ELIZABETH LEV

Cảnh tượng bi thảm nhất có thể tưởng tượng là hình ảnh một người mẹ mất đi người con. Chứng kiến sự việc như vậy, hầu hết mọi người đều chùng lại trước cảm giác mất mát, và sự trống rỗng của việc mất đi người thân. Dù vậy, khi điêu khắc gia Michelangelo công bố bức tượng Đức Mẹ sầu bi – hình ảnh Đức Mẹ Maria tiếc thương trước Đấng Christ không còn sự sống – ông cũng khắc lên niềm hy vọng có thể chiến thắng nỗi đau.

Vào năm 1497, Hồng y Bilhères de Lagraulas đã ủy thác cho chàng thanh niên 23 tuổi Michelangelo Buonarroti lúc bấy giờ còn vô danh, chế tác một số tượng điêu khắc có kích thước lớn hơn người thật; đó là công trình công cộng đầu tiên của chàng trai trẻ đến từ thành Florence. Tác phẩm này đã được định trước cho nhà nguyện an táng Đức Hồng y tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Rome – khi đó là một tòa nhà nhỏ hơn nhiều so với nhà thờ đồ sộ thời nay. Bức tượng được đặt ở phía trên một bệ thờ, nơi mà những thế hệ tương lai có thể cầu nguyện cho linh hồn của vị Hồng y.

Michelangelo đã dành một năm để tìm và vận chuyển khối đá cẩm thạch duy nhất từ vùng Carrara và sau đó công bố tác phẩm hoàn thành trước sự kinh ngạc của toàn thể công chúng trong Năm Thánh của năm 1500. Năm Thánh được tổ chức 50 năm một lần, theo chu kỳ 7 năm của năm sa-bát, và được tổ chức như một năm của tự do và nghỉ ngơi. (Một năm sa-bát là một năm nghỉ ngơi, thường là năm thứ bảy, giống như ngày sa-bát, là ngày thứ bảy của tuần trong đạo Do Thái)

Những người thưởng lãm thời nay phải ngắm nhìn bức tượng điêu khắc này từ phía sau một bức tường kính sau khi bức tượng bị tấn công bằng búa vào năm 1972. Các mối hàn và vết nứt đã được sửa chữa, nhưng tấm chắn bảo vệ đã làm lu mờ tiếng nói nghệ thuật của bức tượng quyền năng này.

Những hình ảnh của hy vọng: Đức Mẹ sầu bi
Năm 1497, Michelangelo: thực hiện chuyến đi đầu tiên đến mỏ đá cẩm thạch Carrara ở vùng núi Tuscany, nước Ý, và ông đã cẩn thận lựa chọn khối đá cẩm thạch sẽ trở thành Pietà: một trong những bức tượng được ngưỡng mộ nhất của ông. “Pietà,” 1497, của Michelangelo. Đá cẩm thạch Carrara. Nhà thờ Saint Peters, Rome. (Ảnh: Tài sản công)

Chủ đề cũ được truyền tải theo cách mới

Nghệ thuật gia Michelangelo trẻ tuổi là người Ý đầu tiên điêu khắc chủ đề của bức tượng Đức Mẹ sầu bi, một chủ đề đã được các nghệ thuật gia người Đức phát triển vào thế kỷ thứ 14 và sau đó được người Pháp làm theo; người Pháp đã đặt cho chủ đề này một cái tên mang ý nghĩa “niềm thương tiếc”.

Tác phẩm này thể hiện cảnh Đức Mẹ Maria đang ôm Đấng Christ đã qua đời trước khi an táng. Đó không phải là tình huống xuất hiện trong Kinh Thánh, và các nghệ thuật gia phương Bắc đã tìm cách khơi dậy lòng thương xót qua việc làm nổi bật những vết thương của Chúa Jesus và nỗi đau của Đức Mẹ. Với những vết thương loang lổ, hở miệng trên tay, chân và phần bên hông của Đấng Christ – một cơ thể co cứng, và chiếc mão gai vẫn còn buộc quanh trán Ngài – những phiên bản đầu tiên nhằm mục đích khiến người xem cảm thấy rùng mình.

Nhưng vị điêu khắc gia đến từ thành phố Florence này còn có những ý tưởng khác. Ông đã tạc thi hài của Chúa Jesus với khớp nối và tỉ lệ hoàn hảo như của một vị thần Hy Lạp, phần tay và chân duyên dáng được đặt trong lòng của Mẹ Maria. Ông đã làm cho những vết thương vừa đủ nhìn và khuôn mặt Chúa đang chìm trong giấc ngủ yên bình. Dấu hiệu duy nhất của sự ra đi nằm ở những chi tiết được tạc một cách kỹ lưỡng trên thi hài: một đôi vai chụm lại dưới tai, cơ thịt ở đùi chảy xệ và máu đông lại ở bàn tay buông thõng, tất cả đều gợi lên sự đau buồn của cái chết.

