Những đứa trẻ thuần khiết trong tranh của họa sĩ Barbara Schafer
Là một nghệ sĩ gốc Ba Lan lớn lên dưới chế độ cộng sản vào thập niên 50 và 60, bà Barbara Schafer thấu hiểu về hoàn cảnh của những gia đình bị bức hại về đức tin tại Trung Quốc ngày nay.
“Trẻ em dễ dàng trở thành mục tiêu bức hại kế tiếp sau khi bị tách khỏi cha mẹ,” nghệ sĩ người Úc Barbara Schafer chia sẽ với The Epoch Times: “Nhiều trẻ em Trung Quốc đang bị bức hại vì đức tin của các em, nhiều em đã bị đuổi khỏi trường học, hoặc bị trừng phạt vì đi lễ nhà thờ hay vì tham gia các hoạt động tôn giáo bên ngoài trường học, chúng bị buộc phải đọc các khẩu hiệu chống tôn giáo và ủng hộ chủ nghĩa vô thần, nhiều em bị ép ký vào các văn bản từ bỏ đức tin của mình.”
Bà Schafer (hiện 69 tuổi) đã định cư tại thành phố Melbourne, Úc Châu từ năm 1987 sau khi di cư lần đầu từ Ba Lan đến New Zealand 10 năm trước cùng chồng lúc bà 24 tuổi. Bà cho biết: “Nhiều thành viên trong gia đình tôi đã bị chế độ cộng sản độc tài tàn bạo khủng bố.”
Bà chia sẻ một kỷ niệm khi còn nhỏ tuổi bà đã tin rằng các phương tiện truyền thông Ba Lan hoạt động vì lợi ích của người dân, vì thế cô gái nhỏ Schafer đã từng viết thư cho các tờ báo để bày tỏ những băn khoăn của mình đối với đất nước. Thật không may, sau đó bà phải chứng kiến những hậu quả cay đắng: “Mẹ tôi đã bị trừng phạt bởi vì hành động của tôi.”
Từ đó, bà nhận ra quyền tự do về thông tin không hề tồn tại. “Mọi bức thư mà chúng tôi nhận được từ Tây phương đều bị đọc trước và một số thông tin trong đó bị tô xóa bằng mực đen.”
Bà Schafer hồi tưởng: ngay từ khi còn nhỏ, bà đã từng đứng canh gác ngoài cửa sổ để cha của bà nghe Đài Âu Châu Tự do hoặc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ vì nếu bị phát hiện họ có thể bị bỏ tù.
“Khi các luật lệ của cộng sản thâm nhập sâu vào mọi ngõ ngách của xã hội, con người ngày càng suy thoái đạo đức, kiêu ngạo, lười biếng và coi thường bản thân. Tham nhũng và hối lộ tràn lan, vì thế phiếu ăn đã ra đời.”
Ba Lan đã thoát khỏi ách cai trị chế độ của cộng sản sau sự kiện Liên Xô sụp đổ vào năm 1989. Bà Schafer tin rằng chế độ cộng Trung Cộng ngày nay cũng sẽ phải đối diện với số phận tương tự.
Bà tiếp tục: “Cũng giống như cuộc đàn áp các tín đồ Cơ đốc dưới sự cai trị của đế quốc La Mã, Trung Cộng sẽ sụp đổ vì đã bức hại đến chết hàng triệu vô tội.”
‘Sự thuần khiết và thiện lương’ của trẻ nhỏ
Bà Schafer tin rằng “hòa bình và những giá trị tốt đẹp sẽ chiến thắng” và hy vọng những tác phẩm của mình sẽ khơi dậy sự tò mò ở công chúng. Bà nói rằng ngay cả khi khán giả dừng lại chỉ để suy ngẫm về ý nghĩa cuộc đời trong vài giây ngắn ngủi, công việc của bà cũng không phải là vô ích.
Bà cho biết: “Tôi thực sự tin rằng lối thoát duy nhất dành cho nhân loại là khi mọi người có thể tự sửa chữa những lầm lỗi của bản thân đồng thời đề cao lòng tốt và sự từ bi khi đối đãi với nhau.”
