phục đẹp, thì tự nhiên con cũng mộng tưởng tới việc ăn ngon. Con còn nhỏ tuổi như vậy mà đã nuôi dưỡng tâm thích ăn ngon mặc đẹp. Vậy thì sau này con sẽ trở nên tham lam vô độ mà thôi.”
“Khi lớn lên, con sẽ theo đuổi cao lương mỹ vị và trang phục sang trọng,” cha của Kế Quang tiếp tục nói. “Nếu con trở thành một quan quân triều đình, con thậm chí sẽ biển thủ cả quân lương. Nếu con còn tiếp tục như thế này, con sẽ khó mà kế thừa gia nghiệp của các bậc tiền nhân.”
Thích Kế Thông biết rằng đôi giày lụa đó là món quà do ông ngoại của Thích Kế Quang tặng. Tuy nhiên, ông vẫn bảo Kế Quang cởi giày ra, và ông lập tức xé đôi giày đó ra thành nhiều mảnh để ngăn con trai mình hình thành thói xấu là đắm chìm vào sự xa hoa. Một lần, gia đình nhà họ Thích cần sửa chữa lại hơn mười gian phòng đã xuống cấp nghiêm trọng. Thích Kế Thông đã thuê một số thợ cả để thực hiện việc này. Bởi vì nhà họ Thích cần có một nơi chỉn chu để đón tiếp bá quan trong triều, nên ông đã yêu cầu những người thợ này lắp đặt bốn cánh cửa chạm khắc hoa văn trong sảnh chính, đồng thời Thích Kế Quang trông coi việc lắp đặt.
Những thợ cả nghĩ rằng nhà họ Thích là một trong những gia tộc cao quý và cho rằng nếu chỉ lắp bốn cánh cửa chạm khắc thì trông sẽ khá thanh bần. Họ nói riêng với Thích Kế Quang rằng, “Những trưởng bối nhà cậu đều là các vị tướng quân. Với một gia tộc quyền quý và giàu có như vầy, tất cả các cửa trong nhà đều nên được chạm trổ, khắc hoa văn, như vậy có tổng cộng là mười hai cửa. Chỉ có như thế mới xứng đáng với địa vị xã hội của gia đình cậu.”
Thích Kế Quang nghĩ rằng lời đề nghị đó cũng hợp lý và thưa chuyện với cha mình. Thế nhưng Thích Kế Thông đã nói nặng lời vì ý tưởng ngông cuồng và phô trương này.
Cha đã quở trách Kế Quang rằng, “Nếu con theo đuổi và đắm chìm bản thân trong hư danh phù phiếm, lớn lên con sẽ không thể làm nên đại sự.”
Thích Kế Quang tiếp thu lời quở trách của cha và nói các thợ cả chỉ lắp đặt bốn cánh cửa.
Thích Kế Thông cũng dạy Thích Kế Quang rằng, mục đích của việc học văn và luyện võ không phải là để theo đuổi danh vọng, thành tựu, hay phú quý cho bản thân. Thay vào đó, việc này là để mang lại lợi ích cho quốc gia, xã tắc, và bách tính.
Thông qua sự dạy dỗ, kỷ luật, và cách cư xử mẫu mực của cha mình, Thích Kế Quang sống đời thanh bần và hài lòng với việc ăn uống thanh đạm. Ông chuyên tâm và sốt sắng học hành và khổ luyện võ nghệ. Sau này, ông trở thành một danh tướng đồng thời là một chiến lược gia kiệt xuất thời nhà Minh, và ông đã chiến đấu chống lại các dân tộc thiểu số xâm lược. Thanh danh của ông mãi mãi được lưu lại trong sử sách Trung Quốc.
Thích Kế Quang đã học được rằng tính khoe khoang, mê muội, để tâm vào vẻ bề ngoài của một người, tích lũy của cải, đạt được thành tích và địa vị – những tham luyến này là để mong được người khác tâng bốc và khen ngợi, và đều là những biểu hiện của sự phù phiếm. Mà căn nguyên của sự phù phiếm không gì khác hơn là sự dính mắc vào tự ngã của một người. Điều đó chắc chắn sẽ hủy hoại những khát vọng cao quý của một người, và người này chắc chắn sẽ thất bại khi làm việc lớn. Nếu một người bị hư vinh làm cho mê hoặc như vậy và – bị một tâm thái như thế dẫn dắt – tranh đấu với người khác, thì anh ta thật đáng thương.