Chuyển hướng sự xót thương của chúng ta

Điêu khắc gia Michelangelo đã sử dụng các yếu tố bi thảm của cảnh tượng để chuyển sự chú ý khỏi Đấng Christ – sự đau đớn của Ngài đã trôi qua từ lâu – đến khuôn mặt của Đức Mẹ Maria, nỗi sầu bi của bà ở mức sâu thẳm nhất. Tuy nhiên, nhìn vào khuôn mặt trẻ trung này, không hề có cái nhíu mày oán giận, không có tiếng kêu đau buồn hay nhướng mày nghi ngờ. Khuôn mặt bình yên, trang nghiêm gợi lên Đức Maria trẻ trung, trong Phúc Âm Luke, khi là một thiếu nữ thưa với sứ thần Gabriel rằng: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền.”

Đức Mẹ Maria trong tác phẩm của Michelangelo là người phụ nữ, mà khi bà thưa “xin vâng” với Chúa, là thật lòng. Thông qua thử thách giải thích với vị hôn phu Joseph về việc mang thai bí ẩn của mình, đến cứu Thiên Chúa trong một chuồng ngựa thô sơ, đến cuộc trốn chạy nhanh chóng sang Ai Cập để tránh khỏi binh lính vua Herod, lời hồi đáp “xin vâng” ấy của Đức Maria có một ý nghĩa trọng đại thay đổi hoàn toàn cuộc đời của bà.

Vào ngày thứ Sáu này, sau khi đã dành trọn 33 năm tình yêu thương cho con trai mình cũng như 33 năm kỳ vọng vào Chúa Cứu Thế, dường như sẽ thật khó chịu đựng được nếu đem tất cả tình yêu và hy vọng đó chôn vùi trong nấm mồ.

Hy vọng dẫu cho bóng tối bao phủ

Tác phẩm được tạc một cách khéo léo của Michelangelo làm nổi bật những mất mát của thời khắc ảm đạm này. Tấm màn che mặt của Đức Mẹ dường như buông lỏng, để lại một dải bóng mờ phủ quanh lông mày bà, và hợp lại thành bóng tối ở hai bên cổ bà. Những đường nếp sâu trên vạt áo và chiếc váy của bà như nuốt chửng ánh sáng, tạo thành những vùng tối.

Ban đầu [bức tượng] được đặt trong một hốc nông, thì những bóng tối nghiệt ngã hẳn bao trùm mọi phía. Không hề nao núng trước bóng tối, Đức Mẹ vẫn kiên trì với đôi mắt nhìn vào thi hài của Đấng Christ: Michelangelo đã chạm khắc tác phẩm này trong những mặt phẳng mịn nhất có thể với bề mặt được đánh bóng rất công phu. Các nhà sử học nghệ thuật sửng sốt nghĩ rằng vị điêu khắc gia này sẽ không bao giờ đánh bóng đá cẩm thạch kỳ công như vậy nữa, nhưng khi bước lùi lại khỏi bức tượng, mọi người có thể hiểu được lý do vì sao.

Đối với những bóng tối đang vờn xung quanh Đức Trinh Nữ, đôi mắt của bà bị thu hút bởi ánh hào quang tỏa ra từ thi hài con trai mình. Đức Mẹ Maria không bao giờ quên đi ánh sáng này, ngay cả trong những giờ khắc đen tối nhất – một bài học vĩnh hằng cho hàng triệu người đã đứng trước tác phẩm này, hồi tưởng lại những đau khổ và nỗi buồn của chính họ khi chứng kiến ​​Đức Mẹ đang gánh chịu nỗi đau nặng nề nhất mà bất kỳ con người nào có thể chịu đựng. Nhưng bà không đánh mất niềm hy vọng. Cấu trúc hình tháp của bức tượng làm tăng thêm cảm nhận về lòng kiên định của bà. Niềm hy vọng của Đức Mẹ Maria đã giúp bà đứng vững trong thời khắc bão tố nhất.

Giữa tất cả sự hoàn mỹ nghệ thuật ấy, có một điều bất thường len lỏi vào khung cảnh: Phần thân dưới của Đức Mẹ Maria to một cách bất cân xứng so với phần thân trên của bà. Dải nếp xếp rộng biến vạt áo bà thành một nơi trưng bày thi hài của Đấng Christ, giống như một tấm vải liệm cũng như gợi nhớ tấm lòng người mẹ đã mang nặng đẻ đau Ngài trong chín tháng.

Nhưng Chúa Jesus nằm dài qua đôi chân của Đức Mẹ, trông như không được nằm gọn chắc chắn trong lòng bà, mà trượt xuống, như thể sắp rơi xuống bệ thờ bên dưới. Bằng một tay, Đức Mẹ Maria ôm chặt con trai mình. Tay còn lại của bà mở rộng về phía người xem như lời mời gọi. Ánh sáng và niềm hy vọng đã từng là nguồn sức mạnh của Đức Mẹ không được giữ cho riêng mình, mà sẵn sàng trao tặng cho bất kỳ ai đến tìm kiếm nguồn an ủi trong những thời khắc tăm tối.

Bà Elizabeth Lev là nhà sử học nghệ thuật sinh ra tại Mỹ, giảng dạy, thuyết trình và hướng dẫn tại Rome.
Thanh Ân biên dịch 

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn