Những điều cha mẹ nên biết về thời gian sử dụng thiết bị điện tử
Barbara Danza
Các thiết bị kỹ thuật số đã trở thành một cái gai đối với nhiều bậc cha mẹ. Giống như mở nắp chiếc hộp Pandora, một khi trẻ em được cấp quyền truy cập vào những màn hình đang nhấp nháy ánh sáng này, việc giảm thời gian sử dụng của các em với các thiết bị điện tử sẽ trở nên khó khăn. Khi công nghệ này ngày càng có nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, thì những tác động bất lợi của việc sử dụng nó đối với trẻ em thậm chí ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Tôi đã hỏi ông Taíno Bendz, người khởi xướng sáng kiến Phone Free Day (Ngày Không Điện Thoại) và là tác giả của quyển sách sắp ra mắt “Tech-Life Balance, 101 Ways to Thrive in a Digital World” (Cân Bằng Giữa Công Nghệ Và Cuộc Sống: 101 Cách Để Phát Triển Trong Thế Giới Kỹ Thuật Số), về lời khuyên của ông dành cho các bậc cha mẹ. Sau đây là những gì ông chia sẻ.
The Epoch Times: Ngày Không Điện Thoại là gì, và điều gì đã truyền cảm hứng cho ông để khởi xướng sáng kiến này?
Ông Taíno Bendz: Vào năm 2019, khi tôi đang trong tư thế bò ở trên sân để chơi với các con của mình. Một đứa trẻ khác bắt đầu khóc và ngước lên tìm kiếm cha mẹ của bé. Tôi cũng nhìn lên, nhưng tất cả những gì tôi bắt gặp là mặt lưng của hàng chục chiếc điện thoại – tất cả các bậc cha mẹ đều hoàn toàn chăm chú vào màn hình của họ. Tôi nhận ra cách sử dụng điện thoại của người lớn dưới góc nhìn của một đứa trẻ và cảm thấy, “Đây không phải là cách mà tôi muốn các con mình lớn lên.”
Tôi đã nói chuyện với huấn luyện viên khi đó của tôi, và chúng tôi nảy ra ý tưởng khởi xướng sáng kiến Phone Free Day (Ngày Không Điện Thoại) như một thử thách thường niên. Đó là một sáng kiến bất vụ lợi được hoạt động như một nền tảng nơi mà mọi người, giữa những nền tảng khác, có thể đọc về những tác động của việc lạm dụng công nghệ; làm một bài kiểm tra về mức độ nghiện điện thoại; và điều quan trọng nhất – hãy chấp nhận một thử thách để thay đổi mối quan hệ của họ với công nghệ và gặt hái những lợi ích! Đó là tất cả về những gì mà chúng ta đang nhận được, chứ không phải những gì mà chúng ta đang từ bỏ. Vì thực tế là hầu hết mọi người không thể sống cả ngày không có điện thoại, nên có nhiều cấp độ khác nhau từ việc không dùng điện thoại khi dùng bữa, cho đến việc hoàn toàn không dùng điện thoại.
Từ lâu trước khi xảy ra tình huống ở sân chơi nói trên, vốn là một chất xúc tác, tôi đã nhận thấy các thiết bị chuyển từ mới mẻ và thú vị thành gánh nặng cho nhiều người như thế nào – gây căng thẳng và ảnh hưởng đến giấc ngủ, các mối quan hệ, và nhiều hơn thế. Vợ tôi và tôi đã tổ chức một đám cưới không có điện thoại vào năm 2014 – điều mà các khách mời yêu thích, vì họ có thể giao tiếp với nhau nhiều hơn và chú tâm vào trải nghiệm ở sự kiện hơn là chụp một bức ảnh đẹp nhất và chọn bộ lọc [chỉnh sửa ảnh] rồi gắn thẻ hashtag phù hợp [cho mạng xã hội].
The Epoch Times: Ông mong muốn nhiều bậc cha mẹ hơn nữa hiểu điều gì về việc trẻ em sử dụng công nghệ thời nay?
Ông Taíno Bendz: Điều quan trọng là phải hiểu rằng công nghệ kỹ thuật số có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ sự phát triển não bộ, phát triển khả năng nói, khả năng nhận thức, sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em, đến giấc ngủ, thị lực, và thính giác. Khi được sử dụng một cách có mục đích và cân bằng, thì công nghệ có thể trợ giúp tất cả các lĩnh vực này, nhưng thực tế là việc sử dụng công nghệ của nhiều trẻ em là không có mục đích cũng như không cân bằng, và ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy những tác hại tiềm ẩn.