Bà Schafer đặc biệt thích miêu tả sự “thuần khiết và thiện lương” của trẻ nhỏ từ các quốc gia khác nhau trong các tác phẩm nghệ thuật của mình. “Những em nhỏ có rất nhiều điểm chung trước khi trưởng thành và bị ảnh hưởng bởi xã hội,” bà nói.
Một vài tác phẩm về trẻ em của bà đã được trưng bày tại nhiều cuộc triển lãm khác nhau, bao gồm bức vẽ “Gratitude” (Tạm dịch: Lòng biết ơn) — khắc họa hình ảnh hai chị em gái với đức tin vào Pháp Luân Công đang mặc trang phục truyền thống Hàn Quốc; và những bức chân dung về những em nhỏ trong trang phục truyền thống.
‘Phật quang phổ chiếu tại Hồng Kông’
Trong một tác phẩm sơn dầu khác, có tựa đề “Buddha Light Shines in Hồng Kông” (Tạm dịch: Phật quang phổ chiếu tại Hồng Kông), bà Schafer đã miêu tả một sự kiện có thật về một người cha và hai cô con gái. Mới đây, họ đã từ Úc đến Hồng Kông nhằm truyền cảm hứng và mang hy vọng tới cho mọi người.
“Sự kiện Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc đã trở thành cơn ác mộng đối với nhiều người”: bà Schafer đề cập đến việc Hồng Kông được bàn giao vào năm 1997 cho chính quyền Trung Cộng và cuộc chiến của người dân để giành độc lập khỏi chế độ cộng sản trong những năm gần đây.
Vào thời điểm được mô tả trong tranh — người cha và các cô con gái đang phát tờ rơi nói về Pháp Luân Công và cuộc bức hại ở Trung Quốc — Trung Cộng đã cố gắng mở rộng quy mô của chiến dịch bức hại tín ngưỡng này vươn ra khỏi đại lục đến tận Hồng Kông thông qua các nhóm mặt trận khác nhau.
Sự thiện lương, sự điềm tĩnh và lòng chân thành của ông bố trẻ người Úc cùng với lòng tốt và sự nhẫn nại của các cô con gái được thể hiện qua việc nắm giữ những bảng thông tin phía trên họ, khi họ cùng với hàng trăm học viên khác từ khắp nơi trên thế giới đến nơi đó nhằm giúp công chúng hiểu rõ về cuộc bức hại. Và nỗ lực trên cũng phần nào để đối phó với việc Trung Cộng đang gia tăng thực thi lệnh cấm đối với môn tu luyện này tại Hồng Kông.
Trên nền của bức tranh, bà Schafer quyết định lồng ghép một cảnh có từ nhiều năm trước — một nhóm lớn người Hồng Kông cầm ô, tượng trưng cho “Phong trào ô dù” của sinh viên Hồng Kông từ năm 2014, nơi những người biểu tình mang ô bên mình để che chắn sự đàn áp bằng bình xịt tiêu cay và hơi cay từ phía cảnh sát.
Bức tượng phật bằng đồng lớn của Hồng Kông trên đảo Lantau được mô tả ở góc trái trên cùng của tác phẩm tỏa ánh sáng thần thánh xuống khung cảnh bên dưới. Bà Schafer khắc họa dòng chữ “Chân – Thiện – Nhẫn” (các nguyên tắc chỉ đạo của Pháp Luân Công) trên biểu ngữ màu xanh.
Bức tranh sơn dầu “The Sea of Suffering” (Tạm dịch: Biển khổ) của bà được hoàn thành nhằm tôn vinh những mất mát mà những đứa trẻ Pháp Luân Công phải thầm lặng trải qua. Mỗi đứa trẻ được miêu tả trong tranh là một câu chuyện có thật giữa cuộc bức hại. Khi đề cập đến những em nhỏ trong tranh, bà Schafer thổ lộ: “Nhiều em đã trở thành trẻ mồ côi hoặc lạc mất thân nhân. Tôi vẽ một chiếc cầu vồng tuyệt đẹp để đưa các em lên thiên đường.” Những em nhỏ được bà vẽ trong tư thế đang ngồi trên những hoa sen trắng – tượng trưng cho “sự thuần khiết và ngây thơ” – đang vươn xa đến tận chân trời.