Tôi cũng mong rằng các bậc cha mẹ nhận ra việc sử dụng công nghệ này không phải là một quyền, đó là một đặc ân, và về lâu dài họ nên giúp đỡ con mình bằng cách dạy các em về sự cân bằng giữa công nghệ và cuộc sống.
Đối với những trẻ em nhỏ hơn, tôi mong các bậc cha mẹ hiểu rằng nếu chỉ vì để đứa trẻ ngừng khóc mà đặt một thiết bị trước mặt chúng, điều đó không dạy cho các em khả năng tự kiểm soát, cũng như không cải thiện sự kết nối giữa cha mẹ và con cái! Đó là một giải pháp chóng vánh có các tác hại tiềm ẩn về lâu dài.
Cuối cùng, tôi mong các bậc cha mẹ hiểu rằng đám trẻ buồn chán cũng không sao. Thực sự hoàn toàn ngược lại, việc trẻ em (và người lớn!) cảm thấy buồn chán là điều tốt. Công việc của chúng ta với tư cách là cha mẹ không phải là khiến con bận rộn và bị kích thích liên tục.
The Epoch Times: Nhiều bậc cha mẹ thời nay còn không hiểu rằng [dành] bao nhiêu thời gian sử dụng thiết bị điện tử là quá nhiều và nên đặt ra những ranh giới nào cho con cái của họ. Ông sẽ khuyên họ làm gì?
Ông Taíno Bendz: Làm theo các hướng dẫn chính thức là một khởi đầu tuyệt vời (và bạn cũng có thể đổ lỗi cho người khác!). Các tổ chức như American Academy of Child Adolescent Psychiatry (Học viện Tâm thần Trẻ em và Vị thành niên Hoa Kỳ), American Academy of Pediatrics (Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ), và Tổ chức Y tế Thế giới có các khuyến nghị về thời lượng sử dụng thiết bị điện tử cho các nhóm tuổi khác nhau và, điều quan trọng không kém là, sử dụng thiết bị điện tử như thế nào là phù hợp. Tất nhiên, lượng thời gian sử dụng thiết bị và những giới hạn thích hợp phụ thuộc vào độ tuổi và hoàn cảnh riêng của mỗi người, nhưng trước tiên, tôi khuyến khích mọi người không sử dụng thiết bị trong giờ ăn, cũng như trong phòng ngủ.
Tôi cũng thực sự khuyên các bậc cha mẹ nên tuân theo những giới hạn độ tuổi dành cho mạng xã hội, điều mà nhiều bậc cha mẹ thậm chí còn không nhận thức được. Hầu hết các nền tảng, trong đó có TikTok, Instagram, và Snapchat, đều có một giới hạn độ tuổi là 13.
The Epoch Times: Nếu cha mẹ muốn giảm thời gian con cái họ tiếp xúc với thiết bị điện tử, ông sẽ khuyên họ thực hiện điều đó như thế nào?
Ông Taíno Bendz: Hoàn toàn là [giải pháp] số 1 này – hãy nói chuyện với con của bạn. Trẻ em thường hiểu nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ. Tôi đã làm việc với các bậc cha mẹ cố gắng thực hiện các quy tắc và lệnh cấm. Tuy nhiên, họ chỉ thành công một khi họ thực sự ngồi xuống với con mình, bày tỏ những lo ngại của họ, đưa ra một số số liệu thống kê và nghiên cứu, đồng thời hỏi ý kiến và quan điểm của con.
Tùy thuộc vào độ tuổi của các em, bạn có thể đặt những câu hỏi như: “Con thích điều gì khi sử dụng công nghệ?” “Có khía cạnh nào mà con không thích không?” “Con có bất kỳ trải nghiệm tồi tệ nào trên mạng không?” “Con nghĩ gì về việc sử dụng công nghệ của cha/mẹ?” Hãy cởi mở và trung thực và làm điều này với tư cách là một gia đình – bạn với tư cách là cha mẹ cũng cần phải thay đổi! Nếu bạn thể hiện rằng bạn sẵn sàng hy sinh và thay đổi thói quen của chính mình, thì nhiều khả năng là các con sẽ làm theo.
Hãy hiểu rõ về động lực cho việc này, “lý do” của bạn đằng sau việc bạn muốn thay đổi. Hãy đặt ra một số quy tắc căn bản mà mọi người trong nhà đều tuân theo, và tận hưởng niềm vui với việc thực hiện quy tắc! Có lẽ bạn sẽ có một buổi tối không dùng thiết bị điện tử và nấu món ăn yêu thích của các con, hoặc làm điều gì đó cùng bọn trẻ. Tôi biết nói thì dễ hơn làm, nhưng tôi cũng đã thấy việc thay đổi những thói quen sử dụng công nghệ đã thay đổi toàn bộ các gia đình như thế nào và khiến họ trở nên gắn kết hơn, hạnh phúc hơn, và khỏe mạnh hơn nhiều!
The Epoch Times: Ông tin rằng việc cha mẹ sử dụng công nghệ có tác động gì đối với các con của họ?
Ông Taíno Bendz:: Việc cha mẹ sử dụng công nghệ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của chính họ, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái họ và mối quan hệ giữa cha mẹ và các con. Sự quan tâm của cha mẹ [dành cho con] là quan trọng đối với sự phát triển của một đứa trẻ, bất kể ở độ tuổi nào. Theo nghĩa trên bề mặt, một em bé sử dụng giao tiếp bằng mắt và khuôn mặt của cha mẹ các em như một chiếc la bàn để nhìn thế giới và diễn giải các sự kiện xung quanh các em. Một đứa trẻ mới biết đi, suốt chặng đường phát triển cho đến lúc trở thành một thiếu niên, xem cha mẹ là sự xác nhận, khẳng định, trợ giúp [của mình], và nhiều hơn thế nữa. Đặt một thiết bị vào tay cha mẹ và sự kết nối đó bị ngắt đi. Những thư điện tử công việc quan trọng, lướt tin tức hoặc mạng xã hội, tin nhắn văn bản đó đang xen vào giữa bạn và con của bạn và là những tín hiệu cho con bạn thấy rằng bất cứ điều gì bạn đang làm trên thiết bị đều quan trọng hơn các con.
Bất kỳ ai, không chỉ trẻ em, đều cảm thấy bị bỏ rơi khi người khác kiểm tra chiếc điện thoại của họ trong suốt một cuộc trò chuyện, và các nghiên cứu ủng hộ quan điểm cho rằng các mối quan hệ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi có các thiết bị xung quanh.
Cuối cùng, các bậc cha mẹ tất nhiên là những hình mẫu, vì vậy việc sử dụng công nghệ của chính chúng ta ảnh hưởng rất nhiều đến cách nhìn của con cái chúng ta về mối quan hệ với công nghệ nên như thế nào.
The Epoch Times: Điều gì khiến ông bận tâm nhất khi nói đến việc trẻ em sử dụng các thiết bị kỹ thuật số?
Ông Taíno Bendz: Nếu tôi phải chọn một mối lo ngại, đó sẽ là việc trẻ em lớn lên quá kết nối [với thiết bị điện tử] đến mức các em mất đi sự gắn kết với thế giới xung quanh chúng ta. Điều đó có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là khi đầu tư nhiều thời gian hơn vào thế giới trực tuyến và các mối quan hệ, thì sẽ có ít thời gian hơn dành cho thế giới thực có tiềm năng khám phá vô hạn, với việc phóng thích dopamine chậm hơn nhưng bền vững hơn. Điều đó có nghĩa là bọn trẻ có thể trở nên bị điều chỉnh và quá nhạy cảm với sự phản hồi của xã hội, đồng thời làm giảm tính chính trực và quyết tâm của các em trong tiến trình này. Điều đó có nghĩa là tính giải trí, niềm vui, và sự sáng tạo được phát trực tuyến và trẻ em trở thành những người tiêu dùng trò chơi, thay vì là những người tạo ra những điều đó.
Tiến trình trưởng thành gắn liền với sự lạc lõng và mất kết nối dĩ nhiên có liên quan đến sức khỏe tâm thần. Tôi tận mắt chứng kiến những tác động của cái mà tôi gọi là “những loại công nghệ thu hút sự chú ý” đối với trẻ em và sự phát triển của chúng trong mọi lĩnh vực, từ học tập, ngủ nghỉ, căng thẳng, và lo lắng, đến các khả năng giao tiếp xã hội.
Mọi người đều có thể cân bằng giữa công nghệ và cuộc sống, đồng thời thời gian không sử dụng thiết bị đồng nghĩa với việc có nhiều thời gian hơn cho những việc khác. Và ai lại không muốn có thêm thời gian kia chứ? Tôi đã gặp rất nhiều người, cả các cá nhân lẫn các gia đình. Họ đã thoát khỏi cơn nghiện thiết bị điện tử và cải thiện đáng kể phẩm chất cuộc sống của họ nhờ những thay đổi nhỏ trong thói quen.
Cô Barbara Danza là bà mẹ hai con, có bằng Cao học Quản trị Kinh doanh, yêu biển và có trái tim thuần khiết. Bài viết của cô thường đi sâu vào những thách thức và cơ hội nuôi dạy con cái trong thời hiện đại.